“Hoa lạc, hoa khai, chỉ thị xuân” - Quế Hương

18.01.2019

“Hoa lạc, hoa khai, chỉ thị xuân” - Quế Hương

Tôi được nghe “Cáo tật thị chúng” vào ngày ông tôi mất, người lấy việc đọc sách làm thú vui tuổi già, khi ngã bệnh cũng nhờ sách giảm đau. Giọng chú tôi run và cao như cố át tiếng “oe... oe ” đầy sức sống của em bé mới sinh ba hôm từ nhà dưới vọng lên. Nó bướng bỉnh nhắc mọi người “tôi có mặt”. Ông bảo chú tôi đặt nó tên Chi Mai rồi im lặng cho đến khi mất.

Nhiều năm qua, tôi vẫn bàng hoàng trước bài kệ ấy. Lẽ nào vấn đề nặng nề, muôn thuở quen và lạ như Sống Chết bỗng hóa ra nhẹ thênh như cánh mai vàng rơi xuống màu vàng bát ngát của mùa xuân trong bài kệ của một thiền sư?

"Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai"                                     

Thiên nhiên hiện ra chung chung, thường tình, như một quy luật. Xuân qua trăm hoa rụng. Xuân đến trăm hoa cười. Lòng tự hỏi lẩn thẩn sao sư không hỏi ngược lại? Người đời thường nghĩ đến “khai” trước “lạc”, yêu hoa nở, ghét hoa tàn, chú trọng sự rực rỡ, viên mãn mà không thích héo tàn, rơi rụng. Phải chăng vì thế mà cuộc hóa sinh của con người nặng nề nhất trong muôn loài? Tâm vị thiền sư đời Lý Nhân Tông, có tên là Lý Trường(1052-1096) phải đạt đến độ thâm trầm, bát ngát mới để như vậy. Hết thảy sự vật trong vũ trụ đều ở trong vòng sinh hóa không ngừng. Vì hóa mà sinh, lại vì hóa mà tử. Hoa nở là Đạo, mà hoa rơi cũng là Đạo.        

Hai câu khác nhau hai cặp từ: Khứ - đáo, lạc - khai. Thế mà với bốn chữ đó, trần gian đã quằn quại trong tử biệt sinh ly. Chuyện xưa kể có một ông vua Ấn Độ hỏi một nhà sư: ”Trên đời có gì lạ nhất?”. Sư trả lời: ”Lạ nhất là ai cũng chết mà người ta cứ làm như mình sống mãi”. Nguồn sống vĩnh cửu vô biên “bất ứng biến vị ứng” cứ như nước chảy dưới cầu.

Khổng Tử nhìn bốn mùa qua lại, muôn vật sinh hóa, đã phải thốt lên “Thiên hà ngôn tai. Tứ thời hành yên. Bách vật sinh yên”(1). Trang Tử xoạc chân gõ chậu hát khi vợ qua đời cũng chỉ hiểu đường sinh tử là lối vào, ra của vạn vật. Đức Phật khi sắp nhập Niết bàn chỉ im lặng cầm cành hoa giơ lên. Đối với những bậc giác ngộ, nhẹ nhàng thay chuyện đi ở, sống chết. Nhưng người đời chằng chịt trong quan hệ, rối rắm trong thất tình lục dục lại xem đó là bi kịch của kiếp người. Làm thế nào để sống thanh thản khi biết chắc mình sắp chết? Sư cũng là con người. Có bệnh nghĩ về cái chết. Hữu sinh ắt hữu tử. Có nở ắt có tàn... Thiên nhiên với sự sinh hóa nhẹ nhàng đã nhắn với con người điều đó.

Chợt nhớ thiền sư Chân Không (946-1001) khi trả lời câu hỏi của một vị tăng “Sắc thân này hủy nát thì thế nào?” đã ứng khẩu:

“Xuân lai, xuân khứ, nghi xuân tận

Hoa lạc, hoa khai, chỉ thị xuân”(2)

Vẫn những chữ “xuân”, “khứ”, “lai”, ”khai” ấy để nói về dòng chảy sinh hóa. Con người không thể tách khỏi dòng chảy vĩ đại ấy, nối tiếp nhau chảy đến vô cùng. Vấn đề là làm sao chấp nhận dễ dàng, nhẹ nhàng điều đương nhiên ấy, đương nhiên mà vẫn bàng hoàng:

“Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai”

Cánh hoa rơi. Nhẹ mà vẫn buồn!

Nỗi buồn ấy man mác thôi nhưng ngọn gió hư vô ấy cứ luồn lách xương tủy trần thế.

Heraclide của Hy Lạp từng than: “Tout change, tout coul”(3). Khổng Tử trước sự luân lưu bất tận ấy đã thở dài: ”Trôi chảy mãi thế ru, ngày đêm không thôi”(4).

Còn Sư:

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu, già đến rồi

10 chữ. Thuyền nhẹ chở đầy. Câu kệ chòng chành trên sóng nước dòng sông vĩnh cửu, màu tóc trắng nhấp nhô!

Cuộc chuyển hóa lớn lao của vũ trụ trong đó có con người bé nhỏ gói trong mấy chữ mà mênh mang như biển lớn trong tâm. Tôi hình dung vị thiền sư bị bệnh nằm bên cửa sổ, chiêm nghiệm điều Quá điều Lai, thấm “cổ nhân sầu bạch phát”(5). Hương thiền vương hương tục, nỗi buồn vướng câu thơ nhưng không kéo nó chựng lại mà chỉ làm nó lãng đãng trước khi bay cao. Âm hưởng câu 3, 4 phảng phất như tiếng thở dài, nhẹ và sâu nhưng không u uất như nhà thơ mênh mang sầu nhân thế Nguyễn Du:

“Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn

lòng”

Cũng phải thôi. Thời đại họ sống khác nhau quá! Trong các triều đại phong kiến, triều Lý từng được đánh giá là triều đại “thuần từ” nhất. Đó là nhờ ảnh hưởng đạo Phật. Vâng, một thời đại có thể làm vơi bớt hay nặng thêm “bể khổ” của kiếp người!

Có thể nói ý thức hệ “tam giáo đồng nguyên” của đời Lý được thiền sư Mãn Giác thấm nhuần. Triết Lý thâm sâu của đạo Phật, vũ trụ quan Dịch của Trung Quốc, phong thái khinh phiêu của Lão Trang, “lạc nhiên tri mệnh”(6) của nho gia ẩn lộ trong từng dòng kệ. Nhưng từ tri đến ngộ là cả một đường dài. Một đạo sĩ Ấn từng nói: “Trước khi học Thiền, núi vẫn là núi. Được chỉ giáo, núi không là núi. Khi giác ngộ, núi trở lại là núi.” Sư lại là sư. Bài kệ là biển, nơi những con sông tư tưởng lặng lẽ đổ về, hòa tan trong đó, chỉ còn nghe nhịp thở của Sóng. 34 chữ. Thế mà như đứng trước đại dương, bé nhỏ, u minh không nghe hết điều Sóng nói. Nhỏ nhặt, thường tình mà đầy bí mật và vĩ đại. Đơn giản, dường như không đáng lưu tâm bỗng thình lình trở nên lớn lao vô lượng:

“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”

Tưởng chừng mâu thuẫn thế mà không. Hủy diệt và bất diệt đều tất nhiên. Sống và chết đều kỳ diệu, duy trì nguồn sống vô biên của vũ trụ, biểu hiện qua sự tuần hoàn của thời tiết, nhịp điệu sinh thành hóa dục của muôn loài.

Văn thơ Thiền không dụng ý nghệ thuật. “Bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm” để “kiến tính”. Đó là yếu chỉ của Thiền học. Vấn đề là chỗ độc đáo, thần diệu biểu hiện tâm linh giác ngộ nằm ở đâu trong mớ ngôn từ bất - đặng - đừng của Thiền gia? Và tôi chợt rùng mình khi đối diện với nó, với cành mai bé nhỏ từ trong bóng tối bao la và bí mật hôm qua, có mặt trong cảnh xuân tàn:

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước, một cành mai

Chính cành mai muộn ấy đã âm thầm khẳng định cuộc sống bất diệt, mùa xuân vĩnh hằng. Phải hiểu mai và yêu đời lắm, thiền sư mới để cành mai ấy trong bài kệ làm trước khi mất. Mai chứ không phải loài hoa khác. Một cành chứ không phải vườn. “Nhất chi mai”, chừng đó đủ phủ nhận “xuân tàn hoa lạc tận”. Đứng đầu trong tứ hữu của người xưa, mai có vẻ đẹp không kiêu sa, lộng lẫy nhưng nghìn chữ, trăm bài không nói hết vẻ đẹp vừa ẩn vừa tỏa của mai. Lục Du đời Tống viết trên 100 bài về mai vẫn thấy chưa nói hết vẻ đẹp bền bỉ, kín đáo, cao nhã ấy. “Vịnh mai thi tập cẩm” gồm 289 bài chỉ viết về hoa mai. Tranh mực nước của Trọng Nhân vẽ những đóa hoa mai đen - trắng tĩnh tại mà vẫn bát ngát màu nắng ấm áp của Đời. Loài hoa ấy thức dậy sớm để báo tin xuân (Tảo Mai). Loài hoa ấy vẫn còn khi “xuân tàn hoa lạc tận” (Vãn Mai). Gầy guộc đấy mà không ngả nghiêng theo gió. Một cành đấy mà chẳng lẻ loi. Hoa nối hoa, nụ nối nụ, căng mẩy sức sống, liên miên bất tuyệt. Hoa rụng, trái kết. Trái rụng cây con mọc... Hiếm loài hoa nào có sức sống bền dai và quá trình hóa thân mạnh mẽ đến thế ! Người yêu mai bởi “Đức lớn trong hồn hoa nho nhỏ”. Người mượn mai biểu hiện khí tiết, phẩm hạnh mình. Kẻ sĩ bất khuất Cao Bá Quát cũng phải hạ bút: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”(7).

Có người dịch 2 câu thơ cuối muốn thêm chữ “nở” cho rõ ý. Thế nhưng thơ cổ hàm súc, ngôn ngữ kệ dè sẻn, đôi khi thêm chữ thường dẫn đến hẹp nghĩa. Nở hay tàn, mai vẫn là mai - “Hoa lạc, hoa khai chỉ thị xuân”. Bỗng nhớ đến bức tranh “Đạp tuyết tầm mai” trên chiếc lọ cổ trong một thiền truyện(8). Ông lão tìm được một cành mai tuyệt đẹp trong non cao giá buốt. Khi về làng, qua cầu, ngoảnh lại chỉ còn nhánh củi khô. Nhánh củi khô ấy sao mà giống bộ xương con cá khổng lồ trong “Ngư ông và biển cả” của E. Hemingway thế! Còn lại phải chăng là cành mai trong mắt ông lão, mãi đẹp ở khoảnh khắc - vĩnh cửu.

Cặp cuối của bài kệ như bóng với hình. Câu trên tìm mình trong câu dưới. Đó cũng là hình bóng cuộc đời: Mong manh, bất định mà bất diệt.

Ngót 1000 năm. Cành mai ấy vẫn lung linh tươi thắm trong dòng thời gian vô thủy vô chung. Hương nhắn gửi: Sống thanh thản. Đi nhẹ nhàng. “Ta ở, ta đi, không vĩnh biệt”(9). Có nhành mai ấy, mùa xuân của thiền sư sao mà xuân thế! Đích thị xuân ở sức sống kỳ diệu, vĩnh cửu của một hạt bụi .

Chạnh nhớ một nhà thơ trong thời chúng ta, trước lúc đi xa để lại trong di cảo thơ:

“Anh tồn tại

Không bằng tuổi tên mà như tro bụi

Như ngọn cỏ tàn, đến tiết lại trồi lên”

(Chế Lan Viên)

Cách ngần ấy thời gian. Thời đại lẫn ý thức hệ khác nhau lắm, sao tôi thấy họ gần nhau đến thế ! Cả hai đều thấy đằng sau Hủy Diệt là  Bất Diệt.

Vâng:

“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”

Cành-mai-của -ông- tôi vẫn còn đó. Bây giờ em Chi Mai lại có thêm một cành con nữa. Còn ông, vẫn ở đằng sau khung ảnh, nụ cười chừng phảng phất. Có lý chăng khi phát biểu theo cách Thiền: ”Sự thực chết là sống” (10).

Mãn Giác là một thiền sư. “Cáo tật thị chúng” là một bài kệ. Sao tôi cứ muốn gọi sư là nhà thơ bởi bài kệ là một bài thơ đích thực, không dụng ý mà vẫn đượm màu nghệ thuật. Có cái gì cứ hát lên ở đấy, giữa bao la và bé nhỏ, bất biến và vạn biến, hủy diệt và bất diệt, Đạo và Đời, Người và Sư.

“Giá trị như con sông, càng sâu chảy càng êm”. “Cáo tật thị chúng” là một dòng sông như thế .

Chiều đến không ai ngăn mặt trời lặn. Nhưng ngày mai... lại thấy mặt trời. Cám ơn Sư !

 Q.H

Bài viết khác cùng số

Mùa Xuân - Ai may áo mới? - Nguyễn Thị PhúTết đến nơi rồi! - Hồ Thị Thùy TrangThổi đi từng cơn gió bấc - Nguyễn Nhã TiênTôi, mẹ chồng và bánh ít Tết... - Y NguyênNghe mưa chờ Tết - Phan trang HyBến đời - Nguyễn Thị Thu SươngĐÀ NẴNG MÙA XUÂN MỚI Phát triển Đà Nẵng theo hướng hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc - Xuân HoàngĐà Nẵng vươn cao từ những cây cầu - Đinh Thành TrungPhố mãi còn xuân - Dân HùngTản mạn cát và Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngVề phía mùa xuân - Mỹ AnLãng mạn núi - Ngô Hà PhươngChiều - Xuân CừMái rạ mục nát ẩm ướt - Nguyễn Kim HuyTháng Chạp - Vỹ NguyênChưa... - Nguyễn Như CầuÝ thơ cuối năm - Nguyễn Nho KhiêmNgựa giả, ngựa thật - Mai Hữu PhướcSáng mùng một đi chùa - Nguyễn Thánh NgãNgày Tết nghe bạn hẹn quay về - Thái Bảo Dương ĐỳnhNguồn cội - Hoàng Thụy AnhĐêm cuối năm - Nguyễn Tấn OnTháng Giêng lỗi hẹn - Thủy AnhHoa Tết - Nguyễn Xuân TưTình xuân - Xuân DiệuNhững cơn mưa cuối đông - Tăng Tấn TàiTự tình mùa xuân - Long VânĐợi mùa - Vạn LộcXuân với đời người, đời cây - Trương Đình ĐăngƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiLúc lòng nguyên đán - Phan ChínBiển đêm - Trần Trình LãmNgàn lau - Lê Anh DũngNhớ Mẹ! - Võ Zuy ZươngDiễn - Nguyễn Hoàng ThọNỗi nhớ cong vênh - Thụy SơnĐi dạo sớm - Nguyễn Đông NhậtHương mùi của mẹ - Võ Thi NhungTrong khu vườn thư viện cổ - Lương Kim PhươngMùa gieo tình - Nguyễn Nho Thùy DươngCó thể là bình yên... - Đinh Thị Như ThúyNhững câu thơ trong đêm - Bùi Công MinhTạm biệt Stung Treng - Đỗ Như ThuầnRiêng cho Đà Nẵng - Huỳnh Thúy KiềuĐà Nẵng và em - Hà Thị Vinh Tâm“Hoa lạc, hoa khai, chỉ thị xuân” - Quế HươngCon lợn trong văn hóa Việt - Huỳnh Thạch HàXuân Kỷ Hợi nói về hình tượng lợn trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn - Lê Khắc NiênCó một Phan Khôi trong đời thường - Vân TrìnhGiữa ngả đường xuân gặp Phạm Văn Hạng - Trần Trung SángCuối năm nhớ bạn thơ - Nguyễn Ngọc HạnhDiễn biến của câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt trong sân khấu - Nguyễn Thị Thanh VânTết về xứ Quảng xem Tuồng - Hoàng Hương Việt