Đi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ An

29.09.2021
Tây An

Đi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ An

Cuộc đời như một cơn gió mang theo bốn mùa với những nắng vàng ấm áp, những mây mưa giông bão... rồi tan đi trên bầu trời mênh mông vô tận. Cơn gió ấy có lúc nhẹ nhàng mát rượi như thì thầm vuốt ve e ấp, lúc dữ dằn trong bão táp xô đẩy bao số phận con người vào cảnh màn trời chiếu đất, lúc phiêu du lang thang kiếm tìm những điều về hạnh phúc. Nhưng cũng có lúc lặng lẽ cô đơn mòn mỏi đợi chờ... khẽ rên lên niềm đau khi nhìn chiếc lá rời cành, nhìn mái nhà xơ xác, nhìn con người phế tàn trước những đổi thay của trời đất.

Những lúc ấy con người cũng xót xa, bơ vơ như “Gió hoang vu” lang thang đi tìm những mảnh đời rời rồi ghép lại bằng nguồn cảm hứng chân thực rung lên từ trái tim lỗi nhịp về miền ký ức xưa hoài niệm cũ của một thời dễ bị khuất lấp lãng quên.

Đọc tập truyện và ký Gió hoang vu của Mỹ An, Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn, 2021 chúng ta cảm nhận bao ngọn gió trong từng trang văn như thổi dọc cùng quê hương qua bao thân phận.

Từ cái làng quê, nơi Mỹ An sinh ra lớn lên ở Tiên Kỳ, Tiên Phước, Quảng Nam, nơi có ngọn gió lành trên sông Tiên chảy ngược mát rượi thổi vào tuổi thơ anh, “Dưới ánh trăng vàng lấp loáng trên mặt sông, chợt bâng khuâng nghe tiếng mái chèo lộp cộp khua của người lái đò qua lại và tiếng hò của ai đó vọng ra: Sông Tiên nước chảy ngược dòng/ Ai về Tiên Phước thấy lòng ngẩn ngơ”. Cái ngẩn ngơ trước một mái tóc dài tắm gội trên bến sông, nơi có bụi rù rì nở chùm hoa trắng, bất chợt làm xao xuyến rung động lần đầu như cơn gió nhẹ thoảng qua đẹp nhất trong đời, rồi vội vàng vụt bay mất hút để lại những nỗi buồn vu vơ trống vắng...”1.

Mỹ An mang theo cơn gió ấy lớn lên đi vào đời tưởng như “bình yên mà dữ dội như dòng sông phẳng lặng nhưng đáy vẫn đầy sóng”, sóng của những suy tư dày vò, sóng của niềm đau và trăn trở nhưng trên hết là sóng của “Tình yêu tha thiết với quê nhà đã tạo nên mạch nguồn sáng tạo bay bổng nồng say trong tâm thức văn chương của anh. Anh tên thật Nguyễn Khánh là nhà giáo đã làm Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo, hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước Quảng Nam), là Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam đã từng xuất bản 5 đầu sách (Thị trấn ven sông - tự truyện - NXB Văn học - 2014; Chiều nghiêng - thơ - NXB Văn học - 2017; Khúc ru về phía mặt trời - thơ - NXB Văn học - 2018; Trăng của rạ rơm - thơ - NXB Hội Nhà văn - 2019; Người của Đất - trường ca - NXB Hội Nhà văn - 2021) và bây giờ đến truyện ký Gió hoang vu - NXB Hội Nhà văn - 2021 ra đời. Cho dẫu thơ hay văn xuôi đều bàng bạc trong những trang viết của Mỹ An nỗi lòng nặng nợ với mảnh đất nhau rốn của mình”2.

Từ cái duyên với quê nhà nặng nợ ấy mà trong truyện - ký Gió hoang vu, Mỹ An đã trải nghiệm cảm thức và viết sâu hơn về số phận của đời, của người nông dân nơi miền quê trung du đất Quảng.

Trước hết ở phần đầu truyện - ký, Gió hoang vu đã thổi vào niềm vui nỗi buồn, những ưu tư trăn trở về tình yêu, nghề nghiệp, cuộc sống, những ước mơ hoài bão trước cuộc đời. Nhưng anh đã bị lỡ bước lẽ loi choáng váng trước thực tại về cuộc đời nghề nghiệp bởi “Dòng sông gãy đứt”, bởi những “Vết hằn trên da thịt”3, những “Ngọn cỏ dại trong miền đất vắng” những “bóng mờ sau gương sáng”, những mặt trái của đời sống nhiều khi biến đổi dữ dội và phức tạp! Nhưng dù có thế nào đi nữa thì con người đã sinh ra thì vẫn phải thở, phải sống! Mà sống được thì phải nhờ vào cái gì đây? Hãy nghe nhân vật của Mỹ An lý giải: con người sống được là “vì cái tâm cái thần... nó là phần hồn của đời người, là tình yêu và cuộc sống. Mất nó, sống cũng như chết. Con người là một sinh vật biết suy nghĩ bù đắp yêu thương cho nhau như nước biết chảy về nơi thấp nhất. Ai rồi cũng có một chiều vô tình cởi áo ra giữa thanh thiên bạch nhật hiện lên một thân hình đầy những nếp nhăn chồng chất, những vết hằn to nhỏ cũ mới loang lỗ xen lẫn nhau... như là lòng trắc ẩn đa mang giữa cơn gió hoang vu lặng lẽ trong đời”.

Nếu ở phần đầu, truyện - ký, Gió hoang vu thổi vào những niềm vui nỗi buồn, những ưu tư trăn trở về tình yêu, nghề nghiệp trước những bề bộn của cuộc đời thì ở phần 3 “Giữa mùa trăng nghẹn”, Gió hoang vu trở nên lặng lẽ với nỗi đau đời buồn thương của từng số phận ở cái làng quê yêu dấu của mình như thân phận Tư Huy phải đành gửi lại tất cả để tha phương cầu thực xa làng đến khi trở về thì mọi việc đã lỡ làng. “Tất cả đã chôn vùi dưới huyệt lạnh... Anh đau đớn nhổ từng bụi cỏ trên mặt mộ, gọi thầm trong tiếng nấc: “Liễu ơi!”. Sương bắt đầu nặng hạt, ánh trăng vàng đục nghẹn ngào soi bóng Từ Huy đổ dài trên mộ Liễu. Mắt cay cay nhập nhòe, anh lảo đảo bước đi giữa mùa trăng nghẹn”.

Bằng thứ ngôn ngữ mượt mà như sương như khói, như thơ như mơ trong những tản văn, ký sự, truyện ngắn, tạp bút, “Mỹ An viết về những ký ức xa xót và nỗi hoài nhớ mênh mang chảy đầy trong tâm tưởng nhà văn, bàng bạc như trăng quê rắc vàng lên núi đồi trung du thị trấn ven sông mang theo nghĩa tình về những người thân ông bà cha mẹ anh em bạn bè...”4, những câu chuyện tắt nghẽn xô bồ còn mất của cuộc sống, những thành trì đạo lý nhân nghĩa ở đời dường như bị mai một sụp đổ... được Mỹ An tái hiện bằng nhiều góc cạnh như cắt cứa nhức nhối người đọc. “Đọc một tản văn hay bất kỳ ký sự trong 16 tản văn ký sự truyện ngắn “Giữa mùa trăng nghẹn” không thể không sầu không cảm nhưng cái sầu cảm không hề bi lụy mềm yếu mà nó chỉ là động lực để mỗi người tự nhận ra mình để tình yêu cuộc sống đẹp hơn trong mắt nhau mà thôi”5.

Trong Gió hoang vu có lẽ Mỹ An thành công nhất là đã tái hiện lại đời sống cùng cực của người nông dân phải chịu đựng “Qua miền tối sáng” ở nông thôn miền Nam vào những năm trước đổi mới trong phần 2 của tác phẩm. Đó là những tháng ngày của “Năm tám mươi ruộng đất vội vàng/ Bước thấp bước cao vào xây hợp tác. Đường ta đi giữa mùa vàng bát ngát/ Lao động quên mình mà chẳng được mấy cân. Lúa gặt về chất đổ đầy sân/ Mùa bội thu sao còn thấy đói”6.

Mỹ An là nhà giáo “thế nhưng khi viết “Qua miền tối sáng” về nông dân nông thôn, anh đã làm cho người đọc khá bất ngờ bởi chính mảnh đất này mới thể hiện phát tiết năng lực sáng tạo của một thứ văn chương hiện thực như một sở đắc về một đề tài tâm huyết nơi anh đã gắn bó sâu nặng. Bằng sự quan sát tinh tế trải nghiệm bám sát thực tế, vốn hiểu biết tường tận, Mỹ An chọn lối viết tuyệt đối hóa sự trung thực của phẩm chất tả thực thể hiện sự quan tâm đến những thân phận bọt bèo đau đớn của người nông dân quê mình”7.

Gió hoang vu lúc này trở nên dữ dội hơn thổi quét qua từng số phận con người, những lớp cán bộ tốt xấu, hiền dữ, với nhiều tính cách nhân vật điển hình khác nhau được hiện lên bằng da bằng thịt mỗi người một vẻ như Bí thư Huỳnh Kiên tâm huyết nhưng bảo thủ giáo điều; chủ tịch Đào Hanh trách nhiệm mà ít học; chủ nhiệm Nguyễn Bá thật thà mà cả tin; Phó chủ nhiệm Triều Dương thông minh quyết đoán; Bí thư xã đoàn Sơn Lâm năng nổ nhiệt huyết; công an Hữu Tánh hống hách, độc đoán, đa nghi, gian xảo; thôn trưởng Nguyễn Lợi mẫu mực nhưng đa mưu túc kế tư lợi tham lam; kế toán Phạm Phú ranh ma tiêu cực. Những cán bộ như vậy đã quần thảo ngày đêm làm việc tiếp xúc với những người nông dân một nắng hai sương tay lấm chân bùn như mẹ Lan thông minh, sắc sảo; mẹ Hào tốt bụng, nóng nảy; Tư Râu trung thực, thẳng thắn; khâu tưởng khâu phân Huỳnh Văn Thể, khâu trưởng khâu cày Trần Nghiêm, khâu trưởng khâu cấy Trần Thị Long, thủ kho Đào Hanh v.v... những con người “cắn cơm không bể” hiền như đất “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng họ thành nạn nhân thấp cổ bé họng phải đối mặt với trăm bề khốn khó, chặt chân há miệng mà chẳng biết kêu ai trong thời quan liêu bao cấp. “Bộ mặt nông thôn trong những năm tháng ấy hiện lên như một bức tranh xác xơ tiêu điều”.(2)

Hãy đọc thật lâu Qua miền tối sáng và ngẫm nghĩ từng câu chuyện thật ...”Trở lại quê nhà”, “Nhập cuộc”, “Thách thức”, đến “Những ngày đầy nắng gió”, “Va vấp” rồi “Cơm nếp của mẹ”, “Có một phiên tòa như thế”, “Tiếng gà trưa xao xác”, “Nỗi oan mùa rơm rạ”... chúng ta mới dễ nhận ra những điều gan ruột mà tác giả muốn gởi gắm ăm ắp cái tình với bà con quê nhà, đau đáu cái nhìn của tác giả với ruộng đồng làng xóm”8.

Có thể nói “Mỹ An viết “Qua miền tối sáng” trong thời gian ngắn nhưng anh đã nung nấu thai nghén đề tài này đã lâu nên bằng cả tâm lực, trí lực anh đã viết một thiên truyện khá đặc sắc về nông thôn sau chiến tranh, một thời kỳ ấu trĩ với những sai lầm khó tránh, anh như mở được cánh cửa bị đóng kín để ngọn gió của mạch nguồn sáng tạo thổi ào ạt. Là một nhà giáo suốt cả đời sống và viết trên mảnh đất quê, dù viết về tiêu cực, những bức bối tột cùng trước hiện thực, nhưng giọng văn của anh không vì thế mà đay nghiến cực đoan, hẹp hòi đố kỵ mà trái lại khoan dung, độ lượng nhân ái bằng cái nhìn yêu thương và hy vọng. Sự yêu thương mới làm cho con người dễ tha thứ những lỗi lầm của người khác. Văn chương của Mỹ An suy cho cùng cũng thiên về nước mắt”9.

Viết về đề tài nông dân nông thôn Việt Nam sau thống nhất đất nước năm 1975 xưa nay có nhiều nhà văn quan tâm. “Nhưng Mỹ An có một giọng điệu riêng, giọng điệu của một người thơ ẩn trong người làm nghề dạy học”(6) biết suy tư trăn trở, biết lắng nghe thấu hiểu, biết cảm thông chia sẻ nên Gió hoang vu lúc nhẹ nhàng mát rượi, lúc thì thầm vuốt ve, lúc lạnh lẽo cô độc, lúc dữ dội bão táp đã khơi gợi lòng trắc ẩn ở con người, cùng hướng tới mục đích đề cao tính chân thiện mỹ, phản kháng cái ác cái xấu, đấu tranh khôi phục và bảo vệ lẽ phải, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp và có ý nghĩa hơn. Vì thế mà Gió hoang vu đã trở thành bức tranh nông thôn sinh động giàu sắc màu của vùng đất Sơn Phúc huyện Kim Sơn, mang lại nhiều cảm xúc, những giá trị văn chương sâu sắc, xây dựng được điển hình cho những làng quê nông thôn miền Nam trước sau thời đổi mới trong lịch sử văn học cách mạng Việt Nam đương đại.

T.A

Bài viết khác cùng số

Tình yêu không tênBóng Tròn lưu lạcThương gửi ấu thơChiều vàng phaiĐà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchĐại dịchChim khổng tước hay hótBạn tôiĐừng buồn nghe conHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Bùi Viết AnhThơ Tần hoài Dạ VũThơ Thái HuyềnLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngHội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmTừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Những hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIIDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngĐóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Hoài niệm rừng khộp khôĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnNhớ Vũ HânHội họa của vua Hàm NghiChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiTất cả sẽ ổnVượt quaPhía bên kia thành phốHải đăng Sơn TràRa khơiChiều muộn bên cầu tình yêuPhút giải laoTung mồiHết dịch rồi về với conRồi sẽ bình yên