Chiều vàng phai

28.09.2021
Trần Thiên Hương

Chiều vàng phai

Chiều buông. Màu nắng thu trong veo, dịu mát, thoang thoảng trong gió mùi hương bưởi nồng nàn lan tỏa từ khu vườn nhà ai ở dưới chân đồi. Anh nói với tôi:  

- Hay là mình lên trên ấy xem có còn sim không nhỉ?

- Dạ, sim bây giờ đang vào mùa anh ạ. Có vẻ giống Vũ Đức Sao Biển ngày xưa nhỉ?

 Tôi cười trêu anh.

- Ừ, ai cũng một thời đi tìm sim chín. Trái sim của mộng ước ngày xanh!

- Đúng là nhà thơ, trái sim thì hái về ăn thôi chứ mộng ước chi anh?

- Nếu chỉ hái về ăn thì làm gì có “Thu hát cho người” hả em?

- Dạ. Em đùa đó mà.

Anh nhẹ nhàng nắm tay tôi bước lên đồi. Đang mùa sim chín, những trái tròn căng mọng đầu cành lắc lư. Cái tuổi lên đồi sim tìm trái chín đã qua, nhưng khi đứng trên lưng đồi, nghe gió thổi vi vút trong cái nắng vàng phai, lòng tôi lại cảm thấy bâng khuâng. Đây đó vài “chú tiều” vác trên vai bó củi đang men theo con đường mòn đi xuống, những em bé ôm trong tay cái nón đựng đầy sim chín cũng đang rảo bước theo về. Thấy chúng tôi họ gật đầu chào tế nhị, nhưng trong đôi mắt nheo cười vẫn không giấu được vẻ tinh quái. Tôi đoán, họ nghĩ chúng tôi là một đôi tình nhân, tìm một không gian lãng mạn để tình tự. Tôi mỉm cười bâng quơ, tôi và anh không phải tình nhân. Với anh, không một bông hồng nào có thể lướt qua cái bóng của người xưa - người tình một thuở của anh - để ngự trị trong trái tim cô đơn băng giá ấy. Gọi là gì nhỉ? Chỉ đơn thuần là bạn.

Tôi mở quán cà phê giải khát ở một góc phố không có đông người qua lại. Sân vườn rộng rãi thoáng đãng, có bể cá và hoa lá bốn mùa, không gian vừa đủ để làm đẹp lòng những ai thích sự yên tĩnh, không chật hẹp hay bụi bặm. Tan tầm, anh hay đến ngồi một mình ở nơi kín đáo nhưng có thể nhìn bao quát được xung quanh. Anh gọi một ly cà phê sữa nóng, thêm đường cho thật ngọt và cứ thế nhâm nhi cho đến khi chiều tàn mới ra về.

Bỗng một hôm, anh khoe với tôi anh mới in một tập thơ, nếu tôi thích, anh sẽ tặng tôi một cuốn “đọc cho vui”. Tất nhiên là tôi thích. Ngày xưa tôi cũng từng hay viết  dăm  ba câu mỗi khi buồn bã. Có lần người tình của tôi đi về nơi xa xôi và để lại cho tôi một lời hẹn ước mù khơi, tôi chỉ biết ứa nước mắt rồi cũng viết được mấy câu:

Nửa đêm

Đọc lại “Tình già”

Ngọn đèn hiu hắt

Xót xa đời mình.

Một thời yêu

Mái đầu xanh

Biết khi đầu bạc

Còn tình

Nữa chăng?

Anh về

Nơi ấy xa xăm

Hoàng hôn khuất bóng

Tháng năm nhạt mờ.

Ngoài hiên

Nghe nặng hạt

Mưa!

Cô đơn

Thấm ướt đôi bờ

Quạnh hiu!

Nói vậy để bạn biết rằng tôi cũng có chút chữ nghĩa, chứ không phải chỉ biết buôn bán đếm tiền. Đêm hôm ấy, tôi đã đọc hết tập thơ của anh rồi mới tắt đèn đi ngủ. Tôi chợt nghĩ đến mấy câu thơ của mình, thật chẳng khác nào đem cám mà để cạnh gạo tám thơm. Những vần thơ nghe thật nhói lòng. Nó là trái tim tan vỡ, là nước mắt hóa thành những mảnh vụn thủy tinh cứa vào hồn đến tái tê. Triền miên, chìm đắm trong niềm đau, anh dùng thơ để khiến nỗi đau trở thành một thực thể cộng sinh trong cuộc đời. Tôi nghĩ anh nhấm nháp nỗi đau của mình để cảm xúc thăng hoa, biến thành những vần thơ - những hạt minh châu lóng lánh.

Chiều hôm sau anh lại đến, bưng mời anh ly cà phê nóng, tôi nói:

- Thơ anh hay lắm, nhưng đau xé lòng. Không biết nàng thơ nào đi qua đời anh mà để lại niềm đau ghê gớm vậy?

 - Chuyện dài lắm, hôm nào anh kể cho nghe.

Đó là những năm 70, thời chiến tranh ác liệt, làng anh vùng địch chiếm nên gia đình phải ra phố lánh nạn. Họ thuê một căn nhà sát đường để tiện buôn bán vặt, đủ kiếm sống qua ngày. Anh vừa học xong tú tài, ở nhà phụ gia đình, khi rảnh rỗi lại làm thơ và vẽ tranh. Những bài thơ tình học trò ngọt ngào và mơ mộng, anh đăng báo làm quà cho những cô cậu học trò mới chớm biết yêu. Tranh vẽ thì đem treo bên hiên nhà cho người ta qua chiêm ngưỡng. Bên kia đường đối diện nhà anh là một ngôi biệt thự nguy nga, gia chủ là người có quyền thế. Ông chủ đi làm có xe đưa rước, khi về lại có người mở cổng đón vào nhà. Ông có cô con gái đang học trung học, hằng ngày đi học về hay qua ngắm tranh và đọc thơ anh. Yêu thơ, yêu tranh và yêu cả người không biết tự lúc nào. Anh cũng say mê cô ấy, bởi đôi mắt biết cười đen láy ẩn sau đôi mi cong vút, làn da trắng như ngà và đôi bàn tay búp măng.

Những buổi chiều anh cùng cô ấy hay đi dạo trên những nẻo đường vắng, chỉ có tiếng chim hót và gió ngân nga. Thỉnh thoảng, những đêm trăng thanh anh rủ cô ra biển, cô cùng anh ngồi trên cát, nghe sóng biển vỗ bờ và ngắm trăng. Anh vuốt tóc và hôn nhẹ lên đôi má ngây thơ của cô, cô nũng nịu dụi đầu vào ngực anh trong hơi thở nồng nàn. Cô hát cho anh nghe những bài tình ca dịu dàng, giọng hát thanh cao tựa ngọc khiến lòng anh cảm thấy xốn xang. Cô ấy là cây danh ca của trường và thường dự thi trong các chương trình ca nhạc cấp thành phố.

- Ôi thật ngưỡng mộ, mối tình lãng mạn quá anh ạ! - Tôi thốt lên và trêu thêm:

- Vậy anh có vẽ triệu đóa hồng để dành tặng cô ấy không?

Anh cười:

- Hồi ấy anh chưa biết có chàng họa sĩ vẽ triệu đóa hồng tặng cô ca sĩ nên chưa vẽ, sau này biết thì không còn cơ hội nữa.

- Tiếc nhỉ.

Nghỉ hè. Cũng là lúc tạm yên tiếng súng, cô theo anh về quê chơi. Ra con sông trước nhà nhìn cá lội, dõi mắt theo từng đám lục bình dập dềnh trôi xuôi, lòng thấy bình yên. Nghĩ cuộc đời đầy thi vị. Anh dẫn cô lên đồi trong một buổi hoàng hôn vắng, đang mùa hoa sim nở rộ. Cô hái về một bó hoa tím, thoang thoảng hương như tình đầu dịu ngọt.

Chuyện tình của anh và cô ấy rồi cũng đến tai ông bà chủ ngôi biệt thự, tức cha mẹ cô ấy. Họ mắng cô và còn lăng mạ cả gia đình anh. Nhắn lời đến mẹ anh khiến bà thương con và tủi thân nên mắt ứa lệ. Mẹ anh cũng khuyên nên từ bỏ: “Mình đừng trèo cao kẻo té đau con ạ”. Gia đình cấm cô tuyệt đối không được đến ngôi nhà anh để xem tranh hay đi chơi đâu nữa... Cô ấy khóc và gửi cho anh mảnh giấy nhỏ để nói những điều như thế.

- Ôi buồn quá, mà sao giống chuyện tình anh “nhạc sĩ nghèo” vậy anh?

- Ừ, có lẽ kiếp đời nghệ sĩ thường đa đoan nên vậy.

- Rồi anh cũng dứt khoát với cô ấy à?

- Anh chưa muốn dứt khoát, anh còn hy vọng vì biết cô ấy vẫn còn yêu anh, cô ấy sẽ đau khổ lắm. Nghĩ cha mẹ nào mà chẳng thương con, biết đâu họ vì con mà suy nghĩ lại...

Anh trầm ngâm châm thuốc hút, nhìn ra ngoài phố đã thấy vắng người hơn. Sương mờ đã giăng khắp nẻo. Nén một tiếng thở dài rồi anh kể tiếp:

- Em biết không, hy vọng cũng là một liều thuốc an thần đấy. Nó ru lòng mình vơi bớt nỗi đau, quên những lời khinh của người đời. Anh lại tiếp tục vẽ tranh và làm thơ tặng học trò. Tranh của anh cũng bán được một ít thêm tiền phụ mẹ. Nhưng đời phù du lắm, những bức tranh ấy anh biết sau này cũng chẳng ai buồn giữ làm gì.

Anh cười nhạt, tôi cũng gượng cười theo và nghe anh nói:

- Một ngày kia, có tiếng pháo nổ vang bên nhà cô ấy. Anh nhìn sang đã thấy một đoàn xe hoa sang trọng đang đỗ ngay trước cổng. Ngọn nến trong lòng anh vụt tắt, niềm hy vọng  bỗng chốc  tiêu tan. Anh còn kịp nhìn thấy dáng cô ấy khép nép bước lên xe hoa rồi anh gục ngã...

- Trời ơi, sao giống phim “Mối tình đầu” vậy anh?

- Ừ giống, mà còn hơn thế nữa. Nhưng anh không đi bụi, mà vùi đầu trong những cơn say, triền miên, nghiêng ngả. Thân tàn ma dại, anh chết đi sống lại mấy lần. Cha anh mắng mỏ, mẹ anh thì khóc lóc van xin anh hồi tỉnh. May là anh còn biết thương cha thương mẹ mà nghĩ lại. Nhìn đôi mắt già nua héo úa của mẹ, lòng anh đã tỉnh thức, đứng dậy làm lại cuộc đời.

- Chao ôi, nghe chuyện anh kể mà lòng em cũng buồn lây. Xót xa cho anh quá! Rồi từ đấy anh  mang theo bóng hình và cả tên cô ấy cùng anh đi suốt những chặng đời, và trở thành nhà thơ với những bài thơ tình cháy ruột đúng không?

Anh cười, khẽ gật đầu.

- Vậy anh cũng nên cảm ơn tình yêu, cảm ơn cuộc đời đã cho anh niềm đau và cay đắng để hóa thành những vần thơ dâng cho đời mới phải.

- Có lẽ vậy, nhưng chẳng có ai không dưng tự chuốc những nỗi đau để trở thành một cái chi đó, viển vông và phù du như vậy cả.

- Sau này anh cũng lập gia đình và có con cái đàng hoàng chứ?

- Vết thương lòng lên da non, anh cũng vì bao người khác, và vì cả cái thằng đàn ông trong anh mà lập gia đình rồi sinh con... Nhưng đời sao vẫn chưa buông tha mà đối xử phũ phàng với anh quá!

- Ý anh là cuộc hôn nhân không tình yêu đúng không?

- Ừ, và đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ.

- Sao ạ?

- Một ngày cuối đông, vợ anh đã bỏ ra đi, mang theo đứa con gái bé bỏng vừa chập chững. Chỉ để lại vài dòng ngắn ngủi: “Sống với một người suốt ngày chỉ toàn thơ thẩn như anh tôi không còn đủ kiên nhẫn mà chịu đựng nữa. Nhờ anh trông nom nuôi dạy thằng Tâm, còn tôi nuôi con Bé. Chào anh!”.

Anh nói bằng một giọng đầy cay đắng, đôi mắt sắc lạnh nhìn vào khoảng hư không, lát sau mới nói tiếp:

- Anh vẫn sống cô đơn từ đó đến giờ, con anh đã vào đại học rồi. May mắn là nó không đi theo con đường “thơ thẩn” như anh, nó học kinh tế đối ngoại.

- Còn chị và con Bé sau này anh có gặp lại không?

- Có gặp, cô ấy đã tìm được một bờ vai khác, anh ta sống thực tế, và cũng là người đàng hoàng. Anh cũng đành chấp nhận số phận vậy chứ biết sao. Em biết không, nếu ngày xưa khi trái tim tan vỡ anh lao vào những cuộc rượu đến tàn canh. Khi gia đình đổ vỡ anh lại lao vào những cuộc tình, vồ vập, ngấu nghiến đầy hoang dại. Những cuộc tình không tình yêu, đến và đi như một kẻ điên cho hả hê với đời. Anh thấy mình là một người khốn khổ, hay một gã khốn nạn, nhưng có sao, đời mà!

Anh cười khẽ, hình như trong đáy mắt vẫn ánh lên những tia dỗi hờn. Anh lại đốt thuốc, rồi trầm ngâm trong làn khói xám. Tôi hiểu, những con sóng lòng trong anh thỉnh thoảng vẫn trào dâng, chỉ có thời gian mới có thể làm lắng xuống...

- Thôi, phố đã lên đèn rồi, anh phải về đây. Chào cô chủ xinh xắn nhé.

- Vâng, chào anh, chúc anh buổi tối vui vẻ.

Anh nói bao giờ nghỉ phép sẽ về quê, thăm lại nơi in dấu tuổi thơ anh, và tìm lại một chút hương xưa. Tôi thích ngắm phong cảnh những miền quê, nên ngỏ ý đi cùng anh xem nơi ấy thế nào...

Bóng chiều đã nghiêng xuống lưng đồi. Tôi cũng hái vài trái sim nếm thử. Hình như lẫn trong vị ngọt vẫn có chút chát chua.

- Vậy hôm nay anh cũng lên đồi sim để vọng tưởng về người ấy, đúng không?

- Đúng một phần, với anh, nơi đâu cũng in dấu hài người ấy, không cần phải về tận đồi sim. Nhưng anh đến đây tìm lại kỷ niệm của một góc đời anh, nó đẹp đẽ và thanh cao. Sau này anh không bao giờ còn giữ được trái tim trong trẻo như cái ngày ấy nữa.

Tôi lặng im nghe lòng mình chơi vơi. Tôi không dám khuyên anh điều chi, chỉ mong anh hãy xếp những kỷ niệm và nỗi u hoài vào một ngăn nào đó trong trái tim, cho vơi bớt thương đau, để vui với đời. Người nghệ sĩ cũng giống con trai ngậm trong mình hạt cát, ôm ấp nỗi đau, mới có thể biến thành những hạt minh châu lóng lánh dành tặng cho đời.

Thoáng trong bóng chiều, vài giọt nắng cuối ngày rớt lại, tôi thấy trong mắt anh hình như vừa ánh lên một chút nắng vàng phai...

T.T.H

Bài viết khác cùng số

Thương gửi ấu thơChim khổng tước hay hótBạn tôiChiều vàng phaiTình yêu không tênBóng Tròn lưu lạcĐại dịchĐà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchThơ Thái HuyềnĐừng buồn nghe conThơ Tần hoài Dạ VũHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidThơ Bùi Viết AnhThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidĐóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngNhững hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIITừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Hội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiHội họa của vua Hàm NghiNhớ Vũ HânĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnHoài niệm rừng khộp khôTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Tất cả sẽ ổnPhía bên kia thành phốHải đăng Sơn TràVượt quaRa khơiChiều muộn bên cầu tình yêuPhút giải laoTung mồiRồi sẽ bình yênHết dịch rồi về với con