Chặng đường 50 năm nghệ thuật Tuồng xứ Quảng - N.H.T

02.10.2017

Chặng đường 50 năm nghệ thuật Tuồng xứ Quảng - N.H.T

N hà hát tuồng Nguyễn Hiễn Dĩnh tiền thân là Đoàn tuồng giải phóng Quảng Nam, được thành lập ngày 21 tháng 7 năm 1967 tại khu căn cứ kháng chiến của tỉnh. Sau 3 năm phục vụ tại chiến trường, do yêu cầu phát triển nghệ thuật đảm bảo phục vụ lâu dài, tháng 8 năm 1970, 14 anh chị của đoàn được chọn ra Bắc đào tạo tại trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (nay là trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội).

Tại đây, Đoàn được các nghệ sĩ bậc thầy như Giáo sư Hoàng Châu Ký, NSND Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Văn Phước Khôi, Đinh Quả, Văn Bá Anh, Dương Long Căn, Hồ Hữu Có... trực tiếp giảng dạy, huấn luyện. Cũng tại đây, đoàn được bổ sung một số diễn viên tốt nghiệp khoa Tuồng khóa 1969-1972, một số học sinh cấp II, cấp III ở Thanh Hóa và các địa phương khác thuộc miền Bắc được tuyển về trường đào tạo bổ sung cho Đoàn. Đầu năm 1972, Ban thống nhất Trung ương, Bộ Văn hóa và Ban Tuyên huấn khu V thống nhất quyết định chuyển Đoàn thành Đoàn Tuồng giải phóng Trung Trung bộ, cho phép bổ sung lực lượng, nới rộng biên chế, xây dựng một Đoàn tuồng mạnh cho khu V. Với gần 60 diễn viên, nhạc công và cán bộ diễn viên, 06 vở diễn và chương trình hoàn chỉnh, tháng 6 năm 1974, Đoàn lên đường trở về chiến trường khu V. Từ đó, Đoàn liên tục ra quân phục vụ, theo sát bước chân anh bộ đội đi biểu diễn phục vụ khắp các tỉnh khu V cũ và miền Nam cho đến hết chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cấp khu giải thể. Tháng 01 năm 1976 đoàn được giao về lại cho tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Tháng 11 năm 1992 Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có quyết định thành lập Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trên cơ sở sáp nhập Ban nghiên cứu tuồng và Đoàn nghệ thuật tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau khi thành phố Đà Nẵng tách ra thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trở thành đơn vị nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng.

Trong quá trình ấy, gần 100 vở diễn đã được dàn dựng và biểu diễn, trong đó có 09 vở đề tài hiện đại, 05 vở chuyển thể và phóng tác từ kịch bản nước ngoài, có 01 vở trực tiếp dàn dựng với đạo diễn nước ngoài, còn lại là đề tài lịch sử, truyền thuyết lịch sử, dã sử, dân gian và tuồng đồ. Hàng chục vở diễn đã đạt huy chương vàng, bạc và các giải cao trong các kỳ Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, các cuộc hội thi, liên hoan nghệ thuật cấp quốc gia và khu vực. Hàng chục lượt nghệ sĩ diễn viên đoạt huy chương vàng, bạc và các giải cao khác trong các kỳ hội diễn, hội thi, liên hoan nghệ thuật.

Nhà hát đã được Nhà nước tặng thưởng:

- Huân chương lao động hạng nhì (năm 2002)

- Huân chương lao động hạng ba (năm 1988)

- Huân chương giải phóng hạng nhất (năm 1976)

- Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2014 và 2016

- Cờ tập thể lao động xuất sắc do UBND thành phố Đà Nẵng tặng năm 2012 và 2016

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014.

Và nhiều bằng khen của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa Thông tin, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, các tỉnh thành trong cả nước. Nhà hát có 06 nghệ sĩ được phong tặng Nghệ sĩ nhân dân, 20 nghệ sĩ được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú, 10 nghệ sĩ được công nhận là Nghệ sĩ xuất sắc, hàng chục nghệ sĩ diễn viên được nhận huy chương vì sự nghiệp Văn hóa; huy chương vì sự nghiệp Sân khấu Việt Nam.

Từ Đoàn tuồng Giải phóng Quảng Nam đến Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, như một trang “biên niên sử” thu nhỏ, mà ở đó những cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn qua các thời kỳ, có người đã qua đời, hoặc nằm lại ở chiến trường, hay đã trở về với cuộc sống đời thường và những người đang sống với nghề, đã có niềm tự hào là sinh ra, trưởng thành và đạt được những thành tựu lớn trong chiếc nôi của đất Tuồng Quảng Nam – Đà Nẵng, góp phần xứng đáng vào thành tựu chung của nghệ thuật dân tộc, cách mạng. Ngày nay, một đội ngũ diễn viên trẻ tiếp tục nối bước cha anh, được sống trong ngôi nhà đầm ấm: Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng cổ kính và hiện đại. Đêm đêm sân khấu vẫn đỏ đèn, tiếng trống chầu vẫn giục giã, lời ca tiếng hát vẫn vút cao. Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẽ tiếp tục trên con đường sự nghiệp của mình đưa nghệ thuật Tuồng đến với đông đảo quần chúng nhân dân và khách du lịch đến với Đà Nẵng.

N.H.T

Bài viết khác cùng số

Diểu Nương - Trương Vân NgọcXứ sở Phù Tang - Văn KhoaMùa cỏ hồng trên phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoSự phong phú của nguồn tài nguyên cây thuốc trong hệ thực vật rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (*) - Nhóm tác giảCác rạn san hô ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Xuân HòaHồi kết câu chuyện thời sự Sơn Trà: Bài toán khó có lời giải trọn vẹn - Trần NgọcCâu chuyện Sơn Trà - Trương Điện ThắngĐôi điều suy nghĩ về bảo tồn và phát triển bán đảo Sơn Trà - Dân Hùng APEC 2017 và “Nụ cười Đà Nẵng” - Trần Trung SángĐánh giá nguồn thức ăn của Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) tại bán đảo Sơn Trà - Vũ Ngọc Thành, Lois K Lippold và Trần Đình NghĩaÁnh mắt - Nguyễn Hải LýQuê - Nguyễn Thị Minh ThùyĐêm của vầng trăng khuyết - Thu ThủyMỗi buổi mai - Khánh HồngKhói rạ đồng chiều - Nguyễn Hoàng SaCây ốc đảo quán Văn - Đinh Thị Như ThúyVỡ hoa - Bùi Mỹ HồngKhúc sang mùa - Trương Thị Bách MỵGọi mẹ - Vạn LộcMàu xanh em - Nguyễn Nho Thùy DươngNgày mùa - Thy LanBúi tóc mẹ - Nguyễn KhánhChặng đường 50 năm nghệ thuật Tuồng xứ Quảng - N.H.TTín ngưỡng của cư dân Đà Nẵng thế kỷ XVIII qua nhật ký của John Barrow - Đinh Thị TrangHãy để mặc bài thơ tự chọn lấy cấu trúc âm nhạc của nó - Lê Quốc SinhCo kéo với mùa xuân co kéo với thời gian - Nguyễn Đông NhậtCống hiến cho nghệ thuật Tuồng là hạnh phúc đời tôi - NSƯT Phan Văn Quang