Co kéo với mùa xuân co kéo với thời gian - Nguyễn Đông Nhật

02.10.2017

Co kéo với mùa xuân co kéo với thời gian - Nguyễn Đông Nhật

(Đọc tập thơ “Kéo co với mùa xuân” của Nguyễn Kim Huy)

Ai kéo? Kéo với ai? Và kéo cái gì?

Thử lẩn thẩn mà hỏi như thế, và “tự” tìm lời đáp. Nếu may mắn tìm thấy chìa khóa vừa vặn với ổ khóa, thì có thể mở ra một cánh cửa, để rồi lại tiếp tục đứng trước những cánh cửa khác.

Đọc một nhà thơ, dường như đứng trước một ngôi nhà có nhiều cánh cửa. Và có thể tìm cách bước vào bằng các lối khác nhau. Đọc thơ, cũng là đi theo những câu hỏi, để tìm câu trả lời.

Tập thơ chứa đựng nhiều chủ đề mà một trong số đó gồm những bài thơ viết về mẹ về vợ con khá cảm động, như các bài: Riêng em chỉ một yêu thương một đời, Ngõ cũ vườn cũ ngôi nhà cũ Đông An, Giữ mãi nghe con đôi mắt tròn xoe, nơi những ảnh bóng một thời nào ngỡ đã chìm tan bỗng hiện về trên nước mắt hai hàng thẳng đứng / Lòng tơ gió thổi bay ngang (Năm tháng ảo huyền) nơi niềm vui đời mẹ hiếm hoi như một ngọn đèn dầu, nơi bảy đứa con theo nhau sinh ra lớn lên trên lưng mẹ guộc gầy; nơi vây quanh đời mẹ là trùng lớp gieo neo, ngước mặt về phía nào cũng áo cơm thiếu hụt trăm điều lo âu (Mẹ ngồi nhai trầu móm mém đọc thơ con); nhưng tôi vẫn muốn đi cùng Kéo co với mùa xuân theo một lối khác, nơi có thể dừng lại cùng dăm ba cơn mộng, trong hành trình không tận với liên tiếp những giấc mơ:

Khi ngủ anh thường nắm chặt một bàn tay trên gối

Khi làm việc anh thường nắm chặt một bàn tay trên trang sách

Như giữ chặt niềm tin yêu

(Bàn tay anh nắm chặt, bàn tay anh

rộng mở)

Có thể nào nói lời từ biệt với cơn mơ?

Nghĩa là từ biệt những nỗi niềm, những băn khoăn trăn trở

 Và từ biệt luôn bao nhiêu nỗi nhớ

Lôi hồn vào mộng mị cồn cào

 Giữa giấc ngủ cứ tưởng mình

đang thức

Thức dậy rồi tưởng vẫn chiêm bao!

(Có thể nào nói lời từ biệt cơn mơ?)

Thế đấy, sống là đi trên con đường tâm thức dằng dặc: sống chính là đang ngủ, chẳng phải sao?

                   

Nhớ lại “Thơ từ yên lặng” (NXB Đà Nẵng 1995) và “Nỗi lan tỏa của ngày” (NXB Văn học 2004) hơn hai mươi và mười năm trước với những câu hỏi đặt ra ở độ tuổi nhi bất hoặc, thì có thể thấy rằng từ cái mốc đó đến nay, Nguyễn Kim Huy đã đi thêm một chặng dài, với thơ. Và giờ đây, khi những suy niệm siêu hình tạm lui bước thì anh lại đứng trước niềm xao xuyến khác. Biểu tượng mùa xuân, trong khi đang kéo co, là một cách nói thơ. Thực ra, đó chính là sự va đập của thời gian, khi mà thời gian là những ngày đi qua thẳng băng ngày không có nắng.

Buồn quá: vì sao mùa xuân mà lại không có nắng? Bởi vì trong hé nụ mùa xuân, vẫn đọng lại hơi giá buốt của đông tàn. Nhìn nhận được như thế, là sự trung thực: thái độ đạo đức cần thiết của người. Như trong lời đầu của tập thơ, tác giả đã chân thành tự quy:

Trong im lặng có lời tự dối

Rằng mùa xuân gió bấc không còn!

(Mùa xuân)

Đó là sự thật của vạn hữu: trong âm có dương, giữa sinh là diệt. Và, trong thế giới trùng trùng muôn lớp sóng ấy, hiện ra:

Trong im lặng giữa một ngàn

ý tưởng

Có một niềm thương nhớ bỗng

rưng rưng...

(Có thể, mùa xuân)

Lưu ý: có và có thể. Ở đây, có là cảm thức của nhà thơ; và có thể, là mơ ước, là sự không dám chắc, là nỗi nghi ngại trước thời gian. Cũng là nỗi khát khao vươn đến cái không cùng, để rồi chỉ chạm đến những “bất khả”:

khuất sau những bông hoa là

gương mặt em

khuất sau gương mặt em một

khoảng trời rạn vỡ

sau khoảng trời rạn vỡ một

mạch ngầm thương nhớ

xuyên suốt trong lòng những

ngọn núi thời gian!

(Thời gian và những bông hoa...)

Chẳng phải sao, bởi vì ngay trong những lúc nản lòng trước bao ma chiết của đời mà mong tìm chốn yên thân, vẫn hiện lên nghi vấn này:

Đi tu vào ở trong rừng núi

Đã chắc gì yên với cỏ cây

Quanh quẩn bóng mình trong

sớm tối

Trời xanh kia cùng nỗi lòng này?

 (Nỗi đời)

Như thế, sống là một cuộc đi mệt mề mải miết, mà vẫn không biết vì sao lại phải đi. Cứ đi như lao cho đến bạc đầu dẫu biết rằng, đó chỉ là sự trêu ngươi của tâm thức. Dẫu đã “thấm tận” rằng:

Đường đời hết tuổi xanh là tóc trắng

Qua lứa tuổi giận hờn rồi. Giờ em  đã

về đâu?

(Ngã tư)

Không biết về đâu. Không thể về đâu cả. Bởi vì:

mỗi mùa xuân là một hòn núi nhỏ

cứ sừng sững hiện lên ngăn cách

những đời người.

(Thời gian và những bông hoa...)

Sự ngăn cách ấy, những đời người ấy là cái chi vậy, là câu hỏi - lời đáp nào đây, khi mà ném ra trước mắt là niềm thảng thốt:

Không lẽ suốt cuộc đời     

Anh và em và mùa xuân vẫn giằng

co nhau trong những giấc mơ?   

(Kéo co với mùa xuân)

Hòn núi nhỏ ấy là gì. Anh và em là ai. Mùa xuân là gì vậy. Có thể “tách” ra để giải nghĩa, nếu muốn. Nhưng nói gọn, thì có thể gom về mấy từ: dòng tâm thức không ngưng nghỉ. Không ngừng nghỉ đến mức phải liên tiếp kêu lớn lên:

mùa xuân mùa xuân mùa xuân

mùa xuân

lũ lượt kéo nhau về sắp hàng

trước mặt

Hiện về, sắp hàng, để tiếp tục trò chơi chòng ghẹo của tâm - ý:

tâm trí anh bắt đầu một cuộc hành trình ngược lại phía mùa xuân

đi tìm em.

đi tìm tuổi thơ

đi tìm những mùa xuân đã mất

(Ngược chiều với mùa xuân)

À, thì ra thế! Thì ra tần số xuất hiện liên tiếp các biểu tượng của thời gian này, chính là cái sự recherch du temps perdu, vốn là khao khát muôn đời của người. Nhưng khốn khổ thay, biết có tìm thấy được? Ở đây, giữa bao phen co kéo ấy, mơ hồ có cảm giác như nhà thơ có thể chạm nhẹ được vào cái chéo áo của nó:

Giữa bao nhiêu ồn ã dòng đời

Đêm đêm vẫn nằm nghe mép vườn nhà mình nước lũ đang lên

Rưng rưng trong lòng cái niềm vui thuần khiết

 ngây thơ mà trọn vẹn

Đất trời ngày thơ ấu ban cho

(Nghe mép vườn nhà mình nước lũ đang lên)

May thay cho cái sự biết quay về với chân bản hồn nhiên! Để thơ hiện ra như một cứu rỗi:

- Có khi nào một ngày tình cờ em đọc được bài thơ

 Và một sớm mai mang đến cho anh mùa xuân trọn vẹn?

(Kéo co với mùa xuân)

Ơn trời, cái “xích tử chi tâm” ấy vẫn hằng ẩn hiện trong đáy sâu tâm thức. Để có thể nhìn thấy vẻ đẹp của chốn trần ai khổ lụy, dù tất cả mọi sự tồn tại trên cái cõi này cũng chỉ là chút phôi phai giữa dòng trôi vô tận.

Nhân đây, chúng tôi trích gửi đến bạn đọc 2 bài thơ trích trong tập thơ “Kéo co với mùa xuân”:                                                                                                                  

Kéo co với mùa xuân

Anh không hiểu mình mắc nợ gì mùa xuân

Mà cứ nôn nao chờ đợi

 

Mà cứ đột nhiên trong những cơn mơ

Khi mùa xuân thấp thoáng

Là gương mặt em lại hiện về

Tinh khiết rỡ ràng như lần đầu xuất hiện

Như chưa bao giờ lầm lỗi trong đời

Như từ hôm ấy

Mình nắm tay nhau đi cho đến hôm nay

Như không hề có cuộc chia tay

Chỉ một lần là mãi mãi

Mãi mãi không bao giờ gặp lại

Chỉ còn gương mặt em trong những cơn mơ mùa xuân.

 

Trong cơn mơ anh lại kéo co với mùa xuân

Gồng hết nửa đời người trong trận đấu kiệt sức

Và cảm thấy mình thêm một lần bất lực

Khi phía đầu dây kia

Em hiện lên từ ký ức

Mím môi ghì mùa xuân về phía mình.

Không lẽ suốt cuộc đời     

Anh và em và mùa xuân

Vẫn cứ giằng co nhau trong những cơn mơ?

    

- Có khi nào tình cờ em đọc được bài thơ

Và một sớm mai mang đến cho anh mùa xuân trọn vẹn?

Nghe mép vườn nhà mình

nước lũ đang lên

Cái dòng xoáy thời gian cứ cuốn tung đi mọi thứ

Nhiều khi anh ngỡ ngàng nhận ra

                                con đường mình đang dấn bước

Mọi điều lạ lẫm.

Cảnh vật khác. Con người khác.

Mọi thứ dường như đều khác.

Cả con người mình giờ cũng đâu còn giống ngày xưa.

 

Nghĩa là những dấu yêu ngày cũ đã qua rồi

Dấu yêu mới lại chông chênh quá đỗi

Trước niềm vui không còn bối rối

Trước mọi nỗi buồn cũng không thấy tắt lịm hồn đi

Cứ thong dong như chẳng vấn vương gì

Cứ điềm nhiên như mọi điều rồi sẽ đến.

 

Nên nhiều khi thờ thẫn trước hoàng hôn

Khi ráng chiều buông một màu đỏ sẫm

Anh chợt nhớ bồi hồi thằng bé năm xưa, thằng bé

Mình trần quần đùi đằm mình trong nước lũ

Lội ngược dòng khi con nước nguồn tuôn

Ánh mắt trong veo không một giọt buồn

Háo hức nhìn mép vườn nhà mình nước lũ đang lên

                               

Gương mặt thằng bé bừng lên niềm vui mông mênh

Khi bất ngờ phát hiện ra từng đàn rô đàn diếc

Đang cuống cuồng lao mình theo con nước

Ngơ ngác trườn theo ngọn cỏ đến tận mé hiên nhà

Niềm vui trẻ con trong giây phút vỡ òa ra

Khi thằng bé cúi người là có thể sờ vào đầu những con cá nhỏ

Mải vô tư tung tăng chưa từng biết nỗi hãi người

 

Vẫn biết cuộc đời có bao giờ cạn kiệt niềm vui

Nhưng không hiểu sao nhiều khi, anh

Giữa bao nhiêu ồn ã dòng đời

Đêm đêm vẫn nằm nghe mép vườn nhà mình nước lũ đang lên

Rưng rưng trong lòng cái niềm vui thuần khiết ngây thơ mà trọn vẹn

Đất trời ngày thơ ấu ban cho

Khi thằng bé ấy là anh say mê ngắm đàn cá quẫy

Trong mép vườn nhà mình mùa nước lũ đang lên...

N.Đ.N

Bài viết khác cùng số

Diểu Nương - Trương Vân NgọcXứ sở Phù Tang - Văn KhoaMùa cỏ hồng trên phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoSự phong phú của nguồn tài nguyên cây thuốc trong hệ thực vật rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (*) - Nhóm tác giảCác rạn san hô ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Xuân HòaHồi kết câu chuyện thời sự Sơn Trà: Bài toán khó có lời giải trọn vẹn - Trần NgọcCâu chuyện Sơn Trà - Trương Điện ThắngĐôi điều suy nghĩ về bảo tồn và phát triển bán đảo Sơn Trà - Dân Hùng APEC 2017 và “Nụ cười Đà Nẵng” - Trần Trung SángĐánh giá nguồn thức ăn của Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) tại bán đảo Sơn Trà - Vũ Ngọc Thành, Lois K Lippold và Trần Đình NghĩaÁnh mắt - Nguyễn Hải LýQuê - Nguyễn Thị Minh ThùyĐêm của vầng trăng khuyết - Thu ThủyMỗi buổi mai - Khánh HồngKhói rạ đồng chiều - Nguyễn Hoàng SaCây ốc đảo quán Văn - Đinh Thị Như ThúyVỡ hoa - Bùi Mỹ HồngKhúc sang mùa - Trương Thị Bách MỵGọi mẹ - Vạn LộcMàu xanh em - Nguyễn Nho Thùy DươngNgày mùa - Thy LanBúi tóc mẹ - Nguyễn KhánhChặng đường 50 năm nghệ thuật Tuồng xứ Quảng - N.H.TTín ngưỡng của cư dân Đà Nẵng thế kỷ XVIII qua nhật ký của John Barrow - Đinh Thị TrangHãy để mặc bài thơ tự chọn lấy cấu trúc âm nhạc của nó - Lê Quốc SinhCo kéo với mùa xuân co kéo với thời gian - Nguyễn Đông NhậtCống hiến cho nghệ thuật Tuồng là hạnh phúc đời tôi - NSƯT Phan Văn Quang