APEC 2017 và “Nụ cười Đà Nẵng” - Trần Trung Sáng

02.10.2017

 APEC 2017 và “Nụ cười Đà Nẵng” - Trần Trung Sáng

NNăm APEC 2017 là một sự kiện trọng tâm đối ngoại của đất nước ta trong thời kỳ mới, thể hiện đường lối chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường ngoại giao đa phương, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các đối tác hàng đầu ở khu vực và trên thế giới. Việc quyết định tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng thể hiện sự ghi nhận và tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển năng động của thành phố, không ngừng vươn đến tầm cao. 

Chiến dịch "Nụ cười Đà Nẵng”

Tuần lễ APEC 2017 sẽ được diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 6 - 11/11/2017. Theo dự kiến, Tuần lễ APEC 2017 sẽ có sự tham dự của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cùng lãnh đạo cấp cao của 20 nước thành viên. Trong thời gian này, cũng sẽ có 20 Hội nghị cấp Bộ trưởng và khoảng 10.000 người tham dự, trong đó có 2.000 đại biểu chính thức, 3.000 phóng viên báo chí, 5.000 nhà doanh nghiệp và các đại biểu không chính thức. Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá, đây là sự kiện chính trị quan trọng của khu vực và quốc tế, có ý nghĩa đặc biệt và là cơ hội để quảng bá TP Đà Nẵng, mời gọi các nhà đầu tư. Ngài Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam cũng nêu nhận định: “Sự chú ý của cả thế giới sẽ đổ dồn về Đà Nẵng trong tháng 11 năm 2017 khi các nhà lãnh đạo, các Bộ trưởng và các CEO đến từ 21 nền kinh tế APEC tụ họp tại thành phố này. Đây sẽ là một cơ hội lớn để Đà Nẵng thể hiện cho thế giới thấy tiềm năng của thành phố như một cửa ngõ trung tâm quan trọng cho du lịch và đầu tư. Các vị khách này, trong đó có nhiều người Úc, sẽ được tận mắt chứng kiến sự năng động, đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng, cũng như thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên và các món ăn đặc sản có tiếng của địa phương”.

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, bên cạnh các công tác chuẩn bị cần thiết, thành phố đã phát động chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng” nhằm vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị để mỗi người dân là một “đại sứ văn hóa”, tạo ấn tượng tốt đẹp cho các đại biểu khi đến Đà Nẵng dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Hình ảnh đại diện của APEC 2017

Ngày 23/8/2016, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương chọn Voọc Chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà làm hình ảnh nhận diện TP Đà Nẵng nhân sự kiện năm APEC 2017 tại Đà Nẵng theo đề nghị của UBND Thành phố.

Chà vá chân nâu nằm trong danh sách đỏ về động vật nguy cấp của IUCN và danh sách bị cấm buôn bán toàn cầu của CITES. Ngày 13/2/2017, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho hay, kết quả phối hợp giữa cơ quan này với Tổ chức Bảo tồn Voọc Chà vá (Douc Langur Foundation) về giám sát quần thể từ năm 2008 - 2016 cho thấy hiện có khoảng 700 cá thể Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) tại bán đảo Sơn Trà với thành phần có đủ các thế hệ di truyền. Số lượng này đã tăng thêm hàng trăm cá thể so với kết quả khảo sát, thống kê trước đó mấy năm. Đây là tín hiệu vui trước vấn nạn săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã đã và đang đẩy loài linh trưởng được mệnh danh là “Nữ hoàng linh trưởng” này cùng nhiều loài quý, hiếm khác vào chỗ tuyệt chủng.

Biểu tượng linh vật Voọc sẽ xuất hiện mọi nơi trong Tuần lễ APEC và là một trong những món quà tặng độc đáo Đà Nẵng dành cho du khách khi đến thăm và làm việc tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

Nhiều dự án chuẩn bị cho sự kiện APEC tại Đà Nẵng

Chuẩn bị cho APEC 2017, Đà Nẵng đã phê duyệt một dự án cải thiện bao gồm cải tạo khoảng 34 tuyến đường bao gồm Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn, Bạch Đằng, Trần Phú... Đối với các tuyến đường thiếu cây xanh, thực hiện trồng cây xanh bóng mát thay thế cây xanh còi cọc, tạo bóng mát và đồng bộ mỹ quan đô thị; lát gạch vỉa hè và thay thế bó bồn đối với các tuyến đường chưa được đầu tư hoặc đã xuống cấp, hư hỏng; bổ sung ghế đá, xây dựng mới một số bồn hoa tạo cảnh quan đối với các tuyến đường du lịch. Xây dựng và cải tạo lại nhà ga hành khách quốc tế tại sân bay quốc tế Đà Nẵng với vốn đầu tư 3,5 nghìn tỷ đồng (157 triệu USD). UBND thành phố đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự án nâng cấp Trung tâm Hội nghị Triển lãm thành Trung tâm Hội nghị Quốc tế từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, với quy mô 550 tỷ đồng. Dành khoảng 13.000 phòng tại các khách sạn, resort ven biển có tiêu chuẩn từ 4-5 sao để phục vụ APEC 2017. Dự án bất động sản lớn tại Đà Nẵng ven biển, nơi diễn ra các sự kiện chính của Hội nghị cũng được gấp rút khởi công và đưa vào hoàn thiện như Khách sạn Grand Tourane Đà Nẵng (đã đi vào hoạt động), Dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp Ánh Dương - Soleil Đà Nẵng (vừa ra mắt), Dự án Blooming Tower Đà Nẵng đang gấp rút thi công...

Từ ngày 15/5 đến 8/9/2017, Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng đã phối hợp cùng Đại học RMIT Việt Nam tổ chức khóa đào tạo tiếng Anh cho 53 học viên là lãnh đạo, cán bộ, công chức các sở, ban, ngành trên địa bàn tham gia công tác phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Khóa học được chia thành 6 lớp theo các cấp độ: cơ bản, trung cấp, cao cấp với các nội dung liên quan đến công tác quảng bá hình ảnh Việt Nam, hệ thống chính trị Việt Nam, APEC, ngoại giao nói chung và các vấn đề liên quan đến lễ tân ngoại giao.

Tại lễ bế giảng khóa học, ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Sở Ngoại vụ nêu rõ: “Khóa đào tạo là một trong những nỗ lực của Thành phố góp phần vào công tác chuẩn bị hướng đến thành công chung của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Tôi hy vọng các liên lạc viên nói riêng, cũng như cán bộ, công chức Thành phố phục vụ APEC nói chung sẽ vận dụng tốt và phát huy các kỹ năng, kiến thức đã học được vào công tác phục vụ Tuần lễ cấp cao để mỗi người thực sự trở thành đại sứ của Đà Nẵng trong mắt các đại biểu và du khách quốc tế, góp phần vào thành công chung của sự kiện quan trọng này”.

Với Tuần lễ cấp cao APEC 2017, các hoạt động báo chí diễn ra tại Đà Nẵng là phần nội dung rất quan trọng của công tác truyền thông đại chúng, nhằm giới thiệu, phản ảnh báo chí về hoạt động APEC 2017. Do đó, từ tháng 12/2016, Bộ Truyền thông và Thông tin đã chọn mở đầu hoạt động năm APEC 2017 bằng công tác tập huấn báo chí truyền thông. Đợt tập huấn trang bị cho phóng viên báo chí các kỹ năng ứng xử, giao tiếp cơ bản, quy trình tiếp cận, phản ảnh thông tin tại các sự kiện APEC 2017, để đạt các yêu cầu phản ảnh, theo dõi đưa tin chính xác, phù hợp nhất.

Điểm nhấn của hoạt động báo chí APEC 2017, công tác tuyên truyền đặt ra 3 mục tiêu, là phải nâng cao vai trò APEC và vai trò chủ nhà Việt Nam, đất nước hòa bình trong mắt người dân và cộng đồng quốc tế; hỗ trợ quảng bá hình ảnh Việt Nam và định hướng xã hội hiểu đúng các thông tin giá trị mà Diễn đàn kinh tế thương mại đầu tư APEC đem lại, tập trung ở 3 mảng đối ngoại, kinh tế và phát triển du lịch.

Công viên tượng APEC

Đặc biệt, trong những công trình văn hóa chào mừng sự kiện này, Công viên tượng APEC được xây dựng bên cạnh Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là nơi hội tụ nhiều tác phẩm tượng đá với giá trị nghệ thuật độc đáo, hứa hẹn sẽ là điểm tham quan mới đầy cuốn hút với người dân, du khách. Bởi, mặc dù là nơi có làng đá Non Nước nổi tiếng hơn 300 năm tuổi, nhưng lâu nay Đà Nẵng vẫn chưa có một công viên tượng đá công cộng đúng nghĩa, đúng tầm phục vụ người dân và du khách. Ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Đà Nẵng cho rằng, APEC là sự kiện quốc tế trọng đại diễn ra tại Thành phố với rất nhiều hoạt động sôi nổi, rầm rộ, tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, các hoạt động đó sẽ trôi qua. Điều còn đọng lại hàng trăm năm sau để người dân, du khách biết rằng nơi đây từng diễn ra APEC, nơi hội tụ nguyên thủ của 21 nền kinh tế thế giới, chính là công viên tượng đá. Do đó, công viên tượng APEC rất có ý nghĩa và nó đã được tiến hành thực hiện, chăm chút rất công phu.

Nằm trên diện tích hơn 3 ngàn m2, trong đó, Công viên tượng APEC dành phần đất cho cây xanh, thảm cỏ chiếm gần 2,3 ngàn m2.  Đại diện các nền kinh tế cho biết, sẽ tham gia gửi tác phẩm đến Công viên tượng APEC tại Đà Nẵng gồm Brunei, Đài Bắc (Trung Hoa), New Zealand, Australia, Indonesia, Nhật Bản, Hồng Kông, Malaysia, Mexico, Peru, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nga, Philippines... Theo đó, tác phẩm của mỗi nền kinh tế mang đặc trưng tiêu biểu, ý tưởng nghệ thuật đặc sắc gắn với văn hóa của nền kinh tế của họ, đồng thời, mỗi nền kinh tế sẽ tự thi công tượng và gửi đến để chủ nhà Việt Nam lắp đặt. Việc sắp xếp tượng của các nền kinh tế APEC trong công viên sẽ tiến hành theo thứ tự ưu tiên: tượng của chủ nhà và 4 nền kinh tế lớn gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật sẽ ở vị trí trung tâm. Kế tiếp là tượng của các nền kinh tế thành viên ASEAN, G20 và các nền kinh tế khác. Cũng dịp này, dự kiến công viên tượng APEC sẽ là nơi các vị phu nhân, phu quân lãnh đạo các nền kinh tế trồng cây lưu niệm trong thời gian diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Sau khi kết thúc APEC, công viên tượng APEC sẽ được giữ lại phục vụ khách tham quan. Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng sẽ trao đổi thu thập thông tin, ý tưởng bức tượng của các nền kinh tế để có thể thuyết minh phục vụ người dân, du khách. Ông Huỳnh Văn Hùng tin tưởng, công viên tượng APEC sẽ là một địa điểm văn hóa nghệ thuật, điểm du lịch mới thu hút du khách. Bởi lẽ vị trí của công viên tượng rất thuận lợi, một bên là Bảo tàng Điêu khắc Chăm, một bên là sông Hàn, lại nằm ngay phía nam đuôi cầu Rồng, khu vực vui chơi, giải trí nhộn nhịp cuối tuần của Đà Nẵng.

Công tác chuẩn bị chu đáo sẽ góp phần vào thành công chung của Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng nói riêng và Năm APEC Việt Nam 2017 nói chung. Quan trọng hơn cả, hy vọng rằng Đà Nẵng không chỉ để lại ấn tượng tốt đẹp về một địa điểm đăng cai hoàn hảo, mà sẽ tạo một dấu ấn riêng để tiếp nối vào những cột mốc lịch sử của APEC với những tuyên bố và cam kết được thống nhất bởi 21 nền kinh tế thành viên. Trước thềm kỷ niệm 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương, việc Đà Nẵng được Trung ương chọn là thành phố đăng cai Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 có thể được xem như phần thưởng hết sức ý nghĩa cho những nỗ lực trong gần hai mươi năm đổi mới và phát triển. Thời gian qua, Đà Nẵng đã tạo dựng cho mình những thương hiệu riêng như “thành phố đáng sống”, “thành phố môi trường”, “thành phố phong cảnh châu Á”, “thành phố tổ chức lễ hội, sự kiện” và từng bước định vị hình ảnh của mình trên bản đồ quốc tế. Mặc dù vậy, để vị thế của Đà Nẵng có thể sánh ngang với các thành phố đăng cai Tuần lễ Cấp cao APEC từ trước đến nay, cần có những chính sách chiến lược để tận dụng tối đa lợi thế từ bước ngoặt này, đồng thời mở ra một chương mới cho tương lai phát triển của Đà Nẵng. (Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ)


T.T.S

Bài viết khác cùng số

Diểu Nương - Trương Vân NgọcXứ sở Phù Tang - Văn KhoaMùa cỏ hồng trên phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoSự phong phú của nguồn tài nguyên cây thuốc trong hệ thực vật rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (*) - Nhóm tác giảCác rạn san hô ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Xuân HòaHồi kết câu chuyện thời sự Sơn Trà: Bài toán khó có lời giải trọn vẹn - Trần NgọcCâu chuyện Sơn Trà - Trương Điện ThắngĐôi điều suy nghĩ về bảo tồn và phát triển bán đảo Sơn Trà - Dân Hùng APEC 2017 và “Nụ cười Đà Nẵng” - Trần Trung SángĐánh giá nguồn thức ăn của Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) tại bán đảo Sơn Trà - Vũ Ngọc Thành, Lois K Lippold và Trần Đình NghĩaÁnh mắt - Nguyễn Hải LýQuê - Nguyễn Thị Minh ThùyĐêm của vầng trăng khuyết - Thu ThủyMỗi buổi mai - Khánh HồngKhói rạ đồng chiều - Nguyễn Hoàng SaCây ốc đảo quán Văn - Đinh Thị Như ThúyVỡ hoa - Bùi Mỹ HồngKhúc sang mùa - Trương Thị Bách MỵGọi mẹ - Vạn LộcMàu xanh em - Nguyễn Nho Thùy DươngNgày mùa - Thy LanBúi tóc mẹ - Nguyễn KhánhChặng đường 50 năm nghệ thuật Tuồng xứ Quảng - N.H.TTín ngưỡng của cư dân Đà Nẵng thế kỷ XVIII qua nhật ký của John Barrow - Đinh Thị TrangHãy để mặc bài thơ tự chọn lấy cấu trúc âm nhạc của nó - Lê Quốc SinhCo kéo với mùa xuân co kéo với thời gian - Nguyễn Đông NhậtCống hiến cho nghệ thuật Tuồng là hạnh phúc đời tôi - NSƯT Phan Văn Quang