Tản mạn cát và Đà Nẵng - Bùi Văn Tiếng

18.01.2019

Tản mạn cát và Đà Nẵng - Bùi Văn Tiếng

Nói đến Đà Nẵng không thể không nói đến cát. Cách đây hai mươi năm người viết bài này đi công tác ở Thượng Hải và nhận được câu hỏi xã giao trong một buổi trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp: “Đà Nẵng giáp những tỉnh nào?”. Nói đây là câu hỏi xã giao là bởi người hỏi đặt ra khi nghe giới thiệu tôi đến từ Đà Nẵng, khác với hầu hết thành viên trong đoàn đến từ Hà Nội. Và nếu không nghĩ đến mối liên hệ giữa Đà Nẵng và cát, chắc rằng tôi sẽ mau miệng trả lời rằng Đà Nẵng nằm giữa tỉnh Thừa Thiên Huế ở phía Bắc và tỉnh Quảng Nam ở phía Nam. Nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi linh cảm dường như người đồng nghiệp Thượng Hải không có ý “kiểm tra kiến thức” của tôi về hai tỉnh láng giềng duyên hải miền Trung...

Và tôi đã trả lời bằng một câu không thể khác: “Đà Nẵng của tôi nằm gần... biên giới Trung Quốc!”. Chờ dịch xong câu này, tôi nói tiếp: “Huyện đảo Hoàng Sa của chúng tôi chỉ cách tỉnh đảo Hải Nam của các bạn chừng mấy trăm hải lý!”. Câu chuyện “đi sứ” Trung Quốc hai mươi năm trước càng giúp tôi thấy rõ Đà Nẵng không thể tách rời với cát, trước hết là với Bãi Cát Vàng/Hoàng Sa - huyện đảo của Đà Nẵng và có thể nói là Đà-Nẵng-hải-đảo đang nằm ở phía khơi xa, không chỉ xa mấy trăm hải lý mà còn xa mấy chục năm chưa thực sự đoàn viên cùng Đà-Nẵng-đất-liền. Và chính do khoảng cách chưa thể rút ngắn này mà địa danh Hoàng Sa còn được người Đà Nẵng kéo vào đất liền bằng cách đặt tên đường, tên trường học...

Đà Nẵng còn có một địa danh liên quan đến cát: Bãi Cát Tiên/Tiên Sa. Nguyên thủy đây là bãi biển đẹp đến mức có cả một huyền thoại kể rằng các nàng tiên ngày ngày rủ nhau xuống phơi mình trên cát và “tắm tiên” dưới nước. Tiên Sa cũng được xem là biểu tượng của một Đà Nẵng tình người, giống như nàng tiên xinh đẹp trong các tiên nữ giáng trần ở bãi cát năm xưa chấp nhận ở lại trần gian sống hạnh phúc với chàng ngư dân bản địa không chỉ vì không có cánh để về trời. Rồi Tiên Sa trở thành tên cảng biển nước sâu, vừa là điểm cuối trên Hành lang kinh tế Đông Tây vừa là điểm đầu của một Đà Nẵng đang chuyển mình theo tư duy đại dương trong chiến lược biển thế kỷ XXI; và Tiên Sa cũng là tên một hãng taxi made in Đà Nẵng...

Ngoài cát biển ở Hoàng Sa hay ở Tiên Sa, Đà Nẵng còn có cát sông, chẳng hạn như cát sông Cu Đê hay cát sông Hàn… Phù sa và cát đều từ thượng nguồn theo dòng nước chảy về phía biển nhưng phù sa thích ngao du thường ra đi, trong khi cát vốn nặng tình thường ở lại, trầm tích dưới lòng sông, lắng đọng dưới đáy sông và nếu không có sự lắng tụ/ trầm tích này thì hai bờ sông sẽ không thể nào không sạt lở. Có thể nói sinh mệnh của cát dưới đáy sông gắn liền với sinh mệnh của cả dòng sông - cát là xương sống của mỗi dòng sông. Người ta có thể bức tử một dòng sông chỉ bằng cách đơn giản là thẳng tay nạo vét cát dưới đáy sông và nếu đem lượng cát nạo vét được ấy để mà lấp biển thì có thể nói rằng đó là hành vi “bức tử kép”... 

Đương nhiên người Đà Nẵng không thể ngồi yên. Trong Ngày hội Hà Lan tại Đà Nẵng tổ chức hồi cuối tháng 5 vừa qua, Tổng Lãnh sự Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh Carel Richter cho rằng Đà Nẵng đang đối diện với tình trạng sạt lở bờ biển và giới thiệu giải pháp “động cơ cát” để ứng phó. Có thể tóm tắt giải pháp này như sau: Thay vì đổ xuống biển một lượng cát lớn - đương nhiên cũng để chống sạt lở bờ biển chứ không phải để lấp biển, “động cơ cát” tận dụng gió, sóng biển và dòng hải lưu để phân bố cát dọc bờ biển một cách tự nhiên, hạn chế tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và tiết kiệm chi phí so với các giải pháp đang triển khai. Có điều giải pháp “động cơ cát” cũng chỉ là giải pháp tình thế, kiểu mất bò mới lo làm chuồng.

Giải pháp căn cơ nhất để chống mất cát bờ biển vẫn là giải pháp trồng lại cây ven biển - trồng lại bởi vì một thời xa xưa đã từng trồng và một thời chưa xa vẫn còn trồng. Bờ biển Đà Nẵng ngày xưa từng có những rừng dương giữ cát ven vịnh Đà Nẵng và ven Biển Đông, nhưng rồi với tư duy mở đường kiểu “biển một bên và đường... một bên”, hoặc với tư duy làm nhà nghỉ kiểu “biển một bên và nhà... một bên”, những rừng dương giữ cát ấy giờ chỉ còn trong hoài niệm. Mất rừng dương, không chỉ bờ biển Đà Nẵng mất cát mà thiếu nhi Đà Nẵng cũng mất một chỗ cắm trại mùa hè lý tưởng - và không còn chỗ cắm trại để giao lưu trong thế giới thực thì việc các cháu thi nhau cắm mặt để giao lưu trong thế giới ảo cũng là điều dễ hiểu.     

Cát còn đi vào trong tranh nghệ thuật của các họa sĩ Đà Nẵng không chỉ với tư cách cái Đẹp mà còn và chủ yếu với tư cách nguyên liệu để sáng tác, chẳng hạn như tranh cát vẽ trong khung thủy tinh của nghệ nhân Phan Quang Dũng ở Thọ Quang. Cát cũng đi vào trong tác phẩm điêu khắc trên bãi biển: Cuộc thi nặn tượng nghệ thuật bằng cát và trên cát lần đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức tại bãi biển Mỹ Khê hồi tháng 5 năm 2012, thu hút 70 đội dự thi với hơn 100 người tham gia, có những đội đến từ Mỹ, Anh, Úc, Pháp và New Zealand... và số đông là sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố; và từ năm 2013 đến nay, Đà Nẵng tiếp tục tổ chức thành công cuộc thi “Xây tượng cát” như một sự kiện văn hóa biển thường niên...

Đi vào thế giới nghệ thuật hội họa và điêu khắc, xem như cát đã thăng hoa trong đời sống tinh thần của người Đà Nẵng. Cát còn thăng hoa trong đời sống tâm linh của người Đà Nẵng qua các bát nhang trên bàn thờ. Chuẩn bị bàn thờ ngày tết không thể thiếu cát sạch để thay cho mỗi bát nhang. Từ dưới lòng sông đáy biển hay trên bờ biển bãi sông, cát bước lên chỗ thiêng liêng thờ cúng. Cũng có trường hợp người ta thay cát bằng gạo - hạt ngọc của trời, chứ không ai thay bằng đất. Đó là chưa kể cát còn ôm ấp đồng hành với con người sang thế giới bên kia trong chiếc áo quan chật chội - ở đây vẫn không có chỗ cho đất, thậm chí có người cả đời “sống trong cát/ chết vùi trong cát” (thơ Tố Hữu). Cát và đất rõ ràng là hai đẳng cấp khác nhau...

Cổ tích Việt Nam có một câu chuyện tình đầy cát. Đó là chuyện tình của người con trai làng chài nghèo và hiếu thảo Chử Đồng Tử. Nhường cho người cha quá cố chiếc khố duy nhất của hai cha con, Chử Đồng Tử đang trần như nhộng trên bãi biển thì bất ngờ công chúa Tiên Dung xuất hiện với tư thế tiền hô hậu ủng. Không còn cách nào khác Chử Đồng Tử phải giấu mình dưới hố cát, tình cờ lại đúng vào nơi Tiên Dung cho giăng màn để tắm. Nước chảy xuống hố cát, lộ ra Chử Đồng Tử và cuộc nhân duyên của đôi nam nữ đã bắt đầu từ cái hố cát trời cho ấy. Dường như khi kể cho nhau nghe và kể cho con cháu nghe những chuyện cổ tích ở quê nhà vừa mang theo vào vùng đất mới, các tiên dân Đà Nẵng thích kể nhất là chuyện này...

B.V.T

Bài viết khác cùng số

Mùa Xuân - Ai may áo mới? - Nguyễn Thị PhúTết đến nơi rồi! - Hồ Thị Thùy TrangThổi đi từng cơn gió bấc - Nguyễn Nhã TiênTôi, mẹ chồng và bánh ít Tết... - Y NguyênNghe mưa chờ Tết - Phan trang HyBến đời - Nguyễn Thị Thu SươngĐÀ NẴNG MÙA XUÂN MỚI Phát triển Đà Nẵng theo hướng hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc - Xuân HoàngĐà Nẵng vươn cao từ những cây cầu - Đinh Thành TrungPhố mãi còn xuân - Dân HùngTản mạn cát và Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngVề phía mùa xuân - Mỹ AnLãng mạn núi - Ngô Hà PhươngChiều - Xuân CừMái rạ mục nát ẩm ướt - Nguyễn Kim HuyTháng Chạp - Vỹ NguyênChưa... - Nguyễn Như CầuÝ thơ cuối năm - Nguyễn Nho KhiêmNgựa giả, ngựa thật - Mai Hữu PhướcSáng mùng một đi chùa - Nguyễn Thánh NgãNgày Tết nghe bạn hẹn quay về - Thái Bảo Dương ĐỳnhNguồn cội - Hoàng Thụy AnhĐêm cuối năm - Nguyễn Tấn OnTháng Giêng lỗi hẹn - Thủy AnhHoa Tết - Nguyễn Xuân TưTình xuân - Xuân DiệuNhững cơn mưa cuối đông - Tăng Tấn TàiTự tình mùa xuân - Long VânĐợi mùa - Vạn LộcXuân với đời người, đời cây - Trương Đình ĐăngƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiLúc lòng nguyên đán - Phan ChínBiển đêm - Trần Trình LãmNgàn lau - Lê Anh DũngNhớ Mẹ! - Võ Zuy ZươngDiễn - Nguyễn Hoàng ThọNỗi nhớ cong vênh - Thụy SơnĐi dạo sớm - Nguyễn Đông NhậtHương mùi của mẹ - Võ Thi NhungTrong khu vườn thư viện cổ - Lương Kim PhươngMùa gieo tình - Nguyễn Nho Thùy DươngCó thể là bình yên... - Đinh Thị Như ThúyNhững câu thơ trong đêm - Bùi Công MinhTạm biệt Stung Treng - Đỗ Như ThuầnRiêng cho Đà Nẵng - Huỳnh Thúy KiềuĐà Nẵng và em - Hà Thị Vinh Tâm“Hoa lạc, hoa khai, chỉ thị xuân” - Quế HươngCon lợn trong văn hóa Việt - Huỳnh Thạch HàXuân Kỷ Hợi nói về hình tượng lợn trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn - Lê Khắc NiênCó một Phan Khôi trong đời thường - Vân TrìnhGiữa ngả đường xuân gặp Phạm Văn Hạng - Trần Trung SángCuối năm nhớ bạn thơ - Nguyễn Ngọc HạnhDiễn biến của câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt trong sân khấu - Nguyễn Thị Thanh VânTết về xứ Quảng xem Tuồng - Hoàng Hương Việt