Ngư dân và biển cả - Bùi Văn Tiếng

06.09.2016

Ngư dân có thể đánh bắt tôm cá trên sông để kiếm sống qua ngày và có không ít người làm nghề chài lưới cả đời chỉ gắn bó với một dòng sông duy nhất, nhưng một đất nước ba bề là biển như nước Việt Nam ta thì phần lớn ngư dần đều có cơ hội hành nghề trên biển, gần bờ cũng như xa bờ, cho nên ngư nghiệp thường được gọi bằng cái tên chung là nghề biển. Nghề biển là một nghề vất vả thậm chí hiểm nguy, đến mức ngày xưa đã có câu ca: Chồng nghèo nghề ruộng em theo/Chồng giàu nghề biển hồn treo cột buồm. Tất nhiên câu ca này chủ yếu nhằm nhấn mạnh sự nhọc nhằn của lao động ngư nghiệp hơn là tô đậm sự phân biệt đối xử trong hôn nhân.

Ngư dân và biển cả - Bùi Văn Tiếng

Càng nhọc nhằn hơn khi so với ngư dân các nước, kể cả nước láng giềng đang cho tàu cá tràn trái phép xuống Trường Sa, ngư dân nước ta vẫn phải hành nghề trên những con tàu gỗ chỉ phù hợp với ngư trường cận duyên hơn là với biển khơi xa. Cách nói người Việt chúng ta đang tiến ra đại dương mênh mông bằng chiếc thuyền thúng mỏng manh để hội nhập cùng thế giới là một cách nói hình ảnh, đồng thời cũng phản ánh tình trạng thua chị kém em về phương tiện hành nghề của ngư nghiệp nước ta hiện nay.

Ngư dân thời nay ít ai ra biển một mình, nhưng đó là lúc rời bờ cùng ngồi chung trên tàu mẹ, chứ đã xác được tọa độ đánh bắt giữa khơi xa thì có khi mỗi một con thuyền thúng vừa chèo lái vừa buông câu kiểu như ông lão Santiago trong tác phẩm văn chương nổi tiếng The old man and the sea - Ông già và biển cả của Ernest Hemingway. Như vậy ngư dân ra biển phải cùng lúc thuần thục hai thao tác: một là điều khiển tàu thuyền và hai là buông chài vãi lưới. Điều khiển tàu thuyền trên ngàn trùng sóng nước - cũng giống như lái xe giữa phố phường chật hẹp hoặc lái máy bay trên chín tầng mây - là một nghề nặng nhọc, và ai muốn được hành nghề - dẫu điều khiển một con tàu hiện đại hàng trăm mã lực hay chỉ dùng tay chèo một chiếc thuyền thúng lắc lư – đều phải học nghề. Có điều nếu những người lái xe và lái máy bay cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đều được đào tạo qua trường lớp hẳn hoi, được kiểm tra sát hạch kỹ càng và được nhận bằng tốt nghiệp như một tấm giấy thông hành không-có-không-thể-vào-cửa, thì ở nước ta việc đào tạo kỹ năng điều khiển tàu thuyền cho ngư dân vẫn chưa ngang tầm với đòi hỏi của thực tiễn.

Ngư dân nước ta xưa nay học cách điều khiển tàu thuyền và cả cách buông chài vãi lưới chủ yếu theo kiểu nghề-dạy-nghề. Muốn học theo kiểu này, người học nghề phải có khả năng quan sát mọi động thái nghiệp vụ của người dạy nghề rồi bắt chước làm theo và quan trọng hơn là phải có khả năng ghi nhớ các kinh nghiệm về đi-biển- làm-nghề của người thầy như tầm ngư định vị thế nào, tránh bão thế nào, câu cá câu mực ra sao... Kiểu học nghề như vậy tốn khá nhiều thời gian, nếu người học nghề không chí thú với nghề biển hồn treo cột buồm, chưa kể trước tiên phải chịu đựng được sóng gió và phải biết…bơi, thì khó lòng mà theo đuổi cho đến nơi đến chốn. Vì thế để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, cần đặt ra và giải quyết vấn đề đổi mới quá trình đào tạo ngư dân với việc huấn luyệ hải quân, bộ đội biên phòng hay cảnh sát biển - thậm chí có thể tuyển sinh dưới dạng thiếu sinh quân để những ngư dân tương tai sớm làm quen với biển; các trường đại học hàng hải và học viện sĩ quan hải quân sẽ góp phần vào quá trình đào tạo ngư dân theo phương thức này thông qua biên soạn giáo trình, bồi dưỡng giảng viên...

Lao động ngư nghiệp nhọc nhằn như vậy nên ngư dân thường có tâm lý sợ biển, đúng hơn là sợ những thảm hoạ hiểm nguy đến từ sóng gió ngàn trùng - sợ đến mức đã tồn tại một tập tục ngàn đời thâm căn cố đế là người làm nghề biển không bao giờ ăn cá mà lật ngược thân cá, sợ đến mức không ít ngư dân có tâm lý ngại không muốn mua bảo hiểm cho người và phương tiện ra khơi, cho rằng làm thế chẳng khác nào tự mua lấy cái rủi ro hoạn nạn về phần mình. Nhưng nghề biển hổn treo cột buồm đầy khó nhọc và hiểm nguy không chỉ vì sóng gió biển khơi mà còn vì những tranh cướp - chứ không phải tanh chấp - chủ quyền trên biển, vì những hành động cụia ai đó coi thường công pháp quốc tế và tình hữu nghị giữa các nước láng giềng. Cho nên ngư dân nước ta ngày nay không chỉ làm sao nâng cấp tàu thuyền, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến để khai thác thật nhiều sản lượng mà vẫn đảm bảo được sự phát triển lâu bền của các nguồn lợi thuỷ sản, không chỉ làm sao đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trong bão to gió lớn, phòng tránh được những thảm nạn như Linda 1997 Chanchu 2006 mà còn phải làm sao góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển - thực chất cũng là bảo vệ ngư trường làm ăn sinh sống hằng ngày của ngư dân. Phương thúc đào tạo ngư dân nêu trên càng góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân về nghĩa vụ công dân trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đổng thời làm cơ sở để phát triển mạnh hơn lực lượng dân quân biển.

Cũng do lao động ngư nghiệp nhọc nhằn như vậy nên ngư dân thường có nhu cầu rất lớn về giải trí mang màu sắc tâm linh và dấu ấn nghề nghiệp - nhất là trong khoảng thời gian đợi chờ giữa hai chuyến ra khơi. Chính vì thế có thể nói rằng lễ hội cầu ngư với hát bội hay múa bả trạo hoặc hiện đại hơn là thi bơi thuyền thúng... ở các làng ven biển hoàn toàn có khả năng trở thành điểm nhấn trong đời sống tinh thần của ngư dân nước ta. Đương nhiên lễ hội cầu ngư nói ở đây phải là lễ hội thật chứ không phải kiểu lễ hội sân khấu hóa chỉ cốt phục vụ du khách tham quan, bởi sức hút thẩm mỹ trong một lễ hội được xem là hết sức thiêng liêng đối với nghề biển hồn treo cột buồm chủ yếu vẫn là sự tham gia hồn nhiên của đông đảo ngư dân. Ngành du lịch ở các địa phương ven biển có thể tận dụng lễ hội cầu ngư như một loại hình giải trí biển hấp dẫn đối với du khách, nhưng vấn đề là phải làm thế nào cho du khách có thể chọn thời điểm du lịch đúng vào mùa lễ hội để trực tiếp hòa mình vào không khí sống động của một lễ hội thật, chứ không phải một lễ hội sân khấu hoá quanh năm suốt tháng. Đều là xem hát bội nhưng nếu thưởng thức hát bội như một nghệ thuật sân khấu cổ truyền độc đáo của người Việt thì du khách có thể tìm đến các nhà hát tuồng vào bất cứ đêm diễn buổi diễn nào cũng được, còn thưởng thức hát bội như một sinh hoạt văn hóa dân gian miền biển nhằm thấu hiểu hơn diện mạo tinh thần của ngư dân thì nhất thiết du khách phải chờ tới... lễ hội cầu ngư!

 B.V.T