Ánh trăng hồ Thiên Ân -Thanh Giang
1. Nhân một hôm cậu em vợ là Trung úy Hải quân về thăm, ông Hiền hỏi dò:
– Hồi nầy tàu hải quân của cậu hoạt động vùng nào?
– Dọc bờ biển phía Nam tới Vũng Tàu – Côn Đảo.
Để biết vậy thôi, ông Hiền hỏi sang đàng:
– Cậu coi tôi có như con gà què không?
Trung úy trố mắt:
– Anh ni hỏi chi lạ rứa?
– “Gà què ăn quẩn cối xay”!
Ông Hiền dí dỏm tự giễu mình rồi cười khà khà. Nụ cười méo mó, vành môi dày trông dễ cảm bởi đôi mắt hiền, ẩn náu niềm phấn khích một dự đồ gì đó. Tuy nhiên gương mặt ngăm đen dầu dãi phong trần hằn những đường nhăn khắc khổ trông già trước tuổi ngoài sáu mươi. Trung úy phản ứng anh rể:
– Đường đường một đại úy Tổng cục Hậu cần, anh tự hạ mình là “gà què” khó nghe!
– Hỏi cậu có đáng buồn không? - Gương mặt ngăm đen nắng gió sa sầm - Từng Tây đột Điện Biên “chấn động địa cầu”, đến Nam xông Trường Sơn chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn…. Rồi nghỉ hưu sớm vì thương vợ và chán cái cảnh: “ghế ít đít nhiều”. Thực ra, máu lính còn đầy, gân bắp còn săn. Năng lực thừa thãy thế ni mà để ở không! Bà chị cậu là cô giáo đảm đang đấy. Chồng đi bộ đội, ở nhà nuôi con giỏi dạy con ngoan. Con Xuân, chị cả vào đại học; con Hà, em kế tốt nghiệp phổ thông; trai trưởng thằng Thu đang cấp hai; thằng Đông, em út đang lớp một. Tôi về, cậu biết tôi làm gì không?
– Làm chồng, làm cha, làm… chủ nhà!
– Làm nội trợ cậu ơi! Giữ trẻ! - Ông Hiền cười khà khà chua chát - Nói theo ngôn từ hiện đại là “ăn theo vợ”. Gà què ăn quẩn cối xay một thứ! Lại còn hàng xóm họ xầm xì…
– Anh hơi đâu mà để bụng miệng đời cho mệt!
– Úy! Mưa dầm thấm sâu! Tưởng bao năm chống Pháp tới Điện Biên, chống Mỹ tới Sài Gòn, trở về chỉ có đại úy quèn, bám váy vợ! Nhục cho thằng đàn ông không cậu!
– Thế chừ anh tính làm chi?
Ông Hiền vẫn theo dòng tỉ tê:
– Cậu nghĩ. Đất hương hỏa bên nội, bên ngoại đã an bài. Giờ mình về đòi chia phần, làm xáo canh, hẩng hụt nồi cơm bà con sao phải. Lại thêm bọn tiêu cực ngồi ghế bành; hưởng thụ phè phỡn trên xương máu bộ đội chiến trường!
Câu chuyện dừng phắc. Ông Hiền tư lự. Trung úy xúc động nhân tình, vừa cảm thông nỗi niềm anh rể. Hồi lâu, hai người tiếp tục, hạ giọng thì thầm vẻ bí ẩn và tâm đồng ý hợp…
2
Cô giáo, vợ ông Hiền khoảng năm mươi, dáng người cao ráo đầy đặn, gương mặt đôn hậu, vừa đi dạy về là lao ngay xuống bếp tiếp tay với chồng vốn thuần thục bếp núc. Các con đi học về, cơm cũng dọn xong, chỉ việc rửa ráy rồi mời ông nội, mời bà ngoại, mời bố mẹ ngồi vào mâm. Mâm cơm tám miệng ăn quây quần ấm cúng. Các con vô tư nỗi niềm bố mẹ, líu lo nịnh bố bộ đội hậu cần nấu ăn ngon hơn hẳn mẹ! Bà giáo liếc yêu chồng nồng thắm lắm.
Đêm lại ông Hiền tỉ tê với vợ hiền:
– Mấy mươi năm em một mình vất vả, vừa đi dạy, vừa nuôi cha mẹ già, nuôi bầy con thơ. Hòa bình, anh về hưu sớm, những mong đỡ đần em. Nhưng em thấy đó, lương hưu ba cọc ba đồng, vật giá leo thang! Đất làng ngày càng hẹp, người đông đúc. “Phố phường chật hẹp người đông đúc/ Bồng bế nhau lên nó ở non”. Cụ Tú Xương hằng trăm năm trước đã cảnh báo người đời “kế hoạch dân số” tài thật!
Bà giáo chợt thở dài:
– Anh ông ổng chống tiêu cực thì đố xin việc ở mô cho?
– Vì thế, anh tính thoát đất làng chật hẹp, đi xa, đất rộng ra.
– Đi mô?
– Bồng bế nhau lên nó ở non, chứ còn đi mô!
– Ở non mô có chỗ dạy? Mất dạy chết đói!
– Chỗ dạy có luôn. Mà không có chẳng cần.
– Phiêu lưu quá ông ơi!
Ông Hiền bật cười khà khà:
– Thử làm “dế quèn” phiêu lưu ký, chế bản tác phẩm “Dế mèn”của nhà văn Tô Hoài một phen xem răng. Dế mèn nhưng không hèn. Phiêu lưu trời nước, vượt lên thách đố can trường!...
– Thôi, thôi! Là dế mô mà gáy dữ rứa!
Nằm nghe vợ chồng nó bàn nhau, bố già thầm lo không ngủ; sáng ra than với con trai:
– Vợ chồng mi toan bỏ xứ ra đi? Chừ bỏ hai ông bà già tám mười chết ở ni răng?!
– Cả nam phụ lão ấu đều đi tất! - Ông Hiền đáp đầy tự tin.
3
Bồng trống bầu đoàn thê tử gồm: cha già, bà cụ ngoại mấy nhỏ, cùng một vợ bốn con và đại úy… quèn, ông Hiền phiêu lưu ra nhập cư Côn Đảo; nơi sóng gió muôn trùng.
Côn Đảo gây ấn tượng khủng khiếp là xưa kia thực dân Pháp rồi thời Mỹ Diệm lưu đày khổ sai khắc nghiệt chính trị pham và thường phạm. Thực ra “bè tha hương” của ông Hiền tới nơi được chính quyền huyện đảo cho nhập hộ khẩu nhanh lẹ; bà giáo có lớp dạy ngay; các con có trường học liền. Ông Hiền vẫn được chuyển sinh hoạt Đảng. Dĩ nhiên là nhờ toan liệu của cậu em vợ Trung úy Hải quân quen thân thần thế. Ông Hiền gân bắp còn săn, chất đảng viên còn lửa, xăng tay áo tham gia củng cố chính quyền cơ sở, được bầu vào cấp ủy Đảng. Ở đất đảo, giỏi lao động, biết cách làm ăn, cộng với nhiệt tình giúp đỡ của bà con địa phương, bạn bè đồng nghiệp thì cũng mau giàu. Bấy giờ cơm no áo ấm, mỗi bữa lên mâm tôm cá ê hề, ông bà cụ thường xuýt xoa:
– Chừ sướng thì sướng ra ri!
– Rồi sẽ còn có nhà cửa khang trang nữa, bố ơi!
Ông Hiền hứa chắc mẽm, còn bà giáo thì mơ ước: có trường đại học cho các con học!
– Dễ thôi!
Bà giáo nguýt chồng:
– Dế quèn lại gáy nữa!
– Dế quèn phiêu lưu một chặng dọc ngang trời biển, ăn ngon mặc đẹp, không đáng gáy răng? - Ông Hiền cười khà khà - Bây chừ nha! Coi như ta vào được cửa sau, nghiễm nhiên là người nhà Thành phố Vũng Tàu - Côn Đảo; cửa trước đang mở ra sẵn sàng…
Có tiền, có vàng trong tay, có cậu em vợ Trung úy Hải quân hậu thuẩn, ông Hiền đã tậu được căn hộ nhiều phòng tiện nghi ở phố Bình Giã. Bà giáo thỏa mãn ước mơ: Cô Xuân tốt nghiệp đại học, có sở làm; cô Hà tốt nghiệp đại học sau chị, cũng đã có sở làm; cậu Thu đang là sinh viên đại học kinh tế; chú út Đông đang lớp 10 phổ thông. Hai ông bà nội ngoại được phụng dưỡng chu toàn. Bà giáo bấy giờ nghỉ hưu, tận tụy nội trợ cũng thấy an nhàn tấm thân; thôi chế giễu chồng dế quèn phiêu lưu. Đề huề, đình huỳnh đến thế thì “dế quèn phiêu lưu” cũng đáng vinh râu mà gáy khúc hoan ca…
4
Ông Hiền khẽ trở mình. Ván sạp khua lắc rắc. Nghe ê ẩm cả người, ông tưởng chừng xương cốt rệu rã kêu lên. Bất thần bị một đạp. Hai ống xương chân gầy khắc vào nhau. Đau điếng! Một giọng ngái ngủ càu nhàu:
– Bố không ngủ được thì bố nằm yên cho; cứ lăn lộn hoài bố ai ngủ được!
Đau ứa nước mắt, ông Hiền lồm cồm ngồi dậy, xoa bàn tay xương xẩu lia lịa vào hai ống chân xương lưỡi hái bén ngót. Ôi! Tên cái ống xương chỗ nầy đến già mới cảm nhận thật là đúng nghĩa. Nghe bớt đau, ông bỏ chân xuống quờ tìm đôi dép Thái, lọ mọ bước ra hiên. Đêm rừng núi sương phủ âm u. Trời hiu quạnh không một vì sao mờ! Ông Hiền men ra mé tường, dò tìm một loại dây leo, bứt được một sợi; khoanh tròn cầm tay. Phía vọng gác một bóng người bước ra nhìn nhìn. Ông Hiền giấu cuộn dây, đi vào. Nhưng không vô sạp nằm, ông ngồi nơi băng ghế gỗ bên vách trại lắng nghe hồn đau quặn thắt. Đau thể xác còn có lúc tan, hơn là nỗi đau tâm hồn chỉ có chết mới nguôi! Ôi! Con cá chỉ thấy miếng mồi. Ban đầu mua cổ đông ba công ty liên hợp: Công - Thương - Tín. Thí điểm của tỉnh , mới mẻ lắm! Làm ăn phát đạt, lợi nhuận ban đầu thấy mê, báo chí, ti-vi “thổi” lên vù vù. Ông tham gia viết báo ca ngợi thời đổi mới. Thiên hạ bốc thơm, “dụ khị” bùi tai trượt đà phiêu lưu nhảy vô làm giám đốc ba công ty liên hợp đó. Làm phát triển nhanh quá… vỡ nợ! Chẳng qua bản tính hiền quá, hóa ngu, bị dụ, bị lừa, bị giựt! Lời Lão Tử đọc làu làu: “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi”. Tại mình không biết đủ, không biết dừng thì lâm nguy thôi! Tai họa suy cho cùng con người tự đem đến! Khi được “bốc thơm”, hỉnh mũi hít hương phù hoa. Gió bay hương rồi: dế quèn gáy khúc phiêu lưu trong nhà đá!... Ôi! Ba mươi năm quân đội. Sáu mươi lăm tuổi đời, hai mươi năm tù giam, chết mất quyền công dân, còn đâu là danh dự Bộ đội Cụ Hồ! Thôi thà chết quách hơn kéo dài cái nỗi tam sầu bạch xác! Hằng tháng nay ông ngấm ngầm tuyệt thực, bới cơm nửa bát, ngồi nhai thật lâu. Ngày càng gầy như bộ xương mà cái chết không chịu đến. Đêm yên lặng như cõi âm ty. Người gác đã trở vào vọng gác. Ông Hiền ráng sức vác cái băng ghế ra phía sau trại, tìm sợi dây rừng đã giấu, nối với sợi vừa bứt, tằn mằn thắt cái thòng lọng. Chân run rẩy bước lên băng ghế, ông cột mối dây vào kèo nhà, song đuối sức, ông ngồi trở xuống thở dốc. Cái chết lại dùng dằng. Một lúc đỡ mệt, ông Hiền đứng lên buộc lại dây thòng lọng, so ướm vừa tầm khi đạp cái ghế… Ông Hiền vừa đút đầu vô thòng lọng chưa kịp đạp ghế, bất thần một tiếng gọi khẽ sát bên:
– Ông Hiền! - Cùng lúc một vòng tay ôm lấy ông.
Hành động của ông không qua mắt anh công an vọng gác. Vả lại thái độ nhịn ăn của ông Hiền cũng được tổ tự quản báo cáo với Giám thị Minh. Sau khi cùng cán bộ trại tháo thòng lọng, thả ông Hiền ngồi xuống ghế, Giám thị Minh bồi hồi vuốt tấm lưng ông Hiền cộm lên những rẻ xương sườn cùng những đốt xương sống nhọn lểu, ôn tồn:
– Đi vội thế không sợ Bác quở sao? Phải sống để chuộc lại danh dự là Bộ đội Cụ Hồ chứ!
Câu nói đánh trúng nỗi nhức nhói, ông Hiền ngoẽo đầu vào vai Giám thị, lã đi, thều thào:
– Ôi! Oan khúc kêu trời không thấu! Các phần hùng giựt tôi mười tỷ rưỡi; trong khi tôi nợ Ngân hàng bảy tỷ!…Tòa quy tội đem ra xử! Tôi có hề tham nhũng cái gì đâu?...
– Cảm thông lắm lắm! - Giám thị Minh cầm lấy cườm tay như que tre của ông Hiền vuốt nhè nhẹ - Sự đã rồi thì suy ngẫm bởi vì đâu? Rồi lo cứu vãn tình thế tốt lên. Ông hẳn thấy câu ngạn ngữ Anh trên bức tường trước cổng? “THERE IS NO SENTIMENT MORE NOBLE THAN HUMANSHIP”. Không có tình nào cao cả hơn lòng nhân ái….
5
Nắng hè giữa trưa mà mát lừng. Gió từ mặt hồ Thiên Ân mênh mông du êm không khí trong lành. Lòng hồ của cụm đập thủy điện không những cung cấp điện thắp sáng cả vùng dân cư mà còn mang ý nghĩa đổi đời là giữ nước cho miền đất hoang sơ khô cằn trở nên xanh tươi cỏ cây hoa lá; phong phú lượng thuỷ sinh vật phù du nuôi sống cá tôm muôn loài. Hồ nhân tạo, nhưng những người đi mở đất đặt tên là Hồ Thiên Ân. Giữa hồ nổi gò đất cao, người ta xây lên đó cái tháp tạo dáng như tháp rùa ở Hồ Gươm.
Ngôi nhà lá của ông Hiền xa trông như nằm sát mặt hồ, đến gần là nền đất được đắp lên khá cao. Con chó xám tro vá trắng chợt chạy ra mừng rối rít, chồm hẳn lên chàng trai thư sinh mười tám. Thì ra mỗi hè, cậu Đông, trai út ông Hiền từ Vũng Tàu lên thăm bố. Ngoài nắng mới vào, khuôn mặt Đông no đầy đỏ lưỡng, nhễ nhại mồ hôi. Ả mèo mướp ngủ trên chái nhà nghe nghí ngố nhảy xuống ve vẩy đuôi. Đàn gà choai giật mình bay táo tác, động lây đến đàn gà con bên ngoài đang kiếm ăn trong mớ củi đuốc bừa bộn chạy ríu rít. Út Đông miệng líu lo mừng bố, tay lấy quà ra: nào nước mắm nhỉ Phan Thiết của mẹ, nào nho, táo, trà bánh của các anh chị…Rồi mắt nhìn tới đâu cậu mó tay tới đó để dẹp đôi giày ống chiếc đứng, chiếc nằm, gom mớ câu cắm ngang dọc, xếp vào bên vách với câu giăng…Nhìn tới giường ngủ mùng mền bừa bộn như khi thức dậy, phía đầu nằm lăn lóc mấy cuốn sách, cuốn dầy nhất là Thuật dưỡng sinh của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, cậu con cười vui tán dương:
– Ở một mình, tự do sinh hoạt cũng sướng bố nhỉ?
Ông Hiền vẫn cố tật cười khà khà, hỏi con thi cử thế nào? Đông đáp:
– Con tốt nghiệp phổ thông loại ưu, bố ạ!
– Giỏi! Vậy con định thi vào đại học ngành chi?
– Con định thi luật. Học luật để biết tránh con đường của bố phạm!
- Thằng cha mi! - Ông Hiền mắng yêu rồi dịu giọng - Theo bố khoa ngành chi cũng tốt. Miễn hành xử thăng bằng theo luật âm dương. Chớ hiền lành với ma, thật thà với quỷ. Câu: “Cả tin nên mắc, cả nghe nên lầm!” của người xưa vẫn còn giá trị hiện đại.
– Con xin lỗi bố! Còn “dế quèn”phiêu lưu là sao?
– Thằng cha mi! - Ông Hiền lại mắng yêu, rồi bật cười dài, vỗ mạnh vai thằng con - Mi hỏi mắc bố hỉ? Là trả giá! Là khám phá chân lý từ chính mình. Thôi dẹp chuyện đời. Con ăn cơm “tù” với bố cho vui nghe.
– Bố!…Bố vẫn mặc cảm, mỉa mai mình chi!
– Dám gọi đúng tên sự thật ra không dễ mấy ai đâu nghe con!
Khi lên mâm nhìn tới các món nào là cá lóc kho tiêu, cá rô nướng dầm nước mấm gừng, nào cải bẹ xanh xào thịt heo, còn cơm thì rất thơm, cậu con buột miệng nói vuốt theo bố:
– Cơm tù mà thế này thì con cũng thích ở tù.
– Chớ có nói xàm nó xúi quẩy!
– Bố tài thật! - Đông chữa sai, tán bố - Ở một mình tự nuôi sống mình, không tài sao! Thảo nào dạo này trông bố mập ra, hồng hào! Năm ngoái vô thăm, thấy bố ròm rĩnh như bộ xương cách trí phát rầu!
Giọng miền ngoài của ông Hiền lại lên bổng xuống trầm, khi ấm áp, lúc ngọt ngào:
– Phải nói nhờ tấm lòng của Ban giám thị. Ban Minh sau khi cứu bố thoát chết, cho săn sóc đặc biệt, khỏe ra. Rồi biết sửa mình, đóng góp nhiều sáng kiến đánh bắt cá lòng hồ, tham mưu xây dựng các công trình, được đặc ân cho ra lô. Ra lô là cất cho cái nhà ni nè.
– Ngôi nhà hai gian một chái, coi điền dã mà rất nên thơ! – Út Đông tán thưởng kiểu học trò.
– Đây là thí điểm của trại. Tới đây sẽ cất nhà ngói để cấp cho diện người như bố. Nhờ lòng nhân ái ban Minh nghĩ ra cách nầy. Chứ nếu còn để ở chung lán trại tập thể thì chắc nay bố đã thành đất rồi! Ôi, từng là bộ đội Cụ Hồ mà chết không phải là công dân thì chết làm sao nhắm mắt! Ra đây, ở bên hồ Thiên Ân, nghĩa là ơn trời! Biết tận dụng của trời cho, bố tạo ra nhiều công cụ bắt tôm cá…Cá tôm ăn không hết bố đem tặng bếp ăn tập thể, lớp bán, mua gà nuôi…
Ả mèo mướp đến cọ cọ vào lưng chủ, ông Hiền lấy dĩa xúc cơm gắp cá cho mèo ăn. Con chó vá cũng sà đến. Ông Hiền mắng:
– Mầy thấy mèo làm nũng cũng cà nanh. Mọi hôm thì răng?
Chó vá biết lỗi ngoắc đuôi đi ra sân. Ông Hiền lấy làm khoái, tán với cậu con:
– Bố nuôi chó mèo. Buồn nói chuyện với chó mèo cho có cớ mở miệng hả hơi. Mà nói nó biết nghe thật sự. Đấy, con thấy không! Đến bữa ăn, bố bảo đi chổ khác là đi ngay, khi nào gọi cho ăn nó mới ăn. Nuôi con vật, dạy biết khôn làm cho con người khoái cảm, trầm tính lại, nỗi niềm khuây đi…Tâm hồn nhờ thế mà thảnh thơi để còn muốn sống những ngày cải tạo hữu ích; để còn hy vọng trở về đời sum hợp vợ con…
Đêm ấy cha con ông Hiền ấm áp chung chăn, thủ thỉ chuyện tiền tài nhân nghĩa, ở hiền gặp lành. Ngoài thềm hương nguyệt quế nồng nàn len vào dỗ giấc. Út Đông thính mũi hít hà thốt lên:
- Mùi hoa gì thơm ngọt ngào thế, bố?
- Nguyệt quế đó con. Hiếm có loài hoa nào nở hoa hòa hợp tuần trăng.mỗi tháng thường nở vào hôm trăng rằm. Ồ! Đêm nay trăng rằm, mừng con bố quên mất thưởng trăng. Thôi bố con mình ra ven hồ Thiên Ân ngắm trăng đi con.
Cậu Đông thích chí chổi dậy theo bố liền. Bố con ngồi trên cái băng ghép bằng ba thớt đá núi; hai thớt ngắn âm chiều đứng xuống đất, thớt dài mặt phẳng lỳ đặt lên, tạo cảnh quan sẵn nhiều cái bên ven hồ cho . Trăng rằm về khuya chênh chếch đỉnh đầu, sáng vằng vặc. Cá đớp trăng lách chách dợn lấp lánh mặt hồ, hoà tiếng dế nỉ non bên luống hoa như một khúc ru êm.
Ông Hiền mơ về miền quê bạt ngàn cát trắng. Lộng nền biển xanh biếc là rừng thông xen phi lao màu khói lam. Vượt trội phi lao, thông vươn cao lồng lộng biển trời. Gió reo vi vu…
Nguồn: http://nhavantphcm.com.vn/