Có một Phan Khôi trong đời thường - Vân Trình

18.01.2019

Có một Phan Khôi trong đời thường - Vân Trình

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận xét: "Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn... Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hóa cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX...". Bên cạnh một nhà báo, học giả tuổi Đinh Hợi, Phan Khôi lừng danh trên trường văn, trận bút, còn có một Phan Khôi chân chất, khẳng khái, nghĩa tình trong đời thường, tiêu biểu cho cốt cách một sĩ phu đất Quảng.

 Không chịu nhục

Đầu mùa thu năm 1919, thôi viết cho tờ Lục tỉnh tân văn, nhà báo Phan Khôi từ Sài Gòn về làng Bảo An quê mình “nằm khèo cho đến mùa xuân năm sau”. Sau Tết Nguyên đán, tháng 3/1920, ông ra Thanh Hóa để giải quyết công việc gia đình, sau đó ra luôn Hải Phòng. Lúc này Công ty của Bạch Thái Bưởi cần tuyển một thư ký thạo chữ Hán và Quốc ngữ. Nhờ bức thư giới thiệu của thầy dạy tiếng Pháp - cụ Nguyễn Bá Học, Phan Khôi được mời đến gặp ông chủ Bạch Thái Bưởi - một trong bốn người giàu nhất Việt Nam thời đó: “nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi”. Trong khi Bạch Thái Bưởi phương phi bệ vệ, trán cao, đầu hói, đóng bộ com-lê cà-vạt đặc Tây thì Phan Khôi lại khăn đóng áo dài. Ông chủ tiếp khách với thái độ vui vẻ, cứ như hai người đã quen biết nhau từ trước, nay mới gặp lại. Đọc bức thư của cụ Nguyễn Bá Học giới thiệu người học trò cũ từ hơn mười năm trước bằng những lời rất tốt đẹp và chứng kiến trước mắt mình một trang nam nhi dáng người cao lớn, vai rộng, hơi gầy, có đôi mắt sáng với ánh nhìn thẳng; nói năng, đối đáp gãy gọn, ra dáng một nhà Nho có học vấn nhưng không cũ kỹ, Bạch Thái Bưởi thấy ưng trong bụng. Sau màn chào hỏi, ông ta hỏi:

- Trước, anh làm ở Nam Phong, lương tháng bao nhiêu?

Phan Khôi thành thật:

- Dạ, chỉ hai chục. Nhưng chuyện ấy cách nay đã ba năm rồi. Vả, tôi thôi việc ở đó cũng đã lâu, bây giờ mọi chuyện đã khác.

Ông chủ mỉm cười, hỏi tiếp:

- Theo anh, bây giờ lương phải bao nhiêu?

Phan Khôi thẳng thắn:

- Năm chục là phải.

- Bốn chục thôi vậy!

Phan Khôi lặng thinh, không ra ưng thuận cũng không ra phản đối. Biết ý, ông chủ cố thêm lần nữa:

- Bốn lăm vậy?

Lặng đi một lúc, rồi khách ngẩng nhìn chủ nhà, không nói gì. Ông chủ như sợ để vuột khỏi tay một vật quý, đành nhanh nhảu:

- Ừ, thôi, năm chục! Nhưng mỗi tháng anh phải để lại mười phần trăm, coi như tiền ký quỹ, chỉ nhận về bốn lăm đồng thôi.

Thế là, từ ngày 1/5/1920, nhà báo Phan Khôi đã trở thành viên thư ký của Công ty Bạch Thái. Công việc buộc ông phải làm cật lực, sáng từ tám giờ đến một giờ, chiều từ ba giờ đến tám giờ tối. Mỗi ngày có hơn hai giờ ngồi cùng làm việc, trao đổi với ông chủ nên hôm nào Phan Khôi cũng ra về rất trễ. Trong tám tháng ở trọ để đi làm cho hãng Bạch Thái, trưa cũng như tối, bữa nào ông cũng phải ăn cơm sau, ăn một mình với cơm canh nguội lạnh hết cả. Là người Quảng “hay cãi”, Phan Khôi rất bức xúc việc ông chủ Bạch Thái Bưởi có tật hay đánh người làm. Trong bài “Chân thư ký hãng buôn” đăng trên Tạp chí Xưa và Nay số 488 (tháng 10/2017), Phan An Sa (con trai Phan Khôi) cho hay:

“Một hôm Phan Khôi can ông (Bạch Thái Bưởi) về cái tật ấy, ông không nghe cho, lại còn lý sự:

- Người An Nam, nhất là bọn hạ lưu, xưa nay quen ăn roi vọt mới chịu làm, chứ không phải họ biết tự trọng. Thế cho nên phải theo cái thói quen đó mà cai trị thì mới dễ. Còn muốn lấy nhân đạo đãi họ thì phải đợi đến khi nào giáo dục lan khắp và đầy đủ để họ cũng biết tự trọng thì mới được. Tôi là nhà buôn, tôi chỉ cốt làm sao cho công việc chạy, chứ nói đến nhân đạo thì hỏng cả!

Điều ông chủ nói đó không hẳn là không đúng, nhưng nghe nó sặc mùi thực dân. Thấy ông chủ đôi khi xử vô lễ đối với người làm nên lúc mới vào công ty, Phan Khôi đã có lần nói cho ông biết rằng mình không chịu nhục được, vậy phải liều liệu mà xử với nhau, không sẽ sanh chuyện không lành. Ông chủ cười hà hà, hứa sẽ nhớ lời dặn của anh. Mà thật, trọn thời gian Phan Khôi làm ở Bạch Thái, ông chủ không hề nói với anh một tiếng nặng”.

Cũng xin được nhắc lại rằng, ở thời điểm này, Bạch Thái Bưởi được giới tư bản mệnh danh là “Chúa sông Bắc Kỳ” sau khi buộc các hãng tàu nổi tiếng của người Pháp lẫn người Hoa phải đo ván, rời bỏ cuộc chơi. Công ty của ông đã có tới 30 chiếc tàu lớn nhỏ cùng nhiều sà lan chạy hầu hết tuyến sông miền Bắc, rồi vươn ra các vùng lãnh thổ và các nước xung quanh như Hồng Kông, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Trung Quốc. Một ông chủ lừng lẫy như Bạch Thái Bưởi mà phải chịu xuống nước trước một người làm công như Phan Khôi quả là chuyện lạ trong giới thương gia!

“Oui ou non?” 

Theo cuốn “Nhớ cha tôi - Phan Khôi” của tác giả Phan Thị Mỹ Khanh (con gái nhà báo Phan Khôi), đầu năm 1928, Phan Khôi từ Sài Gòn về thăm nhà nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Thìn. Sau Tết, ông lên thăm người chú ruột là ông Biện Chín(tức Phan Định), đang mở tiệm thuốc bắc ở chợ Quảng Huế (thuộc xã Đại An, huyện Đại Lộc hiện nay). Lâu ngày không gặp nhau, hai chú cháu nói đủ thứ chuyện, rất vui. Chợt ông Biện lặng yên một lát, có vẻ suy nghĩ rồi nói với người cháu: “Chú đang gặp việc này. Chưa biết tính ra sao đây!”. Chuyện là, con ông là Phan Thanh trong thời gian học ở Quốc học Huế có biết cô Lê Thị Xuyến, quê làng Thạch Bộ (nay thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc), nữ sinh trường Đồng Khánh và cũng thi đỗ Cao đẳng Tiểu học cùng một khóa. Khi gia đình ông Biện Chín nhờ mai mối đến dạm hỏi, bên nhà gái lúc đầu có hứa gả. Thời gian ấy, Phan Thanh đang dạy học ở Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Sau vụ ông bị nhà cầm quyền thải hồi do viết nhiều bài báo đăng trên La cloche felec của Nguyễn An Ninh thì các bà bên nhà gái cũng lơ lơ, còn định gả cô Xuyến cho nơi khác giàu có hơn nhưng cô không đồng ý. Ông Biện nói sơ qua tình hình bên nhà gái để Phan Khôi rõ: “Đó là một nhà giàu. Bà Cửu là vai trên. Bà là người nuôi cô Xuyến ăn học vì cha cô mất sớm, nay gả cho ai là do bà ấy quyết định. Chú thấy nhà mình nghèo, không môn đăng hộ đối nên cũng khó...”. Phan Khôi suy nghĩ một lát rồi nói: “Chú để cháu đến xem sao”.

Khi được ông Biện chỉ vẽ đường sá, Phan Khôi đi ngay đến nhà gái. Khi chủ khách đã yên vị, ông tự giới thiệu và nói luôn mục đích cuộc viếng thăm đột ngột này. Bà Cửu nói: “À, việc ấy thì tôi cũng có biết nhưng gia đình chưa bàn bạc gì, mà cũng chưa hỏi cháu Xuyến. Xin các ông để thư thư một thời gian đã”. Phan Khôi không nài nỉ gì thêm mà chỉ xin phép bà cho gặp cô Xuyến. Bà Cửu không biết nói sao, phải cho người vào trong kêu cô Xuyến ra. Để các bà khỏi xen vào câu chuyện, ông dùng tiếng Pháp nói với cô Xuyến. Đại ý là, cô và Phan Thanh đã quen biết nhau, vậy là rất tốt, rất thuận, hạnh phúc sau này sẽ được đảm bảo, bây giờ ý kiến quyết định là ở cô, cô hãy suy nghĩ xem... Nhận thấy cô Xuyến có thái độ vui vẻ, Phan Khôi bèn giục thêm chỉ có một tiếng để trả lời: “Oui ou non?” (Đồng ý hay không?). - "Oui" (Đồng ý) - cô Xuyến mỉm cười, hơi cúi đầu e thẹn, nói nhỏ nhẹ. Thế là, Phan Khôi thuật lại cuộc trao đổi cho bà Cửu nghe và thuyết phục thêm mấy câu nữa. Cuối cùng, bà chấp nhận và đề nghị nhà trai tiến hành các bước thủ tục tiếp theo. Lễ thành hôn được tổ chức năm 1928. Như vậy, một cuộc cầu hôn rất mới, rất “Tây” đã thành công. Lần đầu tiên ở làng quê Thạch Bộ, một người phụ nữ đã tự mình quyết định việc hôn nhân mà không phải lệ thuộc:  “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Đây quả là chuyện hy hữu khi mà nông thôn bấy giờ còn nặng lễ giáo phong kiến. Theo bài viết “Chuyện tình của người nổi tiếng Lê Thị Xuyến” (Phunutoday ngày 22/5/2014), sau này, bà Lê Thị Xuyến tâm sự với người cháu Phan Thị Mỹ Khanh (tức Phan Thị Miều): “Tuy thím học ở Huế nhưng nhát lắm. Chú Phan Thanh đến dạy học cho các cháu trong nhà. Thím đứng ở nhà ngang - nhà ngang cách nhà trên xa - nhìn lên loáng thoáng thấy bóng dáng chú chứ không dám đến gần nói chuyện. Nhưng thím nghĩ, khi người ta không bị mất việc, mình lại từ hôn thì trái với đạo lý làm người. Như vậy thật nhẫn tâm. Thím không làm theo lời chú bác, tự mình quyết định việc hôn nhân. Chú bác muốn từ hôn vì sợ cháu mình vất vả do chồng không có việc làm ổn định, chứ không phải chê nghèo”.  Động lực để vị Chủ tịch tương lai của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đi đến quyết định quan trọng trong cuộc hôn nhân đầu tiên của mình chính nhờ sự tư vấn thấu lý đạt tình của nhà báo Phan Khôi. Điều này thêm một bằng chứng khẳng định những đóng góp không nhỏ của ông trong công cuộc đấu tranh cho nữ quyền ở nước ta đầu thế kỷ XX.

V.T

Bài viết khác cùng số

Mùa Xuân - Ai may áo mới? - Nguyễn Thị PhúTết đến nơi rồi! - Hồ Thị Thùy TrangThổi đi từng cơn gió bấc - Nguyễn Nhã TiênTôi, mẹ chồng và bánh ít Tết... - Y NguyênNghe mưa chờ Tết - Phan trang HyBến đời - Nguyễn Thị Thu SươngĐÀ NẴNG MÙA XUÂN MỚI Phát triển Đà Nẵng theo hướng hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc - Xuân HoàngĐà Nẵng vươn cao từ những cây cầu - Đinh Thành TrungPhố mãi còn xuân - Dân HùngTản mạn cát và Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngVề phía mùa xuân - Mỹ AnLãng mạn núi - Ngô Hà PhươngChiều - Xuân CừMái rạ mục nát ẩm ướt - Nguyễn Kim HuyTháng Chạp - Vỹ NguyênChưa... - Nguyễn Như CầuÝ thơ cuối năm - Nguyễn Nho KhiêmNgựa giả, ngựa thật - Mai Hữu PhướcSáng mùng một đi chùa - Nguyễn Thánh NgãNgày Tết nghe bạn hẹn quay về - Thái Bảo Dương ĐỳnhNguồn cội - Hoàng Thụy AnhĐêm cuối năm - Nguyễn Tấn OnTháng Giêng lỗi hẹn - Thủy AnhHoa Tết - Nguyễn Xuân TưTình xuân - Xuân DiệuNhững cơn mưa cuối đông - Tăng Tấn TàiTự tình mùa xuân - Long VânĐợi mùa - Vạn LộcXuân với đời người, đời cây - Trương Đình ĐăngƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiLúc lòng nguyên đán - Phan ChínBiển đêm - Trần Trình LãmNgàn lau - Lê Anh DũngNhớ Mẹ! - Võ Zuy ZươngDiễn - Nguyễn Hoàng ThọNỗi nhớ cong vênh - Thụy SơnĐi dạo sớm - Nguyễn Đông NhậtHương mùi của mẹ - Võ Thi NhungTrong khu vườn thư viện cổ - Lương Kim PhươngMùa gieo tình - Nguyễn Nho Thùy DươngCó thể là bình yên... - Đinh Thị Như ThúyNhững câu thơ trong đêm - Bùi Công MinhTạm biệt Stung Treng - Đỗ Như ThuầnRiêng cho Đà Nẵng - Huỳnh Thúy KiềuĐà Nẵng và em - Hà Thị Vinh Tâm“Hoa lạc, hoa khai, chỉ thị xuân” - Quế HươngCon lợn trong văn hóa Việt - Huỳnh Thạch HàXuân Kỷ Hợi nói về hình tượng lợn trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn - Lê Khắc NiênCó một Phan Khôi trong đời thường - Vân TrìnhGiữa ngả đường xuân gặp Phạm Văn Hạng - Trần Trung SángCuối năm nhớ bạn thơ - Nguyễn Ngọc HạnhDiễn biến của câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt trong sân khấu - Nguyễn Thị Thanh VânTết về xứ Quảng xem Tuồng - Hoàng Hương Việt