Nhà văn Nguyễn Nhã Tiên

07.06.2021
Huỳnh Thạch Hà
Nhà văn Nguyễn Nhã Tiên bút danh Dã Châu (dùng trước năm 1975). Sau này, ông sử dụng tên chính thức trong giấy tờ khai sinh làm bút danh: Nguyễn Nhã Tiên. Ông sinh ngày 9-10-1952 tại Đại Lộc, Quảng Nam, hiện nay sống ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Hội viên Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng.

Nhà văn Nguyễn Nhã Tiên

Nhà văn Nguyễn Nhã Tiên đã từng dạy học, viết báo, sáng tác văn học, hiện tại đã nghỉ hưu nhưng vẫn cộng tác cho nhiều tờ báo và tạp chí trong và ngoài nước. Nhà văn Nguyễn Nhã Tiên đã nhận hơn 10 giải thưởng Văn học nghệ thuật về thơ, truyện, bút ký của trung ương và các địa phương.

Nhà văn Nguyễn Nhã Tiên là cây bút viết tản văn có nghề (trích báo Văn Nghệ - bài của nhà thơ Thanh Quế). Ông được biết đến vừa là nhà văn vừa là nhà thơ. Văn thơ ông mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền - những vùng văn hóa đầy màu sắc. Ông cho rằng, làm nghề viết thường đi nhiều và “khát” đi nhiều. Có nhiều vùng đất mà ông đi qua thường in dấu sâu đậm trong từng tác phẩm. Ông cho rằng: “Cái đẹp cái hay của thơ là nắm bắt cho được từng khoảnh khắc, từng tia chớp, từng ánh lửa bất ngờ nhất của cái tôi ( nội tại) đối thoại cùng thế giới. Vắng những cảm xúc chân thật ( khổ đau hay hạnh phúc) đó thì làm gì có thơ . Còn mỗi tác phẩm văn xuôi lại là một niềm cảm hứng hầu như là ý thức dẫn đường, và tùy theo từng văn loại ( truyện, tùy bút, tản văn...) mà góp nhặt, phơi bày gương mặt thời gian qua từng vùng đất, trong đó có sự cảm nhận, phát hiện và ký gửi tâm tình, xây thành những nét riêng mang màu sắc văn hóa khác nhau thể hiện lên trên từng tác phẩm. Nhà thơ Tường Linh đã nhận xét về thơ của Nguyễn Nhã Tiên: “Cái thời sung mãn nhất của tuổi thanh xuân nếu xem thơ cũng là một "tôn giáo" thì Nguyễn Nhã Tiên quả là một "tín đồ" ngoan đạo. Sự "ngoan đạo"  khả ái dành cho thứ "đạo" tối hiền, vô vị lợi, không có hình thức răn đe, trừng phạt này lại là cái hay cho người làm thơ và cho thơ nói chung. Vì có như vậy thì người làm thơ mới tạo được những kết quả phát tích từ chữ "tâm", từ công phu khổ hạnh, và thơ mới  tiếp tục nhận thêm mãi những mùa quả ngọt lành”. (Tường Linh - Nhận định về thơ Nguyễn Nhã Tiên trong tập thơ " Cõi về" NXB Đà Nẵng 1995).

Đọc văn Nguyễn Nhã Tiên cũng có cái thú như đọc thơ. Phần lớn mạch văn ông là những ký ức bồi hồi lai láng chảy qua những cánh đồng mênh mông, nếu chúng ta lướt nhanh sẽ không dễ nhận ra đâu là bến là bờ. Phảng phất trong thơ văn của ông là hình ảnh hội làng, nỗi nhớ tắm gội bên dòng sông xưa, sông Cổ Cò, sông Thu Bồn , sông Hàn, hay sông Vu Gia, núi Sơn Trà... Chỉ với đề tài viết về dòng sông thôi cũng đủ các cung bậc cảm xúc, khi bình yên, khi gợi sóng, có khi là lên thác xuống ghềnh, là cuồng nộ giông bão. Nỗi nhớ trong những tác phẩm của ông cũng là những nỗi nhớ đời thường, gần gủi như khi lặng nhìn cây đa, bến nước, khi nhìn chiếc lá trầu vàng rơi đầy trước sân nhà , hay là  nỗi niềm bâng khuâng xao xuyến bên giếng làng với người em gái nhỏ gánh nước đêm đêm "Em khua gàu vào giếng khuya gọi nghìn đêm thức giấc" (thơ Nguyễn Nhã Tiên). Biết bao điều nhớ thương sao cho hết. Ông đi nhiều, viết nhiều, như là có một nguồn năng lượng vô tận. Mỗi vùng đất, con người, nét văn hóa nơi bàn chân Nguyễn Nhã Tiên đi qua đều in đậm trong thơ văn của ông. Đọc tác phẩm của ông, độc giả sẽ có cảm giác như được rong ruổi ở một miền quê mới nào đó, để mà hiểu mà thương. Chỉ có điều, theo dõi trên các báo và tạp chí đã xuất bản, thơ văn Nguyễn Nhã Tiên vẫn đều đặn xuất hiện, thế nhưng hơn 10 năm nay, đặc biệt là về thơ, từ sau thi phẩm " Khúc Hồi Âm Của Lá" - NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 2003 cho đến nay đã gần tròn hai chục năm, mới thấy tăm hơi tập " Khói trong vườn chiều & tôi" của Nguyễn Nhã Tiên đang nằm trong nhà in đợi giờ trình làng.

Có thể nói, gần như một quy tắc sáng tác đối với Nguyễn Nhã Tiên, văn chương phải phản ánh được  cái chân thành, cái hiện thực. "Cái gì xuất phát từ trái tim thì đích tới sẽ là mọi trái tim". Mọi sự giả dối, phù phép,  cho dù mang tên mới mẻ  nào cũng  đều không tạo dựng nên cái đẹp. Ông cũng gửi gắm lời khuyên đến các bạn trẻ viết văn là đừng bao giờ giả dối, người trẻ hãy khởi hành nghề viết bằng chất liệu hiện thực. Hãy sáng tạo tác phẩm từ niềm xúc động, khởi đi từ sự rung cảm của trái tim để tạo sự sâu lắng và tạo thành thông điệp nhân văn trong từng tác phẩm. Đích thực của đời sống thi ca, vốn là “bào thai” nuôi nấng khó nhọc khổ công, kể cả những bất trắc, hoạn nạn… để từ đó mà hoan lạc với tác phẩm sinh thành. Còn tất cả, những bờ bụi, những mông má  phù phiếm sẽ rơi rụng và chắc chắn không tồn tại, có còn chăng đi nữa chỉ là những vết nhơ trong văn học.

Tác phẩm đã xuất bản:

- Giọt thơ (thơ), Chim Rừng xuất bản, 1971

- Cõi về (thơ), NXB Đà Nẵng, 1995

- Khúc hồi âm của lá (thơ), NXB Hội Nhà văn, 2004

- Ngày bắt đầu truyền thuyết (bút ký), NXB Đà Nẵng, 2000

- Đi tìm huyền thoại cho đất (bút ký), NXB Hội Nhà văn, 2015

- Khói trong vườn chiều & Tôi ( Thơ), NXB Đà Nẵng 2021

- Ngoải ra còn in chung 20 đầu sách gồm truyện ngắn, tiểu luận, bút ký và thơ

Tác phẩm Đi tìm huyền thoại cho đất 

Giải thưởng về Văn học Nghệ thuật :

- Giải Nhất (về thơ) cuộc thi Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 1 (1998) do Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức.

- Giải Nhất (về thơ) cuộc thi Văn học NT lần thứ 2 (2003) do  Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức.

- Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 2004 cho tác phẩm "Khúc hồi âm của lá".

- Giải A của các Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật  Đà Nẵng - 2004 tác phẩm " Khúc hồi âm của lá".

- Giải A của Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật  Đà Nẵng - 2007 tác phẩm "Ngày bắt đầu truyền thuyết".

- Giải thưởng  Năm năm Văn học Nghệ thuật của Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng lần 1 (2000 - 2005) tác phẩm " Khúc Hồi Âm Của Lá".

- Giải thưởng Năm năm Văn học Nghệ thuật của Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng lần thứ 2 (2006 - 2011) tác phẩm " Ngày bắt đầu truyền thuyết"

- Giải A của Hội Nhà văn Đà Nẵng - 2015 tác phẩm" Đi tìm huyền thoại cho đất" .

- Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn Học NT Việt Nam năm 2015 tác phẩm " Đi tìm huyền thoại cho đất"

- Giải thưởng VHNT của Ủy ban ND tỉnh Quảng Nam năm 2019 tác phẩm " Đi tìm huyền thoại cho đất".

- Ngoài ra còn các giải thưởng của các tạp chí Sông Hương, Non Nước, Đất Quảng...trao cho các cuộc thi truyện ngắn và bút ký.

H.T.H