Nhà văn Bùi Công Dụng

09.09.2021
Như Nghĩa
Nhà văn Bùi Công Dụng sinh năm 1950, quê quán Đà Nẵng. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng.  Ông làm quen với văn học bằng những truyện ngắn đầu tiên Đón đầu, Người lính vừa rời vũ trường,  Ba, con và toa tàu đổ, Hãy giữ bản tình ca… Tiếp tục thử sức trên thể loại tiểu thuyết, ông cho ra đời loạt tiểu thuyết với tên nhan đề: Quyền lực (2010), Đất chùa (2014), Thuyền độc mộc (2015).  Ngoài ra ông còn sáng tác ở các thể loại truyện ký, ký sự. Với lòng nhiệt huyết và tình yêu văn chương, năm 2013 được Hội Nhà văn Đà Nẵng tặng thưởng cho truyện ký Cha tôi.  

Nhà văn Bùi Công Dụng

 Bùi Công Dụng quan niệm về văn chương như công việc chốn… công đường: Viết văn nói vậy chứ nó cũng như công việc của một vị quan tòa. Phải rất công bằng khi nhận xét các khía cạnh của nhân vật, ngay cả nhân vật phản diện trong tác phẩm để tránh lối viết một chiều. Người đọc chỉ thấy tác giả thực sự có công bằng khi được đọc các lời thoại. Đối với tôi, lời thoại trong tác phẩm văn học là quan trọng nhất, nó làm nổi bật tính cách nhân vật kể cả chính diện và phản diện mà không cần phải giải thích, phân tích dài dòng. Cái quan trọng tiếp theo là tư liệu. Đương nhiên là vậy, nhưng phải nên chắt lọc nó. Bạn cứ hình dung trong một tác phẩm lời thoại đã không hay mà tư liệu lại ngồn ngộn, thì tác phẩm còn ra gì nữa. Tôi có cảm nhận như thế và luôn cố gắng tránh điều này".

Các tác phẩm đã xuất bản

- Tập truyện ngắn Hãy giữ bản tình ca, NXB Đà Nẵng, 1998.

- Tập truyện ngắn Ai gọi điện thế nhỉ, NXB Đà Nẵng, 2000.

- Tập bút ký Ghi chép mười năm, Sở Văn hóa thông tin Quảng Nam, 2006.

- Tiểu thuyết Quyền lực, NXB Văn học, 2010.

- Truyện ký Cha tôi, NXB Văn học, 2013.

- Tiểu thuyết Đất chùa, NXB Văn học, 2014.

- Truyện ngắn chọn lọc NXB Văn học, 2015.

- Tiểu thuyết Thuyền độc mộc, NXB Hội Nhà văn, 2015.

      - Ký sự Sơn Trà, NXB Hội Nhà văn, 2017.

 Nhà văn Bùi Công Dụng ký tặng sách "Ký sự Sơn Trà"

 

Một số nhận định

Tiểu thuyết Quyền lực, tiểu thuyết đầu tay được xuất bản 2010 đánh dấu sự thành công trong sự nghiệp văn chương của ông. Trong tiểu thuyết Quyền lực, nhà văn đã phản ánh thực trạng xã hội trên một tinh thần  nói thẳng nói thật rất đáng được ghi nhận.

Nhà báo Nguyễn Minh Sơn đã viết: Chỉ chưa đầy 400 trang, toàn bộ nội dung cuốn sách xoáy sâu vào nhân vật Anh Đức để kể lại quá trình tha hoá của một con người. Từ cậu bé du kích được tổ chức đưa ra Bắc, học tại trường học sinh miền Nam, ngày hoà bình trở về quê và trở thành doanh nhân trước khi chuyển sang con đường chính trị, quyền lực của Anh Đức có được chính là thứ quyền lực đen nhờ tiền và thủ đoạn.

Tuy là nhân vật hư cấu nhưng người đọc thấy rõ đây là câu chuyện thời sự, khi lý tưởng xây dựng quê hương của những người cộng sản xung đột với tham vọng của một số kẻ cơ hội trong bộ máy. Mối quan hệ giữa quan chức và doanh nhân, giữa cái tốt và cái xấu hiện ra như một vở bi hài kịch giải thích sự trì trệ, thất bại ở phạm vi hẹp của một mô hình kinh tế mở. Qua tiểu thuyết Quyền lực, Bùi Công Dụng đã cho bạn đọc cái nhìn rõ nét hơn về xã hội đương thời, trong xã hội đó, nếu không vững vàng, con người sẽ dần đánh mất chính mình".

Bài viết có tựa đề: “Đất Chùa, nhìn từ chuyện người dân làng Muối” của Lê Anh Dũng cho rằng cái kết cho tiểu thuyết Đất chùa của Bùi Công Dụng có phần lạ: “Cho đến trang sách cuối cùng, tác giả đã không chọn cách giải quyết vấn đề theo thông lệ mà chủ ý để ngỏ cho một nhiệm kỳ mới với những con người mới tiếp tục xem xét. Lối kết này có phần lạ, vì tuy không đề cập nhưng nó cũng làm người đọc thấy rõ một điều, đó là sự thờ ơ, vô trách nhiệm, tránh xa mọi thực tế gai góc mà người dân đang phải gánh chịu, không dám đi đến cùng sự việc để lo cho dân, hoặc để mặc hiện tượng lời nói không đi đôi với việc làm, chỉ lo nghĩ đến bản thân mình, lo tìm đến thần linh để cầu tài cầu lộc, chỉ muốn an nhàn hưởng thụ để mong chờ ngày được thăng tiến hoặc hạ cánh an toàn... một tâm lý khá phổ biến trong lớp công chức Nhà nước hiện nay.”. Đất Chùa, một cuốn tiểu thuyết đáng đọc, vì chưa có tác phẩm văn học nào lột tả, phản ánh một cách rõ nét những trăn trở xót xa của người dân trước muôn vàn khó khăn bất trắc mà họ phải chịu đựng trong cuộc sống. 

Nhà văn Trần Trung Sáng với bài viết: “Trò chuyện với nhà văn Bùi Công Dụng về tiểu thuyết "Thuyền độc mộc" Trần Trung Sáng cho rằng đây là đề tài khó, rất nhạy cảm. "Đây là một đề tài nhạy cảm không phải dễ dàng thực hiện, nếu không có một sự tích lũy hoặc ít nhất cũng là đóng một phần vai trò người trong cuộc. Theo nhà văn  Bùi Công Dụng, trên hết vẫn là thực tiễn cuộc sống thực thi pháp luật, kỷ cương phép nước của công dân trong xã hội hiện tại. Người cầm bút phải nói lên được thực trạng đó"...

Nhìn chung, 3 cuốn tiểu thuyết thuộc đề tài dạng chống tham nhũng của Bùi Công Dụng, đã có ảnh hưởng ít nhiều đến việc quản lý điều hành. Tiểu thuyết “Quyền lực” (2010) mô tả việc sử dụng quyền lực hành chính ở một đơn vị để trấn áp đồng nghiệp. “Đất chùa” (2014) nói về việc sử dụng quyền lực hành chính ở một địa phương để trấn áp người dân. “Thuyền độc mộc” (2015) lại tập trung vào vấn đề lạm dụng quyền lực hành chính ở một ngành trung ương để làm áp lực đối với cơ sở trực thuộc… Tức là ở các cấp độ nào trong bộ máy công quyền hiện nay, cũng đều có chuyện vi phạm văn bản quy phạm pháp luật, nói cách khác là họ làm méo mó văn bản pháp quy để phục vụ cho ý đồ cá nhân. "Tôi thấy đề tài này chưa có ai lo, mình ghé vào xem thử…"

Năm 2013, ông được Hội Nhà văn Đà Nẵng trao tặng giải thưởng Truyện ký Cha tôi. Đây là cuốn truyện ký ông viết dành cho người cha của mình - ông Bùi Công Trọng, một nhà hoạt động quản lý qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. 

Đại tá nhà thơ Lê Anh Dũng đã nhận xét về cuốn Cha tôi: "Bằng những lời tâm tình khiêm nhường, Bùi Công Dụng đã trung thành với ý kiến người cha lúc sinh thời khi biết ý định của con cái muốn ghi lại cuộc đời hoạt động của ông “... mình không là gì hết trong cuộc chiến tranh quá nhiều đau thương mất mát này.  Máu xương anh em đồng đội đồng chí của cha, rồi của đồng bào mình nữa chất thành sông thành núi, mình không là gì hết đâu các con…” , để rồi từ đầu đến cuối cuốn sách, những tình tiết về đời hoạt động của nhân vật lặng lẽ theo bối cảnh xã hội từng thời kỳ, cứ hiện ra một cách hấp dẫn, lôi cuốn…."

Qua tác phẩm, bạn đọc thấy rõ nét chân dung ông Bùi Công Trọng với phẩm chất cách mạng rất đáng quý của một người “thuần khiết dấn thân làm cách mạng”. 3 lần ông vượt Trường Sơn: lần đầu (1953) ra chiến khu Việt Bắc dự hội nghị thương mại phục vụ kháng chiến chống Pháp; lần 2 (1964) vượt Trường Sơn vào phục vụ Ban Kinh tài- Trung ương Cục miền Nam, làm tham tán đại sứ cho Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam và lần 3 (1973) vượt Trường Sơn vào chiến trường Khu 5, làm việc tại Ban Kinh tài)... là 3 lần ông nung nấu ý chí quyết tâm đi vào nơi gian khó, mà theo suy nghĩ của ông, đó mới là đóng góp sát thực và hiệu quả nhất của bản thân mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, mặc dù lúc đó ông đang nắm giữ trọng trách lớn trong cơ quan quản lý nhà nước.

Đại tá nhà thơ Lê Anh Dũng viết tiếp: "Truyện ký “Cha tôi” là tiếng nói tự hào của tác giả về người cha yêu quý không chỉ của riêng mình: “Sự dấn thân hòa quyện với lý tưởng sống, làm cho ông trở thành một con người mẫu mực trong con mắt của nhiều người và của đại gia đình chúng tôi”. Đó là lời giới thiệu nhưng có thể cũng là lời kết cho cuốn sách rất đáng trân trọng này."...

Trong tập Ký sự Sơn Trà, nhà thơ Lê Minh Quốc đã viết:  "Với trách nhiệm công dân của một người cầm bút, nhà văn Bùi Công Dụng đã viết tập Ký sự Sơn Trà. Có thể ghi nhận, lần đầu tiên câu chuyện tranh luận về Sơn Trà được trình bày cặn kẽ, chu đáo với nhiều chứng cứ, tài liệu, văn bản cụ thể…

 Nhà văn Bùi Công Dụng có suy nghĩ rất giản dị, rằng "nhân dân luôn ủng hộ những gì minh bạch, đúng đắn, phù hợp luật pháp và lợi ích cộng đồng. Họ rất nhạy cảm, tỉnh táo phân biệt những phát ngôn hoặc cách hành xử không phù hợp lợi ích chung, vì thế sức đấu tranh của họ được nhân lên gấp nhiều lần và lan tỏa nhanh chóng. Tôi nghĩ, không nên đánh giá thấp dư luận xã hội trong mọi vấn đề của đất nước, trong đó có Sơn Trà".

Bằng một văn phong giản dị, dễ hiểu, những vấn đề pháp lý phức tạp được tác giả luận giải giàu tính thuyết phục. Qua các bài viết, phân tích, phản biện một cách tích cực, cho thấy một tình yêu và tinh thần trách nhiệm của một người con xứ Quảng.

 Nhà báo Duy Thông trong bài phỏng vấn nhà văn Bùi Công Dụng “Giành lại màu xanh cho Sơn Trà”, đã có buổi nói chuyện vui vẻ cùng nhà văn Bùi Công Dụng. Trong bài phỏng vấn, nhà văn đã chia sẻ quan điểm: “Trong cuốn Ký sự Sơn Trà tôi cũng đã nói: Khái niệm bảo tồn và phát triển nên hiểu thế nào cho đúng? Quan điểm của một số người cho là “bảo tồn và phát triển”, đầu tiên là phải chặt hết cây rừng để tạo mặt bằng cho xe máy thi công một công trình nào đó. Họ nghĩ phải lập một quy hoạch bảo tồn với quy mô lớn là xây cho được hàng ngàn phòng khách sạn trên rừng cấm quốc gia Sơn Trà để kinh doanh du lịch. Làm những việc đó một cách tự nhiên, không cần theo bộ luật nào cả. Địa phương cứ thỏa thuận với các bộ, ngành là làm chứ không cần xin ý kiến Thủ tướng như quy định của luật pháp, và họ đã tham mưu được cho Chính phủ kế hoạch đó. 

Còn quan điểm của cộng đồng dân chúng về “bảo tồn và phát triển” lại hoàn toàn ngược lại. Có nghĩa là cũng xây dựng cơ sở vật chất trên rừng cấm, nhưng phải tuân thủ theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Luật An ninh quốc gia, Luật Bảo vệ môi trường... chưa kể các văn bản dưới luật như Quyết định về quy chế quản lý rừng của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư về đánh giá tác động môi trường chiến lược của dự án v.v.. Nhưng điều trước tiên vẫn phải là Thủ tướng cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang cho xây dựng cơ sở vật chất đó hay chưa. Chưa cho phép thì tuyệt đối không được động vào. 

Hai quan điểm này rõ ràng xung khắc nhau dữ dội. Tất nhiên tôi  (BCD) và đa số người dân không chấp nhận lập luận khai thác rừng quốc gia bất chấp luật pháp”. 

Cũng nói về cuốn Ký sự Sơn Trà, Báo Lao động số Xuân Miền Trung - Tây Nguyên (2/2018) có bài viết: “Nhà văn Bùi Công Dụng và ký sự Sơn Trà”. Sơn Trà vốn là hình ảnh quen thuộc không chỉ đối với người dân Đà Nẵng và cả các du khách khi ghé đây. Sơn Trà đã được mệnh danh "Mắt thần Đông Dương", có vị trí rất quan trọng trong vấn đề an ninh quốc phòng… Chính vì thế, nó là đề tài sáng tác của các nhà văn nhà thơ: “Với trách nhiệm công dân của một người cầm bút, nhà văn Bùi Công Dụng đã viết tập Ký sự Sơn Trà. Có thể ghi nhận, lần đầu tiên câu chuyện tranh luận về Sơn Trà được trình bày cặn kẽ, chu đáo với nhiều chứng cứ, tài liệu, văn bản cụ thể... Nếu không là nhà văn sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, nếu không có một tình yêu lớn dành cho Sơn Trà, chắc hẳn Bùi Công Dụng không đủ kiên nhẫn, bền lòng đeo đuổi một cách xuyên suốt.” Qua đó nhà văn muốn nhắn nhủ mỗi người dân phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản quý báu mà thiên nhiên đã trao tặng cho chúng  ta…

 

Một số bìa sách của Bùi Công Dụng