Lá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà Nẵng

28.09.2021
Nguyễn Dị Cổ

Lá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà Nẵng

Các nhà nghiên cứu lịch sử giả định rằng, nếu cuộc khởi nghĩa Duy Tân từ 105 năm trước (1916) do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo dưới “chỉ đạo” của Việt Nam Quang Phục hội (VNQPH) được thành công thì ngọn quốc kì Ngũ tinh liên châu đã phất phới trên kì đài kinh thành Huế. Lịch sử không có “nếu như”, những lá quốc kì đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà Nẵng là sự thực lịch sử.

Ngũ tinh liên châu - tiền thân cờ đỏ sao vàng

Cờ đỏ sao vàng hay còn gọi cờ Tổ quốc, quốc kì là niềm tự hào thiêng liêng của mỗi người con trên đất mẹ Việt Nam, hiện diện khắp bốn bể năm châu. Nhưng trước đó, Việt Nam đã có một loại quốc kì với tên gọi Ngũ tinh liên châu.

Đến giữa cuối thời Nguyễn, Việt Nam chỉ có cờ hiệu của nhà vua: Long tinh kì (1863 - 1885; 1920 - 09/3/1945; 2 giai đoạn với hai hình thức khác nhau), Đại Nam kì (1885 - 1890), cờ vua Thành Thái (1890 - 1920). Vì vậy, Phan Bội Châu từng nói rằng “xưa nay nước ta chỉ có cờ Hoàng đế mà không có cờ nước” và cho đó là “một việc quái gở”, tức không giống các nước trên thế giới.

VNQPH thành lập vào năm Nhâm Tí (1912) tại Trung Quốc. Theo đó, cờ Ngũ tinh liên châu cũng ra đời vào thời kì này. Đây chính là quốc kì đầu tiên của Việt Nam. Phan Bội Châu cho biết “VNQPH mới chế định ra quốc kì, gọi bằng cờ Ngũ tinh, dạng thức dùng bằng ngũ tinh liên châu” và giải thích là: “Nhân vì nước ta có 5 đại bộ, cho nên dùng thức này để tỏ rõ cái ý 5 đại bộ liên lạc thống nhất. Sắc cờ dùng hoàng địa hồng tinh làm cờ nước, hồng địa bạch tinh để làm cờ quân. Hoàng là để biểu thị nhân chủng ta, hồng là biểu thị sắc nước ta: Nam phương thuộc hỏa, hỏa sắc hồng đó vậy. Quân kì sở dĩ dùng bạch tinh, là tỏ rõ mục đích quân, cốt đánh đổ chính phủ người trắng”.

Trong bản thủ bút chữ Hán Phan Sào Nam niên biểu, Phan Bội Châu đã vẽ lại mô hình cờ Ngũ tinh liên châu. Tiếc rằng, ông không nêu rõ tỉ lệ kích cỡ, vị trí của ngũ tinh liên châu “hồng tinh” trên mặt bằng “hoàng địa” của lá cờ. Song, dựa vào các quân dụng phiếu của Việt Nam Quang Phục quân sẽ thấy được quân kì và quốc kì đầu tiên của Việt Nam (xem hình minh họa cùng với miêu tả của Khâm sứ Trung Kỳ Charles đề cập ở dưới). Việt Nam Quang Phục quân dụng phiếu là một loại “giấy bạc” của chính phủ lâm thời VNQPH, được in tinh xảo bằng điện ở Hồng Kông. Những tờ quân dụng phiếu này là tư liệu lịch sử về sự hình thành và phát triển quốc kì của Việt Nam.

Ngũ tinh liên châu lần đầu tung bay ở Đà Nẵng

Việt Nam đầu thế kỉ XX có nhiều biến động. Trong đó, đất Quảng là nơi khai mào cho nhiều phong trào và chính biến: phong trào Duy tân, cuộc vận động tân văn hóa, Quảng Nam học hội, phong trào Đông du; phong trào Cần vương - Nghĩa hội Quảng Nam, cuộc chính biến Mậu Thân 1908, cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916...

  

VNQPH do Phan Bội Châu làm Hội Tổng lí. Ông vốn chủ trương bạo động, lại nghe ý kiến tham mưu của 3 ủy viên trong nước: “Muốn vận động quân đội ở trong nước, tất phải có một tiếng kinh thiên động địa, thì vận động mới có hiệu lực”. Do đó, Hội đã cấp tiền cho những hội viên tự nguyện về nước tổ chức “kịch liệt bạo động”. Bắc Kì có Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Trọng Thường; Trung Kì có Hà Đương Nhân, Đặng Tử Vũ (từ Trung Quốc qua ngả Thái Lan để về); Nam Kì có Bùi Chính Lộ (cũng từ Trung Quốc qua đường Thái Lan để về). Theo đó, những hoạt động của Hội trong giai đoạn này: ném tạc đạn (chá đạn) khủng bố, mưu sát toàn quyền Merlin, đánh đồn Tà Lùng (Cao Bằng), khởi nghĩa Thái Nguyên, phá ngục Lao Bảo, mưu khởi nghĩa ở Trung Kì...

Thái Phiên giữ liên lạc với VNQPH và sau đó cùng Trần Cao Vân, Lê Đình Dương trở thành lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Duy Tân ở Trung kì. Trần Cao Vân đã kêu gọi mọi người qua bài thơ Gởi các sĩ phu yêu nước, có những câu: “Hạ bút tả đôi hàng quốc ngữ/ Gởi thông tri các giới sĩ phu/ Nước nhà trải mấy nghìn thu/ Gặp cơn sóng gió mịt mù phải lo”.

Nguyễn Trương Đàn, dựa vào tài liệu số 120 hồ sơ 65530 Cuộc biến loạn ở Trung Kỳ 1916 lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp  ở Aix-en- Provence, cho biết bức Điện số 107S ngày 04/5/1916 của Khâm sứ Trung Kỳ Charles gởi Toàn quyền Đông Dương Roume có nội dung: “...Hội An điện báo việc xảy ra ở Tam Kì vào lúc 2 giờ đến 4 giờ sáng (…) Tòa phủ của quan Phủ bị phá hoại... Quân phiến loạn đã kéo cờ tại phủ đường. Cờ màu đỏ, ở góc trên là màu xanh với 5 ngôi sao trắng....”. Nguyễn Phước Tương cho biết thêm, chiều ngày 03/5/1916, các đội nghĩa binh gồm trên 300 người đã bí mật tập kết tại Gò Chùa kín đáo để làm lễ tế cờ Ngũ tinh”. Như vậy, đất Quảng là nơi kéo cờ Ngũ tinh liên châu lần đầu tiên trong cả nước.

Ngoài ra, Chương Thâu có nhắc đến việc cờ Ngũ tinh liên châu được “đem dùng ở Quảng Nam trên núi Ngũ Hành trong lúc Thái Phiên, là hội viên của Hội (Việt Nam Quang Phục - NV chú), tham gia cuộc nổi dậy của vua Duy Tân (1916)”, nhưng tiếc ông không dẫn nguồn. Tuy nhiên, Lê Ước cho biết: “Quảng Nam và Quảng Ngãi dốc toàn lực của lính tập và dân chúng chiếm giữ cửa biển Đà Nẵng để quân lực viện trợ ở Xiêm về nước đổ bộ lên bờ và để mở đường thông suốt từ Đà Nẵng vào tận Đức Phổ”. Phải chăng cờ Ngũ tinh liên châu này được cắm trên Ngũ Hành Sơn như Chương Thâu viết là để báo hiệu cho đoàn quân từ biển hướng vào? Nếu đúng như vậy thì chúng ta sẽ thấy tài tiên dự của Trần Cao Vân, vốn là người nổi tiếng về Trung Thiên Dịch, đã “sấm kí” 2 câu thơ “Trên thiên độ Nữ Ngưu đứng giữa/ Ngũ tinh đà giáp nửa nghìn năm” trong bài Vịnh cảnh Ngũ Hành Sơn được viết từ năm 1885, tức trước năm 1916 đến hơn 30 năm, khi ông mới 20 tuổi.

Một năm sau, 1917, quốc kỳ và quân kỳ đầu tiên của nước ta đã bay phần phật suốt 7 ngày đêm trên tỉnh lỵ Thái Nguyên từ ngày 30/8/1917 đến ngày 5/9/1917, theo ghi chép của Trần Viết Ngạc. Sự kiện này cũng ngẫu nhiên trùng khớp với “tiên  tri” của Trần Cao Vân qua câu thơ “Nước Nam Việt cơ đồ lớn sẵn/ Từ Trấn Tây mà thẳng Thái Nguyên” khi viết “hịch” vận động giới sĩ phu tham gia khởi nghĩa năm 1916.

N.D.C

Bài viết khác cùng số

Tình yêu không tênBóng Tròn lưu lạcThương gửi ấu thơChiều vàng phaiĐà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchĐại dịchChim khổng tước hay hótBạn tôiĐừng buồn nghe conHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Bùi Viết AnhThơ Tần hoài Dạ VũThơ Thái HuyềnLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngHội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmTừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Những hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIIDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngĐóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Hoài niệm rừng khộp khôĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnNhớ Vũ HânHội họa của vua Hàm NghiChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiTất cả sẽ ổnVượt quaPhía bên kia thành phốHải đăng Sơn TràRa khơiChiều muộn bên cầu tình yêuPhút giải laoTung mồiHết dịch rồi về với conRồi sẽ bình yên