Các rạn san hô ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Xuân Hòa

02.10.2017

Các rạn san hô ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Xuân Hòa

Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà có tính đa dạng sinh học cao, bao gồm các rạn san hô và thảm cỏ biển phân bố dọc theo đường bờ xung quanh bán đảo. Các rạn san hô và thảm cỏ biển được coi là những hệ sinh thái đặc trưng ở vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới. Chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì các quá trình sinh thái và ổn định môi trường biển, là nơi dự trữ đa dạng sinh học và nguồn gien, cung cấp nơi cư trú, thức ăn và là nơi sinh đẻ, ương nuôi ấu trùng, con non của nhiều loài sinh vật biển có giá trị. Các rạn san hô, thảm cỏ biển còn tham gia bảo vệ đường bờ và là môi trường thuận lợi cho sự phát triển ngành du lịch biển.

Trong những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng được xem là vùng kinh tế trọng điểm của khu vực miền Trung với tốc độ phát triển kinh tế diễn ra rất nhanh chóng. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ ở vùng ven bờ đã và đang gây ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của các hệ sinh thái biển cũng như tài nguyên đa dạng sinh học ở vùng biển bán đảo Sơn Trà.

Năm 2016, Viện Hải dương học đã báo cáo một số kết quả nghiên cứu về hiện trạng đa dạng sinh học ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà làm cơ sở cho việc quản lý và phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, trong khuôn khổ của Đề tài độc lập “Nghiên cứu bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng” do Viện Sinh thái học miền Nam chủ trì. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung về các rạn san hô ở ven bờ biển của bán đảo Sơn Trà.

1. Hiện trạng các rạn san hô

Phân bố và diện tích rạn san hô

Kết quả khảo sát thực địa kết hợp với phân tích ảnh viễn thám năm 2016 ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà cho thấy các rạn san hô phân bố rất hẹp từ vùng triều đến độ sâu khoảng 10m. Cấu trúc rạn san hô nơi đây thuộc dạng riềm không điển hình (Non-fringing reefs), một số nơi nền rạn chủ yếu là đá tảng và san hô phát triển thưa thớt trên đó. Tổng diện tích rạn san hô ở vùng ven bờ bán đảo Sơn Trà khoảng 46,9 ha.

Có thể chia ra thành các khu vực phân bố rạn san hô và mô tả như sau:

- Bờ phía Tây Bắc bán đảo Sơn Trà: Kéo dài từ mũi Tiên Sa đến Bãi Ôm, chủ yếu là bờ đá lởm chởm, xen kẽ với các rạn san hô hẹp, dốc, san hô có độ phủ rất thấp < 5%. Các rạn san hô chính phân bố ở Bãi Bộ Đội (4,4 ha), Bãi Mũi Ngựa (1,15 ha), Bãi Ôm (1,27 ha).

- Bờ phía Đông Bắc bán đảo Sơn Trà: Kéo dài từ Bãi Ôm đến Mũi Trường Mai, cũng bao gồm chủ yếu các bờ đá lởm chởm, xen kẽ với các rạn san hô hẹp, dốc, với độ phủ san hô đạt mức trung bình - thấp, dao động trong khoảng từ 5 - 15 %.  Các rạn san hô chính phân bố ở Mũi Lố (1,83 ha), Vũng Cây Bàn (4,4 ha), Tây Bắc Bãi Bấc (2,56 ha) và Bãi Trường Mai phía Đông Bãi Bấc (4,35 ha).

- Bờ phía Đông: Chủ yếu là vách đá dốc đứng đổ sụp xuống vùng nước sâu.

- Bờ phía Đông Nam bán đảo Sơn Trà: Kéo dài từ Mũi Nghê đến Mũi Súng, bao gồm chủ yếu các rạn san hô hẹp, bãi dốc, có độ phủ san hô đạt mức trung bình - khá, dao động trong khoảng từ 15 - 25 %.  Các rạn san hô chính ở đây phân bố ở Mũi Nghê (3,01 ha), Vũng Đá (4,34 ha), Hục Lỡ (4,12 ha) và Bãi Mũi Súng (1,20 ha).

- Bờ phía Nam bán đảo Sơn Trà: Kéo dài từ mũi Súng đến Mũi Giòn bao gồm chủ yếu của các rạn san hô bãi rộng, thoải có độ phủ đạt mức từ khá đến cao. Các rạn san hô có độ phủ cao 40 - 50% ở khu vực này là Bãi Đa (3,26 ha) và Bãi Nam (2,20 ha). Các bãi này là khu vực phát triển du lịch lặn, ngắm san hô chính của vùng. Ngoài ra, trong khu vực còn có các rạn san hô khác có độ phủ từ trung bình đến thấp như Bãi Bụt (6,22 ha), Mũi Giòn (0,73 ha), và rạn ngầm Hòn Sụp (1,28 ha).

Độ phủ rạn san hô

Độ phủ san hô sống (bao gồm san hô cứng và san hô mềm) là yếu tố quan trọng phản ảnh tình trạng và chất lượng các rạn san hô. Kết quả khảo sát, đánh giá chi tiết tại 8 điểm rạn san hô tiêu biểu ở chung quanh bán đảo Sơn Trà cho thấy giá trị độ phủ san hô sống dao động từ 0,6 - 50%. Độ phủ trung bình của san hô sống đạt khoảng 23% tổng hợp phần nền đáy, trong đó san hô cứng chiếm khoảng 20% và san hô mềm chiếm khoảng 3%.

San hô cứng có độ phủ cao nhất là ở Vũng Đá, trung bình đạt 50% tổng hợp phần đáy, kế đến là Mũi Nghê: 27,5%, Bãi Nồm: 25,5%. Khu vực có độ phủ san hô cứng thấp nhất là ở Bãi Bấc, chỉ chiếm 0,6% tổng độ phủ các hợp phần đáy.

Độ phủ san hô mềm dao động từ 0 đến 19% tổng độ phủ các hợp phần đáy. San hô mềm chỉ xuất hiện trong 3/8 điểm khảo sát với độ phủ thấp, đạt trung bình khoảng 3% cho toàn vùng, và chỉ xuất hiện ở vùng biển khu vực phía Nam bán đảo Sơn Trà. Độ phủ san hô mềm cao nhất là ở Mũi Nghê, đạt 15% trên nền đáy.

Nhìn chung, qua kết quả khảo sát cho thấy vùng biển khu vực phía Bắc bán đảo Sơn Trà có độ phủ san hô sống thấp, dưới 10%, nhiều nơi hầu như không còn san hô sống, nền đáy nhiều trấm tích và thường bị bao phủ bởi rong biển. Vùng biển khu vực phía nam bán đảo Sơn Trà độ phủ san hô sống cao hơn, có nơi lên đến 50% như ở Vũng Đá, Bãi Đa. Một số rạn san hô có độ phủ cao, cảnh quan đẹp được đưa vào phục vụ tham quan, du lịch như các rạn san hô ở Bãi Nam, Bãi Đa, Mũi Súng...

Thành phần loài san hô

Thành phần loài san hô ở vùng biển bán đảo Sơn Trà khá phong phú với 177 loài, thuộc 17 Họ được xác định. Có 7 loài san hô được ghi nhận mới cho vùng biển này, trong đó 6 loài san hô cứng là Stylocoeniella guetheri, Acropora yongei, Montipora spumosa, Goniopora tenuidens, Coscinaraea monile, Plerogyra sinuosa và một loài san hô mềm Dendronepthya sp (Xem ảnh dưới).

So sánh với một số khu vực khác trong cả nước, tính đa dạng loài san hô ở vùng biển bán đảo Sơn Trà cao hơn khu vực Hạ Long - Cát Bà (150 loài) và Bắc Hải Vân - Hòn Sơn Chà (129 loài), nhưng thấp hơn so với Phú Quốc (260 loài), Cù Lao Chàm (261 loài) Nha Trang (350 loài), Ninh Thuận (307 loài), Côn Đảo (280 loài).

2. Xu thế biến động của các hệ sinh thái rạn san hô

Suy giảm diện tích rạn san hô: Kết quả khảo sát năm 2016 cho thấy diện tích các rạn san hô ở vùng ven bờ bán đảo Sơn Trà chỉ còn khoảng 46,9 ha, giảm đi 34 ha so với diện tích đã được báo cáo năm 2006 là 80,9 ha (toàn vùng biển Đà Nẵng từ Nam Hải Vân đến Nam bán đảo Sơn Trà là 104,6 ha, Nguyễn Văn Long, Hoàng Xuân Bền, 2005), tức có đến 42 % diện tích rạn san hô ở bán đảo Sơn Trà đã bị biến mất trong vòng khoảng 10 năm gần đây.

Suy giảm độ phủ san hô: So sánh với các khảo sát trước đây (Nguyễn Văn Long, Hoàng Xuân Bền, 2006) cũng cho thấy độ phủ san hô cứng có sự thay đổi lớn ở các địa điểm khảo sát. Độ phủ san hô bị suy giảm nghiêm trọng nhất ở các điểm khảo sát thuộc khu vực phía Bắc bán đảo Sơn Trà như Bãi Bộ Đội, Mũi Lố, Bãi Bấc. Ở Bãi Bấc, độ phủ san hô cứng từ 31,9% năm 2006, giảm xuống còn 0,6% năm 2016, điều này có nghĩa là rạn san hô ở khu vực này gần như bị hủy diệt hoàn toàn. Ở Mũi Lố độ phủ san hô cứng từ 21,3% (2006) giàm còn 7,5% (2016).

Ở khu vực phía Nam bán đảo cũng ghi nhận sự suy giảm độ phủ nghiêm trọng của san hô cứng ở địa điểm Hục Lỡ, từ 31,25% (2006) giảm còn 4,7% (2016). Các khu vực khác như Bãi Bụt, Bãi Nồm, Mũi Nghê và Vũng Đá có sự gia tăng nhẹ độ phủ san hô từ 4,7 - 8,7%.

San hô mềm cũng suy giảm độ phủ từ 3 - 9,4% ở các điểm khảo sát Bãi Bụt, Hục Lỡ và Bãi Nồm. Riêng khu vực Vũng Đá trước đây có san hô mềm với độ phủ 3% thì năm 2016 không còn nữa.

Mật độ cá rạn san hô

So sánh mật độ trung bình của cá rạn san hô tại 2 thời điểm khảo sát năm 2005 và 2016 ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà cho thấy mật độ cá không có sự biến động lớn: 841,3 con/400m2 năm 2005 và 947,9 con/400m2 năm 2016:

Cá rạn san hô chủ yếu là các loài cá cảnh và cá có kích thước nhỏ. Các nhóm cá có giá trị kinh tế cao có mật độ rất thấp và hầu như không được ghi nhận tại nhiều điểm khảo sát.

Nhìn chung, diện tích và chất lượng rạn san hô ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà đang bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi rạn san hô đã bị biến mất. Các rạn san hô ở khu vực Bắc bán đảo bị suy giảm mạnh hơn so với vùng biển khu vực phía Nam bán đảo.

Sự suy giảm diện tích và chất lượng của các rạn san hô do nhiều tác động khác nhau trong đó việc lấn biển, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển vùng ven bờ, sự lắng đọng trầm tích và khai thác nguồn lợi hải sản quá mức đóng vai trò chủ yếu. Rác thải, ô nhiễm môi trường do các hoạt động từ các khu đô thị, đánh bắt hải sản, nhà hàng, du lịch là những đe dọa tiềm tàng đối với sự tồn tại của các rạn san hô ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà.

N.X.H

Bài viết khác cùng số

Diểu Nương - Trương Vân NgọcXứ sở Phù Tang - Văn KhoaMùa cỏ hồng trên phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoSự phong phú của nguồn tài nguyên cây thuốc trong hệ thực vật rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (*) - Nhóm tác giảCác rạn san hô ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Xuân HòaHồi kết câu chuyện thời sự Sơn Trà: Bài toán khó có lời giải trọn vẹn - Trần NgọcCâu chuyện Sơn Trà - Trương Điện ThắngĐôi điều suy nghĩ về bảo tồn và phát triển bán đảo Sơn Trà - Dân Hùng APEC 2017 và “Nụ cười Đà Nẵng” - Trần Trung SángĐánh giá nguồn thức ăn của Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) tại bán đảo Sơn Trà - Vũ Ngọc Thành, Lois K Lippold và Trần Đình NghĩaÁnh mắt - Nguyễn Hải LýQuê - Nguyễn Thị Minh ThùyĐêm của vầng trăng khuyết - Thu ThủyMỗi buổi mai - Khánh HồngKhói rạ đồng chiều - Nguyễn Hoàng SaCây ốc đảo quán Văn - Đinh Thị Như ThúyVỡ hoa - Bùi Mỹ HồngKhúc sang mùa - Trương Thị Bách MỵGọi mẹ - Vạn LộcMàu xanh em - Nguyễn Nho Thùy DươngNgày mùa - Thy LanBúi tóc mẹ - Nguyễn KhánhChặng đường 50 năm nghệ thuật Tuồng xứ Quảng - N.H.TTín ngưỡng của cư dân Đà Nẵng thế kỷ XVIII qua nhật ký của John Barrow - Đinh Thị TrangHãy để mặc bài thơ tự chọn lấy cấu trúc âm nhạc của nó - Lê Quốc SinhCo kéo với mùa xuân co kéo với thời gian - Nguyễn Đông NhậtCống hiến cho nghệ thuật Tuồng là hạnh phúc đời tôi - NSƯT Phan Văn Quang