Nhớ Vũ Hân

29.09.2021
Nguyễn Đắc Xuân

Nhớ Vũ Hân

Vũ Hân sinh năm 1919 tại làng Minh Hương, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, mất ngày

11.3.1984 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã có nhiều tác phẩm ra đời trong những năm 1950 như Đoạn Trường Tân Thanh Khảo Luận, Mai sau (Thơ), Giảng sách dưới trăng (Kịch thơ), Người điên giữa Kinh thành (Kịch thơ)... Cuối những năm 1950 và đầu 1960, tôi có nhiều dịp sinh hoạt thi ca với Vũ Hân ở Huế (1).

Vũ Hân bị dị tật, tay chân quặt quẹo, đi đứng, nói năng, cử động rất khó khăn. Tuy thế ông nổi tiếng là người có tật có tài, thông minh, giỏi văn chương, làm thơ, viết kịch thơ và dạy văn rất hay. Trong thời gian học Quốc Học (1956 - 1961) tôi đã được xem và tham gia dàn dựng hai vở kịch thơ Giảng sách dưới trăng và Người điên giữa Kinh thành(2) của ông. Nhạc sĩ Dương Minh Ninh phổ nhạc một đoạn trích Người điên giữa Kinh thành và đặt tên là Gấm Vàng. Hai vở kịch thơ của Vũ Hân được đánh giá là những tác phẩm kịch thơ hay nhất ở đô thị miền Nam trong những năm sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến ngày thống nhất đất nước năm 1975. Tuy người bị dị tật, nhưng tâm hồn và tri thức của Vũ Hân đẹp và rất phong phú. Còn nhớ:

“Đêm qua chú lái tận Thiên Thai

Quảy một bộ trang chiếu dặm dài

Trăng Tống, trăng Đường,

trăng Chiến Quốc

Thăng Chu, trăng Hán,

trăng Liêu Trai”.

 

“Bốn mắt nhìn nhau chừng thẹn lắm

Mỗi nhìn ta thấy rụng trăng sao

Bờ mi rặng liễu ôm hồ mộng

Thoang thoảng hương thu sóng

rạt rào”.

Do đó Vũ Hân cũng như Hàn Mặc Tử đã được nhiều người yêu. Và, Vũ Hân cũng như nhiều chàng trai khác thường phụ những người yêu mình và chạy theo những cái bóng. Một trong những cái bóng đó là nhà thơ kiêm hoạ sĩ Hoàng Hương Trang(3) - chủ nhóm thơ Hoa Trang Trắng.

Vũ Hân làm cho Hoàng Hương Trang khá nhiều thơ, có ý gửi gắm trong thơ. Hoàng Hương Trang rất thích thơ Vũ Hân, rất quí trọng tác giả, xem Vũ Hân như một nguời thầy. Nhưng lúc ấy Hoàng Hương Trang chưa đầy tuổi hai mươi, sự nghiệp viết vẽ còn rất nặng, tài năng và yêu cầu của nghệ thuật còn quá so le cho nên nàng đã giữ im lặng trước mọi theo đuổi tình yêu, trong đó có Vũ Hân. Vũ Hân biết điều đó cho nên có lần anh viết cho Hoàng Hương Trang bài Đọc Liêu Trai rằng:

Trong thơ Ta, có Người

Trong thơ Nguời, không Ta

Ta Người, nghi ngại nhau muôn thuở...

(Huế giữa mùa sen - 1961)

Đúng như thế, trong thơ Hoàng Hương Trang chưa bao giờ có bóng Vũ Hân.

Về sau có một người học trò trẻ yêu Vũ Hân và đã đi đến hôn nhân. Tưởng là hạnh phúc nhưng không ngờ đó lại là nỗi bất hạnh. Nỗi đau thể xác cộng với nỗi đau gia đình đã làm cho sự bi đát của cuộc đời ông lên đến tột đỉnh. Ông trốn chạy sự bi đát đó bằng cách đắm mình vào văn chương. Những năm cuối đời, ông không thể ngồi và cũng không thể cầm bút được nữa, ông nằm co quắp đọc cho một người học trò ghi hộ tập kịch thơ cuối cùng Từ Thức Về Trần. Trong những năm xa Huế, Vũ Hân đã gửi cho Hoàng Hương Trang bài Gửi Huế, xứ Cố nhân sau đây:

Xa cách lâu rồi, thơ nhớ thơ

Trang thơm vàng cúc nở bao giờ

Sen hè đã tạ bao lần nhỉ?

Xứ Huế mùa về, ai ngẩn ngơ?

 

Thư thu vài nét gửi thăm nhau

Từ độ chia tay, xuân thế nào?

Thay đổi bao lần sương nắng ngự

Ta dù dâu bể trước như sau.

 

Ai đó được thư gắng trả lời

Cho năm mười chữ rõ tăm hơi

Chừ đây thôi nhé xin cầu chúc

Màu sắc hoàng cương,

trang điểm tươi.

Năm 1984 Vũ Hân được gia đình người em gái đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh, nhưng không chữa được. Trước lúc Vũ Hân mất mấy tháng, Hoàng Hương Trang đến thăm ông. Lúc ấy hai mắt đã mù hoàn toàn, ông không còn nhìn thấy người quen nữa. Hoàng Hương Trang đưa tay cho ông nắm và ông nhận ra người cũ. Vũ Hân xúc động đọc ngay một bài thơ và yêu cầu Hương Trang ghi lại và diễn ngâm cho ông nghe. Hoàng Hương Trang vĩnh biệt Vũ Hân từ đó.

Sau đây là bài thơ gặp lại và vĩnh biệt Hoàng Hương Trang của Vũ Hân.

LẠI GẶP NGƯỜI XƯA

Mấy chục thu rồi cách biệt nhau

Nghe ai khăn gói đã qua cầu

Chân mây khó kiếm ra tăm nhạn

Cánh cửa nào ngăn được bóng câu

Ngày tháng phôi pha mơ lẫn thực

Bút nghiên gượng gạo mực hòa châu

Chiều nay bỗng gặp người năm cũ

Sờ sững cầm tay ngỡ buổi đầu.

(SG. 1984)

Đọc thơ không ai biết tác giả lại có một cuộc đời bất hạnh như thế.

N.Đ.X

Bài viết khác cùng số

Chiều vàng phaiThương gửi ấu thơBóng Tròn lưu lạcTình yêu không tênBạn tôiChim khổng tước hay hótĐại dịchĐà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐừng buồn nghe conThơ Thái HuyềnThơ Tần hoài Dạ VũThơ Bùi Viết AnhThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaĐóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Lá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngNhững hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIITừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Hội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiHoài niệm rừng khộp khôĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnNhớ Vũ HânHội họa của vua Hàm NghiRa khơiVượt quaPhía bên kia thành phốHải đăng Sơn TràTất cả sẽ ổnTung mồiPhút giải laoChiều muộn bên cầu tình yêuRồi sẽ bình yênHết dịch rồi về với con