Đánh giá nguồn thức ăn của Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) tại bán đảo Sơn Trà - Vũ Ngọc Thành, Lois K Lippold và Trần Đình Nghĩa

02.10.2017

Đánh giá nguồn thức ăn của Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) tại bán đảo Sơn Trà - Vũ Ngọc Thành, Lois K Lippold và Trần Đình Nghĩa

(Tổ chức bảo tồn Chà vá, Đại học KHTN - Đại học quốc gia Hà Nội)

Thức ăn tại chỗ là điều kiện rất quan trọng cho phép các loài cần được bảo tồn sống sót trong điều kiện thiên nhiên hoang dã. Đối với các quần thể lớn và bị cô lập như Voọc Chà vá chân nâu (CVCN) (Pygathrix nemaeus) ở Bán đảo Sơn Trà, điều này lại càng quan trọng. Đánh giá khách quan về tiềm năng cung cấp thức ăn của các sinh cảnh tự nhiên trên Bán đảo Sơn Trà sẽ đóng góp vào việc xây dựng các quy hoạch hợp lý sử dụng các phần của Bán đảo cho mục tiêu bảo tồn Chà vá chân nâu.

1. Tính đa dạng thành phần loài cây thức ăn cho Chà vá chân nâu của Hệ thực vật Bán đảo Sơn Trà

Số loài cây thức ăn đã ghi nhận (số liệu đến 5/2017) là 220 loài, thuộc 90 chi, 46 họ; chiếm 21,26% số loài, 23,55% số chi, 35,10% số họ của Hệ thực vật Sơn Trà. Ước tính số loài cây thức ăn có thể lên tới 18-21% tổng số loài của hệ thực vật.

Các họ nhiều loài cây thức ăn: Đậu (Leguminosaei), Dâu tằm (Moraceae), Dẻ (Fagaceae), Long não (Lauraceae), Thầu dầu (Euphorbiaceae), Cỏ roi ngựa (Verbenaceae), Sim (Myrtaceae), Na (Annonaceae), Bứa (Guttiferae), Trôm (Sterculiaceae). Đào lộn hột (Anacar-diaceae), Trúc đào (Apocynaceae), Nhân sâm (Araliaceae), Dầu (Diptero-capaceae), Bứa (Flacourtiaceae),

Mã tiền (Loganiaceae), Phòng kỷ (Menispermaceae), Nho (Vitaceae).

Đối chiếu với Danh lục Cây thuốc Việt Nam (Viện Dược liệu, 2016), 78/220 loài cây thức ăn của CVCN tại Sơn Trà đã biết, là cây thuốc.

2. Đánh giá các sinh cảnh về tiềm năng cung cấp thức ăn cho CVCN

Các sinh cảnh kiếm ăn của CVCN tại Bán đảo Sơn Trà gồm:

* Quần hệ Rừng kín thường xanh nhiệt đới gió mùa

Sinh cảnh Rừng kín thường xanh nhiệt đới gió mùa với ưu thế Chò chai (Shorea guiso) + Chò đen (Parashorea stellate) + Chành ràng (Dodonea viscosa) + Tiêu liêu (Ormosia pinnata) + Dẻ sạn (Lithocarpus bonneti) + Trâm trắng (Syzygium cumini),... Cấp độ trạng thái rừng IIIA2 - rừng trung bình. Bị tác động nhẹ do các hoạt động khai thác lâm sản ngoài gỗ (nhựa Chò chai, lá tuế, mây, cà dây leo...), bẫy bắt động vật hoang dã.

Nằm chủ yếu ở sườn bắc của hệ thống núi Sơn Trà, bao phủ hai thung lũng suối là Suối Lớn và Suối Cây Trâm quanh năm có nước. Cây thức ăn chủ yếu là các cây thân gỗ lớn, phân cành nhiều và chắc, chiếm ưu thế trong tầng tán rừng: Chò chai (Shorea guiso), Chò đen (Parashorea stellata). Cây thức ăn là dây leo rất ít, chỉ gặp Dây trung quân (Ancistrocladus cochinchinensis) và CVCN chỉ ăn lá non ở vị trí ngang tầm với tầng tán rừng.

 Sinh cảnh Rừng kín thường xanh nhiệt đới gió mùa với ưu thế Dẻ tược (Castanopsis ceratacantha) + Dẻ sạn (Lithocarpus bonnettii) + Dẻ Đà Nẵng (Lithocarpus scortechini) + Vối gân mạng (Cleistocalyx retinervius) + Trâm đỏ (Syzygium zeylanicum) + Trường sâng (Pometia pinnata... Cấp độ trạng thái rừng IIIA2 - rừng trung bình, bị tác động nhẹ do các hoạt động khai thác lâm sản ngoài gỗ (lá tuế, mây, lấy củi, mật ong), bẫy bắt động vật hoang dã.

Ở độ cao trên 200m, phía tây Bán đảo Sơn Trà, cây thức ăn chủ yếu gồm Dẻ tược (Castanopsis ceratacantha), Dẻ sạn (Lithocarpus bonnettii). Các loài này đặc biệt quan trọng đối với CVCN do cung cấp lượng lớn lá non cây họ Dẻ vào các tháng 1-2 khi các cây ưa nóng ở các sinh cảnh khác chưa kịp ra lá rộ.

* Quần hệ Rừng thưa thường xanh nhiệt đới gió mùa

Sinh cảnh Rừng thưa thường xanh nhiệt đới gió mùa ưu thế Dẻ tược (Castanopsis ceratacantha) + Sơn ta (Toxicodendron succedanea) + Sơn huyết (Gluta vrayii) + Bình linh (Vitex trifoliate) + Đẻn năm lá (Vitex quinata) + Bướm trắng (Mallotus tetracoccus) + Chòi mòi (Antidesma bonius) + Bời lời nhớt (Litsea glutinosa),... Cấp độ trạng thái rừng IIIA1 - rừng nghèo, bị tác động do các hoạt động khai thác lâm sản ngoài gỗ (lá tuế, mây, lấy củi). bẫy bắt động vật hoang dã.

Nằm ở vùng sườn đồi sát đường giông đỉnh núi, các cây thức ăn thân gỗ: Dẻ tược (Castanopsis ceratacantha), Dẻ sạn (Lithocarpus bonnetti).

Sinh cảnh Rừng thưa thường xanh nhiệt đới gió mùa ưu thế Vạng trứng (Endospermum chinense) + Đa quả xanh (Ficus vasculosa) + Đa vòng (Ficus annulata) + Trâm đỏ (Syzygium zeylanicum) + Dẻ sạn (Lithocarpus bonnetti) + Còng biển (Planchonella obovata),.. Cấp độ trạng thái rừng IIIA1 - IIC, rừng nghèo-rừng non chưa có trữ lượng. Bị tác động do các hoạt động khai thác lâm sản ngoài gỗ (lá tuế, mây, lấy củi), bẫy bắt động vật hoang dã.

Ở độ cao từ mép nước đến 200m so với mực nước biển, các loài cây thức ăn thân gỗ gồm Vạng trứng (Endospermum chinense), Đa quả xanh (Ficus vasculosa), Đa vòng (Ficus annulata), Đa đen (Ficus microcarpa), Sung (Ficus racemosa)...

Sinh cảnh Rừng thưa thường xanh nhiệt đới gió mùa ưu thế Cọ (Livistona saribus) + Còng biển (Planchonella obovata) + Dẻ sạn (Lithocarpus bonnetti) + Trường duyên hải (Arytera litoralis) + Bình linh (Vitex trìfolia) + Sẻn (Zanthoxylum acanthopodium),... Cấp độ trạng thái rừng IIIA1 - IIC, rừng nghèo - rừng non chưa có trữ lượng. Bị tác động do các hoạt động khai thác lâm sản ngoài gỗ (lá tuế, mây, lấy củi), bẫy bắt động vật hoang dã.

Sinh cảnh nhỏ nằm xen kẽ với sinh cảnh 4 trong cùng vành đai độ cao dưới 200m trên mực nước biển. Các loài cây thức ăn chủ yếu gồm Còng biển (Planchonella obovata), Dẻ sạn (Lithocarpus bonnetti)...

* Quần hệ Trảng cây bụi thường xanh nhiệt đới gió mùa

Sinh cảnh Trảng cây bụi thường xanh nhiệt đới gió mùa ưu thế Sim (Rhodomyrtus tomentosa) + Mua (Melastoma septanervia) + Sầm (Memecylon ligustrinum) + Còng biển (Planchonella obovata) + Ngấy hương (Rubus cochinchinensis) + Ngấy lá hường (Rubus rosaefolius) + Dây gai cám (Acacia pruinescens) + Cỏ lào  (Eupatorium odoratum) + Tổ kén lá nhỏ (Helicteres angustifolia) + Huỷnh (Tarietia cochinchinensis) + Bùi hôi (Ilex wallichii). Cấp độ trạng thái rừng IC - Trảng cây bụi có cây gỗ rải rác. Bị tác động mạnh do chất độc hóa học (trước đây), khai thác gỗ củi, đốt thực bì, bẫy chim.

Sinh cảnh nằm dọc tuyến đường đỉnh. Các loài cây thức ăn thân gỗ chỉ rất rải rác, chủ yếu là Còng biển (Planchonella obovata), Bùi hôi (Illex wallichi), Huỷnh (Heritiera cochinc-hinensis),...

Tất cả các sinh cảnh trên đều có số loài cây thức ăn cho CVCN khá cao. Do hơn 62% các loài cây thức ăn là những cây ưa sáng, phân bố chủ yếu ở các sinh cảnh rừng thưa, trảng cây bụi, ven đường nên các sinh cảnh 4,5,6 phong phú hơn về số loài cây thức ăn.

 

Trong khi đó các sinh cảnh thuộc Quần hệ rừng kín thường xanh (sinh cảnh 1 và 2) chỉ có khoảng 37% số loài cây thức ăn; thì số loài và số cá thể cây thức ăn cũng chiếm đến 31-35% trong tầng cây gỗ (DBH ≥ 8cm).

3. Mùa vụ và mức độ phong phú các nguồn thức ăn của CVCN tại Sơn Trà trong chu kỳ năm

Các nguồn thức ăn của CVCN có tính chất mùa vụ và bị chi phối bởi chu kỳ năm của các yếu tố thời tiết, khí hậu ở Bán đảo Sơn Trà, đặc biệt là các nguồn thức ăn từ lá (chồi búp, lá non, lá bánh tẻ, cuống lá...).

Trong số 220 loài cây thức ăn của CVCN chỉ có 6 loài bị rụng lá một thời gian ngắn trước khi ra lá mới.

Phần lớn các loài còn lại bên cạnh sự ra lá thường xuyên ở các cành cũ thì sự ra lá non gắn liền với sự hình thành cành non mới và tạo ra những mùa ra lá mới, có khi tới 2-3 lần trong năm. Điều này làm cho bức tranh hiện tượng học trở nên phức tạp hơn, nhưng cũng nhờ đó mà CVCN được cung cấp nguồn thức ăn ưa thích và bổ dưỡng trong phần lớn thời gian, với khoảng dãn cách tương đối đồng đều trong năm.

Hiện tượng này có lẽ bị chi phối bởi tình hình thời tiết đặc sắc của Bán đảo Sơn Trà khi mùa xuân rơi vào mùa khô kiệt (tháng 2 đến tháng 4 theo quan điểm sinh khí hậu - Bioclimate) và lượng nước bốc hơi từ môi trường luôn cao hơn lượng mưa (lượng mưa/lượng bốc hơi ≤ 1,0) kéo dài từ tháng 2 đến giữa tháng 5. Hình thái thời tiết này làm cho sự ra chồi vào đầu mùa xuân chỉ kịp xảy ra ở một số loài Dẻ, Trâm, và bị kìm hãm trong giai đoạn khô hạn (tháng 2 - 4). Cuối tháng 5, tháng 6 nhờ những cơn mưa tiểu mãn cân bằng nước trong thiên nhiên (lượng mưa, lượng bốc hơi, tháng 5,6 trong hình 3) được tái thiết lập, các loài trên tiếp tục ra chồi cùng với một số loài cây khác, nhưng rồi cũng bị kìm hãm do mùa gió Lào và thời tiết khô nóng từ tháng 6 đến tháng  8, với lượng nước bốc hơi nước từ môi trường gần gấp đôi lượng mưa rơi xuống. Vào đầu mùa mưa (tháng 9 dương lịch) lại xuất hiện vụ ra lá rộ cuối cùng trong năm. Bằng ngôn ngữ của những người thạo rừng Sơn Trà thì sự đâm chồi nảy lộc của cây rừng bị kìm nén, nghẹn lại do các điều kiện thời tiết, mãi đến đầu mùa mưa mới kết thúc.

Với các ghi chép hiện tượng học (phenology) của tất cả các nguồn thức ăn của Chà vá chân nâu tại Sơn Trà được tập hợp dưới dạng Lịch xuất hiện các loại thức ăn (gọi tắt là Lịch thức ăn, Hình 4) của Chà vá chân nâu thì trên toàn bộ Bán đảo Sơn Trà quanh năm không thiếu thức ăn cho Chà vá chân nâu. Nhưng tại một số sinh cảnh nhất định, nhất là vùng Rừng Chò (sinh cảnh 1) sự thiếu hụt thức ăn cục bộ xảy ra vào cuối đông - đầu xuân, vào các thời điểm nắng nóng kéo dài và sau dông bão. Lúc đó sự di chuyển của Chà vá chân nâu về các sinh cảnh rừng thưa thứ sinh nghèo kiệt nhưng luôn luôn có nguồn thức ăn đảm bảo ở phần phía bắc bán đảo xảy ra nhiều nhất. 

4. An toàn dinh dưỡng của CVCN ở Bán đảo Sơn Trà trong các điều kiện thời tiết cực đoan (bão tố, nắng hạn)

Sơn Trà là nơi thường xuyên có gió mạnh, là tường chắn bão cho thành phố Đà Nẵng, vì vậy rủi ro lớn cho an ninh dinh dưỡng của CVCN tại đây là sự rụng lá đột ngột của các loài cây thức ăn, có thể gây ra sự thiếu hụt thức ăn trong khoảng thời gian nhất định.

Các loài cây thân gỗ lớn trong rừng kín thường xanh (trong đó có các loài cây thức ăn) có cành to, khỏe thì toàn bộ sức mạnh của gió tác động vào tán cây, lá bị gằng giật, nát và rụng rất nhiều. Là cây lâu năm, quá trình sinh lá diễn ra rất chậm, ảnh hưởng đến sự thiếu hụt thức ăn cho CVCN nặng hơn.

Các loài cây thân gỗ nhưng ưa sáng, lớn nhanh đặc trưng của các sinh cảnh rừng thưa thứ sinh tốc độ ra chồi búp và phát triển lá nhanh hơn, rút ngắn được thời kỳ rủi ro cho CVCN.

Trong khi đó các loài cây bụi trườn và dây leo của trảng cây bụi hoặc rừng thứ sinh nghèo kiệt là những loài cây ưa sáng, lớn nhanh lại có ngọn và cành mảnh mai, mềm dẻo, luôn lướt theo chiều gió làm giảm thiểu lực tác động của gió lên tán lá, trong nhiều trường hợp lá hoàn toàn không bị rụng dù gió rất mạnh. Vì vậy các sinh cảnh với nhiều loài cây thức ăn là cây ưa sáng, dây leo, cây bụi trườn (như sinh cảnh 4, 5, 6) vừa có độ đa dạng cao các nguồn thức ăn, lại vừa có độ ổn định hơn trong cung cấp thức ăn cho CVCN do khả năng né tránh tác hại từ gió bão và khả năng phục hồi tán lá nhanh.

Trong thời gian thực hiện nghiên cứu này, ngay khi cơn bão mạnh vừa dứt (các cơn bão tháng 9 năm 2009 và tháng 10 năm 2013) CVCN đã tập trung rất đông trên các sinh cảnh 4, 5 và 6 ở phía bờ bắc Bán đảo, nơi có độ cao dưới 200m.

Trong các sinh cảnh tự nhiên của Sơn Trà, vùng phía bắc Bán đảo ở độ cao từ 200m so với mực nước biển trở xuống (sinh cảnh 4,5) là vùng có chất lượng sinh thái rừng kém nhất, chỉ là rừng nghèo và nghèo kiệt (hoặc rừng non chưa có trữ lượng) rất ít được quan tâm bảo vệ. Với giá trị về cung cấp thức ăn đa dạng, ổn định, là vùng đệm an toàn cho an ninh dinh dưỡng của CVCN và mục tiêu bảo tồn CVCN vùng này cần được duy trì, bảo vệ nghiêm ngặt như là vùng lõi của một Khu bảo tồn loài và sinh cảnh CVCN và cần giành ưu tiên cho bảo tồn trong mọi hoạch định về quy hoạch phát triển Bán đảo Sơn Trà.

5. Kết luận:

Bán đảo Sơn Trà có nguồn thức ăn phong phú, đa dạng cho CVCN; có các vùng sinh cảnh kiếm ăn bao gồm toàn bộ các vùng rừng tự nhiên và trảng cây bụi; đảm bảo an ninh dinh dưỡng cho sự phát triển bền vững của quần thể CVCN quý hiếm.

Với mong muốn bảo tồn bền vững CVCN cho Đà Nẵng, Việt Nam và thế giới, Bán đảo Sơn Trà cần phải được khảo sát, đánh giá và quy hoạch theo tiêu chí của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chà vá chân nâu mà ở đó tất cả các sinh cảnh được xác định có quan hệ chặt chẽ đến đời sống của CVCN như sinh cảnh kiếm ăn, sinh cảnh cư trú... cần được bảo vệ với quy chế vùng lõi của Khu Bảo tồn. Theo cách tiếp cận này, các sinh cảnh kiếm ăn nêu trên cần được bảo vệ cho mục tiêu bảo tồn. Vùng phía bắc bán đảo có độ cao từ 200m so với mực nước biển trở xuống là vùng giàu có về thức ăn cho CVCN, đảm bảo an toàn dinh dưỡng cho chúng trong chu kỳ năm và trong cả các rủi ro do thời tiết, khí hậu gây ra. Mọi tác động vào vùng này cần phải hết sức thận trọng.

V.N.T, Lois K, T.Đ.N

Bài viết khác cùng số

Diểu Nương - Trương Vân NgọcXứ sở Phù Tang - Văn KhoaMùa cỏ hồng trên phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoSự phong phú của nguồn tài nguyên cây thuốc trong hệ thực vật rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (*) - Nhóm tác giảCác rạn san hô ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Xuân HòaHồi kết câu chuyện thời sự Sơn Trà: Bài toán khó có lời giải trọn vẹn - Trần NgọcCâu chuyện Sơn Trà - Trương Điện ThắngĐôi điều suy nghĩ về bảo tồn và phát triển bán đảo Sơn Trà - Dân Hùng APEC 2017 và “Nụ cười Đà Nẵng” - Trần Trung SángĐánh giá nguồn thức ăn của Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) tại bán đảo Sơn Trà - Vũ Ngọc Thành, Lois K Lippold và Trần Đình NghĩaÁnh mắt - Nguyễn Hải LýQuê - Nguyễn Thị Minh ThùyĐêm của vầng trăng khuyết - Thu ThủyMỗi buổi mai - Khánh HồngKhói rạ đồng chiều - Nguyễn Hoàng SaCây ốc đảo quán Văn - Đinh Thị Như ThúyVỡ hoa - Bùi Mỹ HồngKhúc sang mùa - Trương Thị Bách MỵGọi mẹ - Vạn LộcMàu xanh em - Nguyễn Nho Thùy DươngNgày mùa - Thy LanBúi tóc mẹ - Nguyễn KhánhChặng đường 50 năm nghệ thuật Tuồng xứ Quảng - N.H.TTín ngưỡng của cư dân Đà Nẵng thế kỷ XVIII qua nhật ký của John Barrow - Đinh Thị TrangHãy để mặc bài thơ tự chọn lấy cấu trúc âm nhạc của nó - Lê Quốc SinhCo kéo với mùa xuân co kéo với thời gian - Nguyễn Đông NhậtCống hiến cho nghệ thuật Tuồng là hạnh phúc đời tôi - NSƯT Phan Văn Quang