Hoa rau muống - Truyện ngắn Lương Hoàng Hạc

24.03.2017

Buổi chiều. Vừa qua xuân phân. Trời xanh thẳm. Xa xa vài cụm mây trắng lãng đãng bay ở cuối chân trời. Mặt trời đã gác núi phía tây, chiếu những tia nắng vàng yếu ớt. Gió nồm nhẹ nhẹ. Mát mẻ. Một chiều xuân yên ả.
Mấy thầy đã về từ sớm. Các y sinh dọn dẹp xong cũng đã về. Phòng chẩn trị chỉ còn lại hai người: Phượng và Giác. Ngày này năm năm trước, họ trở thành bạn bè. Họ ở lại để tổ chức kỷ niệm.

Hoa rau muống - Truyện ngắn Lương Hoàng Hạc

Một phần tư con vịt là phần Giác lo. Mớ đậu phụng rang và một chai rượu gạo là do Phượng mang đến. Họ bố trí ngồi ngoài sân. Phượng chạy đi  chạy lại, sắp xếp chén bát. Giác lúi húi quạt than hồng trong một cái chén nhỏ. Không có trầm, họ bẻ nhỏ bó hương để đốt thay. Hương thơm ngát.
- Tươm tất quá. Nhưng thiếu một bó hoa, Giác hỉ. Phượng buột miệng.

Vâng, buổi kỷ niệm tình bạn đầy ý nghĩa này đáng lẽ phải có hoa. Hoa rực rỡ, ngát thơm nữa là khác chứ. Không phải họ không nghĩ đến nhưng họ không có tiền để mua hoa. Phần rượu thịt ít ỏi này, họ phải nhịn ăn mai mười mấy hôm.

- Hoa? Được rồi, ông chờ một chút, sẽ có.

Giác nói xong, chạy ào xuống đám rau muống bên cạnh phòng chẩn trị. Rau muống đương mùa hoa. Hoa trắng ruộng. Hoa rau muống là loài hoa cực kỳ dân dã. Hái lên dầm vào nước ngay, không thì héo. Hoa không sắc, không hương. Không ai tặng nhau hoa rau muống. Không ai dùng hoa rau muống trong các dịp hiếu hỉ. Bây giừ chỉ có Giác hái lên đây thôi. Hoa tượng trưng cho tình bạn chân chất mà trong trắng, vô tư. Giác sắp các cộng rau muống có hoa vào thau nhựa nhỏ, thêm nước, giữa chặn một cục đá. Một bữa liên hoan có rượu, có trầm, có hoa, có tình bạn thắm! Một bữa tiệc kỷ niệm khó quên.

- Hôm nay, kỷ niệm năm năm tình bạn của chúng mình, cũng là kỷ niệm năm năm chúng mình cùng vào học với các thầy ở phòng chẩn trị này. Mình nghèo quá, nên buổi tiệc chỉ đạm bạc thế này. Giác có buồn không? Phượng lên tiếng trước.

- Không, ăn uống là chuyện nhỏ. Với chúng ta thế này là quá đủ rồi. Thôi, mời Phượng nâng ly.

Cũng ba ly. Đủ lễ. Phượng nói:

- Trong năm giềng mối của đời người, gọi là ngũ luân. Ông cũng đã biết. Ông Khổng Tử có đề cập đến giềng mối thứ năm. Đó là bằng hữu. Nghiêm nghị như Phu tử mà cũng rất coi trọng tình bè bạn. Tôi với Giác tuy không phải là đồng môn cửa Khổng sân Trình, nhưng chúng ta theo Đông y, học chữ Hán để làm thuốc, ít nhiều cũng ảnh hưởng văn hóa Khổng Mạnh, phải coi trọng nhân luân,  hiểu và giữ gìn tình bạn.

- Ông là khách văn chương nên ông nói văn hoa. Tôi chỉ thật thà nghĩ rằng, tình bạn cốt ở sự chân thật, chúng ta phải giữ gìn tình bạn này suốt đời, sướng khổ có nhau, dù mai sau thế nào cũng không quên tình bạn buổi hôm nay. Nào, uống!

Rượu vào lời ra, rôm rả. Sao mà họ nhiều chuyện để nói với nhau vậy, dù họ đã tâm sự hằng ngày. Chai rượu vơi dần. Giác hỏi:

- Ông đọc nhiều, ông thử nói tại sao trong văn chương, trong sử sách người ta ít nói về tình bạn. Tôi nhớ văn chương Trung Hoa chỉ ngợi ca tình bạn tri kỷ tri âm Bá Nha Tử Kỳ, ở Việt Nam mình chỉ có tình bạn đầy cảm động trong câu chuyện cổ tích Lưu Bình Dương Lễ. Còn lại toàn là chuyện tình yêu trai gái? Tình bạn như chúng ta không đẹp lắm sao, không đủ làm ấm lòng nhau sao?

- Tình yêu trai gái đem đến cho người ta những niềm vui tuyệt đỉnh khi yêu và được yêu, và cũng mang lại những đau xót tận cùng khi bị tình phụ hoặc yêu mà không được yêu, tạo ra những nỗi nhớ nhung cháy lòng. Cho nên tình yêu tạo nên những khúc hoan ca thiên đường, những khúc bi ca thê thiết. Tình yêu tạo nên những mê đắm chết người. Mà trong chuyện Lưu Bình Dương Lễ cũng có bóng dáng tình yêu đấy chứ. Nàng Châu Long, hiện thân của một tình yêu son sắt thủy chung với chồng và là một mối tình đậm đà của Dương Lễ dành cho người ái thiếp. Nhưng điều nổi lên hơn tất cả là họ biết hy sinh vì nghĩa bạn bè... Chỉ tội nghiệp cho nàng Châu Long “Những ba năm… dằng dặc xa chồng, nén chặt xuân thì, khuya thảng thốt. Đêm vắng lạnh lùng, ôi Dương lang”(1)

Không gian im bặt. Thời gian ngừng trôi. Hai người rơi vào im lặng, theo  đuổi cùng một ý niệm: hy sinh tình yêu vì bạn là cao thượng.

Rượu cạn, trầm phai. Hai người, hai kẻ say, gác chân lên nhau, ngủ vùi...

Sáng hôm sau. Thu Hằng đến sớm. Vừa tinh nghịch thọc lét vừa gọi:

- Dậy, hai thầy... dậy hai ông tướng!

- Hằng hả? Mọi người đến chưa? Sao em đến sớm thế? Hai người đồng thanh hỏi, giọng còn ngái ngủ.

- Ông anh đi làm sớm, em đi nhờ. Em đến lấy thuốc rồi về có việc nhà.

Hằng là bệnh nhân của phòng chẩn trị y học dân tộc. Mấy tháng trước, Thu Hằng đến khám bệnh. Thầy Tống nghe khai bệnh và coi mạch xong, gọi Phượng và Giác ra bảo:

- Thầy giao bệnh này lại cho hai con. Bệnh này về y lý thầy đã dạy hai con rồi, đã đến lúc các con vận dụng cho giỏi. Bệnh khó đấy. Thầy tin hai con chữa được.

Thầy Tống là vị lương y giỏi nhất huyện. Được thầy trực tiếp hướng dẫn ai cũng bảo là phước lớn của Phượng và Giác. Thầy rất nghiêm túc trong nghề nghiệp cũng như khi hướng dẫn học trò, gặp học trò thông minh như Phượng và Giác, ông đã truyền hết những hiểu biết và những kinh nghiệm một đời làm thuốc. Có thể nói là hai người đã được chân truyền từ người thầy kính yêu nên tay nghề rất vững, nổi trội trong đám y sinh. Trong sinh hoạt, thầy rất vui tính, nhiều khi dí dỏm, khôi hài. Nhiều lần thầy đưa ra nhận xét:

- Hai đứa mày, một quan văn, một tướng võ. Thằng Giác giỏi lý thuyết hơn, tính quyết đoán như một tướng trận. Thằng Phượng lãng mạn, văn hoa bay bướm như một nhà thơ. Sao hai đứa lại thân nhau đến vậy. Thân kiểu này, chắc sau này hai đứa bay cùng yêu một đứa con gái...

Thầy Tống giao bệnh nhân Thu Hằng lại cho Phượng và Giác, dặn dò và nở một nụ cười đầy ẩn ý. Về phần mình, Thu Hằng không tin tưởng lắm vào hai người đương là học trò này, nhưng đã vậy đành nghe theo...

- Muốn chữa bệnh này, phải hiểu về gia cảnh của cô. Cô nên nói thật.

- Em chưa có gia đình, đương ở với ba mẹ. Nhà em không khá giả gì, ba em lại chỉ tin vào thuốc bắc, nghe em đau bảo em vào đây, nhờ các thầy.

- Vừa qua, có điều gì khiến cô bức xúc, lo nghĩ nhiều phải không? Cô nên nói ra đi để chúng tôi chẩn đoán đúng bệnh.

- Dạ, cũng không có gì nghiêm trọng. Chỉ có ba mẹ em ép gả cho một người em thấy không được, em không ưng... Em nhất quyết không chịu. Sự việc kéo dài gần một năm...

Phượng và Giác bắt mạch, trao đổi với nhau, bệnh này do tình chí uất kết, ứ trệ mà nên, sinh ra đau trong ngực, phải khám lâm sàng vùng ngực của bệnh nhân. Cả hai người đều ngần ngại, đây là lần đầu khám ngực một cô gái. Xô qua đẩy lại, cuối cùng Phượng nhận khám. Bàn tay Phượng sờ nắn tìm khối u mà mặt thì đỏ ửng. Ngực người thiếu nữ thanh tân, vun cao, trắng hồng đang xúc động theo nhịp tim đập gấp. Bàn tay Phượng run run, trái tim thầy hình như cũng có phần loạn nhịp. Hằng cũng vậy, e lệ, ngại ngùng, nghĩ về trinh bạch... mắt lệ rưng rưng. Nhưng, thấy Phượng dáng vẻ nghiêm cẩn, ánh mắt sáng trong. Hằng yên tâm, tự trấn tĩnh, đây là chữa bệnh mà. Hằng cố chịu với cảm giác ấm áp thân thương mơ hồ, khó tả.

- Cô bị khối u trong ngực, phải chịu khó điều trị, hơi lâu dài. Phượng nói với cô gái và với gọi Giác. - Thầy Giác ơi! Tôi ra đơn thuốc thế này, thầy coi có gì thêm bớt không?

- Bệnh này phải châm nữa, thầy Phượng ạ! Châm huyệt Lục du và Chuyên trung.

Đơn thuốc, theo đúng tinh thần của một thầy thuốc giỏi, tiết kiệm cho người nghèo của thầy Tống chỉ gồm ít vị nhưng hiệu quả: Bồ công anh, Tạo giác thích, Xuyên sơn giáp, Đương quy, Xuyên khung, Kim ngân hoa, Liên kiều, Sài hồ và Bạch thược.

Hằng bước ra khỏi phòng bệnh, đương xúc động, hồi hộp, chân vấp ngạch cửa, chúi về phía trước. Giác nhanh tay đỡ lấy, ôm trọn thân hình cô gái. Hương trinh nữ, mùi da thịt làm Giác lâng lâng...

Từ đó, cứ năm ngày, Thu Hằng vào phòng chẩn trị cắt thuốc. Cơn đau đã dứt hẳn, khối u trong ngực cũng nhỏ dần, sắc mặt hồng hào hơn nhiều. Thu Hằng đẹp, cái đẹp trinh nguyên của  một cô thôn nữ, làn da trắng hồng càng làm tăng thêm duyên dáng. Đã quen, nàng trở nên tinh nghịch với nụ cười thật tươi, giòn tan và giọng nói thật trong trẻo. Thu Hằng trở thành nỗi đợi chờ của các chàng y sinh và đặc biệt là đã chiếm trọn trái tim của hai chàng trai trẻ: Phượng và Giác. Hai người đã yêu. Tình ngày càng sâu đậm, càng thiết tha.Và cả hai người cũng biết đây là chuyện ba người.

Nhưng sau câu chuyện Lưu-Dương đêm kỷ niệm, cả hai người ai cũng như có vẻ giữ khoảng cách với Hằng. Họ là bạn thân của nhau, muốn rút lui để nhường Hằng cho bạn mình.Nhường người yêu, điều ấy thật không phải dễ. Cả hai người đều khổ, trở nên trầm tư, ít nói chuyện cùng nhau mặc dù vẫn rất thân nhau.

Hai mươi lăm năm sau. Thời gian đi qua nhanh thật.

Giác đã có gia đình. Con gái lớn đã có chồng. Đứa trai nhỏ còn đang theo đại học. Vợ anh không đẹp. Anh phải cưới vì nhà anh độc đinh. Mùi hương và cái ôm ngày ấy, vô tình và thoáng qua nhưng cứ đeo đuổi đời anh. Cố gắng lắm mà không thể nào nguôi quên được.

Giác đã thành thầy thuốc nổi tiếng, chữa được nhiều bệnh nan y. Gặp khi chữa những ca giống bệnh Thu Hằng ngày nào làm Giác thổn thức nhớ. Anh làm thuốc giỏi nhưng lấy giá phải chăng, gặp người có hoàn cảnh nghèo khó anh không tính tiền công. Lại tốt với bạn bè. Nên anh không giàu, chỉ ở mức khá thôi. May gặp người vợ đồng quan niệm sống nên nếp nhà vui vẻ.

Phượng, sau mấy năm bay nhảy ở Sài Gòn, trở về quê. Nhân duyên thế nào mà ngộ, vào chốn thiền môn. Bây giờ đã thọ tì kheo, gọi là thầy Thích Huyền Đức. Rất tinh thông Phật pháp và tu tập chuyên cần. Phượng gây dựng và đảm nhiệm luôn công việc giám đốc một trung tâm chữa bệnh không dùng Tây dược của thành phố. Chỉ với khung cảnh thanh u, không khí trong lành, cảnh quan yên tĩnh, rời xa muộn phiền tục lụy, và ăn theo thực dưỡng, thuốc dùng cỏ cây mà nhiều bệnh nặng đã dần thuyên giảm, bệnh nhân trở lại với đời bằng một tình yêu cuộc sống mới. Một lần hạnh ngộ mà cả đời lạc nẻo, hảo nhân duyên mà nặng nghiệp duyên. Phượng chưa thể dứt trọn lòng trần. Phượng vẫn nhớ nao lòng, những phút giây, những xúc động thánh thiện đầu đời ấy. Nhiều đêm người tì kheo trung niên ấy phải kinh kệ, thiền định thật khuya để có thể đi vào giấc ngủ không nỗi nhớ.

Phượng làm nhiều thơ, thơ hay và viết được một số truyện ngắn xuất sắc. Những bài thơ làm trước khi đi tu đẫm nỗi buồn nhớ não nuột. Những truyện ngắn giàu chất triết lý nhân sinh, dằng dặc niềm u hoài. Những bài sau này phần lớn là thơ thiền, thơ triết, nhưng cũng ẩn khuất nỗi niềm trần tục khó nguôi.

Hai người hai cảnh đời khác nhau thế nhưng vẫn thường giữ mối liên lạc. Khi Giác mới cưới vợ, lúc ấy vẫn còn rất khó khăn. Nhà tuy chật lắm, nhưng Phượng vẫn dàn xếp nhường một buồng riêng cho vợ chồng Giác. Lúc Phượng ở Sài Gòn mới về, Giác trở thành chỗ tựa tinh thần cho Phượng, góp phần đáng kể sắm sửa thuốc thang dược liệu cho Phượng trở lại nghề nghiệp cũ. Một lần gần khuya, sau giờ thiền định, Phượng đi dạo trong vườn Trung tâm, để lắng nghe mùi hương mai nở, Phượng bị rắn cắn. Một lát sau, sưng vù cánh tay. Trong cơn hoảng hốt, gọi cho Giác:

- Ông Giác ơi, hình như tôi bị rắn cắn, mới đây thôi nhưng cánh tay đã sưng vù, tôi hoảng quá. Bây giờ làm sao?

- Bình tĩnh, đừng hoảng hốt. Trong vườn thuốc chỗ ông có cây lưỡi rắn không? Ông nhổ lên rửa sạch, nhai nhỏ, một phần đắp vào chỗ bị cắn, phần còn lại uống với nước ấm. Trong tủ thuốc ông có Bạch phàn và ngà voi không? Đó là những thứ giải độc. Ông uống gấp đi. Trước khi uống mấy thứ đó nhớ rạch, nặn máu độc ra nhé!

Sáng sớm hôm sau, Giác lên rất sớm.

- May quá, mấy thứ thuốc đơn giản mà như thần. Trong lúc hoảng hốt, tôi quên mất. Nửa đêm nửa hôm, gần bốn mươi cây số đường rừng, taxi nào dám lên. Ông đã  cứu tôi. Phượng nói.

Như thế đó, theo với thời gian, tình bạn giữa họ càng keo sơn.

Và một điều giống nhau là cả hai người đều làm một hồ nhỏ, cấy đầy rau muống. Họ làm thế nào đó mà bốn mùa nở hoa trắng ngát.

Còn Thu Hằng. Thu Hằng bây giờ giàu lắm, chủ một công ty đang làm nên ăn ra. Nhưng suốt những năm qua, Hằng vẫn đi về với chiếc bóng của riêng mình. Hằng ngày càng đẹp, người đẫy ra vẫn đẹp, cái đẹp hoa khôi thiếu phụ. Nhiều, rất nhiều người theo đuổi. Kể cả những đại gia đẹp trai, phong độ, chưa lập gia đình. Nhưng nàng vẫn một mình đi giữa đời với tâm hồn băng trinh, vương mang bàn tay ngày ấy với nỗi xúc động sâu sắc thuở mới vào đời.

Và nàng cũng đã ăn chay trường mười mấy năm nay...

Chiều xuân. Cũng một chiều xuân như ba mươi, hăm lăm năm trước. Ba người gặp nhau để tổ chức kỷ niệm.

Khung cảnh bây giờ đã khác. Thành phố quê hương như vừa qua một cuộc đổi đời. Mở rộng ra tứ phía, dựng xây trùng trùng. Đường sá khang trang, nhà cửa đẹp đẽ, vững chãi. Nhà cao tầng thi nhau sừng sững. Tràn ngập ánh sáng về đêm. Nhiều công viên, khu vui chơi mọc lên, tối lại lung linh màu đáng sống. Dòng sông chảy qua thành phố, xưa muốn qua phải lụy phà đò. Nay đã có chín cây cầu vắt ngang, người xe lại qua tấp nập. Mặt người rạng rỡ, hân hoan.

Họ không thể tìm lại được không khí yên ả, bình lặng như buổi chiều năm xưa. Xe cộ đông đúc quá. Phố phường chật hẹp quá. Thành phố đang phát triển mà!

Buổi họp mặt kỷ niệm lần này có trầm hẳn hoi. Có bia chứ không phải như năm xưa rượu gạo. Toàn thức ăn chay, khá là thịnh soạn. Nhưng hoa thì vẫn là hoa rau muống. Nằm gọn trong chiếc đĩa kiểu to, các nhánh hoa muống tươi xanh khoe màu nguyên sơ, trinh tiết.

Sau lời vào đề của Giác, chủ nhà, mọi người chúc mừng nhau. Hằng nói như hờn dỗi:

- Tình bạn của các anh thật đẹp, thật bền, thật cao cả. Rất đáng ngưỡng mộ. Chỉ có điều các anh đã đem Hằng ra làm vật tế thần để các anh thành thánh thiện, thánh thiện suốt đời.

- Hạnh phúc và khổ đau. Hạnh ngộ và ly biệt. Thánh thiện hay phàm tục. Tất cả chung quy cũng vì một chữ tình. Mình có duyên gặp gỡ nhưng nhân quả chưa đầy nên không thể... Duyên nghiệp vậy, biết sao. Phượng nói.

- Cả ba chúng ta rồi sẽ đều mang xuống tuyền đài một nỗi... Hãy để mọi chuyện thuận theo tự nhiên như thế. Bây giờ xem như chuyện đã qua. Mời các bạn nâng ly. Giác nói tiếp.

Mọi người nâng ly lên, miệng cười mà mắt nhìn nhau rơm rớm.

L.H.H