Từ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”
Tôi từng đọc “nhật ký chiến tranh” của nhà văn Chu Cẩm Phong, xem các phim tài liệu “Giở lại trang nhật ký Chu Cẩm Phong”, “Bình Dương - chân dung vùng cát” của đạo diễn Hồ Trung Tú, đọc lưu bút của nhiều văn nghệ sĩ từng đến đất này, nên có hiểu biết ít nhiều về Bình Dương - một xã vùng cát ven biển của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, nơi một thời là đất lửa, là điển hình về mức độ ác liệt cùng nhiều mất mát, hy sinh trong chiến tranh giải phóng dân tộc.
Nhằm tưởng niệm, tri ân những người đã “sống trong cát chết vùi trong cát, những trái tim như ngọc sáng ngời” (Tố Hữu), kỹ sư Phan Đức Nhạn, người con của quê hương Bình Dương đã trăn trở, nghĩ suy, rồi đề xuất triển khai dự án Vườn Mẹ ngay trên mảnh đất nổi tiếng này. Đại thể, dự án là một không gian thoáng đãng gắn với khung cảnh tự nhiên vùng đất như một cái vườn rộng, có nổng cát, bờ ao, luống khoai, rặng dương liễu, cụm xương rồng, hoa lông chông...; giữ lại và phục dựng những thực thể thời chiến tranh như công sự, hầm ngầm, hào giao thông, điểm canh gác tiền tiêu. Điểm nhấn của Vườn Mẹ là đài tưởng niệm, bia liệt sĩ, khuôn viên yên nghỉ của các Mẹ anh hùng... Với ý tưởng như vậy, có thể nói Vườn Mẹ là một dự án đầy tâm huyết, sâu nặng nghĩa tình.
Tôi cảm thấy thú vị ngay từ cái tên gọi dự án. Nó chân chất, bình dị và có chiều sâu văn hóa. Bởi Mẹ là mạch nguồn cuộc sống mỗi con người, như nhà văn Maxim Gorky từng viết:
Trời không ánh nắng, hoa nào nở
Dạ chẳng yêu thương,
cảnh những sầu
Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ
Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?...
Trong các loại tình cảm của con người, có lẽ tình mẫu tử là cao cả nhất, thiêng liêng nhất, gần gũi nhất. Ai mất mẹ thì thấy hụt hẫng cả đời, ngược lại ai còn mẹ sẽ là niềm hạnh phúc vô biên. Thiền sư Thích Nhất Hạnh có một tứ thơ rất hay dành cho những ai đang còn mẹ:
Một bông hồng cho em
Một bông hồng cho anh
Và một bông hồng cho những ai
Cho những ai đang còn mẹ...
Nhưng chiến tranh là tàn bạo, là phi nhân tính, gây ra tình cảnh rất đỗi oái ăm: lá xanh rụng trước lá vàng! Cũng như nhiều địa danh khác ở xứ Quảng, trên mảnh đất nhỏ bé Bình Dương này, có cả trăm bà mẹ mất con vì bom đạn, chỉ còn lại nỗi đau tột cùng của đời người. Abraham Lilcon từng nói đại ý rằng: khi viên đạn xuyên vào người lính thì thực ra nó đã xuyên qua trái tim người mẹ. Thế mà trái tim của nhiều người mẹ Bình Dương không chỉ bị đạn xuyên qua một lần mà có khi đến năm, bảy lần. Lấy người Mẹ làm biểu tượng để tưởng niệm, tri ân là một ý tưởng nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc.
Tìm hiểu về Bình Dương, tôi còn chú ý một đặc điểm quan trọng, đó là trong và ngay sau chiến tranh, rất nhiều văn nghệ sĩ từ khắp mọi miền Tổ quốc đã về đây cùng sống, chiến đấu, sáng tác, biểu diễn như: Chu Cẩm Phong, Phương Thảo, Thu Bồn, Nguyên Ngọc, Xuân Diệu, Anh Thơ, Thanh Thảo, Trinh Đường, Võ Quảng, Ý Nhi, Trung Trung Đỉnh... Nên chăng, trong Vườn Mẹ có một không gian nào đó để tưởng niệm các văn nghệ sĩ, nhất là những người từng gắn bó với mảnh đất đau thương này trong thời kỳ kháng chiến. Xưa kia, Bình Dương gian lao mà anh dũng, có sức hút mãnh liệt với nhiều văn nghệ sĩ, thì nay tên tuổi của họ có khả năng lan tỏa, góp phần tạo ra sức hút mới cho Bình Dương.
Mục đích chủ yếu của Vườn Mẹ là nhằm tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống vì sự nghiệp cao cả, và theo tôi, nên nhấn mạnh thêm một mục đích nữa là nơi “lưu giữ ký ức”. Người sống không ký ức sẽ chẳng biết mình là ai, từ đâu đến. Có nhìn sâu vào quá khứ mới tự tin bước về phía tương lai. Các nước phương Tây, càng văn minh họ càng chú trọng lưu giữ ký ức bằng nhiều bảo tàng, nhiều di sản, bảo quản nguyên trạng những gì từng gắn liền với các sự kiện và nhân vật lịch sử. Ở ta, theo nhịp sống hiện đại cùng với chủ trương đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra sôi động, nhiều lúc vô tình xóa đi những địa điểm, cảnh quan, công trình có khả năng lưu giữ ký ức. Do vậy, trong Vườn Mẹ, nên có không gian bảo tồn những cảnh quan tự nhiên, xã hội và lịch sử vốn có, phục dựng những thực thể thời kháng chiến đã bị xuống cấp hoặc bị hủy hoại theo thời gian.
Bảo tồn gắn với phát huy thì dự án mới có tính bền vững. Phải làm sao thu hút càng nhiều người dân, du khách trong và ngoài nước đến đây để tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm. Ý tưởng khôi phục làng nghề truyền thống địa phương, khôi phục các hoạt động và lễ hội văn hóa dân gian, làm bảo tàng cây Xương rồng - một loại cây đặc trưng ở vùng cát biển, có sức sống mãnh liệt trước thiên nhiên khắc nghiệt, là một ý tưởng thú vị. Ngoài ra, cũng nên tính tới việc kết nối với các cơ sở văn hóa, giáo dục, giải trí khác ở huyện, ở tỉnh và các địa phương bạn để thu hút người đến; đồng thời, cũng nên hình thành các dịch vụ có khả năng níu chân du khách như quầy hàng lưu niệm, nhà văn hóa, khu vực giải khát, ẩm thực v.v...
Để thực hiện được dự án mang nhiều ý nghĩa xã hội, nhân văn này, các cấp chính quyền Quảng Nam không nên so đo, tính toán thiệt hơn về việc quy hoạch và dành quỹ đất cho dự án Vườn Mẹ. Sử dụng đất đai để phát triển kinh tế là rất cần thiết nhưng cũng cần có giới hạn nào đó, còn phải lưu ý đến các hoạt động văn hóa - xã hội. Bởi nếu không chú ý sự phát triển hài hòa giữ kinh tế và văn hóa thì xã hội sẽ phát triển thiếu bền vững, tâm hồn con người sẽ trở nên trống rỗng, hoang phế. Trong các hoạt động văn hóa thì việc trân trọng, gìn giữ, phát huy các giá trị từ quá khứ có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhà văn Nga Raxun Gamzatov dẫn lời Abu Talip từng cảnh báo: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác!”
H.H