Đôi điều suy nghĩ về bảo tồn và phát triển bán đảo Sơn Trà - Dân Hùng

02.10.2017

Đôi điều suy nghĩ về bảo tồn và phát triển bán đảo Sơn Trà - Dân Hùng

Bán đảo Sơn Trà (gọi tắt là Sơn Trà) với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển. Nó như bình phong bao bọc, che chắn cho thành phố Đà Nẵng. Về an ninh, quốc phòng, bán đảo Sơn Trà là vị trí có tầm quan trọng đặc biệt đối với thành phố Đà Nẵng cũng như toàn khu vực miền Trung. Đặc biệt, Sơn Trà có một hệ sinh thái đa dạng, theo kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, Sơn Trà có gần 1.000 loài thực vật và hàng trăm loài động vật có xương sống ở trên cạn, trong đó có hàng chục loài quý hiếm, nguy cấp thuộc Sách Đỏ, nổi bật nhất là Voọc Chà vá chân nâu được coi là “Nữ hoàng linh trưởng”. Bán đảo Sơn Trà còn có nhiều thắng cảnh thiên nhiên và nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị cho phát triển du lịch. Nói đến Đà Nẵng là nói đến bán đảo Sơn Trà và trong lòng người Đà Nẵng, bên cạnh Sông Hàn, núi Ngũ Hành Sơn luôn có Sơn Trà, có Voọc Chà vá chân nâu...

Cùng với hệ thống núi non của Hải Vân Sơn ở phía Bắc, bán đảo Sơn Trà ở phía Nam hợp lại thành hình cánh cung tạo nên một vịnh biển mang tên vũng Sơn Trà, hay còn gọi bằng nhiều tên khác khá quen thuộc như vũng Tiên Sa, Vũng Thùng, Vũng Hàn, vịnh Ðà Nẵng. Bên cạnh đó, Sơn Trà là nơi giao lưu giữa hai hệ động vật và thực vật tiêu biểu của hai miền Nam - Bắc, có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng mang đặc tính chung của rừng nhiệt đới Việt Nam là tài nguyên du lịch sinh thái rất giá trị.

Xuất phát từ những tiềm năng về du lịch của bán đảo Sơn Trà cùng khu vực phụ cận và căn cứ vị trí, vai trò du lịch của khu vực Sơn Trà với du lịch vùng và cả nước, Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã định hướng phát triển Sơn Trà thành một trong những khu du lịch trọng điểm của quốc gia. Phát triển du lịch khu vực bán đảo Sơn Trà sẽ là động lực phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng và du lịch cả nước, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Chủ trương và định hướng là như vậy nhưng để khai thác tiềm năng của Sơn Trà không phải chỉ đơn thuần là du lịch thuần túy mà nó còn là sự phát triển mang tính hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên, động thực vật, cảnh quan với sự phát triển các dự án du lịch phù hợp, đồng thời phải đảm bảo các yếu tố về an ninh quốc phòng. Hài hòa được các yếu tố đó thì Sơn Trà mới được bảo tồn và phát triển một cách đúng nghĩa.

Mấu chốt của “câu chuyện Sơn Trà” mà dư luận đang quan tâm hiện nay là quản lý, khai thác hợp lý tiềm năng của Sơn Trà  trên cơ sở một tầm nhìn dài hạn, mang tính chiến lược và khoa học, phù hợp với tiềm năng và yêu cầu thực tế phát triển. Một bài toán không dễ nhưng không phải không có lời giải được nếu có bước đi đúng, có bước đi mang tính chiến lược, khoa học. Làm sao để khai thác, phát triển mà vẫn giữ cho Sơn Trà có bản sắc riêng, luôn hiền hòa, tươi xanh, đồng thời là khu du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia là một mục tiêu phải hướng đến của những ai yêu quý Sơn Trà nói riêng và Đà Nẵng nói chung

Quay lại Sơn Trà trước đây và hiện nay, khách quan mà nhìn nhận, rừng Sơn Trà được quản lý và bảo vệ rất tốt, hầu như không xảy ra những vụ cháy rừng dù là quy mô nhỏ, động vật quý hiếm đặc biệt là Voọc Chà vá chân nâu vẫn được duy trì đàn và có xu hướng phát triển. Duy nhất có một vụ săn bắt Voọc, thủ phạm đã bị truy tố và xét xử. Nếu so sánh với các địa phương khác thì Đà Nẵng bảo vệ Voọc tốt nhất. Một số vụ vi phạm về lấn chiếm đất rừng, xây dựng trái phép trên đất rừng cũng được phát hiện và xử lý. Các dự án đã triển khai đã rất quan tâm đến việc duy trì và bảo tồn cảnh quan, điển hình như khu nghỉ dưỡng intercontinental danang sun peninsula, nhà thiết kế đã nghiên cứu rất kỹ để xây dựng nên một khu nghỉ dưỡng tầm cỡ thế giới, được chọn là địa điểm tổ chức tuần lễ cấp cao APEC 2017, một công trình hài hòa với thiên nhiên, nơi du khách có thể ngắm Voọc nô giỡn từ ban công của khu nghỉ dưỡng... Và mới đây thành phố cũng đã rà soát lại các dự án đã được cấp phép trước đây ở Sơn Trà, kiên quyết cắt giảm những dự án không đảm bảo các yếu tố về độ cao, an ninh quốc phòng, nơi sinh sống, di chuyển của Voọc đề xuất Thủ tướng xem xét quyết định trên tinh thần cầu thị lắng nghe và tham khảo các ý kiến của các nhà khoa học và nhân dân.

Hy vọng “Bức tranh Sơn Trà” trong tương lai gần sẽ được hoàn thiện. Với tình yêu Sơn Trà, tôi nêu một số ý kiến mang tính chất cá nhân với mong muốn Sơn Trà được bảo tồn tốt, phát triển hài hòa: 

- Trước hết, Sơn Trà phải được khẳng định là một khu bảo tồn nghiêm ngặt, sau khi xác định được ranh giới từng khu vực từ bình độ 100m trở xuống, phân định rõ các khu vực bảo tồn, phát triển, khu vực quốc phòng, được quản lý bởi một Ban quản lý chuyên nghiệp và năng động, là nơi tập trung đầu mối và quản lý toàn bộ hoạt động trên bán đảo Sơn Trà, bao gồm bảo vệ rừng, nghiên cứu và bảo tồn sinh học, quản lý và khai thác du lịch, quản lý các hoạt động khác (trừ an ninh quốc phòng). Hình thành các tuyến du lịch sinh thái đa dạng, có các điểm để ngắm Voọc, ngắm biển, ngắm Đà Nẵng. Du khách được yêu cầu đăng ký và trả phí tham quan hoặc các khoản phí tham quan khác tại quầy đăng ký tại bến tàu thủy, được xây dựng để đón khách tham quan Sơn Trà bằng đường thủy; thiết lập các loại hình dịch vụ lưu trú, chẳng hạn những căn nhà gỗ (bungalow) nhỏ dưới tán cây rừng, vật liệu và kích thước hòa hợp với thiên nhiên. Việc di chuyển đến các địa điểm du lịch trên bán đảo Sơn Trà không nên sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới (có động cơ); hạn chế tối đa xây dựng các công trình bê tông kiên cố; hình thành các công trình như khu đón tiếp,  trung tâm nghiên cứu bảo vệ môi trường, dịch vụ ăn uống, lưu trú v.v... Tất cả được  lắp dựng trên khu vực bằng phẳng và ít có tác động đến hệ sinh thái, du khách phải đăng ký cam kết bảo vệ môi trường khi tham quan khu du lịch.

- Hạn chế số phòng lưu trú qua đêm và quy định mật độ xây dựng nhỏ hơn 10%  tổng diện tích dự án sau khi được đồng ý cho triển khai. Các chủ đầu tư phải có trách nhiệm với môi trường, mỗi chủ dự án phải thực hiện tái đầu tư bảo vệ môi trường Sơn Trà bằng một dự án cụ thể như trồng cây xanh, hoặc tái sử dụng nguồn nước hoặc xây dựng các trung tâm cứu hộ động vật, tất cả được ràng buộc bằng những cam kết và chế tài cụ thể. Ngoài ra, cần có những quy định về xử lý nguồn nước thải, rác thải và hoạt động kinh doanh. Việc tham quan Sơn Trà của du khách phải được quản lý chặt chẽ, được kiểm soát bằng công nghệ thông tin. Du lịch kết hợp với sinh thái bằng các tour tham quan Sơn Trà như các chương trình tour đa dạng sinh học, tour trekking khám phá (một hoạt động giải trí ngoài trời hay một hoạt động dã ngoại)  thiên nhiên Sơn Trà; tour ngắm, chụp ảnh...

- Để duy trì và bảo tồn màu xanh tự nhiên của Sơn Trà, cần quan tâm tái sinh rừng bằng cây bản địa, các loại hình du lịch không gây tiếng ồn và ô nhiễm như dù lượn không động cơ, phục hồi rạn san hô để tổ chức loại hình du lịch ngắm, lặn biển; có các gian hàng bán hàng lưu niệm về Sơn Trà...

- Sơn Trà phải là khu du lịch quốc gia với nhiều chức năng: tham quan, vui chơi, giải trí, lưu trú, ngắm cảnh, nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên...Tạo nên sự đa dạng hấp dẫn mà vẫn đảm bảo yếu tố bảo tồn thiên nhiên nếu có các giải pháp tốt về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng và quy chế quản lý chặt chẽ, phù hợp, đảm bảo các yếu tố an ninh, quốc phòng, bảo tồn và phát triển. Phát triển Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa - tâm linh, đồng thời bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và phòng chống thiên tai.

Hy vọng trong tương lai không xa Sơn Trà sẽ trở thành điểm du lịch nổi tiếng, nơi hội tụ của sự bảo tồn và phát triển một cách hài hòa, tươi xanh, êm dịu. Quản lý tốt và bảo vệ Sơn Trà một cách khoa học sẽ giữ được viên ngọc quý Sơn Trà bền vững dài lâu. Rừng, núi và biển... bán đảo Sơn Trà mãi đẹp trong lòng người Đà Nẵng và bạn bè gần xa, một vẻ đẹp vốn có của tự nhiên và vẻ đẹp từ những sáng tạo bởi trái tim, trí tuệ và lương tâm con người hôm nay.

D.H

Bài viết khác cùng số

Diểu Nương - Trương Vân NgọcXứ sở Phù Tang - Văn KhoaMùa cỏ hồng trên phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoSự phong phú của nguồn tài nguyên cây thuốc trong hệ thực vật rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (*) - Nhóm tác giảCác rạn san hô ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Xuân HòaHồi kết câu chuyện thời sự Sơn Trà: Bài toán khó có lời giải trọn vẹn - Trần NgọcCâu chuyện Sơn Trà - Trương Điện ThắngĐôi điều suy nghĩ về bảo tồn và phát triển bán đảo Sơn Trà - Dân Hùng APEC 2017 và “Nụ cười Đà Nẵng” - Trần Trung SángĐánh giá nguồn thức ăn của Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) tại bán đảo Sơn Trà - Vũ Ngọc Thành, Lois K Lippold và Trần Đình NghĩaÁnh mắt - Nguyễn Hải LýQuê - Nguyễn Thị Minh ThùyĐêm của vầng trăng khuyết - Thu ThủyMỗi buổi mai - Khánh HồngKhói rạ đồng chiều - Nguyễn Hoàng SaCây ốc đảo quán Văn - Đinh Thị Như ThúyVỡ hoa - Bùi Mỹ HồngKhúc sang mùa - Trương Thị Bách MỵGọi mẹ - Vạn LộcMàu xanh em - Nguyễn Nho Thùy DươngNgày mùa - Thy LanBúi tóc mẹ - Nguyễn KhánhChặng đường 50 năm nghệ thuật Tuồng xứ Quảng - N.H.TTín ngưỡng của cư dân Đà Nẵng thế kỷ XVIII qua nhật ký của John Barrow - Đinh Thị TrangHãy để mặc bài thơ tự chọn lấy cấu trúc âm nhạc của nó - Lê Quốc SinhCo kéo với mùa xuân co kéo với thời gian - Nguyễn Đông NhậtCống hiến cho nghệ thuật Tuồng là hạnh phúc đời tôi - NSƯT Phan Văn Quang