Sự phong phú của nguồn tài nguyên cây thuốc trong hệ thực vật rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (*) - Nhóm tác giả

02.10.2017

Sự phong phú của nguồn tài nguyên cây thuốc trong hệ thực vật rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (*) - Nhóm tác giả

Thành phố Đà Nẵng với đặc điểm về địa hình và khí hậu độc đáo, nơi đây cũng có nguồn thực vật phong phú và đa dạng, trong đó được biết có nhiều loài có công dụng làm thuốc.

 Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ (1976 - 1996), đã được điều tra dược liệu. Theo kết quả điều tra cơ bản của Trạm Nghiên cứu Dược liệu tỉnh, năm 1984, đã phát hiện và thống kê được ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có 735 loài cây thuốc. Hàng chục loài đã được giới thiệu cho khai thác thu mua, với khối lượng lên tới vài trăm tấn/ năm. Song, nằm trong bối cảnh chung của cả nước, nguồn tài nguyên cây thuốc ở địa phương cũng không còn nguyên vẹn. Hơn nữa, từ khi tái lập thành phố Đà Nẵng (1997) đến nay, chưa có công trình nào đi sâu điều tra nghiên cứu về tiềm năng cũng như hiện trạng nguồn tài nguyên cây thuốc, trên phạm vi toàn thành phố.

Trước tình hình thực tế trên, UBND thành phố Đà Nẵng, thông qua Sở KH & CN đã giao cho Hội Dược liệu và Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) thành phố, phối hợp của Viện Dược liệu - Bộ Y tế thực hiện đề tài: Đánh giá thực trạng cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển. Với mục tiêu: Đánh giá được tiềm năng và hiện trạng nguồn tài nguyên cây thuốc ở thành phố Đà Nẵng. Qua đó, đề xuất một số giải pháp khả thi, nhằm bảo tồn đi đôi với khai thác sử dụng và phát triển bền vững. Địa điểm điều tra nghiên cứu: Là trên phạm vi toàn thành phố, nhất là những khu vực có rừng.        

Sau gần 2 năm triển khai (11/2015 -11/2017), công tác điều tra thu thập ở thực địa đã cơ bản hoàn thành. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung đề cập một số dẫn liệu về sự phong phú của nguồn tài nguyên cây thuốc trong hệ thực vật rừng ở khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Sơn Trà.

Nguồn cây thuốc ở Sơn Trà trong các bậc phân loại thực vật

Khu BTTN bán đảo Sơn Trà có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng. Theo kết quả điều tra nghiên cứu của Đinh Thị Phương Anh và cộng sự, từ cuối năm 1997, đã ghi nhận được ở khu Bảo tồn có 985 loài cây, thuộc 483 chi và 143 họ thực vật bậc cao có mạch. Trong số này có 143 loài là cây thuốc. Trong dự án Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) khu BTTN Sơn Trà, do Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện, năm 2010 đã đưa ra tập Danh lục thực vật bán đảo Sơn Trà, cũng với 985 loài, nhưng thuộc 145 họ thực vật bậc cao có mạch, trong đó có ghi chú 138 loài cây thuốc. Như vậy, với diện tích có rừng chỉ chiếm khoảng 76% diện tích trên tổng số 3.383 ha của toàn bán đảo, đã ghi nhận được các dẫn liệu trên cho thấy, nơi đây có mức độ đa dạng sinh học - thực vật cao, đáng quan tâm.       

* Sự phong phú về thành phần loài ở các bậc phân loại:

Kết quả điều tra thu thập và xác định tên khoa học, đã ghi nhận được ở khu BTTN Sơn Trà 329 loài cây thuốc thuộc 253 chi, 108 họ và 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Cây thuốc ở Sơn Trà có các đặc điểm sau:

- Ngành Ngọc lan có số loài cây làm thuốc, thuộc số chi và họ nhiều nhất, sau đến ngành Dương xỉ, Thông đất, Tuế và Dây gắm.

- Trong đó có 7 họ, có trên 10 loài (11-22 loài) làm thuốc: họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) 22 loài, thuộc 11 chi; họ Cúc (Asteraceae) 21 loài, 14 chi; họ Cà phê (Rubiaceae) 15 loài, 9 chi; họ Cam (Rutaceae) 15 loài, 7 chi; họ Đậu (Fabaceae) 13 loài, 9 chi; họ Dâu tằm (Moraceae) 13 loài, 4 chi; họ Hòa thảo (Poaceae) 11 loài, 11 chi. Có 9 họ có từ 5 đến 8 loài làm thuốc. Còn lại 92 họ mới chỉ biết 1- 4 loài làm thuốc.

- So với kết quả nghiên cứu khu hệ thực vật ở khu Bảo tồn, của Đinh Thị Phương Anh và cộng sự (1995-1997) cho thấy, số loài cây làm thuốc có tỷ lệ  ≈ 33,40 % (329/985 loài); số chi có cây thuốc ≈ 52,38 % (253/483 chi) và số họ có cây thuốc là ≈ 75,52 % (108/143 họ).

Kết quả điều tra trên đây chắc chắn là chưa đầy đủ. Song với một diện tích nhỏ hẹp (3.383 ha), bước đầu đã ghi nhận được tới trên 300 loài cây thuốc. Xét về thành phần loài, điều đó cho thấy, nguồn tài nguyên này ở đây là khá phong phú và đa dạng.

* Một số loài cây thuốc mới phát hiện, bổ sung thêm cho khu hệ thực vật ở khu Bảo tồn:

Trong số 329 loài cây thuốc đã ghi nhận được qua điều tra lần này, đã bổ sung thêm khoảng 50 loài cho 2 tập Danh lục thực vật hiện có ở bán đảo Sơn Trà. Với số loài cây thuốc mới ghi nhận được, đã góp phần làm phong phú thêm cho khu hệ thực vật của khu BTTN Sơn Trà. Ví dụ như: Abrus mollis / Fabaceae; Aristolochia hainanensis / Aristolo-chiaceae; Boehavia diffusa / Nyctaceae; Entada pursaeta / Fabaceae; Ludisia discolor / Orchidaceae; Merremia tridentada / Convolvulaceae; Myxopyrum smilacifolium / Oleaceae; Sarcandra glabra / Chloranthaceae; Schefflera elliptica / Araliaceae; Tribulus terrestris / Zygophyllaceae; Vernonia cinerea  & V. patula / Asteraceae... Tuy nhiên cũng có gần chục loài cây thuốc, có ghi nhận trong 2 công trình về hệ thực vật ở Sơn Trà  (Đinh Thị Phương Anh, et al., 1995-1997 và Đại học KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội, 2010), nhưng chúng tôi chưa phát hiện thấy qua điều tra lần này.

Sự phong phú về giá trị sử dụng

* Sử dụng trong Y học cổ truyền:

Trong số 329 loài cây thuốc đã biết ở khu Bảo tồn, phần lớn các loài đều có giá trị sử dụng làm thuốc theo kinh nghiệm của Y học cổ truyền (YHCT). Theo thống kê, các cây thuốc ở đây được sử dụng để điều trị khoảng gần 20 nhóm bệnh thường bị mắc phải, như: Cảm sốt, cảm lạnh, nhức đầu; bệnh ngoài da, mụn nhọt, dị ứng; bệnh về xương khớp, bại liệt. Bệnh về gan, mật, đường tiêu hóa. Bệnh về thận và đường tiết niệu; bệnh về đường hô hấp; bệnh về tim mạch, huyết áp và một số bệnh đặc trưng ở phụ nữ, trẻ em... Nhiều loài được coi là những vị thuốc nam quen thuộc và gần như không thể thiếu, đối với các Thầy thuốc YHCT ở Đà Nẵng như: Cam thảo dây, Cà gai leo, Chè dung, Dây chiều, Dây gắm, Hoàng đằng, Lá khôi, Ngấy hương, Thiên môn, Thổ phục linh, Tơ xanh... Nguồn cây thuốc mọc tự nhiên, ở khu BTTN Sơn Trà rõ ràng là một kho tàng dự trữ “thuốc nam” phong phú của thành phố hiện nay.

* Nhiều loài có chứa các hợp chất tự nhiên để làm thuốc đáng chú ý:

Bên cạnh giá trị sử dụng làm thuốc theo YHCT, trong nguồn cây thuốc ở khu Bảo tồn, còn có nhiều loài chứa các hợp chất tự nhiên, được sử dụng làm thuốc, như: Vàng đắng (Coscinium fenestratum) chiết berberin, Hoàng đằng (Fibraurea tinctoria ) chiết palmatin. Đây là các alkaloid được dùng làm thuốc chống nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, chữa đau mắt đỏ và bán tổng hợp thuốc an thần (tetra hydro palmatin). Loài Râu hùm (Tacca chantrieri), trong thân rễ của nó có chứa hợp chất diosgenin, dùng làm nguyên liệu bán tổng hợp thuốc chống viêm corticoid, nội tiết tố sinh dục. Hoặc là cây Chóc máu (Salacia cochin-chinensis), ở phân đoạn chiết N-hexan, hợp chất terpenoid có tác dụng hạ đường huyết, có triển vọng làm thuốc chữa bệnh tiểu đường. Ngoài ra còn nhiều loài cây thuốc có chứa các hợp chất khác và tinh dầu cũng được dùng làm thuốc.

Về giá trị nguồn gen

* Cây thuốc trong đa dạng sinh học thực vật ở khu Bảo tồn:

Như trên đã đề cập, với 329 loài cây thuốc ghi nhận được ở khu BTTN bán đảo Sơn Trà, thuộc 253 chi, 108 họ và 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, trước hết đã nói lên sự phong phú và đa dạng về giá trị nguồn gen của nhóm tài nguyên này, trong khu hệ thực vật ở đây. Về dạng sống, cây thuốc ở khu Bảo tồn bao gồm hết thảy các dạng cây, từ cây thân gỗ đến cây bụi, cây thân thảo (sống 1 năm và nhiều năm) và dạng dây leo (nhỏ và dây leo gỗ). Ngoài ra, về phân bố, các loài cây thuốc ở đây còn hiện diện trong hết thảy các hệ sinh thái ở khu Bảo tồn. Bên cạnh đó, do hiệu ứng của công tác quản lý bảo vệ, một số quần thể cây thuốc có giá trị kinh tế và sử dụng cao vẫn còn gần như nguyên trạng, với số lượng cá thể phong phú, như: Sói rừng, Lá khôi, Hoàng đằng... Vài loài còn quan sát thấy có kích thước cá thể khổng lồ (Dây gắm, Ngũ gia bì chân chim leo ...).

Những dẫn liệu trên đây, là bằng chứng hết sức thuyết phục về giá trị đa dạng sinh học của khu BTTN Sơn Trà ở thành phố Đà Nẵng.

* Một số loài cây thuốc trong Danh sách bảo tồn cấp Quốc gia, hiện có ở khu Bảo tồn:

Trong tổng số 329 loài cây thuốc đã biết ở khu BTTN bán đảo Sơn Trà, đã ghi nhận được 8 loài nằm trong diện quản lý, bảo tồn ở Việt Nam. Cụ thể: Có tên trong Phụ lục IIA- Hạn chế khai thác vì mục đích thương mại, của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, 30/3/2006: 4 loài (Hoàng đằng - Fibraurea tinctoria; Tuế sơn trà - Cycas inermis; Vàng đắng - Coscinium fenestratum; Vù hương - Cinnamomum parthenoxy lon) và trong Sách Đỏ Việt Nam, phần II-Thực vật, 2007 và Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam, 2006: 4 loài (Lá khôi - Ardisia gigantifolia - VU; Thạch tầm - Ludisia discolor - VU; Trầm hương - Aquilaria crassna - EN và Vù hương - Cinna-momum parthenoxylon - EN và Gai chống - Tribulus terrestris - VU ).

Đặc biệt lưu ý rằng, trong số các loài được ưu tiên bảo tồn, có 3 loài (Hoàng đằng, Lá khôi và Tuế sơn trà) - mà tình trạng quần thể của chúng, gần như còn nguyên trạng. Đây là thực tế hiếm thấy trong các quần hệ rừng khác ở nước ta hiện nay.

Một số đề xuất nhằm bảo tồn đi đôi với khai thác hợp lý giá trị nguồn gen cây thuốc ở khu Bảo tồn:

Theo Quy chế quản lý hiện hành, đối với hệ thống rừng đặc dụng ở Việt Nam, mọi tài nguyên sinh vật, cùng với các hệ sinh thái tự nhiên vốn có trong đó được quản lý và bảo vệ nguyên trạng, không được xâm hại. Như trên đã đề cập, khu BTTN bán đảo Sơn Trà là nơi có giá trị đa dạng sinh học cao, trong đó có cây làm thuốc. Kể từ khi được Chính phủ quyết định là nơi được bảo vệ nghiêm ngặt (1977) và là khu BTTN (1992) đến nay, toàn bộ nguồn gen sinh vật và cảnh quan của bán đảo Sơn Trà về cơ bản đã được quản lý, bảo vệ tốt.

Căn cứ vào kết quả điều tra nghiên cứu và tình hình thực tế ở khu Bảo tồn, chúng tôi đề xuất một số vấn đề, nhằm góp phần bảo tồn nguồn cây thuốc, đi đôi với khai thác lợi ích của khu Bảo tồn một cách bền vững như sau:

- Sau khi đề tài Đánh giá thực trạng cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển được nghiệm thu, một số kết quả điều tra nghiên cứu ở Sơn Trà cần được bàn giao cho Ban Quản lý khu Bảo tồn. Trong đó có tập Danh lục cây thuốc, Bản đồ phân bố các cây thuốc có tiềm năng và cây thuốc trong diện bảo tồn. Bản đồ được xây dựng dưới dạng “số hóa”, theo tọa độ địa lý ở các điểm phân bố của 2 nhóm loài cây thuốc trên. Bộ tài liệu này là cơ sở khoa học, góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo tồn tại chỗ (in situ) các loài cây thuốc nhạy cảm hiện có tại khu BTTN Sơn Trà.

- Bổ túc cho đội ngũ cán bộ Kiểm lâm nhận biết cụ thể hơn về giá trị chung (về nguồn gen, giá trị sử dụng) của nguồn tài nguyên cây thuốc ở khu Bảo tồn. Hướng dẫn nhận dạng chính xác (về lý thuyết và trên thực tế) các loài cây thuốc trong diện bảo tồn cấp Quốc gia, hiện có tại khu Bảo tồn, phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ có hiệu quả hơn.

- Lồng ghép trong các tour du lịch sinh thái, để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách du lịch về giá trị và yêu cầu cần bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc, ngay trong các hệ sinh thái rừng độc đáo của khu Bảo tồn. 

- Thu thập bớt một số cá thể của các loài cây thuốc điển hình, nhất là những loài trong diện bảo tồn, đem trồng dưới dạng bảo tồn chuyển vị (ex situ). Đồng thời cũng đưa ra trồng thêm (ngoài khu Bảo tồn) một số loài cây thuốc có nhu cầu sử dụng cao, như Lá khôi, Sói rừng, Bách bộ (Stemona tuberosa), Bách bệnh (Eurycoma longifolia) ...

Kết luận:

Qua kết quả điều tra nghiên cứu cho thấy, khu BTTN bán đảo Sơn Trà có nguồn cây thuốc mọc tự nhiên khá phong phú và đa dạng. Chỉ trong phạm vi diện tích rừng khoảng 4.000 ha đã ghi nhận được 329 loài cây thuốc thuộc 253 chi, 108 họ và 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Bên cạnh sự phong phú về giá trị nguồn gen, nguồn cây thuốc ở đây còn có giá trị sử dụng cao trong Y học cổ truyền và tiềm năng tìm kiếm các hợp chất tự nhiên để làm thuốc.

Căn cứ vào các kết quả điều tra nghiên cứu, bước đầu đề xuất một số vấn đề, nhằm góp phần bảo tồn nguồn cây thuốc, đi đôi với việc khai thác các lợi ích của khu Bảo tồn một cách bền vững.

Các dẫn liệu được đề cập trên đây, là kết quả điều tra nghiên cứu cụ thể đầu tiên từ trước đến nay, về nguồn tài nguyên cây thuốc ở khu BTTN bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Hy vọng rằng, với một số dẫn liệu về Sự phong phú của nguồn tài nguyên cây thuốc trong hệ thực vật rừng ở khu BTTN  Sơn Trà, sẽ góp phần tôn vinh thêm về giá trị đa dạng sinh học của khu Bảo tồn. Hơn thế nữa, sự phong phú của nguồn tài nguyên này lại nằm kề bên với thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là nét độc đáo không thể tìm thấy ở bất cứ đô thị lớn nào ở nước ta.


(*) Theo đề tài cấp Thành phố “Đánh giá thực trạng cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển, 11/2015-11/2017”. Nhóm tác giả: Đặng Ngọc Phái, Phan Công Tuấn, Nguyễn Văn Ánh, Hồ Quý Phương, Nguyễn Đức Dũng, Đống Việt Thắng, Trần Cúc, Phạm Thanh Huyền, Phan Văn Trưởng, Nguyễn Tập, Huỳnh Minh Đạo, Trịnh Thị Quỳnh công tác tại các đơn vị Hội Dược liệu Đà Nẵng, Bệnh viện YHCT Đà Nẵng,  Sở Y tế Đà Nẵng,  Viện Dược liệu, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng...

Bài viết khác cùng số

Diểu Nương - Trương Vân NgọcXứ sở Phù Tang - Văn KhoaMùa cỏ hồng trên phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoSự phong phú của nguồn tài nguyên cây thuốc trong hệ thực vật rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (*) - Nhóm tác giảCác rạn san hô ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Xuân HòaHồi kết câu chuyện thời sự Sơn Trà: Bài toán khó có lời giải trọn vẹn - Trần NgọcCâu chuyện Sơn Trà - Trương Điện ThắngĐôi điều suy nghĩ về bảo tồn và phát triển bán đảo Sơn Trà - Dân Hùng APEC 2017 và “Nụ cười Đà Nẵng” - Trần Trung SángĐánh giá nguồn thức ăn của Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) tại bán đảo Sơn Trà - Vũ Ngọc Thành, Lois K Lippold và Trần Đình NghĩaÁnh mắt - Nguyễn Hải LýQuê - Nguyễn Thị Minh ThùyĐêm của vầng trăng khuyết - Thu ThủyMỗi buổi mai - Khánh HồngKhói rạ đồng chiều - Nguyễn Hoàng SaCây ốc đảo quán Văn - Đinh Thị Như ThúyVỡ hoa - Bùi Mỹ HồngKhúc sang mùa - Trương Thị Bách MỵGọi mẹ - Vạn LộcMàu xanh em - Nguyễn Nho Thùy DươngNgày mùa - Thy LanBúi tóc mẹ - Nguyễn KhánhChặng đường 50 năm nghệ thuật Tuồng xứ Quảng - N.H.TTín ngưỡng của cư dân Đà Nẵng thế kỷ XVIII qua nhật ký của John Barrow - Đinh Thị TrangHãy để mặc bài thơ tự chọn lấy cấu trúc âm nhạc của nó - Lê Quốc SinhCo kéo với mùa xuân co kéo với thời gian - Nguyễn Đông NhậtCống hiến cho nghệ thuật Tuồng là hạnh phúc đời tôi - NSƯT Phan Văn Quang