Tết về xứ Quảng xem Tuồng - Hoàng Hương Việt

18.01.2019

Tết về xứ Quảng xem Tuồng - Hoàng Hương Việt

1. Ở Quảng Nam quen gọi, đi xem hát bội. Có lẽ như trong sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (1768 - 1839), Thị giảng đại học sĩ, thời Minh Mạng, gọi sân khấu truyền thống của ta là phường chèo bội. Cho nên cụ Phạm Phú Tiết (1894 - 1980), Tổng đốc Bình Phú, thời Bảo Đại, nhà nghiên cứu tuồng cổ, trong cuốn Hội thoại về lịch sử nghệ thuật sân khấu tuồng, cho rằng Phạm Đình Hổ gọi chữ "bội", là bội nhị, bội tam (tăng lên) là thuyết phục, bởi nghệ thuật sân khấu hát bội là ước lệ, cách điệu nhiều hơn so với cuộc sống thường nhật. Cụ Nguyễn Hiển Dĩnh (1853 - 1926), Tuần Vũ Khánh Hòa, cây đại thụ tuồng Quảng Nam, thì nói một cách dễ hiểu, thực tế hơn, là hát ra bộ, vừa hát, vừa có bộ tịch, múa (vũ đạo). Đến năm 1958, Bộ Văn hóa có quyết định thống nhất gọi là hát bộ, hát bội, tuồng là Tuồng, như Nhà hát tuồng Trung ương (Hà Nội), Đoàn nghệ thuật tuồng Thanh Hóa, Nhà hát Tuồng cung đình Huế, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định), Nhà hát tuồng Khánh Hòa, Nhà hát nghệ thuật hát bội (TP. Hồ Chí Minh). Không sao. Miễn có tuồng tích, kịch bản vở diễn hay, nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên giỏi, biểu diễn các làn điệu tuyệt chiêu, không lai căng, chế biến, phù phép, giữ nguyên gốc bản sắc nghệ thuật sân khấu dân tộc, thì đó mới là nghệ thuật dân gian đích thực của làng nước ta xưa, đến nay vẫn tồn tại.

Tuồng có mặt ở xứ Quảng từ bao giờ? Sách Việt sử xứ Đàng Trong, của nhà sử học Phan Khoang (1906 - 1971), có đề cập tới chúa Sải vương Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635) Trấn thủ dinh trấn Thanh Chiêm (Thuận Quảng) có Đào Duy Từ là danh sĩ, hàm Nội tán đã khởi thảo vở tuồng Sơn Hậu, Nhà thơ Tố Hữu cho rằng vở tuồng này đạt đến cái Sublime (trên tuyệt vời, trên cái đẹp). Còn ông Lê Duẩn, xem xong, nói: "Cho đến xã hội cộng sản chủ nghĩa, vẫn còn nguyên giá trị của nó", cho đến nay vẫn là vở tuồng cổ thuộc loại hay nhất. Sử liệu cũng ghi rằng, Đào Duy Từ là người có công xây dựng nghệ thuật tuồng ở nước ta. Đến năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu tổ chức diễn tuồng để chiêu đãi khách là nhà sư Thích Đại Sán

(Trung Quốc). Trong cuốn Hải ngoại ký sự, Thích Đại Sán diễn tả: "Nhà chúa hào hứng đánh một chiếc trống to để trước sàn diễn, giống như điểm nhịp cho diễn viên (các ngành kịch hát Trung Quốc không có trống chầu). Nhà sư cho đó làn điệu lạ, cách diễn cũng lạ, quan khách xem ai cũng tỏ vẻ hào hứng". Như thế, ở Thuận Hóa (Thừa Thiên Huế), Tuồng đã xuất hiện từ giữa thế kỷ XVII. Sau nửa thế kỷ XVIII, Tuồng Bình Định đã phát triển đến mức có chức vụ Nhưng trưởng (tức người phụ trách một gánh tuồng). Ở tận Gia Định, vào thời điểm đó cũng đã có tuồng và rạp hát tuồng.

Gánh Tuồng Khánh Thọ, ở Tam Kỳ, Quảng Nam, có thể xuất hiện từ thời Gia Long (1802 - 1820), hoặc chậm nhất là thời Minh Mạng (1820 - 1841). Trên một tấm bia đá ở làng Khánh Thọ có ghi rằng, vào triều Minh Mạng, tu bổ xong đình làng, làm lễ khánh thành có mời gánh Tuồng đến diễn mấy đêm. Tương truyền, vua Tự Đức có xem gánh tuồng này biểu diễn và phán rằng: "Ca vũ nải Khánh Thọ giáo phường/ Bình xướng tất Quảng Nam trung thanh" (Múa, hát (hát bội) thì phải nói đến gánh hát Khánh Thọ/ Bình văn, xướng văn tất phải dùng tiếng Quảng Nam, được xem là trung thanh). Trong một bài văn tế Tổ nghề Tuồng Quảng Nam có câu: "Từ vua Minh Mạng xây dựng xong Thự viết thường, đến vua Tự Đức, bảo diễn Tuồng nên học theo tiếng trung thanh của Quảng Nam" (đây chỉ về âm sắc, chất giọng địa phương, êm ái, dễ nghe hơn hai nơi là Thừa Thiên Huế và Bình Định chăng).

Tuồng là nghệ thuật bác học, song rất gần với quần chúng lao động, là loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần, là bộ môn nghệ thuật diễn xướng có giá trị sâu sắc về kịch bản văn học (lời hát, lời thoại, thơ phú) về vũ điệu, âm nhạc, phục trang, cảnh trí. Tuồng là tích chuyện, là nhân vật, có đủ sắc thái hỉ, nộ, ái, ố, phản ánh, minh họa tính cách, thái độ, quan niệm sống, những vui buồn, ẩn uất, những ước mơ, khát vọng cháy bỏng của con người trước biến thiên, nghịch cảnh ở đời. Người trung, kẻ xu nịnh rạch ròi. Cái ác bị lên án, vạch mặt, trừ diệt. Cái tốt được ngợi ca, tôn vinh, thu phục nhân tâm. Đi xem một buổi diễn Tuồng cùng lúc thưởng thức giọng nam ai, nam bình, xuân nữ, tẩu mã, hát lý, hát khách, vuốt râu, đảo mắt, múa đao kiếm, cung thương, đi hài, là để khóc, cười, căm giận, hả dạ, reo vui, chia sẻ, cảm thông cùng nhân vật. Chỉ một khoảng sân khấu, hay chiếu tuồng vài chục mét vuông dưới bóng cây đa, bãi cỏ, sân đình hay rạp hát, trường hát, là cả một triều đình vua chúa xưa, một chiến trường ác liệt, một làng mạc, núi rừng, sông biển và những cuộc đấu trí, đấu tài cân não, hay những mối tình đẫm lệ, những đạo nghĩa hiếu trung, phò chánh trừ tà, hào khí yêu nước, thương nhà, dù cách điệu, ước lệ, hay tượng trưng đều hiện lên sống động, như cảnh thật đâu đó ngoài đời. Có lẽ vì tính chất độc đáo, đặc sắc đó, mà người xem, nghe Tuồng xứ Quảng có sự cảm nhận, thẩm thấu truyền đời như một lẽ tự nhiên.

Giáo sư Hoàng Châu Ký cho rằng: "Tuồng là nghệ thuật truyền thống lâu đời của dân tộc Việt và cũng là nghệ thuật "đặc sản" của nhân dân Quảng Nam". Món "đặc sản" ấy ra đời, lan tỏa, phát triển và tồn tại khắp làng xã ở Quảng Nam, nở rộ từ những năm 1860, xuất hiện nhiều bầu gánh như Nhưn Giai, Nhưn Bính, Nhưn Thảo, Nhưn Ất, Nhưn Thinh, Nhưn Bích, Nhưn Đà, Nhưn Thọ, Nhưn Đá, Nhưn Nguyên, Đội Tảo, Đội Nhất, Chánh ca, Phó ca... Nhiều thầy Tuồng kiệt xuất như: Bầu Thành ở Hòa Vang, ông Hai Bãi, Trùm Lánh ở Bàu Toa, ông Tỵ, Nhưn Ấm ở Tam Kỳ, ông Kiểm Phụng, Văn Phước Khôi, Năm Thiều, Lê Thử, Tư Bửu ở Đại Lộc, Bà Dần, Bà Liễu Quản Lan ở Tam Kỳ, Trần Hàn ở Quế Sơn, Thập Quảng ở Duy Xuyên, ông Mành, Cửu vị ở Tiên Phước, Ấm Diêu, Chánh Phẩm, Phó đệ, Phó Phương... đã đào tạo, dìu dắt nhiều đào kép hát chuyên nghiệp.

Ông Đội Tảo (Nguyễn Nho Túy), được các quan đầu tỉnh, huyện và công chúng ca ngợi là "Con rồng trên sân khấu". Nói về "Ngũ mỹ" (năm vẻ đẹp) của hát Tuồng xứ Quảng có: lão văn ông Phẩm, lão võ ông Đệ, vai kép ông Tảo, vai nịnh ông Lai, vai tướng ông Tùy, vai hài ông Khôi. Là những diễn viên đặc biệt xuất sắc khi đóng các vai vua, người già, tướng lĩnh, hề hài, nịnh thần, không diễn viên nào sánh được. Như Chánh Phẩm, đóng vai vua đói, khi lạc vào rừng, ông diễn và hát câu hát nam: "Tay vịn cành, suốt lá làm cơm" thật đến nỗi, có một bà lão đang xem Tuồng, ra mua tô cháo đem lên sân khấu cho vua tưởng là vua đói thật!. Ông Đội Tảo có 36 kiều cười (cười vui, cười hề, cười nịnh, cười chế giễu, cười buồn, cười đau, cười sảng...). Rất nhiều diễn viên giỏi Tuồng đều được các vua triều Nguyễn triệu ra kinh hát cho vua quan thưởng thức và phong hàm Chánh, Phó ca, hết lời khen ngợi, ban thưởng trọng vọng.

Nói đến Tuồng, người dân xứ Quảng đều biết và nhắc đến một số nhân vật kiệt hiệt trong lĩnh vực này, như cụ Tuần An Quán Nguyễn Hiển Dĩnh, khi làm Tuần vũ tỉnh Quảng Trị, bị giáng hai cấp vì lấy gỗ công xây dựng rạp hát, lấy tiền công quỹ nuôi diễn viên Tuồng. Lúc làm Tri huyện Hà Đông, mỗi sáng ra công đường, cụ bảo lính sắp hàng đứng hai bên, cụ ngồi vào ghế, cất giọng hát khách hoặc bạch một câu rồi xưng danh:

"Quyền Tri huyện Hà Đông

Ngã danh xưng Nguyễn Dĩnh"

Khi trở lại nơi đây làm việc, nhân dân địa phương bày tỏ lòng ngưỡng mộ cụ, có câu: "Nguyễn Dĩnh trùng lai thiên hữu nhãn/ Hồ Thiều bất khứ địa vô mô" (Nguyễn Dĩnh trở lại đây trời có mắt/ Hồ Thiều không đi khỏi đây thì đất không còn cỏ).

Một ông quan cá tính, thấm thía cái đau đời của một vị quan thanh liêm dưới triều Nguyễn mạt thời, cụ viết một câu cay đắng trong vở tuồng Phong Ba Đình: "Bị gậy ăn mày, võng lọng quan" (Võng lọng quan, cũng chỉ là ăn mày thực dân Pháp mà thôi). Khi đương chức cụ thường nói với các quan: "Tiến vô đại quan, thoái vi hưu quan", còn tôi: "Tiến vi quan, thoái vi bầu gánh".

Cụ từ quan về nhà mở trường dạy Tuồng, nghiên cứu, sáng tác vở diễn và diễn tuồng phục vụ công chúng. Khi dạy, truyền nghề cho học trò, cụ thường ngồi trước cái trống, cầm dùi, trò nào hát đúng, diễn khéo, cụ đánh thùng thùng, trò nào diễn sai, cụ đánh vào tang (cạnh) trống cắc, cắc, rồi nhắm mắt ngó lơ. Các thế hệ học trò của cụ, sau này đều là những diễn viên nổi tiếng khắp nước và được phong tặng danh hiệu dưới thời cách mạng như NSND Nguyễn Phẩm, Nguyễn Lai, Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu, NSƯT Văn Phước Khôi, Tư Bửu, Vĩnh Huế, Nguyễn Thử... Người được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, là kịch tác gia Tống Phước Phổ, cháu cụ Dĩnh, đã viết hơn 100 kịch bản Tuồng, có những vở nổi tiếng như Tam Nữ đồ vương, Lam Sơn khởi nghĩa, Trưng Nữ Vương, An Tư Công chúa, Cờ trắng rừng xanh, Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương... Riêng cụ Nguyễn Hiển Dĩnh sáng tác trên 20 vở diễn mẫu mực như Dương Chấn Tử, Tam Hạ Nam Đường, Võ Hùng Vương, Lý Phụng Đình, Trầm Hương Các, v.v... Về sau này, có các ông Hoàng Châu Ký, Dũng Hiệp cũng soạn Tuồng.

Trong kháng chiến chống Pháp, từ những năm 1952, Đoàn Tuồng cách mạng đầu tiên Liên khu V ra đời, quy tụ gần như hầu hết các diễn viên tuồng từ các gánh hát ở Quảng Nam lên xây dựng vở diễn phục vụ nhân dân, bộ đội, cán bộ các tỉnh huyện khu V. Có những vở diễn "hiện đại" như "Chị Ngộ" của Nguyễn Lai được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Khi xem diễn đến hồi tên sĩ quan Pháp quá tàn ác đối với chị Ngộ, khán giả căm phẫn hô vang đả đảo và có thứ gì trên tay đều ném lên sân khấu đòi giết tên Pháp. Năm 1967, trong kháng chiến chống Mỹ, Quảng Nam có Đoàn Tuồng giải phóng, có em chưa tới 15 tuổi, lại được NSƯT Tư Bửu về dạy nghề, sau ra Hà Nội, được các NSND Sáu Lai, Đội Tảo, Nguyễn Thị Liễu, GS Hoàng Châu Ký đào tạo bài bản.

Tết về xứ Quảng xem Tuồng, vì làng xã nào cũng có xuân kỳ, thu tế. Các lễ tiết này bao giờ cũng có diễn Tuồng ở đình làng, miếu thần, nhất là ngày Tết, thì nơi nào cũng dựng rạp diễn tuồng, có khi diễn cả tháng trời với những vở cổ nhiều hồi, nhiều lớp, xem là không dứt ra được, như xem các tuồng Tam Quốc, Tam hạ nam đường, Sơn Hậu, Hộ sanh đàn... Xem tuồng đến nỗi trong dân gian Quảng Nam có câu ca: "Trồng trầu thả lộn dây tiêu/ Con theo hát bội, mẹ liều con hư!". Có lẽ, cho đến nay Quảng Nam là nơi còn nhiều đội Tuồng, câu lạc bộ Tuồng nhiều nhất. Họ giữ nguyên cách hoạt động như ngày xưa, tự may cắt, dán phục trang, áo mão, gọt đẽo cung đao, sao chép các bổn tuồng cổ, khi hát có người sau màn nhắc từng câu chữ; và cũng tự nguyện đóng góp tiền nong cho các chi phí đêm diễn. Rạng ngày, họ lại ra đồng canh tác, hoặc đi tứ xứ làm đủ nghề để sinh sống. Niềm vui và hạnh phúc nhất của họ là được diễn tuồng trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về hay hội hè nào đó trong năm. Vậy thôi!

Tôi nói, Tết về xứ Quảng xem Tuồng, là có nguồn căn. Nguồn căn đó là, trầm tích của sức sống văn hóa dân gian không dễ gì bật gốc, phai nhạt được ở vùng đất địa linh nhân kiệt này.

H.H.V

Bài viết khác cùng số

Mùa Xuân - Ai may áo mới? - Nguyễn Thị PhúTết đến nơi rồi! - Hồ Thị Thùy TrangThổi đi từng cơn gió bấc - Nguyễn Nhã TiênTôi, mẹ chồng và bánh ít Tết... - Y NguyênNghe mưa chờ Tết - Phan trang HyBến đời - Nguyễn Thị Thu SươngĐÀ NẴNG MÙA XUÂN MỚI Phát triển Đà Nẵng theo hướng hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc - Xuân HoàngĐà Nẵng vươn cao từ những cây cầu - Đinh Thành TrungPhố mãi còn xuân - Dân HùngTản mạn cát và Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngVề phía mùa xuân - Mỹ AnLãng mạn núi - Ngô Hà PhươngChiều - Xuân CừMái rạ mục nát ẩm ướt - Nguyễn Kim HuyTháng Chạp - Vỹ NguyênChưa... - Nguyễn Như CầuÝ thơ cuối năm - Nguyễn Nho KhiêmNgựa giả, ngựa thật - Mai Hữu PhướcSáng mùng một đi chùa - Nguyễn Thánh NgãNgày Tết nghe bạn hẹn quay về - Thái Bảo Dương ĐỳnhNguồn cội - Hoàng Thụy AnhĐêm cuối năm - Nguyễn Tấn OnTháng Giêng lỗi hẹn - Thủy AnhHoa Tết - Nguyễn Xuân TưTình xuân - Xuân DiệuNhững cơn mưa cuối đông - Tăng Tấn TàiTự tình mùa xuân - Long VânĐợi mùa - Vạn LộcXuân với đời người, đời cây - Trương Đình ĐăngƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiLúc lòng nguyên đán - Phan ChínBiển đêm - Trần Trình LãmNgàn lau - Lê Anh DũngNhớ Mẹ! - Võ Zuy ZươngDiễn - Nguyễn Hoàng ThọNỗi nhớ cong vênh - Thụy SơnĐi dạo sớm - Nguyễn Đông NhậtHương mùi của mẹ - Võ Thi NhungTrong khu vườn thư viện cổ - Lương Kim PhươngMùa gieo tình - Nguyễn Nho Thùy DươngCó thể là bình yên... - Đinh Thị Như ThúyNhững câu thơ trong đêm - Bùi Công MinhTạm biệt Stung Treng - Đỗ Như ThuầnRiêng cho Đà Nẵng - Huỳnh Thúy KiềuĐà Nẵng và em - Hà Thị Vinh Tâm“Hoa lạc, hoa khai, chỉ thị xuân” - Quế HươngCon lợn trong văn hóa Việt - Huỳnh Thạch HàXuân Kỷ Hợi nói về hình tượng lợn trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn - Lê Khắc NiênCó một Phan Khôi trong đời thường - Vân TrìnhGiữa ngả đường xuân gặp Phạm Văn Hạng - Trần Trung SángCuối năm nhớ bạn thơ - Nguyễn Ngọc HạnhDiễn biến của câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt trong sân khấu - Nguyễn Thị Thanh VânTết về xứ Quảng xem Tuồng - Hoàng Hương Việt