Nghề câu của ngư dân Đà Nẵng - Ngọc Giao
Đà Nẵng - một thành phố chạy dài ven theo bờ biển miền Trung, có đường bờ biển dài khoảng 92 km, với diện tích ngư trường khoảng 15.000 km2, tài nguyên biển Đà Nẵng khá dồi dào, trữ lượng tương đối lớn. Đại bộ phận ngư dân nơi đây sống thành các xóm làng ngay trên bãi cát sát biển hay lùi xa vào trong bãi một chút. Họ làm rất nhiều nghề gắn với biển như nghề lưới, mành,... đặc biệt nghề câu rất phát triển.
Nghề câu có hai dạng chính: câu đơn và câu giàn. Câu giàn là dạng câu có nhiều lưỡi câu được gắn kết với nhau và được thả cùng một lúc. Câu đơn là dạng câu chỉ có một lưỡi câu và dùng dây hoặc cần.
Câu giàn thì mỗi giềng câu kéo dài đến hàng ngàn mét, có khi cả ngàn lưỡi câu. Ngày xưa giềng câu được làm bằng dây gai, lưỡi gọng lớn bằng ngón chân cái, bây giờ giềng câu được làm bằng nilon, gọng lưỡi chỉ bằng ngón tay cái, mỗi chùm gồm 6 lưỡi câu kết lại với nhau chung quanh một trục. Đầu đài câu, người ta cột một cái phao. Đài câu là một sợi dây lớn buộc cục đá nặng vào một đầu, đến chỗ giăng câu, người ta ném cục đá ở đầu giềng câu xuống nước và bủa câu. Lưỡi câu được neo câu và giằng đá cho cách mặt đất chừng 5 cm, căng thành một tuyến dài. Khi cá mắc câu, cá càng cùng vẫy thì càng nhiều lưỡi câu quấn lại, móc nhiều thêm. Người thợ câu phải có sẵn hai phao lớn và một số dụng cụ như câu bắt có ngạnh và dao bén. Khi phát hiện được phía trước có cá lớn mắc câu, thợ câu phải cẩn thận lấy chiếc phao móc lưỡi câu gần nhất vào rồi thả xuống nước. Làm như vậy để tránh tình trạng bị cá lớn kéo ngược xuống biển hoặc bị lưỡi câu quất ngược lại vào tay. Khi đã móc lưỡi câu gần nhất vào chiếc phao rồi thì cứ để cho cá mặc sức quẩy đến khi cá đã đuối sức thì bắt lên. Câu giăng chủ yếu để câu cá hố lớn, lưỡi câu và cước câu lớn hơn cước câu và lưỡi câu bủa, có đốc dài khoảng 10 cm, gắn liền với lưỡi câu, để mỗi khi cá ăn, vùng vẫy, răng cá không cắn vào sợi dây làm đứt.
Nghề câu ở Đà Nẵng còn có câu kiều là loại câu không móc mồi, nhưng có rất nhiều lưỡi nối tiếp nhau được thả chìm dưới đáy biển, cá chạy ngang sẽ bị vướng mắc. Còn câu bủa thì mỗi ghe cũng có 4 - 5 nẹp câu, mỗi nẹp câu có từ 100 đến 150 lưỡi câu được móc mồi thả xuống biển theo chiều dài hay chiều vòng cung. Câu bủa thì lưỡi câu được tóm liền với sợi dây cước, lưỡi nhỏ hơn lưỡi câu giăng.
Câu mực thì mỗi người một chiếc xuồng riêng hoặc thúng riêng. Người thợ treo đèn măng-sông (manchon) vào một cái khung để giữ thăng bằng. Người thợ cầm một đoạn dây dài chừng 4 m đầu kia cột một cục chì nhỏ và mấy mảnh vải trắng thật đều. Lúc mực đớp mảnh vải trắng thì nó sẽ mắc vào và người thợ vớt lên, gỡ ra ngay. Trời càng tối thì câu mực càng thuận lợi. Ban đêm câu được bao nhiêu thì đến sáng người ta mổ mực và treo lên cho khô. Câu mực tuy vất vả nhưng đem lại lợi nhuận cao cho ngư dân.
Ngày nay, nghề câu mực và câu cá ngừ ở đại dương rất phổ biến. Đây là hai nghề mang lại thu nhập cao cho ngư dân. Sản lượng cá đánh bắt được không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà còn là nguồn hàng chủ lực dùng để xuất khẩu. Nhờ vào nghề câu mà ngư dân Đà Nẵng có cuộc sống ngày càng ổn định hơn.
N.G
(*) Theo lời ông Vũ Quang Thành - một học trò cũ của Hồ Thấu, bài thơ này còn có tựa đề là “Sang mùa”, được Hồ Thấu viết năm 1946, khi đang làm việc tại Ủy ban Liên kiểm Việt - Pháp tại Đà Nẵng.
Quê hương
Chiến khu mưa chiều đổ
Buồn vây nhớ quê hương
Nhà ta trống cửa ngõ
Giặc đốt trơ mảnh tường
Láng giềng vui mấy kẻ
Lạnh tanh còn ai đâu
Người tản cư lặng lẽ
Người chết chôn không sâu
Làng ta mấy trận đốt
Nhà cửa liệt tro tàn
Cây cối thiêu xơ xác
Đất chết đồng bỏ hoang
Không gà gáy, chó sủa
Không giọng hát đưa em
Bếp trưa không đỏ lửa
Hoàng hôn không ánh đèn
Nằm giữa ba đồn giặc
Rực rỡ lò hy sinh
Trên tro hồng máu đọng
Anh hùng lớp lớp sinh
Sáng ngời màu tử chiến
Da nám sắc lửa hồng
Tóc rối bừng đêm biếc
Mắt sáng ánh dao găm
Anh hùng mới mười tuổi
Du kích trốn mẹ cha
Đầu bạc không hề cúi
Chửi giặc chết cười khà
Anh hùng đoàn cảm tử
Quấn gót thù không ly
Anh hùng thân nhi nữ
Vào đồn giắt thù đi
Quặn đau từng thớ thịt
Trong non nước Việt Nam
Làng ta vui dũng liệt
Say gian khổ hờn căm
Chiều nay ai chết nữa
Mặt quen hay tình thân
Chụm hồn trong khói lửa
Cho ngày mai trong ngần
Chiến khu buồn dựng núi
Thương bạn lắm bạn ơi
Bạn ngồi trong lửa rụi
Tay máu đắp ngày mai
Ngày mai rồi rực rỡ
Làng ta còn những ai
Tay mạnh và miệng nở
Dựng huy hoàng tương lai.
1947
(Hứa Văn Ân và Hồ Thị Thuẩn sưu tầm)