Vốn liếng trong đời

27.06.2023
Khương Quỳnh
Buổi chiều, tan họp, tôi phi thẳng xe ra quán chị Dạ Thảo. Thực ra lúc ngồi họp, tôi đã bắt đầu uể oải, tâm trí đã ra kéo ghế, ngồi chơi ở quán tự lúc nào. Với tôi, chị như một điểm sáng thú vị, chơi vơi giữa thị trấn nhỏ buồn tẻ này.

Vốn liếng trong đời

Minh họa: HIỂN TRÍ

Tôi dõng dạc: “Chị Thảo, làm bài nghe chơi!”. Chị lúc này đang nằm co một chân trên chiếc võng cói, chân còn lại để hờ hững trên đất, thỉnh thoảng đẩy nhẹ một cái để chiếc võng khẽ đu đưa. Trông chị rất thích tận hưởng sự ế ẩm của buổi chợ chiều. Nghe tôi nói, chị ngồi bật dậy, tiến đến bức tường, nhón chân lấy chiếc guitar cũ mèm. Ngồi vững chãi trên chiếc ghế đôn bằng gỗ, cứ thế sáu dây đàn ngân lên điệu nghệ: “Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình. Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên…”. Tôi và con chó nhỏ của chị vểnh tai lắng nghe. Giọng hát trong trẻo, rung rung vang lên trong một buổi chiều đầu hạ râm ran tiếng ve, trái ngược với khung cảnh xập xệ, đìu hiu của xóm chợ.

Mưa bắt đầu lất phất, dội lên tấm biển quảng cáo có tính chất liệt kê “Quán bán: don, trứng vịt lộn, bắp xào, bánh flan”, có thêm “hến xào” viết nguệch ngoạc bằng bút lông bên dưới, hẳn là món mới. Dưới chân tấm biển xếp đè lên nào là gạch, đá lẫn mớ xác than tổ ong, cố neo giữ khỏi những cơn gió phần phật mang theo rác, túi ny lon và mùi rau củ thối chất đầy bên hông chợ.

Một cặp trung niên chạy mưa, phẩy phẩy chiếc áo khoác dù rồi kéo ghế ngồi: “Bà chủ cho dĩa hến xào với ba cái trứng lộn”. Người đàn ông gọi. Chị Thảo đưa chiếc đàn guitar cho tôi treo lại chỗ cũ, đon đả với khách: “Có liền có liền”. Chị bật bếp nghe cái khậc, một phút sau đã nghe tiếng “xèo” và dậy mùi thơm nức của hành tỏi phi, của hến, nghệ và ớt xắt. Gương mặt chị tươi tắn, mắt sáng rực, đầy đam mê với công việc đang làm, chẳng ai đoán nổi chị vừa trải qua những chuyện đau buồn.

Hai năm trước, sau khi cả ba và mẹ mất trong một vụ tai nạn; đang làm kỹ sư xây dựng ở thành phố, nghe tin, chị bỏ tất cả để về quê. Chị sống trong căn nhà gỗ cũ kỹ giữa khu vườn nhỏ cha mẹ để lại. Trong những ngày sụt sùi khóc thương cha mẹ, chị vẫn gượng dậy, ra vườn trồng hoa, vừa lau nước mắt vừa cuốc đất. Khu vườn có chị như được lột xác từng ngày. Chị trồng lên không biết bao nhiêu loại hoa hồng đẹp xa hoa khôn tả. Mỗi chiều về, tôi lại thấy chị vẫn bộ quần áo lao động lấm đất, ngồi ôm guitar trước hiên.

Một thời gian sau, chị mời đám cưới, cả xóm ai cũng ngỡ ngàng, chẳng thấy chị yêu đương ngày nào. Chị cười bảo đâu có, chị cũng yêu, đã gặp anh ấy dăm ba lần, nhưng thấy tâm hồn đồng điệu ngay từ ngày đầu tiên. Đồng điệu trong ý niệm của chị là vì anh cũng là một người yêu hoa và có một vườn hoa hồng đầy hương sắc. “Người yêu hoa hồng được thì hẳn phải yêu người được”, suy nghĩ giản đơn, ngây thơ ấy dẫn dắt chị bước vào cuộc sống hôn nhân đâu ngờ lắm đa đoan đến thế.

Sau đám cưới, chồng chị dọn đến ở cùng, đem theo cả vườn hoa. Hàng chục chiếc xe tải chở gốc hoa hồng từ vườn của anh, nườm nượp trong một ngày dài để chuyển đến vườn chị. Từ ngày có anh về, khu vườn đẹp gấp bội. Hoa hồng tua tủa leo lên giàn, lên cổng rào, ngoi ra đường, khoe đủ thứ màu sắc lung linh. Họ sống nhờ bán hoa hồng và trở thành một cặp đôi nổi tiếng vì sở hữu mấy trăm loại hoa hồng ngoại quý hiếm. Báo chí vài tờ đến phỏng vấn, viết về chuyện tình nên duyên nhờ hoa hồng, đẹp như cổ tích. Nhưng cũng lạ lùng, sống trong tình yêu ngọt ngào mà chị Thảo ngày một héo úa. Đôi mắt chị thâm quầng, mặt hốc hác, thỉnh thoảng còn có vết bầm. Mỗi lần sang nhà chị chơi, hỏi thăm, chị cố gắng trưng ra một điệu cười sảng khoái: “Không có gì, chị bị té mà”.

Một hôm, người trong xóm lại thấy những chiếc xe tải nườm nượp đậu trước cổng nhà chị. Mấy thanh niên đang khẩn trương chất đầy chậu hồng lên xe mang đi. Chị Thảo chạy theo anh chồng, đang ôm trên tay một chậu hồng cổ rất đẹp: “Trả lại cho tôi, cây này là của tôi”, chị nói như khóc. “Không có bố mày chăm thì dễ mà nó ngỏm từ lâu”, gã chồng ngày thường trông lịch lãm, giờ đây bỗng buông một câu sỗ sàng, tiện thể, anh ta huých thêm cùi chỏ vào má chị. Chị ôm mặt khóc, lại nhào đến chỗ một cậu thanh niên vạm vỡ đang ra sức dùng cuốc đào một gốc hồng cổ thụ: “Cậu đào kiểu này nó chết mất, cây hồng này của tôi mà”.

 Người trong xóm chỉ biết đứng nhìn. Họ chẳng bao giờ cho rằng đó là một cuộc ăn cướp, một hành động bạo hành. Hoa hồng đẹp nhưng chỉ là mấy cái cây lắm gai, hơn nữa, đây lại là “chuyện gia đình” đáng lẽ nên đóng cửa bảo nhau. Người ta chỉ đến đỡ lấy chị khi những chiếc xe tải nối đuôi nhau rời đi, để lại chị thẫn thờ, đơn độc, lăn ra đất mà khóc như cái lần chị khóc trong đám tang cha mẹ. Khu vườn đang đẹp như vườn cổ tích bỗng chốc hoang tàn. Hàng chục gốc hồng cổ thụ đã bị đào đi, để lại bao hố đất hõm sâu. Trên mặt đất, lá và cánh hoa rụng tơi tả, thỉnh thoảng còn lại vài cây hồng nhỏ leo heo, trơ gốc bị bỏ lại sau những giẫm đạp, quần thảo ngày hôm ấy.

Bây giờ, người ta mới vỡ lẽ, cuộc hôn nhân tưởng chừng mật ngọt hóa ra là một cơn ác mộng. Cái gã yêu hoa hồng bạo hành chị mỗi ngày, dường như coi chị là cái bị để anh ta trút vào đó những bực dọc thường ngày và cả trong quá khứ tích tụ. Khi chán chê, gã bỏ chị đi theo một phụ nữ khác. Cuộc hôn nhân chóng vánh, không giấy tờ, đến nhanh và đi cũng gọn ghẽ, ngỡ ngàng.

Chị lại quay về cuộc sống đơn độc, không người thân thích. Khu vườn không còn hoa hồng nữa, chị thay thế bằng những luống bắp nếp và vườn rau. Hằng ngày, chị ngồi bán rau ở chợ để sống qua ngày, gương mặt chẳng vui chẳng buồn, khi nào khách tới mới cố nhoẻn miệng cười. Dần dà, thuê được một ki ốt nhỏ, chị bán thêm đồ ăn vặt, khách phần lớn là tiểu thương, cửu vạn… Chị giấu mình từng là một kỹ sư xây dựng, để hòa vào cuộc sống xóm cần lao, lót dép, bán hàng, gặm bánh mì và nghe những chuyện vui buồn. Chị lúc ấy lại khác xa lúc chị tao nhã ngồi ôm guitar hát nhạc Trịnh. Chị cười bảo: “Thì chị vốn nửa vời, nửa lầm lũi nửa thanh tao. Mà đâu phải cái gì đẹp đẽ thơ thơ đều nhã nhặn, còn lấm lem, chợ búa thì nhơ nhuốc”.

“Xóm chợ dạo này có gì vui không chị Thảo?”, tôi hỏi. “Nhóc chuyện vui”, chị đáp, đứng lên dọn bàn cho cặp đôi trung niên vừa rời đi. “Cậu tin không? Hai người đó ngoại tình?”. Chị giải thích: “Cả hai người họ đều đeo nhẫn cưới, nhưng hai mẫu nhẫn khác hẳn nhau. Trứng vịt lộn chị mang ra hai cái muỗng, hai người đó lại ăn chung, nếu không phải mối quan hệ yêu đương sẽ thấy ghê, cậu biết mùi trứng vịt lộn tanh cỡ nào đó”.

Bỗng chốc, tôi thán phục chị: “Chị tinh anh vậy sao hồi đó chọn chồng chán òm?”. “Thì bây giờ, mắt chị mới sáng. Và ở xóm chợ này, chị học được những thứ rất đời”. Chị cười xòa, lại đứng dậy vớ lấy cây đàn guitar: “Còn hai con mắt khóc người một con, còn hai con mắt một con khóc người, con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi…”. Chị say sưa hát, cho đến khi bóng tối xâm chiếm không gian quán nhỏ. Chị đứng dậy lầm lũi dọn dẹp nồi chảo rồi vác cây guitar, kéo cửa quán vốn đóng bằng tôn sơ sài. Người phụ nữ nhỏ nhắn ấy đeo cây đàn to gần gấp đôi thân mình đi trước, con chó và tôi lẽo đẽo theo sau.

Một chiều, đi ngang qua nhà, chị gọi tôi vào chơi, chỉ để chỉ cho tôi xem vài chiếc nụ hồng con con trên những chồi non đỏ tía: “Rồi vườn nhà sẽ lại đầy hoa”. Chị cười mà mắt rớm lệ, dường như nhớ lại những tủi hờn đã đi qua. Quay đi, gạt nhanh một giọt nước mắt lăn trên má, nhoẻn miệng cười, chị vớ lấy cây cuốc, hì hụi đào một cái hố để trồng lại những cành hồng chiết đã nảy rễ trắng phau. Hình như nó được nhân lên từ những chậu hồng từng bị gã chồng bỏ lại, lăn lóc nơi sân vườn.

Chị sẽ trồng nửa vườn hoa hồng nửa vườn rau, như cuộc đời nửa cơm áo nửa bay bổng nhạc thơ. Chị tự nhận cuộc sống mình bây giờ đủ đầy, có một đôi mắt sáng, có cơm áo, có chó, có nhạc, có hoa… Vốn liếng để sống, chẳng phải như vậy đã quá nhiều hay sao? Tôi cúi mặt, cũng thử đong đếm những thứ người ta đang than thở rằng chẳng thể có trong đời.

(QNO)