Con lợn trong văn hóa Việt - Huỳnh Thạch Hà

18.01.2019

Con lợn trong văn hóa Việt - Huỳnh Thạch Hà

Năm Đinh Hợi theo Âm lịch, năm mang tên con vật cuối cùng trong vòng tuần hoàn 12 con giáp, đó là con lợn (còn được gọi là heo). Lợn không chỉ là loài vật nuôi gần gũi với con người, được sử dụng làm thực phẩm hằng ngày, làm vật phẩm cúng tế thần linh mà còn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt.

1. Đối với người Việt, một dân tộc có nền văn minh lúa nước lâu đời thì con lợn có mối quan hệ gắn bó thân thiết. Từ xa xưa, những sản phẩm từ cây lúa, cây chuối, củ sắn, củ khoai,... không chỉ nuôi sống con người, mà còn được tận dụng dùng để chăn nuôi. Hầu như ở khắp các làng quê người Việt, nhà ai cũng thường nuôi vài con gà, đàn lợn để tận dụng cơm thừa, canh cặn, hạt cám, vừa có thêm nguồn thực phẩm cho gia đình, hoặc đem bán lấy tiền phục vụ những nhu cầu khác.

Trong bữa ăn hằng ngày của người Việt, thịt lợn dường như chiếm vị trí quan trọng. Ngày trước, khi đời sống còn khó khăn, nhu cầu chỉ cần ăn no thì thịt lợn thường chỉ được biết tới là kho, luộc, hầm. Nhưng ngày nay, đời sống người dân được nâng lên, ăn ngon đã trở thành mục tiêu thì những món ăn được chế biến từ lợn cực kỳ đa dạng, phong phú như: nướng, tái, xào, nhúng dấm, làm chả, giò thủ, nem... Chính vì vậy, ẩm thực từ thịt lợn đã được người xưa đúc kết thành ca dao: "Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi".

2. Con lợn không chỉ có vai trò cung cấp thực phẩm hằng ngày mà còn có vai trò quan trọng trong những ngày lễ Tết. Trước hết, lợn đi vào lễ nghi, phong tục bởi nó là con vật được dùng để hiến tế của làng xã. Lợn dùng tế lễ thường có chế độ chăm sóc riêng, rất cẩn thận và được bà con trong làng không gọi một cách thông tục, mà dùng những từ ngữ biểu lộ sự trân trọng, tôn kính như: Ông Lợn, Ông Ỉ... Ở miền Nam, thịt lợn đỏ (thịt heo quay) được coi là điềm lành, may mắn cát tường nên lợn tế thường để cả con mà quay.

Ngày trước, trong những ngày Tết, giỗ chạp, cưới hỏi, ma chay, khao vọng, thịt lợn là món ăn ngon và phổ biến nhất. Để chào đón năm mới, việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm diễn ra từ rất sớm. Ở nông thôn người ta thường để lại một con trong đàn lợn nuôi cả năm để ăn Tết. Nếu những nhà không đủ điều kiện sẽ rủ vài nhà cùng nuôi chung, hoặc góp tiền mua chung lợn rồi làm thịt chia nhau để mỗi nhà ai cũng có một cái Tết đầm ấm, hạnh phúc.

3. Trải qua quá trình gắn bó lâu dài, hình ảnh con lợn dần dần đi vào thơ ca, ca dao tục ngữ của người bình dân cũng như trong những tác phẩm văn học. Trong tác phẩm Lục súc tranh công (nghĩa là sáu con vật nuôi trong nhà tranh nhau công trạng) là một truyện Nôm khuyết danh tác giả nổi tiếng trong nền văn học dân gian Việt Nam, thì sáu con vật gồm trâu, chó, ngựa, dê, gà và lợn tranh nhau kể công trạng của mình đối với chủ. Mỗi con vật đều cho rằng mình là quan trọng nhất, con lợn (heo) trong truyện bị gà chê là chỉ biết ăn ngủ, hình dạng xấu xí không được ích lợi gì, ăn phí của: "Heo ăn rồi ngủ ngáy sì sì/ Giả ngây dại, biết gì việc chủ/ Ngắm diện mạo, dị hình, dị thú/ Xem dung nhan khác thế lạ đời/ Như nuôi chơi, chẳng phải giống chơi/ Chạy rau cám, như tiền nội án/ No đú mỡ, nhảy quanh, nhảy quất/ Đói xép hông, cắn máng, cắn chuồng/ Mỗi một ngày ba bữa ròng ròng/ Đã chẳng thấy bữa nào sai chạy/ Bán bối gì mà người yêu vậy?/ Mù quáng chi mà phải báo cô?".

Lợn cũng lập tức bác bỏ những lời chê trách của gà và khẳng định vai trò quan trọng của mình, việc gì cũng phải có mình mới xong, đặc biệt còn nhắc tới vị trí quan trọng của mình cả trong lễ tế trời đất ở đàn Nam Giao: "Chú gà chớ lung lăng múa mỏ/ Giữ, có ngày cắn cổ chẳng tha!/ Ghét thương thì mặc lượng chủ nhà/ Chớ thóc mách kiếm lời phỉ báng/ Như các chú lao đao đã đáng/ Heo thong dong ăn nhảy mặt (mặc?) heo/ Nội hàng trong lục súc với nhau/ Ai sánh đặng mình heo béo tốt/ Vua ngự lễ Nam giao đại đột/ Phải có heo mới gọi tam sanh/ Đừng đừng quen lời nói lanh chanh/ Bớt bớt thói chê ai ăn ngủ/ Kìa những việc hôn nhân giá thú/ Không heo ra, tính đặng việc chi?/ Dầu cho mời năm bảy chuyến đi/ Cũng không thấy một người thấp thoáng/ Việc hòa giải, heo đầu công trạng/ Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù/ Nhẫn đến khi ngu phụ, ngu phu/ Giận nhau đánh giập đầu, chảy máu/ Làng xã tới lao đao, láu đáu/ Nào thấy ai gỡ rối cho xong/ Khiêng heo ra để lại giữa dòng/ Mọi việc rối liền xong trơn trải/ Phải chăng, chăng phải/ Nghĩ lại mà coi/ Việc quan, hôn, tang, tế, vô hồi/ Thảy thảy cũng lấy heo làm trước".

Sau đó, lợn đã nói với chủ nỗi khổ cực của mình, trong công việc của chủ thì hết lòng hết dạ dù thịt nát xương tan và cũng không có ý định khoe công trạng nhưng vì bức xúc bởi những lời xúc xiểm của gà nên mới lên tiếng: "Bởi gà nhỏ nói lời lấn lướt/ Nên phải phân ít chuyện mà nghe/ Dễ heo nào có dạ dám khoe/ Khắn khắn cũng lo làm việc phải/ Heo cũng biết đền ơn báo ngãi/ Heo cũng hay tiêu họa, trừ tai/ Toái thân phấn cốt chi nài/ Nát thịt tan xương bao quản?/ Lòng thờ chủ ngay đà tỏ rạng/ Thân mình này ví bẵng như không/ Tại chú gà lời nói khùng khùng/ Mới sinh sự so đo trường đoản".

Qua những câu thơ trên, tác giả khuyết danh đã phác họa rõ nét chân dung, đức tính của lợn như dễ nuôi, có nhiều lợi ích kinh tế, cũng như thịt lợn được dùng trong những chuyện lớn chuyện nhỏ của đời người.

4.Trong tình yêu đôi lứa, người dân cũng mượn hình ảnh con lợn, một trong những lễ vật cưới xin không thể thiếu, làm một phương tiện nghệ thuật để tán tỉnh, làm quen các cô gái: "Cô kia đi chợ Hà Đông/ Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi/ Anh đi chưa biết mua gì/ Hay mua con lợn phòng khi cheo làng". Hay dùng hình ảnh đó để  tỏ tình một cách kín đáo và ý nhị qua câu chuyện nhờ vá áo: "...Đến khi lấy chồng anh lại giúp cho/ Giúp cho một thúng xôi vò/ Một con lợn béo, một vò rượu tăm". Khi tình yêu nam nữ bị ngăn cản, chia rẽ, cấm đoán, hình ảnh con lợn lại một lần nữa được mượn để chàng trai than thân trách phận: "Yêu nhau chả lấy được nhau/ Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già". Rồi lại thể hiện ước mong: "Bao giờ sum họp một nhà/ Con lợn lại béo, cau già lại non".

Dân gian đúc kết qua nhiều thế hệ nhận ra rằng hình tượng nghệ thuật chính là bắt nguồn từ xúc cảm hiện thực, cho dù hiện thực đó giản dị biết bao. Câu chuyện đối đáp về anh học trò Nguyễn Nghiêu Trư, vì bố làm nghề mổ lợn nên lấy tên Trư đặt cho con (Trư là lợn), bị bạn bè chế giễu, bắt phải đối: "Lợn cấn ăn cám tốn". Không ngần ngại, Nguyễn Nghiêu Trư trả lời đầy kiêu hãnh: "Chó khôn chớ cắn càn". Lấy hình ảnh con lợn đưa vào câu đối để giễu cợt, nhưng qua đó cũng khuyên người đời không nên khinh thường người khác kẻo rước họa vào thân.

5. Hình ảnh con lợn còn được các nghệ nhân dân gian thể hiện độc đáo qua nghệ thuật tạo hình dân tộc như tranh dân gian, điêu khắc... Trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, tranh lợn với ý nghĩa chúc tụng năm mới gặp nhiều may mắn, con cháu đông vui, phúc lộc. Nhưng mỗi dòng tranh thì hình ảnh lợn được các nghệ nhân dân gian thể hiện khác nhau. Lợn trong tranh Đông Hồ thường có hai kiểu: "Lợn ăn cây dáy" và "Lợn nái". Hai kiểu tranh đều có cái nhìn mang tính trang trí cao, hình tượng được chắt lọc và điển hình hóa. Hình các con vật được viền bởi những nét khắc chắc khỏe mà mềm mại, không chỉ đẹp mà còn đúng về đặc điểm hình thể. Con lợn nào cũng có xoáy âm dương được trang trí trên mình để thể hiện sự sinh sôi, phát triển. Tranh Đông Hồ được làm từ vỏ điệp, sắc trắng có ánh lấp lánh, màu vàng từ hoa hòe hay hạt dành dành, màu đỏ vang từ gỗ cây vang, đỏ son từ đất son, xanh lá cây là gỉ đồng, xanh chàm từ lá chàm và đen là than rơm nếp. Bởi thế mà thi sĩ Hoàng Cầm ca ngợi: "Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp".

Con lợn trong tranh Kim Hoàng có hình tướng khác hơn, có vẻ tạo hình phóng túng hơn và ít chiều theo sự mô phỏng tự nhiên. Hình tượng con lợn được cách điệu nhiều hơn, với nét vẽ tay phóng khoáng; cái mũi với hai lỗ mũi đã biến mất, thay vào đó là một hình dáng như một họa tiết mây trong vốn cổ, các nét vẽ dọc thân để làm nhịp của hình thêm vui.

Tranh Hàng Trống lại mang một bản sắc riêng và thẩm mỹ của dân thị thành. Khuôn khổ của tranh Hàng Trống cũng lớn hơn nhiều so với các dòng tranh dân gian khác. Hàng Trống vẽ cảnh chợ quê nhất thiết phải có hình ảnh ông lái lợn với chiếc nón hình quả bứa hoặc chít khăn đầu rìu, có vài rọ lợn bày xung quanh.

Người nghệ nhân dân gian còn tạo nên một hình ảnh cực kỳ dễ thương là hình ảnh chú lợn bằng đất nung hay gọi là heo đất. Hình ảnh chú heo tươi cười rạng rỡ, trên lưng có khoét một rãnh nhỏ có lẽ là hình ảnh quen thuộc với tất cả mọi người. Nuôi heo đất là một hình thức tiết kiệm dễ dàng. Đặc biệt trong những ngày Tết thì trẻ con được lì xì bỏ heo để qua năm mới mua được những món mà mình thích. Hình ảnh con lợn được các nghệ nhân điêu khắc nâng lên một tầm nghệ thuật cao hơn khi được khắc lên Tuyên Đỉnh (một trong Cửu Đỉnh) của triều đình Huế vào thời Minh Mạng (1802 - 1945) thể hiện ước mơ cho dân phồn thịnh, giàu có.

6. Tuy lợn mang lại rất nhiều lợi ích cho đời sống người dân, nhưng bên cạnh đó, với những đặc tính của loài lợn thì các tác giả dân gian cũng khái quát thành nhiều câu thành ngữ, tục ngữ để phê phán thói đời. Bởi chúng là loài ăn tạp, ăn bất cứ thứ gì chúng tìm thấy, cho nên mới có câu "ăn như lợn" để chê những kẻ tham ăn. Chúng còn là loài ở bẩn, có thể trằn mình ở ngay vũng bùn hay phân của chúng nên dân ta lại có câu "nhớp như lợn" để phê phán những người nào ở bẩn. Hay khi nói chuyện đời, phác họa tính cách, thói quen hoặc phê phán, trách khéo nhau trong nếp sống, sinh hoạt, hình ảnh con lợn cũng được mượn và nhắc tới rất nhiều trong thành ngữ Việt. Ví dụ ám chỉ người vụng về, hậu đậu, thành ngữ có câu: "Lợn lành thành lợn què"...

7. Đối với người Việt, hình tượng con lợn gắn liền với mọi khía cạnh trong đời sống của con người, luôn tồn tại hai thuộc tính đối lập tốt - xấu, trọng - khinh. Một mặt, lợn đóng vai trò quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Là loại thực phẩm quan trọng nhất của con người, ngoài việc phục vụ bữa ăn hằng ngày thì còn là một lễ vật trong các ngày lễ, Tết. Chúng còn đi vào nghệ thuật dân gian để thể hiện ước mơ hạnh phúc, sung túc, con cái đuề huề của người Việt. Một mặt, nó cũng là loài vật tham ăn, bẩn thỉu... Nhưng trên tất cả, nó là loài vật nuôi đem lại lợi ích lớn lao cho con người, hình ảnh con lợn trong ẩm thực, quan niệm, tín ngưỡng thể hiện đặc sắc văn hóa  Việt.

H.T.H

Bài viết khác cùng số

Mùa Xuân - Ai may áo mới? - Nguyễn Thị PhúTết đến nơi rồi! - Hồ Thị Thùy TrangThổi đi từng cơn gió bấc - Nguyễn Nhã TiênTôi, mẹ chồng và bánh ít Tết... - Y NguyênNghe mưa chờ Tết - Phan trang HyBến đời - Nguyễn Thị Thu SươngĐÀ NẴNG MÙA XUÂN MỚI Phát triển Đà Nẵng theo hướng hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc - Xuân HoàngĐà Nẵng vươn cao từ những cây cầu - Đinh Thành TrungPhố mãi còn xuân - Dân HùngTản mạn cát và Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngVề phía mùa xuân - Mỹ AnLãng mạn núi - Ngô Hà PhươngChiều - Xuân CừMái rạ mục nát ẩm ướt - Nguyễn Kim HuyTháng Chạp - Vỹ NguyênChưa... - Nguyễn Như CầuÝ thơ cuối năm - Nguyễn Nho KhiêmNgựa giả, ngựa thật - Mai Hữu PhướcSáng mùng một đi chùa - Nguyễn Thánh NgãNgày Tết nghe bạn hẹn quay về - Thái Bảo Dương ĐỳnhNguồn cội - Hoàng Thụy AnhĐêm cuối năm - Nguyễn Tấn OnTháng Giêng lỗi hẹn - Thủy AnhHoa Tết - Nguyễn Xuân TưTình xuân - Xuân DiệuNhững cơn mưa cuối đông - Tăng Tấn TàiTự tình mùa xuân - Long VânĐợi mùa - Vạn LộcXuân với đời người, đời cây - Trương Đình ĐăngƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiLúc lòng nguyên đán - Phan ChínBiển đêm - Trần Trình LãmNgàn lau - Lê Anh DũngNhớ Mẹ! - Võ Zuy ZươngDiễn - Nguyễn Hoàng ThọNỗi nhớ cong vênh - Thụy SơnĐi dạo sớm - Nguyễn Đông NhậtHương mùi của mẹ - Võ Thi NhungTrong khu vườn thư viện cổ - Lương Kim PhươngMùa gieo tình - Nguyễn Nho Thùy DươngCó thể là bình yên... - Đinh Thị Như ThúyNhững câu thơ trong đêm - Bùi Công MinhTạm biệt Stung Treng - Đỗ Như ThuầnRiêng cho Đà Nẵng - Huỳnh Thúy KiềuĐà Nẵng và em - Hà Thị Vinh Tâm“Hoa lạc, hoa khai, chỉ thị xuân” - Quế HươngCon lợn trong văn hóa Việt - Huỳnh Thạch HàXuân Kỷ Hợi nói về hình tượng lợn trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn - Lê Khắc NiênCó một Phan Khôi trong đời thường - Vân TrìnhGiữa ngả đường xuân gặp Phạm Văn Hạng - Trần Trung SángCuối năm nhớ bạn thơ - Nguyễn Ngọc HạnhDiễn biến của câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt trong sân khấu - Nguyễn Thị Thanh VânTết về xứ Quảng xem Tuồng - Hoàng Hương Việt