Cuối năm nhớ bạn thơ - Nguyễn Ngọc Hạnh

18.01.2019

Cuối năm nhớ bạn thơ - Nguyễn Ngọc Hạnh

Những người làm thơ nhiều thế hệ lần lượt ra đi, chỉ những câu thơ còn ở lại, nhưng may mắn không dành cho tất cả, thậm chí có người khi đã mất thì thơ họ cũng chẳng còn. Viết nhiều, in sách nhiều chưa chắc người ta nhớ, trong khi có nhà thơ chỉ làm một vài bài thơ cho vui lại để đời, chẳng mấy ai quên... Các bài thơ hay thường dễ nhớ, dễ chia sẻ, lưu truyền, đó là lý do để thơ ca trở nên quan trọng đối với nhiều người trong thế giới ngôn từ. Tôi không có ý định bình luận, phân tích về chất lượng tác phẩm mà chỉ muốn nhắc nhớ một số nhà thơ đồng hương xứ Quảng gần gũi thân thiết, một số bạn bè làm thơ cùng thời với tôi nhưng đã sớm vĩnh biệt cuộc đời này. Phần lớn trong số họ ít được nhắc đến, những tài năng chưa kịp tỏa sáng đã tắt lịm. Tôi cũng là người làm thơ, đôi lúc chạnh lòng, có thể do số phận những người bạn của tôi ra đi quá sớm, chưa kịp đốt cháy sức sáng tạo của mình, nhưng chắc rằng đời sống tâm hồn của họ với thế giới thi ca cũng đáng trân trọng, yêu mến.

Lâu rồi tôi cũng ít khi đọc thơ của họ, hằng ngày chỉ đọc thơ của những người đang sống. Thế mà sáng nay, những ngày cuối năm, tết sắp về, lại ngồi lục tìm trên giá sách những tập thơ đã ố vàng in từ thời bao cấp, tôi bồi hồi nhớ từng kỷ niệm với bạn bè tôi. Thời đó, anh em làm thơ không nhiều, đời sống nghèo khó hơn bây giờ. Nhưng lạ thật, họ lại thương nhau, gần gũi sẻ chia vui buồn, mỗi lần gặp gỡ, anh em thường dành cho nhau những tình cảm sâu đậm, đầy nghĩa tình. Tôi còn nhớ Trần Khắc Tám ngày ấy, gia đình anh còn ở góc đường Trần Phú, một gian gác nhỏ trên tầng 4. Nhà nhỏ, nhưng ngăn nắp, và đặc biệt là rất nhiều sách. Tôi nhìn giá sách của Tám mà thèm, thầm ước mình có một gia tài như thế. Thời ấy tôi còn sống và làm việc ở Điện Bàn. Cứ mỗi lần ra Đà Nẵng thường ghé đến công ty của anh để mua sách. Anh em tôi ngồi chuyện trò, đọc thơ cho nhau nghe, chưa đủ, có vài lần Trần Khắc Tám còn mời tôi về ăn trưa tại nhà. Lê Nguyệt, vợ của nhà thơ lo cơm nước tiếp bạn, còn hai đứa tôi lại ngồi luận bàn về sách mới, về những bài thơ mới viết, về báo Văn nghệ, Tạp chí Đất Quảng... Tám luôn nhỏ nhẹ, chân thành, đặc biệt giọng đọc thơ lại khá truyền cảm. Đọc Trần Khắc Tám dễ nhận ra âm sắc những đồng quê quen thuộc, chốn Bình yên những con bò gặm cỏ, Lối nhỏ, Đụn rơm vàng chim sẻ đậu với “người mẹ bóng đi như chạy giữa cánh đồng/ người chị hát cười răng đen hạt na/ nơi bên cầu tre bóng ai ngồi giặt áo/ những trái dưa trên cát ngủ no tròn”. Hình ảnh người mẹ trong thơ Trần Khắc Tám đầy cảm xúc, đọc “Đi chợ chiều nhớ mẹ” làm sao không nhớ mẹ:

Một mình con đi chợ chiều nay

Ngày xưa ấy mẹ con mình dạo bước

 Mẹ thì già bao giờ cũng đi trước

 Con theo sau

Mảng ráng chiều cháy đỏ trên đầu...

Thiếu mẹ nhiều khi con lúng túng

Nhìn về đâu cũng thấy thiếu

một người

Còn nhà thơ Hoàng Minh Nhân, quê Gò Nổi, Điện Bàn, một “nghệ sĩ” luôn hết lòng với văn nghệ. Anh vốn là cán bộ nghiên cứu, vì văn chương lại bỏ ngành và ước mơ trở về xứ Quảng của mình để sống và sáng tác. Anh lại đi học viết văn rồi về quê, tình nguyện tham gia phát hiện bồi dưỡng những cây bút trẻ. Còn nhớ những ngày đầu tham gia Hội Văn nghệ, anh Hoàng Minh Nhân chẳng có chức sắc gì, thế mà anh lặn lội đến các địa phương để tìm các cây bút trẻ, tạo điều kiện cho họ đến gần với Hội, tham gia các trại sáng tác văn học. Nhiều người trong số đó giờ đây là những nhà văn, nhà thơ thành danh. Văn xuôi anh viết nhiều, nhưng bạn bè lại thường nhớ thơ của Hoàng Minh Nhân. Nhớ Trái cốc mỏng mảnh vỏn vẹn 30 trang, nhớ Chùm chìa khóa, “đi đâu anh cũng bỏ quên/ ước gì tôi cũng dễ quên/ những mối tình thời trẻ”, nhớ thời nghèo khó: “làm sao có được mươi đồng bạc/ tặng bạn chiều nay trái cốc xanh/ đưa tay anh hái trời xanh vậy/ trái cốc lòng anh mãi để dành”. Rất thi sĩ, hai câu trong bài tứ tuyệt này sẽ sống lâu dài. Đó là chưa nói đến công việc làm sách của anh. Hoàng Minh Nhân chủ biên nhiều cuốn sách giá trị như Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, Mẫn và tôi sống mãi của Phan Tứ, Mãi mãi là tình yêu của Phan Huỳnh Điểu, Hồ Nghinh - một chiến sĩ, một con người, Khát vọng miền Trung, Hội An thế kỷ 17, Thơ Phạm Hầu, Phan Bôi - Hoàng Hữu Nam... Tất cả gần 30 tác phẩm xuất bản bằng chính tiền túi của mình. Tủ sách Đất Quảng của anh là một đóng góp không nhỏ cho văn hóa Quảng Nam, tiếc là tất cả tâm huyết, niềm say mê ấy của nhà thơ Hoàng Minh Nhân đã dừng lại bất ngờ đầy tiếc nuối.

Hai người bạn làm thơ trẻ là Nguyễn An Hạ và Nguyễn Minh Khôi mà tôi rất yêu mến. Thời đó, tôi ở quê ra. Mỗi lần họp mặt ở Hội Văn nghệ, hầu như anh em ở ngoài phố này thường ưu ái, sẻ chia. Còn nhớ một lần, bạn mời tôi ra quán rượu, vừa nâng cốc lên, Nguyễn An Hạ đọc mấy câu thơ mà đôi mắt đượm buồn: “Thời gian luôn phía trước/ Bỏ ta giữa lưng chừng/ Với những gì được mất/ Đếm tuổi mình rưng rưng” (Ngồi lại tuổi bốn mươi). Hoặc trong tập thơ Cỏ dại in năm 1996 có mấy câu thơ tình như lời định mệnh: “Nghe trong tôi mộ tình cỏ mọc/ Cuộc đời tôi từ đó chìm rơi”. Có ai ngờ, Cỏ dại cũng là nơi tâm hồn bạn tôi ngàn đời xanh cỏ mọc!

Cũng là cỏ, nhưng là Cỏ hoa ngày thường của Nguyễn Minh Khôi. Tôi còn nhớ mãi đôi kính cận dày cộm mỗi lần anh em gặp nhau bên quán rượu. Hồi xưa khác, hiếm khi gặp, không như bây giờ thơ đăng trên nhiều báo, thời ấy lại chưa có facebook, cho nên mỗi lần gặp nhau là chúng tôi ngồi đọc thơ. Lần cuối, năm 2002, Khôi tặng tôi tập thơ và hai đứa dắt nhau vào quán cà phê ngồi nguyên cả một ngày. Không biết sao trời hôm ấy mưa dầm, tôi cứ ngồi nghe bạn mình đọc thơ mà lòng se lạnh: “Một kiếp người ngắn ngủi/ đáng lẽ đừng trôi qua/ đáng lẽ phải ngừng lại vĩnh viễn/ như cánh buồm trên đỉnh núi”. Một thế giới đầy hư ảo, bạn tôi đã “đặt cược đời mình trên những con chữ chông chênh đầy bất trắc”. “Ta phải về thôi chiều đã tắt/ Sương đã giăng trên những non ngàn/ Phố thị chờ ta về nhập cuộc/ Bạn lòng ơi đành lỡ hẹn đêm này” (Xuống núi). Đời sao qua mau, sao những người bạn thơ của tôi lại sớm chia tay: “Đi qua rồi đi mãi/ Sông kia chảy về đâu/ Đi qua rồi ngoái lại/ Một đời sao qua mau” (Đi qua). Thế đấy, cõi người là nơi tạm trú, có gì đâu mà hơn thua, tranh giành: “Mơ hồ một tiếng lá rơi/ Giật mình ngoảnh lại một đời như không”. Thơ Nguyễn An Hạ đằm thắm, chân quê.

Nhắc đến Trần Từ Duy thì hầu như anh em văn nghệ ai cũng nhớ. Không chỉ nhớ cây bút biếm Đông Ki-Rét của Tuổi trẻ Cười mà còn nhớ một nhà thơ mê rượu Chivas như mê thơ. Còn nhớ một lần khi đến dự đám giỗ nhà thơ Hoàng Tư Thiện, anh cũng tìm cho bằng được chai Chivas thứ thiệt mang lên cúng bạn hiền, mới chịu. Trần Từ Duy từ Sài Gòn về Đà Nẵng chơi, đúng kỷ niệm ngày mất của Thiện, anh gọi tôi “Hạnh có đến Hoàng Tư Thiện ghé lại cho mình đi với”. Tôi xách ô tô đến khách sạn đón anh, cứ nghĩ thế là chạy thẳng đi thôi, vì nhiều anh em đang chờ ở nhà Hoàng Tư Thiện. Ai ngờ Trần Từ Duy bảo tôi rẽ về đường Trần Phú, đến quán rượu nổi tiếng ở đây để tìm cho ra chai Chivas mang lên giỗ bạn. Khi bà chủ tiệm mang chai Chivas ra, vừa cầm lên, Trần Từ Duy vuốt nhẹ, nheo con mắt vài giây, liền bảo bà ấy đổi ngay chai khác, yêu cầu phải là rượu chính hãng... Tôi chợt nghĩ, thân hữu mà chân tình như vậy rất hiếm, bởi có không ít bạn bè văn nghệ đang sống mà mấy ai sống hết lòng! Trần Từ Duy đã thể hiện lòng quý mến với một người bạn thơ qua đời đã gần 10 năm như thăm bạn lúc sinh thời. Điều này, tôi rất ngưỡng mộ và hiểu thêm về con người nghệ sĩ của Trần Từ Duy, một người bạn đặc biệt với rượu Chivas, với bạn bè!

Giữa vô thường này có gì là không dễ đâu, tất cả đều cứ đến và cứ đi thật lạ lùng. Nhà thơ Trần Từ Duy đã đến giữa cuộc đời dâu bể và anh ra đi lặng thầm trong nỗi tiếc thương mà mấy ai ngờ khi cuộc chơi ấy chưa tàn: “Đâu dễ gì coi như/ Đời ta không có mặt/ Có dễ gì coi như/ Mọi điều không có thật” (Đâu dễ gì coi như). “Kẻ đa tình” ấy đã về với cõi vĩnh hằng, có thể cõi ấy là thơ. “Ta bây giờ coi như/ Trần gian không có mặt”, nhưng Trần Từ Duy vẫn hiện hữu, vẫn tồn tại với người thân và bạn bè là điều có thật. Anh đã từng trọ giữa hồn người, từng yêu, từng đau đớn, dày vò với thơ, với nỗi niềm chan chứa:

Mai người đi chớ có run chân

Đường dâu bể biết bao giờ gặp gỡ

Người có sẵn cho hồn tôi ở trọ

Trăm năm trong hồn người không?

Câu hỏi đó Trần Từ Duy đã mang theo gần suốt đời mình. Bây giờ “Câu hỏi buồn, buồn hơn lá úa/ Câu hỏi buồn hơn câu thơ” của anh sẽ có cách giãi bày bằng một thứ ngôn ngữ khác, ngoài thơ!

Nhắc đến rượu và thơ làm sao quên được Hoàng Tư Thiện. Thiện hay uống rượu một mình. Trầm ngâm như chiếc bóng, ít nói. Khi say, Thiện lại đọc tràn giang thơ Đông Tây kim cổ, ngất ngây như ma nhập... Một bài thơ cuối cùng chép tay gửi bạn bè, dường như anh đã dự cảm được sự ra đi của mình: “Hãy để hồn an nghỉ một đêm nay/ Đầu sẽ gối lên tay này cô độc/ Hãy để hồn sống nốt đêm nay/ Đêm sắp tắt hay mắt ai chừng đã khép” (Chiêu hồn). Trái tim ấy không chịu dừng với bao khát vọng của tình yêu. Hồn anh vẫn còn quanh quẩn đâu đây, đắm say yêu tha thiết cuộc đời này. Ngày hai em tôi còn dạy học ở Điện Bàn, có một lần, Thiện nói với tôi, “tìm không thấy người, nên mình tri âm với bóng, vậy thôi”. Cái bóng ấy là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong thơ Hoàng Tư Thiện: “Tôi ngồi với bóng tôi mà/ Tôi và chiếc bóng nữa là có đôi”. Đây nữa, “Cái hư cái thực/ cái mất cái còn/ cái có cái không/ chập chờn cái bóng”. Đến cả cái bóng của mình cũng ẩn hiện mơ hồ:

Bao lần soi mặt vào gương

Ngỡ như thoắt hiện lại dường như xa

Mảnh gương trong vắt kia mà

Sao tôi tìm mãi không ra bóng mình

Và mãi mãi, Hoàng Tư Thiện chỉ một bóng với những buồn vui trong đời, một mình lầm lũi, trôi dạt với thơ giữa cuộc đời này. Đến khi “tắt đèn/ mất bóng /tôi nhìn /thấy tôi”. Thiện hay nói với tôi như thế. Có lẽ giờ này Hoàng Tư Thiện đã gặp lại mình ở cõi hư vô!

Thơ đôi khi linh thiêng như một điềm báo, cũng như “cái bóng” Hoàng Tư Thiện, nhà thơ Nguyễn Trung Bình trong những ngày cuối cùng dường như cảm xúc có điều gì gấp gáp, tuôn chảy: “không có gì xảy ra/ phố đang chảy vào ngày/ ngày đang chảy vào phận người các kiểu/ các kiểu đều chung một lối về là cái chết/ sao người ta cứ giành giật nó từng giây trông mà thương quá là thương” (Phố ngày em đi). Câu thơ chạm vào cái chết như một lời tiên cảm với một thái độ chấp nhận và ít nhiều có sự thanh thản, đón chờ. Làm sao anh em văn nghệ có thể quên được đêm thơ nhạc chia tay Đặng Ngọc Khoa, từ Sài Gòn Nguyễn Trung Bình gọi điện về xin được đọc một bài thơ viếng Khoa đầy xúc động. Lúc ấy Bình đã bệnh nặng rồi, cũng giành giật từng giây với số phận, không đọc hết bài thơ, nên Trần Tuấn phải chép bài thơ ra giấy để đọc thay cho bạn. Mấy ngày sau thì Bình đi cùng với Đặng Ngọc Khoa. Những năm tháng cuối đời, Bình viết nhiều, viết trong tâm thế dữ dội, khác lạ, một loại thơ trần trụi, thô nhám, đầy nỗi buồn đơn độc. Đọc lại câu thơ này, thương lắm Bình ơi: “Đời này dài sao tình yêu của tụi mình ngắn thế...” (Mắt nâu).

Còn Đặng Ngọc Khoa những ngày đói rách, thời chưa có việc làm, mỗi lần ghé Vĩnh Điện chơi Khoa thường đến nhà tôi. Có nhiều đêm thức trắng ôm đàn hát nghêu ngao, không cần biết ngày mai là gì. Thơ Khoa có nhiều dự cảm tủi mệnh về phận mình:“Chưa bình minh đã hoàng hôn/ Đời tôi chính ngọ bồn chồn thân tâm/ Nổi chìm một nửa trăm năm/ Chân chưa vạn dặm ai thầm gọi tôi?”. Trong bài thơ Đa mang, giờ đọc lại tôi lạnh cả người: “Đừng khóc nữa em, anh về xa/ Gối đầu trên cỏ nghỉ quê nhà/ Làng anh mọc dưới ngôi sao ấy/ Em có bao giờ ngóng sao sa?”. Đặc biệt Đặng Ngọc Khoa trong những lần chuyện trò, đọc thơ lại hay xuất khẩu thành thơ, nhưng làm xong là quên chứ ít khi ghi chép lại. Thế mà, nhiều người vẫn thuộc làu thơ của bạn tôi. “Sẽ có một ngày như thế tim tôi/ Trước cái chết lẽ nào sợ hãi/ Ngực con tôi trái tim trao lại/ Không trái tim ai ngừng đập trên đời”. Làm sao có thể quên những câu thơ như thế.

Mà lạ thật, nhiều người làm thơ sao lại chết trẻ thế này. Tôi nhớ Vũ Hữu Định, Hoàng Trọng Dũng, nhớ Phạm Ngọc Lư, Thái Miên, nhớ Phụng Lam... Tôi khó mà quên được buổi sáng hôm ấy, nhà thơ Phụng Lam đã qua đời đột ngột bên luống rau nhà mình. Anh là người đồng hương Đại Lộc của tôi, cho nên cứ mỗi lần viết được bài thơ mới là anh mang đến khoe thơ, chỉ đọc nghe thôi, chớ khó mà góp ý chỉnh sửa gì. Anh hơn tuổi tôi nhưng thơ rất trẻ. Viết lục bát thế này không dễ: “Mẹ ngồi ngạch cửa vá mưa/ miếng đông rét, miếng gió lùa ngõ quê/ mũi chìm mũi nổi buồn tê/ phía sông xưa cóng nỗi se sắt mù” (Vá mưa).

Và Thái Miên, tức Trần Thừa Thiện, một người bạn quê ở Thăng Bình, anh làm thơ không nhiều, nhưng yêu say đắm, rất hồn nhiên. Thế mà, một lần trên đường anh chở tôi ra họp ở Hội Văn nghệ, ngồi trên xe máy hai đứa cứ “biên tập” cho bằng được bốn câu thơ trong bài Khúc tha phương: “Đã có những ngày đời như như thế/ Khi lòng còn quá đỗi vô tư/ Ai hay chi cảnh đời dâu bể/ Tóc xanh mây trắng ngậm ngùi trôi”. Chính câu thơ cuối cùng cứ bàn đi bàn lại mãi chữ “trôi” này, ai ngờ đó lại là kỷ niệm khó quên của tôi với tập Thơ tình không gửi của anh. Thái Miên đã trôi về cõi vô cùng.

Làm sao mà nhớ hết bạn bè, đây chỉ là nén hương phút giao thừa xin gửi đến những hương hồn đã khuất, chỉ là một chút tình của bạn bè văn nghệ xứ Quảng nhớ về nhau. Ai làm thơ chẳng mong để lại cho đời tác phẩm của mình, thậm chí vài câu thơ thôi cũng là điều hạnh phúc. Chuyện ấy còn lâu, không dễ. Thôi thì mình nhớ nhau thế này cũng bớt tủi lòng.

N.V.H

Bài viết khác cùng số

Mùa Xuân - Ai may áo mới? - Nguyễn Thị PhúTết đến nơi rồi! - Hồ Thị Thùy TrangThổi đi từng cơn gió bấc - Nguyễn Nhã TiênTôi, mẹ chồng và bánh ít Tết... - Y NguyênNghe mưa chờ Tết - Phan trang HyBến đời - Nguyễn Thị Thu SươngĐÀ NẴNG MÙA XUÂN MỚI Phát triển Đà Nẵng theo hướng hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc - Xuân HoàngĐà Nẵng vươn cao từ những cây cầu - Đinh Thành TrungPhố mãi còn xuân - Dân HùngTản mạn cát và Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngVề phía mùa xuân - Mỹ AnLãng mạn núi - Ngô Hà PhươngChiều - Xuân CừMái rạ mục nát ẩm ướt - Nguyễn Kim HuyTháng Chạp - Vỹ NguyênChưa... - Nguyễn Như CầuÝ thơ cuối năm - Nguyễn Nho KhiêmNgựa giả, ngựa thật - Mai Hữu PhướcSáng mùng một đi chùa - Nguyễn Thánh NgãNgày Tết nghe bạn hẹn quay về - Thái Bảo Dương ĐỳnhNguồn cội - Hoàng Thụy AnhĐêm cuối năm - Nguyễn Tấn OnTháng Giêng lỗi hẹn - Thủy AnhHoa Tết - Nguyễn Xuân TưTình xuân - Xuân DiệuNhững cơn mưa cuối đông - Tăng Tấn TàiTự tình mùa xuân - Long VânĐợi mùa - Vạn LộcXuân với đời người, đời cây - Trương Đình ĐăngƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiLúc lòng nguyên đán - Phan ChínBiển đêm - Trần Trình LãmNgàn lau - Lê Anh DũngNhớ Mẹ! - Võ Zuy ZươngDiễn - Nguyễn Hoàng ThọNỗi nhớ cong vênh - Thụy SơnĐi dạo sớm - Nguyễn Đông NhậtHương mùi của mẹ - Võ Thi NhungTrong khu vườn thư viện cổ - Lương Kim PhươngMùa gieo tình - Nguyễn Nho Thùy DươngCó thể là bình yên... - Đinh Thị Như ThúyNhững câu thơ trong đêm - Bùi Công MinhTạm biệt Stung Treng - Đỗ Như ThuầnRiêng cho Đà Nẵng - Huỳnh Thúy KiềuĐà Nẵng và em - Hà Thị Vinh Tâm“Hoa lạc, hoa khai, chỉ thị xuân” - Quế HươngCon lợn trong văn hóa Việt - Huỳnh Thạch HàXuân Kỷ Hợi nói về hình tượng lợn trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn - Lê Khắc NiênCó một Phan Khôi trong đời thường - Vân TrìnhGiữa ngả đường xuân gặp Phạm Văn Hạng - Trần Trung SángCuối năm nhớ bạn thơ - Nguyễn Ngọc HạnhDiễn biến của câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt trong sân khấu - Nguyễn Thị Thanh VânTết về xứ Quảng xem Tuồng - Hoàng Hương Việt