Hồi kết câu chuyện thời sự Sơn Trà: Bài toán khó có lời giải trọn vẹn - Trần Ngọc

02.10.2017

Hồi kết câu chuyện thời sự Sơn Trà: Bài toán khó có lời giải trọn vẹn - Trần Ngọc

Làm thế nào để “Câu chuyện Sơn Trà” có cái kết đẹp nhất? Đó là điều nhân dân Đà Nẵng đang mong đợi, chính quyền thành phố Đà Nẵng mong đợi, cả nước đang mong đợi.

Có thể câu chuyện Sơn Trà sẽ phải diễn biến như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói “Cuối cùng Chính phủ, Thủ tướng sẽ quyết định vấn đề này trên tinh thần là chúng ta phát triển phải bền vững. Những yếu tố nào về bền vững mà chúng ta chưa chắc chắn bây giờ thì lui lại để đến khi có đủ điều kiện chúng ta sẽ làm. Sau ý kiến của Đà Nẵng và tất cả các bên, cuối cùng Thủ tướng sẽ quyết định. Vì luật định là quy hoạch, phê duyệt hay bổ sung cũng là Thủ tướng” (trích phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại kỳ họp Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề có liên quan đến văn hóa-thể thao-du lịch, sáng 14/6/2017).

Phó Thủ tướng cũng lưu ý rằng: Trước đây khi chưa có quy hoạch du lịch, Đà Nẵng đã chủ động theo thẩm quyền cấp phép các dự án. Khi có quyết định khác, ảnh hưởng đến nhà đầu tư thì Đà Nẵng phải chủ động vì Đà Nẵng là cấp phải làm việc với các nhà đầu tư.

Và đây chính là vấn đề khó xử nhất cho Chính quyền thành phố Đà Nẵng.

Vì sao “Sơn Trà cứ nóng lên mỗi ngày” và khó hạ nhiệt?

Sự việc bắt đầu từ thời điểm Sở Du lịch Đà Nẵng công bố phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo quy hoạch này, 1.056 ha rừng được chuyển đổi sang mục đích du lịch. Diện tích này nằm trong 1.847,9 ha rừng UBND thành phố Đà Nẵng chuyển từ đất rừng sang các loại đất khác, theo quy hoạch 3 loại rừng năm 2008.

Tiếp đó, từ phát hiện của người dân, các cơ quan truyền thông đã vào cuộc điều tra và làm rõ việc Công ty Biển Tiên Sa khai thác Sơn Trà để xây khu nghỉ dưỡng trong khuôn khổ một dự án thuộc Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa, và nhà đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư vào tháng 3/2004. Khu nghỉ dưỡng này nằm trong quy hoạch chung đã được phê duyệt, có diện tích khoảng 177 ha.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất rừng sang thương mại - du lịch) đã làm dấy lên lo ngại xâm hại lá phổi xanh của Đà Nẵng và “xóa sổ một loài động vật” đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Hàng chục nền móng xây dựng đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính. Nhưng vấn đề được dư luận cả nước quan tâm suốt nửa năm qua là “Tiếp tục hay dừng vĩnh viễn dự án ?”.

Câu chuyện Sơn Trà, đã không còn là vấn đề của riêng Đà Nẵng. Sơn Trà đã đi vào nghị trường Quốc hội, hiện diện trên bàn làm việc của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng như một vấn đề nhức nhối phải ưu tiên giải quyết. Thậm chí đã có “tâm thư” gửi đến Chính phủ cùng nhiều hội nghị, hội thảo ở các quy mô khác nhau (tại Hà Nội, tại Đà Nẵng). Sơn Trà cũng đi vào “câu hỏi chất vấn” của các đại biểu HĐND thành phố, đại biểu Quốc Hội và của giới truyền thông.

Đối với giới trí thức, ngoài tham gia các diễn đàn trên nhiều kênh truyền thông, thì một cuộc hội thảo được ghi nhận là có quy mô lớn nhất từ khi “bùng nổ” câu chuyện Sơn Trà (cho đến nay) đã diễn ra trọn ngày 15/7/2017 tại Đà Nẵng.

Đó là hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên Bán đảo Sơn Trà” do Viện Sinh thái miền Nam, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đồng tổ chức, với sự hỗ trợ và tài trợ của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh (GreenViet) cùng một số tổ chức khác.

Sự kiện gần 200 Nhà khoa học, các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia hoạch định chính sách, đại diện các ngành liên quan của Trung ương và Thành phố Đà Nẵng; các tổ chức bảo vệ - bảo tồn môi trường sinh thái và các loài động vật hoang dã quý hiếm; đại diện khá đông đủ các cơ quan truyền thông,... cùng hội ngộ tại Đà Nẵng để chia sẻ quan điểm, đưa ra những giải pháp, sáng kiến cho sự phát triển bền vững của Sơn Trà đã cho thấy, vấn đề “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên Bán đảo Sơn Trà” với “Phát triển các lĩnh vực kinh tế trên cơ sở khai thác hợp lý, tài nguyên thiên nhiên Bán đảo Sơn Trà” thực sự trở thành một tâm điểm của dư luận.

Trong số các nhà khoa học, các chuyên gia có mặt tại hội thảo, có những gương mặt rất thân quen, những người đã gắn bó với sự nghiệp bảo vệ và tôn vinh giá trị của Sơn Trà. Đó là Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, ông Nguyễn Việt Dũng (Hà Nội), người đầu tiên và có công lớn trong việc xây dựng các chỉ số, bản đồ sinh thái của Sơn Trà. Có 2 gương mặt đến từ thành phố Hồ Chí Minh bằng một tình yêu sâu nặng với Đà Nẵng, với Sơn Trà. Luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh), người nổi tiếng với những phát biểu thẳng thắn trên diễn đàn các kỳ họp. Ngay trong giờ giải lao, ông Nghĩa đã phải chịu vòng vây của các ống kính và các câu hỏi nối tiếp nhau.

Hay Nhiếp ảnh gia thiên nhiên và đời sống hoang dã Việt Nam, ông Nguyễn Trường Sinh (phường 1, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh). Cả hội trường bất ngờ với vidéo clip “Giữ  gìn báu vật Sơn Trà” của tác giả Nguyễn Trường Sinh được trình chiếu như một bổ sung hùng hồn, sinh động và xác thực cho phần tuyên bố lý do theo thông lệ.

Và đặc biệt là GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, người con của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, người đã có công trong việc tôn vinh “Cây Đa Sơn Trà - Đà Nẵng: Cây Di sản, Cây cổ thụ hùng vĩ vào loại bậc nhất Việt Nam”; cũng chính ông, vào ngày 8/6/2014, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Cây Di Sản Việt Nam đã trao Bảng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ.

Các kết quả thảo luận của Hội thảo đã được Ban tổ chức tóm tắt, tổng hợp trong Thư khuyến nghị gửi cho các cơ quan chức năng có liên quan cấp Chính phủ và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, góp phần làm cơ sở cho việc điều chỉnh Bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.

Sao không hỏi ý Dân thế nào?

Vấn đề Sơn Trà sẽ khó có hồi kết giữa một bên là “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên Bán đảo Sơn Trà” với “Phát triển các lĩnh vực kinh tế trên cơ sở khai thác hợp lý, tài nguyên thiên nhiên Bán đảo Sơn Trà”.

Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên, đồng nghĩa với bảo vệ nguyên trạng, dừng ngay mọi hoạt động xây dựng cơ sở lưu trú, vui chơi, giải trí trên bán đảo.

Phát triển trên cơ sở khai thác hợp lý, tài nguyên thiên nhiên, mở ra khả năng đầu tư cơ sở hạ tầng để tổ chức các dịch vụ du lịch. Đây là một bài toán khó giải theo hướng “hài hòa”, thậm chí theo TS. Vũ Ngọc Long - Nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái miền Nam - ranh giới giữa hai vấn đề có chỗ “khá mong manh” và vì một Sơn Trà là lá chắn, bảo vệ cho Đà Nẵng trước những hiện tượng cực đoan của thời tiết, tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai bất thường với mức độ tàn phá ngày một lớn hơn. Và vì một Sơn Trà rất quý, rất hiếm như nhiều báo cáo khoa học đã chứng minh, còn tôi, tôi cho là “một báu vật, là hòn ngọc mà thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng, cho duyên hải trung bộ, cho hôm nay và cho cả mai sau, có thể chỉ có một lựa chọn mà thôi.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh bày tỏ quan điểm: Tôi cho rằng việc cần làm ngay trước mắt là đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc, khách quan, chặt chẽ và rất biện chứng. Tôi tin nếu làm được như thế, tự khắc cấp quản lý sẽ có quyết định “Tiếp tục hay không tiếp tục xây dựng trên bán đảo Sơn Trà?”. Nếu nói về bài học kinh nghiệm cho Sơn Trà, thì đã có bài học rồi đó. Hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch ngay trên bán đảo đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Các báo cáo, các tham luận đã nói nhiều. Cá nhân tôi tham gia thêm việc này, chúng ta đã có Luật Đa dạng sinh học, Luật có quy định rất rõ về “Quy hoạch xây dựng, phát triển” với “Quy hoạch về Bảo tồn”. Mà nói đến quy hoạch bảo tồn  thì đó phải là “Quy hoạch bảo vệ đa dạng sinh học”. Có lẽ chúng ta quên mất điều này. Nếu Đà Nẵng đã có quy hoạch bảo vệ đa dạng sinh học, tôi tin rằng không thể có câu chuyện xây dựng ở độ cao 200m khu vực phía bắc, nơi những quần thể linh trưởng quý đến đó kiếm ăn và sinh sôi. Có lẽ, đã thiếu một bản đồ đa dạng sinh học Sơn Trà với các yêu cầu cụ thể để bảo vệ tính đa dạng đó.

“Trước những báo động “đỏ/nguy cấp” về môi trường sống cho loài linh trưởng cực hiếm, liệu có thể đưa ra giải pháp can thiệp tạm thời, là nhờ giới chuyên gia cứu hộ quốc tế, các chuyên gia động vật Việt Nam, “di dời” đàn Voọc ở những nơi đang có nguy cơ cao tại bán đảo Sơn Trà đến một nơi khác cũng trên bán đảo Sơn Trà nhưng an toàn hơn cho môi trường sống của chúng ?” - GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh đã chia sẻ về vấn đề này: Tôi cho rằng song song với phát triển kinh tế, chúng ta dứt khoát phải kiến tạo những giải pháp bảo tồn. Và hãy là giải pháp bảo tồn có tính bền vững cao. Các loài sống ngoài tự nhiên luôn rất nhạy cảm với tự nhiên. Ngay bây giờ, chứ không thể chậm hơn nữa, thành phố Đà Nẵng phải thiết lập một hành lang xanh. Trước mắt là ngay trên bán đảo Sơn Trà. Hành lang này là bất khả xâm phạm, dành làm nơi để đàn Voọc quý (loài Chà vá chân nâu - Pygathrix nemaeus, mà chúng ta nói rất nhiều) sinh sống.Và nếu có điều kiện chúng ta mở rộng, kéo dài vệt hành lang xanh ấy để nhà Voọc di chuyển theo tự nhiên. Hành lang xanh tôi muốn nói, hãy bắt đầu từ độ cao 200m, nơi dư luận đang nóng lên vì đã có những công trình lưu trú được xây dựng trái phép. Hãy dừng ngay việc xây dựng và có những giải pháp tích cực hơn. Chẳng hạn chúng ta chọn, quy hoạch khu vực khác, khu vực này được phép xây dựng chẳng hạn, đổi lại khu đất ở cao độ 200m mà doanh nghiệp họ đã bỏ tiền ra thuê và xây dựng nền móng. Hành lang xanh ấy, nếu được, hãy kéo dài đến Hải Vân, đến Bạch Mã. Chúng ta tạo nên những môi trường tự nhiên cực kỳ tốt và quý trọng, bảo vệ môi trường ấy thực sự, thì nơi ấy sẽ hiện hữu các loài.

Nếu vấn đề căng quá, tôi nghĩ Lãnh đạo Thành phố cần hỏi ý kiến Nhân dân Đà Nẵng, trưng cầu Dân ý để nghe quan điểm của Dân. Như vậy sẽ bớt áp lực cho cấp chính quyền khi phải quyết định giữa phát triển kinh tế với bảo tồn sinh thái. 

Cung sẽ vượt cầu, vấn đề  “thời sự Sơn Trà” có thể khép lại?

Giữa lúc dư luận vẫn thiên về xu hướng dừng hẳn mọi hoạt động xây dựng trên bán đảo Sơn Trà, một báo cáo chuyên môn sâu của Công ty CBRE Việt Nam (Chi nhánh của một Tập đoàn nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu, phân tích, tư vấn về bất động sản) đã đưa ra dự báo: 2 tháng cuối năm 2017, sẽ có thêm khoảng 1.350 căn từ 5 dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Một số dự án đã được chủ đầu tư dời thời gian chào bán dự kiến sang năm 2018 và 2019 nên nguồn cung mới trong 2 năm tiếp theo là 9.000 căn.

Cũng theo dự báo từ CBRE Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, thị trường khách sạn Đà Nẵng sẽ có thêm khoảng 3.800 phòng từ 21 khách sạn được khai trương, nâng tổng số phòng lên hơn 16.800 phòng, tăng 40% so với năm 2016. Đây cũng là tỷ lệ tăng cao nhất về nguồn cung trong giai đoạn 2014-2017 (tính đến cuối 2017). Còn trong 2 năm đến, tốc độ tăng trưởng nguồn cung dao động từ 7% - 9% mỗi năm. Đến năm 2019, thị trường dự kiến có tổng cộng 19.600 phòng khách sạn 3-5 sao.

Đặc biệt, vào cuối 2017, thị trường Đà Nẵng sẽ đón nhận những thương hiệu khách sạn mới, chính thức hoạt động như Sheraton, Four Points by Sheraton, Hilton và JW Mariott, đưa Đà Nẵng lên dẫn đầu cả nước về số lượng các thương hiệu quốc tế.

Điều này cũng gợi lên suy nghĩ  “có cần thiết phải xây thêm bất động sản nghỉ dưỡng ở Sơn Trà” khi nguồn cung được dự báo có khả năng sẽ vượt cầu. Liệu với nguồn cung như thế này, vấn đề Sơn Trà nên được khép lại với tinh thần “không xây mới bất kỳ bất động sản nghỉ dưỡng nào ở những khu vực cần bảo tồn hệ sinh thái”.

Cái gì bất cập với phát triển bền vững, phải kiên quyết điều chỉnh

“Hội thảo hôm nay là dịp tốt nhất để các cơ quan chức năng, các tổ chức liên quan, các nhà bảo tồn cùng nhau phân tích các vấn đề như “Đánh đổi giá trị môi trường” hay là “Lựa chọn phương án khả thi”, “Khai thác lợi thế” hay “Bảo tồn tính nguyên vẹn” của bán đảo Sơn Trà, qua đó cung cấp thêm thông tin và cơ sở khoa học cho việc xác định những giới hạn của tính chịu đựng môi trường và phương thức cho sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển ở bán đảo Sơn Trà” - TS. Vũ Ngọc Long, Viện Sinh thái học miền Nam, đơn vị đồng tổ chức Hội thảo chia sẻ.

“Tôi vẫn giữ quan điểm rằng để đảm bảo tính bền vững, phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà cần được quy hoạch, đánh giá và lập kế hoạch một cách cẩn thận và chỉ là du lịch sinh thái. Du lịch sinh thái mới bảo vệ được rừng, thiên nhiên và động vật hoang dã ở Sơn Trà. Hội thảo là cơ hội để mỗi chúng ta đưa ra các giải pháp cho Sơn Trà” - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, đơn vị đồng tổ chức Hội thảo, ông Huỳnh Tấn Vinh nói thêm.

Quan điểm của ông Vinh cũng có điểm gặp gỡ chung với Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, nguyên là Phó Chủ tịch phụ trách Văn - Xã tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông An cho rằng, nếu quyết tâm bảo vệ loài Voọc Chà vá chân nâu, bảo vệ đa dạng sinh học Sơn Trà, thì phải có nghiên cứu cụ thể trở lại, và có cơ sở khoa học hơn.

Dù quy hoạch đã làm đúng quy trình, nhưng bất cập giữa phát triển với bản tồn đa dạng sinh học thì cơ quan chức năng, có trách nhiệm trình và kiến nghị Chính phủ cho điều chỉnh. Và nếu có làm du lịch, thì chỉ nên là điểm tham quan chứ không nên mở ra cơ sở lưu trú, làm khách sạn, phát triển thêm khu nghỉ dưỡng ngay trên môi trường sống của loài Voọc đặc hữu.

Lãnh đạo Đà Nẵng: Cầu thị và lắng nghe cộng đồng khoa học lên tiếng

“Từ những ý kiến khách quan, khoa học của Hội thảo, lãnh đạo Thành phố sẽ lựa chọn, hoàn thiện và đưa ra một hệ thống các giải pháp đồng bộ, khả thi, phù hợp với thực tiễn để phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà nói riêng, phát triển bền vững Đà Nẵng nói chung, trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng” - Phó Chủ tịch UBND Thành phố, TS. Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh tại diễn đàn hội thảo.

Phó Chủ tịch cũng khẳng định rõ “giá trị có một không hai” của  bán đảo Sơn Trà. Do vậy, phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà phải “bảo đảm với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và phòng chống thiên tai”.

Thời gian vừa qua, lượng khách du lịch đến thành phố Đà Nẵng nói chung và bán đảo Sơn Trà nói riêng ngày càng tăng cao, điều này đặt ra nhiều vấn đề để Thành phố giải quyết, trong đó có việc xây dựng và phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng. Trong xu hướng phát triển chung của Thành phố, quan điểm của Thành phố về Phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà trên bán đảo Sơn Trà, theo Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh phải dựa trên các cơ sở: Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa - tâm linh. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, gắn kết phát triển với khu vực Non Nước - Ngũ Hành Sơn, Hải Vân, Bà Nà - Núi Chúa. Phù hợp với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam cũng như quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ.

Trên tinh thần hết sức cầu thị và cởi mở, lãnh đạo Thành phố luôn lắng nghe ý kiến, đề xuất của các nhà khoa học để đề ra những giải pháp hợp lý, nhằm phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, phát triển bền vững Đà Nẵng.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, vấn đề Sơn Trà đã nóng lên trở lại, được xới lên trên nhiều phương tiện truyền thông. Bởi trong khi nhiều ý kiến đã phản ảnh rất trực diện, gióng không biết bao hồi chuông về sự cạn kiệt “đã thấy được” của tự nhiên Sơn Trà. Thì, quan điểm của Chính quyền Thành phố (tại Báo cáo số 223/BC-UBND, do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn ký ngày 29/8/2017) vẫn là “tiếp tục quy hoạch nơi này thành khu du lịch quốc gia và xem xét các kiến nghị của nhà đầu tư”.

Như đã phân tích, xử lý, giải quyết rốt ráo vấn đề “xây tiếp hay ngưng dự án” trên bán đảo Sơn Trà là một vấn đề cực khó. Chủ tịch UBND Thành phố Huỳnh Đức Thơ từng phát biểu tại một phiên giao ban báo chí “cái gì cũng phải hài hòa, phải tôn trọng, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Không phải là chính quyền Thành phố không thấy, mà cố gắng để giải quyết hài hòa lợi ích nhà đầu tư và lợi ích cộng đồng”.

Báo cáo số 223/BC-UBND do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn ký ngày 29/8/2017 (công bố ngày 5/9 vừa qua) cũng “kiến nghị Thủ tướng xem xét ý kiến của nhà đầu tư, trong đó có việc giữ nguyên lượng phòng lưu trú và biệt thự trên bán đảo Sơn Trà” (trên bán đảo Sơn Trà có 18 dự án du lịch nghỉ dưỡng, đều được cấp phép từ trước tháng 12/2012 với 1.920 lô biệt thự).

Quan điểm của Lãnh đạo Thành phố lần này nhất quán hơn với các nguyên tắc bao trùm là “phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền, bảo tồn đa dạng sinh học; ưu tiên bảo tồn loài Voọc Chà vá chân nâu quý hiếm”. Công trình xây dựng tồn tại trên bán đảo chỉ được giữ lại nếu đã xây dựng hoàn chỉnh và đã đưa vào hoạt động có hiệu quả; chỉ có nhà đầu tư trong nước mới được triển khai dự án tại Sơn Trà và cam kết không ảnh hưởng đến khu vực phòng thủ, khu vực nhạy cảm về quốc phòng an ninh.

Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định cuối cùng về câu chuyện Sơn Trà. Quyết định đó, chắc chắn không nằm ngoài mục tiêu góp phần xây dựng thành công Đà Nẵng - Thành phố Môi trường (và Đà Nẵng đã từng đạt giải thưởng Thành phố Môi trường của Asean). Quan trọng hơn, giải quyết điểm nóng Sơn Trà - Đà Nẵng cũng sẽ tạo tiền lệ giải quyết những vấn đề của phát triển bền vững với tăng trưởng nóng; giữa lợi nhuận nhà đầu tư với lợi ích cộng đồng.

T.N

Bài viết khác cùng số

Diểu Nương - Trương Vân NgọcXứ sở Phù Tang - Văn KhoaMùa cỏ hồng trên phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoSự phong phú của nguồn tài nguyên cây thuốc trong hệ thực vật rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (*) - Nhóm tác giảCác rạn san hô ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Xuân HòaHồi kết câu chuyện thời sự Sơn Trà: Bài toán khó có lời giải trọn vẹn - Trần NgọcCâu chuyện Sơn Trà - Trương Điện ThắngĐôi điều suy nghĩ về bảo tồn và phát triển bán đảo Sơn Trà - Dân Hùng APEC 2017 và “Nụ cười Đà Nẵng” - Trần Trung SángĐánh giá nguồn thức ăn của Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) tại bán đảo Sơn Trà - Vũ Ngọc Thành, Lois K Lippold và Trần Đình NghĩaÁnh mắt - Nguyễn Hải LýQuê - Nguyễn Thị Minh ThùyĐêm của vầng trăng khuyết - Thu ThủyMỗi buổi mai - Khánh HồngKhói rạ đồng chiều - Nguyễn Hoàng SaCây ốc đảo quán Văn - Đinh Thị Như ThúyVỡ hoa - Bùi Mỹ HồngKhúc sang mùa - Trương Thị Bách MỵGọi mẹ - Vạn LộcMàu xanh em - Nguyễn Nho Thùy DươngNgày mùa - Thy LanBúi tóc mẹ - Nguyễn KhánhChặng đường 50 năm nghệ thuật Tuồng xứ Quảng - N.H.TTín ngưỡng của cư dân Đà Nẵng thế kỷ XVIII qua nhật ký của John Barrow - Đinh Thị TrangHãy để mặc bài thơ tự chọn lấy cấu trúc âm nhạc của nó - Lê Quốc SinhCo kéo với mùa xuân co kéo với thời gian - Nguyễn Đông NhậtCống hiến cho nghệ thuật Tuồng là hạnh phúc đời tôi - NSƯT Phan Văn Quang