Thơ Bùi Viết Anh

28.09.2021

Thơ Bùi Viết Anh

Bùi Viết Anh sinh năm 1980; Quê quán: xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đông Hà; Hội viên hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị.

Tác phẩm đã xuất bản: Người đưa gió (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2012); Bùa yêu (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2017).

Giải thưởng đã đạt được: Giải B, giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị năm 2017 cho tập Bùa yêu.

Quan điểm của tác giả về việc viết: Với tôi, viết để sống một cuộc sống đa sắc màu hơn, vui hơn, hạnh phúc hơn. Một ngày nào đó, nếu viết lách không còn làm được cho tôi những việc đó, tôi sẽ ngừng lại.

 

Bái vọng

sợ sau này loài người quên

vội vàng mình nhớ trước

khỏi bỡ ngỡ những chiêu trò trắng đen

nhập nhoạng

loài người mấy ai tự thấy là hạt cát

để kịp tưởng nhớ mình khi chưa tan ra

hoang tưởng trong mớ hỗn độn

yêu thương và oán trách

mỗi ngày còn tồn tại

tự thưởng cho mình

bái vọng tương lai

sự khùng điên bản ngã

ngộ ra mình hư không

chông chênh giữa đời

tôi níu lấy tôi

chông chênh giữa sống và chết

tôi níu lấy linh hồn mình

để tồn tại

để yêu

để còn cùng nhau

ước vọng.

 

Vội

Bình minh không đẹp như hoàng hôn

phút giây hoang tưởng anh nhớ em

người đàn bà vội vã đi qua

người đàn bà có trái tim đơn độc

 

cỏ cây yêu những cơn mưa trái mùa khô khốc

trong chừng mực tỏ ra rất vội

những nụ hôn lên môi nhau

 

sen luân hồi phận người

chớm nở rồi chớm tàn

mình luân hồi phận đười ươi

chưa tàn đã kịp phản trắc

 

con đường chen chúc cỏ cây

trăng đầu tháng chớm vào cuối tháng

mặt trời rọi lên khuôn mặt

cũng vội vã xóa mờ ảo giác bình minh

tiếng chim kêu ríu rít

tiếng gió thổi đầu mùa

xa xa

vọng về tiếng gọi cánh đồng....

 

Giả đò

nhiều khi giả đò buồn

nhiều khi giả đò vui

và giả đò nhiều thứ khác nữa

như đứa trẻ đêm khuya khát sữa

giả đò ngậm tay mình

 

trời trở giông tố thình lình

anh nhận ra không còn nhanh như trước

bước chân tuổi này chậm đi đôi chút

nên giả đò anh huýt sáo em nghe

 

đời giả đò sự thật với nhau

bữa qua bữa này và nhiều bữa nữa

em đừng vội buồn chuyện xưa chuyện cũ

cứ giả đò mình tái sinh hôm nay

 

anh đứng ngắm hàng cau đắm say

nó thẳng tưng lên trời cao chót vót

chỉ có nó không giả đò chi hết

phải không em?

 

Chúa vẫn ngự ở ngôi cao

còn chúng ta làm lao công dưới đất

nên cuộc đời nói chung lắm sự thật

nhưng vẫn có những sự thật, thật hơn

 

vậy mình cứ giả đò gian dối

rồi giả đò sống đẹp với nhau

những khúc mắc cuộc đời kệ nó

mình giả đò như không có mai sau...

 

Chừng mực buồn

Hôm qua tôi đột nhiên buồn chừng mực

Cái buồn không đến tận trời mà không

chạm đáy

Chông chênh như tàu bay vào vùng

nhiễu loạn không khí

Tôi vội lôi ra hai ly rượu đế

Một ly uống với mình

Một ly uống với tôi

 

Hôm nay tôi dậy từ lúc gà gáy

Nghe tiếng chim đêm còn vọng lại

Từ phía cánh rừng xa

Bình minh ửng lên phía đông

Mà mắt tôi muốn nhìn phía tây

Suy nghĩ về điều thẳng ngay

Như người đàn ông cầm trong tay mình

một chuỗi hạt buồn

Chừng mực

 

Có điều gì vui hơn điều buồn

Có điều gì buồn hơn điều vui

Trong ánh mắt của mặt trời và mặt trăng

Tôi không hiểu được

Vũ trụ mênh mông sâu thẳm

Chỉ đủ làm tôi ngủ được trí óc mình

Người đàn bà nhà bên vẫn ru con tự tình

Lời hát ru không còn hay như năm ngoái

Tuổi của tôi bước vào già chậm rãi

Còn tuổi nàng chớm vừa tiếng khóc con

 

Nàng vẫn chừng mực buồn như tuổi còn son

Tôi chừng mực buồn khi tuổi vừa đứt gãy

Có hai người giữa đất trời ngọ nguậy

Không nhận ra mình

Vừa hết một giấc mơ.

B.V.A

Bài viết khác cùng số

Tình yêu không tênBóng Tròn lưu lạcThương gửi ấu thơChiều vàng phaiĐà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchĐại dịchChim khổng tước hay hótBạn tôiĐừng buồn nghe conHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Bùi Viết AnhThơ Tần hoài Dạ VũThơ Thái HuyềnLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngHội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmTừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Những hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIIDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngĐóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Hoài niệm rừng khộp khôĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnNhớ Vũ HânHội họa của vua Hàm NghiChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiTất cả sẽ ổnVượt quaPhía bên kia thành phốHải đăng Sơn TràRa khơiChiều muộn bên cầu tình yêuPhút giải laoTung mồiHết dịch rồi về với conRồi sẽ bình yên