Xuân Kỷ Hợi nói về hình tượng lợn trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn - Lê Khắc Niên

18.01.2019

Xuân Kỷ Hợi nói về hình tượng lợn trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn - Lê Khắc Niên

Huế là kinh đô cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Trải qua 143 năm (1802-1945), vương triều Nguyễn đã để lại nhiều công trình văn hóa có giá trị trên vùng đất Phú Xuân (cố đô Huế ngày nay). Một trong những công trình tiêu biểu trong tổng thể các giá trị văn hóa mà vương triều Nguyễn để lại chính là Cửu đỉnh (9 cái đỉnh lớn). Các vua triều Nguyễn lấy tên Cửu Đỉnh đặt tên cho các miếu hiệu, mỗi đỉnh ứng với một vị vua: Cao Đỉnh là miếu hiệu của vua Gia Long, được đặt ở chính giữa, tiếp đó là Nhân Đỉnh (Minh Mạng), Chương Đỉnh (Thiệu Trị), Anh Đỉnh (Tự Đức), Nghị Đỉnh (Kiến Phúc), Thuần Đỉnh (Đồng khánh), Tuyên Đỉnh (Khải Định). Riêng Dụ Đỉnh và Huyền Đỉnh chưa được đặt tên miếu hiệu của vị vua nào thì triều Nguyễn đã sụp đổ. Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng cho đúc vào năm 1835, đến năm 1837 thì hoàn thành.

Đến nay, Cửu Đỉnh vẫn còn rất nguyên vẹn được đặt trước Hiển Lâm các, đối diện với Thế miếu trong Đại nội Huế. Cửu Đỉnh là một cuộc triển lãm những tác phẩm mỹ thuật rất tinh tế của những nghệ nhân tài hoa, là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước và ước mơ triều đại mãi vững bền, hùng mạnh. Tất cả 162 mảng hình trên Cửu đỉnh là 162 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng nước ta, giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học hồi đầu thế kỷ XIX.

Mỗi đỉnh khắc 18 hình ảnh khác nhau không trùng lắp và có chú thích bằng chữ Hán, mỗi họa tiết không chỉ đơn thuần là những đường nét chạm khắc tinh tế mà đó còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Cửu Đỉnh được coi là bách khoa thư về cuộc sống con người Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ XIX, là di sản văn hóa quý hiếm, có giá trị nhiều mặt của văn hóa Huế nói riêng, cả nước nói chung. Đó còn là sản phẩm thể hiện đỉnh cao trong nghệ thuật đúc đồng của nước ta ở thế kỷ XIX. Trong nhiều họa tiết được khắc trên Cửu Đỉnh, đáng chú ý có hình ảnh về con lợn (heo) được thể hiện trên Tuyên Đỉnh.

Sách “Đại Nam thực lục” chép: “Tuyên Đỉnh, khắc các hình: mây, núi Duệ Sơn, núi Đại Lãnh, sông Lam, sông Nhị Hà, chim yểng, con lợn, con giải, cá hậu ngư, hoa trân châu, quả long nhãn, củ lạc, tổ yến, cây trắc, cây gừng, thuyền lê, cái nỏ. Tuyên Đỉnh cũng như tám đỉnh khác đều khắc rất đa dạng về thiên nhiên đất nước với những hình ảnh tượng trưng cho từng vùng miền cũng như những điểm chung của cả nước. Trong đó, hình ảnh con lợn (heo) được thể hiện rất sinh động và nổi bật. Lợn là một trong 12 con giáp theo quan niệm địa chi của người phương Đông. Việc được khắc hình ảnh trên Tuyên Đỉnh cũng đã cho thấy con vật này có một vai trò quan trọng trong đời sống bởi 153 họa tiết được khắc trên Cửu Đỉnh đều là những hình ảnh đặc trưng.

Trên Tuyên Đỉnh, hình ảnh con lợn được chú thích rõ ràng bằng chữ Hán là “Thỉ”. Thỉ, tục danh con heo, tức con lợn, còn gọi là trư, là đồn, là khải, là trệ, là phần. Sách Lễ ký chép là cương lạp. Lợn là con vật nuôi cung cấp nguồn thực phẩm và rất có ích với đời sống con người. Theo Đông y, thịt heo nạc có vị ngọt, hơi mặn, tính bình, là nguồn dinh dưỡng có giá trị trong đời sống, hiện diện trong từng bữa ăn hằng ngày của đại đa số các gia đình Việt Nam, đặc biệt lợn còn được nuôi để hiến tế thần linh, dâng cúng gia tiên hằng năm. Ngoài ra, lợn cũng là con vật đem lại nguồn thu nhập cho các ngành công nghiệp

thuộc da.

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, con lợn được thể hiện rất sinh động qua các bức tranh dân gian, hình ảnh con lợn hiện hữu trên lịch tường gia đình để thể hiện sự sung mãn, phồn thực, vui vẻ hạnh phúc. Con lợn trong quan niệm văn hóa cổ truyền thuộc dòng Âm ôn hòa nhã nhặn, sinh nở đầy đàn nên yếu tố phồn thực được đề cao trong loại tranh dân gian, chúc tụng năm mới gặp nhiều may mắn, con cháu đông vui, phúc lộc. Bức tranh lợn đàn là biểu tượng của sự sung túc, no đủ, phồn thực. Lợn được nhân cách hóa ở nhiều câu chuyện ở nhiều vùng miền khác nhau của nước ta. Bên cạnh đó, nó còn là hình tượng được thể hiện trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau như: điêu khắc, hội họa, âm nhạc... Thậm chí, hiện nay nhiều người còn xem lợn là vật nuôi thân thiện, đi đâu cũng mang theo.

Đối với Việt Nam chúng ta, dù được xem là biểu tượng của sự may mắn và trù phú như thế, con heo trong dân gian Việt Nam mang nhiều hình tượng tiêu cực. Nói đến heo là người ta nói đến tính lười biếng (lười như heo), ham ăn, bẩn thỉu, và ngu (ngu như heo)...

Sự kỳ thị của nhân gian đối với con lợn là như vậy nhưng nó vẫn chi phối nhiều trong đời sống xã hội vì hiện diện trong đời sống hằng ngày, là ngành chăn nuôi đóng góp tỷ trọng cao trong nền kinh tế của đất nước. Với vua Minh Mạng, việc chọn con lợn để khắc lên Tuyên Đỉnh trong Cửu Đỉnh đã thể hiện vị trí quan trọng của loài vật này bởi có rất nhiều loài vật khác được dân gian có quan niệm tốt hơn nhiều nhưng hình ảnh con lợn vẫn được chọn để đại diện cho những tinh túy nhất. Qua đó để ta thấy được rằng, loài lợn có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống cộng đồng của người Việt.

L.K.N

Bài viết khác cùng số

Mùa Xuân - Ai may áo mới? - Nguyễn Thị PhúTết đến nơi rồi! - Hồ Thị Thùy TrangThổi đi từng cơn gió bấc - Nguyễn Nhã TiênTôi, mẹ chồng và bánh ít Tết... - Y NguyênNghe mưa chờ Tết - Phan trang HyBến đời - Nguyễn Thị Thu SươngĐÀ NẴNG MÙA XUÂN MỚI Phát triển Đà Nẵng theo hướng hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc - Xuân HoàngĐà Nẵng vươn cao từ những cây cầu - Đinh Thành TrungPhố mãi còn xuân - Dân HùngTản mạn cát và Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngVề phía mùa xuân - Mỹ AnLãng mạn núi - Ngô Hà PhươngChiều - Xuân CừMái rạ mục nát ẩm ướt - Nguyễn Kim HuyTháng Chạp - Vỹ NguyênChưa... - Nguyễn Như CầuÝ thơ cuối năm - Nguyễn Nho KhiêmNgựa giả, ngựa thật - Mai Hữu PhướcSáng mùng một đi chùa - Nguyễn Thánh NgãNgày Tết nghe bạn hẹn quay về - Thái Bảo Dương ĐỳnhNguồn cội - Hoàng Thụy AnhĐêm cuối năm - Nguyễn Tấn OnTháng Giêng lỗi hẹn - Thủy AnhHoa Tết - Nguyễn Xuân TưTình xuân - Xuân DiệuNhững cơn mưa cuối đông - Tăng Tấn TàiTự tình mùa xuân - Long VânĐợi mùa - Vạn LộcXuân với đời người, đời cây - Trương Đình ĐăngƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiLúc lòng nguyên đán - Phan ChínBiển đêm - Trần Trình LãmNgàn lau - Lê Anh DũngNhớ Mẹ! - Võ Zuy ZươngDiễn - Nguyễn Hoàng ThọNỗi nhớ cong vênh - Thụy SơnĐi dạo sớm - Nguyễn Đông NhậtHương mùi của mẹ - Võ Thi NhungTrong khu vườn thư viện cổ - Lương Kim PhươngMùa gieo tình - Nguyễn Nho Thùy DươngCó thể là bình yên... - Đinh Thị Như ThúyNhững câu thơ trong đêm - Bùi Công MinhTạm biệt Stung Treng - Đỗ Như ThuầnRiêng cho Đà Nẵng - Huỳnh Thúy KiềuĐà Nẵng và em - Hà Thị Vinh Tâm“Hoa lạc, hoa khai, chỉ thị xuân” - Quế HươngCon lợn trong văn hóa Việt - Huỳnh Thạch HàXuân Kỷ Hợi nói về hình tượng lợn trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn - Lê Khắc NiênCó một Phan Khôi trong đời thường - Vân TrìnhGiữa ngả đường xuân gặp Phạm Văn Hạng - Trần Trung SángCuối năm nhớ bạn thơ - Nguyễn Ngọc HạnhDiễn biến của câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt trong sân khấu - Nguyễn Thị Thanh VânTết về xứ Quảng xem Tuồng - Hoàng Hương Việt