Trang trại lúc hoàng hôn
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng
Trang trại lúc nhập nhoạng hoàng hôn.
Chúng tôi ngồi trên xe trâu, đi đường tắt ra ga xép. Xe trâu của trang trại nhà Thiên chở vỏ trai đi đóng kho để chờ thuê cả toa tàu đêm lên biên giới bán cho người Tàu khảm trai mỹ nghệ. Mặt trời gác núi. Chân trời một màu đỏ ối trong làn sương như hơi nước đã lập lềnh bay. Nước mắt tôi ứa ra lẫn sương ướt nhoèn trên mặt.
Lộc cộc. Lộc cộc. Tiếng bánh xe trâu lăn trên đường đất đá thúc giục, gấp gáp. Thiên không nói gì, cũng như tôi hình như anh đang nghĩ về hành động của mình. Tôi không biết việc ra đi của mình có đúng không, tôi chỉ thấy cần phải đi, đi thật xa.
***
Cha tôi về đến gốc đa làng thì trăng đã lên khỏi ngọn tre cỡ ba con sào. Lúc ấy, ở lò sấy vỏ trai trong trang trại nhà Thiên, tôi bất ngờ nghe ông Trương Thẹo bảo Thiên: “Ngày này, tháng này, đúng hẹn rồi, không biết cha con La, con Làn có về không? Cha chúng nó mà về là động làng nghe chửa”. Thiên nói: “Xin cha quên việc đó đi”. “Mày ngu lắm con ạ. Quên thế nào được”. “Con cũng xin cha tối nay đừng bắt cô La cùng đi ăn tiếp ông Lý, ông Kim người Đài Loan nữa. Cô La là em ruột Làn, bạn gái con”. “Ơ cái thằng này, bao giờ mày mới sáng mắt ra được. Mới giao dịch vài hôm, ông Lý đã mến nó. Nó tự nguyện làm công việc ấy chứ tao có ép đâu. Tao đã làm gì nên tội với nó nào?”.
Trước lúc lên xe ô tô đi ăn với ông Lý, ông Kim khách hàng mua hạt sen, vỏ trai, ông Thẹo còn đe Thiên: “Đã bảo nhiều lần rồi. Tao cấm mày không được giăng hoa với con Làn. Nhà mình mâm son, nhà nó đũa mốc, không môn đăng hộ đối”. Hình như ông Trương Thẹo biết tôi đang ở đó, ông cốt nói to cho tôi nghe. Tự ái, mặc cảm và đau đớn bị xúc phạm, tôi đã khóc và lặng lẽ bỏ ra về. Thiên biết, anh chạy theo, thanh minh, xin lỗi, rất tội nghiệp, rất chân thành. Sự chân thành và tình yêu của Thiên khiến tôi khuây khoả phần nào nhưng sự tức giận thì vẫn chưa thể nguôi ngoai.
Cha tôi về đến chùa Cháy. Chùa Cháy im lìm trong đêm cuối hạ. Trời đang bàng bạc sáng, bỗng dưng tối nhờ nhợ. Và bất chợt tiếng gõ trống, mõ, nồi niêu, tiếng phèng la, tiếng chuông lẫn tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng, tiếng người kêu náo loạn. Gấu ăn trăng rồi! Cha tôi thảng thốt trong lòng. Cha không ngờ sau hơn mười năm bươn chải, kiếm sống trở về lại đúng lúc gấu ăn trăng, ăn trăng giữa mùa nước lụt. Ngày bà nội còn sống, thấy mặt trăng đang bị nuốt, bà ngửa mặt lên trời than thở: “Không mất mùa thì cũng quan ôn bắt lính thôi, con ạ”. Rồi bà giục cha tôi lấy mâm đồng ra gõ.
Ấy là, cha tôi kể lại chứ ngày đó tôi chưa ở trong bụng mẹ, còn đang ở đẩu đâu làm sao biết được. Màn tối nhờ nhợ đã hết hẳn. Trăng lộ ra khuyết một góc vẫn một màu ối đỏ. Gió lặng. Lá im. Cây đa cổ thụ đứng trầm mặc đổ bóng đen thẫm xuống mặt đất. Thỉnh thoảng một vài quả đa chín rơi lộp bộp, mấy con chim kiếm ăn muộn giật mình kêu thảng thốt thả tiếng vào không trung yên lặng. Chốc chốc lại một con nhái bén thấy động nhảy sọp xuống ruộng đang trắng nước.
***
Cha tôi bước trên đường bê tông làng mới làm. Dấu vết con đường xưa lát nghiêng viên gạch mất hết. Nhà mái bằng chen lẫn nhà mái ngói quay mặt ra đường trông chẳng khác dãy phố – phố làng dài tun hút. Tiếng hát ỉ eo lẫn tiếng nhạc xập xình ở mấy quán ăn cứ như là thi nhau mở hết cỡ. Hai cái hiệu làm đầu, ba quán hát Karake, hơn hai mươi quán tạp hóa, rồi quán lòng lợn tiết canh, quán bánh cuốn nóng giò chả… Bóng điện đỏ quạch giăng giăng thành hàng dọc hai bên đường làm ánh trăng quê cũng trở thành thừa thãi, vô duyên.
Cha bắt gặp một bóng người cà giật cà giật và tót lên cành cây. Cha không biết đấy là thằng Dơi con út ông Thẹo. Thằng Dơi hơn mười tuổi chưa biết nói, thấy bóng người là kêu. Tiếng kêu khẹc… khẹc. Một chân thằng Dơi thọt nhưng đôi tay dài như vượn leo trèo trên cây thoăn thoắt. Có hôm Dơi trèo lên cây ngay hồi nhà rình bắt chim lợn, rồi chim không bắt lại ngủ ngay ở chạc cây, nửa đêm sương lạnh, mò về ngồi ở đầu hè nghe chim lợn rúc. Người ta bảo Dơi là quả báo, ông Trương Thẹo đang gánh chịu. Mẹ Thiên thương con, xót phận, buồn chán bỏ bê công việc của trang trại suốt ngày đi lễ. Rồi mẹ Thiên xin ở hẳn trong chùa Cháy đánh chuông, quét lá, ăn chay niệm Phật.
Cha không nhận ra nhà của mình. Cây ổi vẫn còn nhưng căn nhà tồi tàn có cái cối giã gạo ở thềm hè biến mất; thay vào đó là một ngôi nhà bốn tầng; trên sân thượng ngất ngưởng một cái tum uốn hình tháp tròn kiểu Ấn Độ. Trong ánh đèn lòe nhòe, cha tôi nhận ra ngôi nhà lạ hoắc xây rất vô lối, Tây chẳng ra Tây, Tàu chả ra Tàu. Và tấm biển cong: Trang trại nhà Đại Thịnh nghễu nghện ngự trên vòm cổng. Cái nhà trên chín gian lợp ngói cổ thì vẫn như cũ nhưng đóng cửa im ỉm tối mò, hình như không có người ở. Vậy thì cái nhà ngang cha đã từng ở và ba gia đình bần cố ở chín gian nhà trên kia chuyển đi đâu hở giời? Lúc ấy, cha đã nghĩ và thốt lên trong lòng như vậy.
Một đàn chó to như những con bê mới lớn đánh hơi thấy người lạ lao vút ra. Có tiếng léo nhéo và người trong nhà chạy ra cổng. Một người đàn ông lạ hoắc đứng ở trong cánh cổng sắt lúi húi mở khóa. Cha lại thấy cái dáng cà giật cà giật của thằng bé với mấy con chim sẻ trên tay. Thằng bé lách vào cổng, đâm bổ vào người đàn ông. Ông ta tru tréo: “Giời ơi là giời! Ông nhà biết cậu trèo cây là ông giết tôi”. Nỗi lo sợ hốt hoảng của người đàn ông chẳng làm thằng bé động lòng.
Cha tôi cất tiếng trước:
– Bác cho tôi hỏi. Cái nhà bên gốc cây ổi kia bây giờ chuyển về đâu?
– Cuối làng.
– Chuyển lâu chưa bác?
– Lâu rồi. Ông Thẹo mua lại từ năm kia cơ.
Một cái xe u oát rì rì tiến vào cổng, đèn chiếu sáng trưng. Cha tôi lóa mắt, luống cuống chụp vội cái mũ phớt đen lên đầu và đứng dạt sang bên. Đứa con gái mặc váy ngắn lại lảm nhảm nói tiếng Tây bồi. Rõ ràng là nó đang say rượu. Cha nhìn qua ô cửa xe thấy nó đang gục đầu vào ngực người đàn ông tóc muối tiêu người Đoài Loan. Cha không hề biết nó chính là đứa con gái máu thịt của mình. Và cha cũng chợt nhận ra người đàn ông nhỏ thó, mặt chuột ngồi ở ghế trên là ông Trương Thẹo.
Cha tôi bàng hoàng, tối tăm mặt mũi.
Ông Trương Thẹo cũng ngang tuổi cha tôi. Trong ký ức mù mờ của cha: Ông ta là thằng bé lặng lẽ, ít nói. Hàng dâm bụt xanh tốt như đường biên đã ngăn cái sân rộng thênh thang ra một góc cho nhà Trương Thẹo. Phần sân còn lại thuộc quyền sở hữu của các gia đình bần cố. Ba hộ nghèo khổ nhất làng được chia ở trọn vẹn chín gian nhà trên dài dằng dặc. Nhà làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói vảy cá cổ kính, rêu phong xanh từng đám, chính là cái nơi ăn ở, thờ tự, tiếp khách của lão Trương Thịnh. Ông nội tôi được chia nửa cái nhà ngang, nửa còn lại người ta để cho gia đình Trương Thẹo ở; nói là nhà cho oai chứ thực ra là cái bếp, mở hai cửa ở hai gian bên, cha Trương Thẹo xây rất lâu từ thời còn làm lý trưởng.
Oái oăm là: nửa cái cối giã gạo phía mỏ và cối đá nằm trên thềm bếp ở đất phần đất ông nội được chia, phần còn lại nằm trên đất nhà hắn. Dạo cải cách, cái cối này cũng bị khiêng đến nhốt ở trong đình làng, chờ chia cho nông dân. Chưa kịp chia, có đợt sửa sai, Trương Thịnh được xuống thành phần, cối lại được khiêng về chỗ cũ. Lão Trương Thịnh bảo: “Thôi thì cứ để thế giã chung”. Còn ông nội bảo: “Bây giờ nó yếm thế rồi, muốn cầu thân đấy mà. Nhà mình chấp nhận, tự nhiên có cái mà giã gạo. Chứ làm cái khác mất tiền thêm. Đang túng, nhà nó bảo thế, hóa hay”. Thế nên có lúc sang chơi với cha tôi, Trương Thẹo cứ trèo lên cái cần cối giã gạo nằm sõng xoài dọc thềm hè mà bước. Thảng hoặc, cha tôi cũng trèo lên cái cần cối ấy sang bên nhà hắn chơi.
***
Mẹ tôi sụt sịt khóc, khóc vì vui buồn lẫn lộn. Mẹ được cái hiền lành, thật thà tốt bụng nhưng chậm và dễ tin người. Mẹ làm nuôi hai chị em tôi ăn học, nhưng mẹ hơi vụng, không khéo làm ăn; cha tôi thì đi biệt, thỉnh thoảng có người về nước chẳng thư từ gì, chỉ gửi vài ba cái bàn là, mấy cái ấm điện, trăm dây mai so bếp điện không đáng mấy tiền nên ở nhà nghèo vẫn hoàn nghèo. Dạo mẹ tôi bán nhà, làng rộn rịch tranh nhau đấu thầu ao chuôm, ruộng lầy làm trang trại.
Bán nhà buổi sáng, mẹ chuyển đi buổi chiều thì buổi tối cha con lão Trương Thịnh khiêng cần cối giã gạo vứt ra hồi nhà rồi hì hục đào. Không biết nếp tẻ thế nào, chỉ thấy dân làng đồn ầm lên rằng: Cha con lão đào vàng giấu dưới đít cái cối giã gạo, vàng giấu từ hồi nảo hồi nào chẳng ai biết. Chả thế mà người ta đem lúa sát thành gạo vừa trắng vừa nhanh, đỡ nhọc người; còn lão cứ bắt con cháu nhà lão thì thụp giã gạo bằng chân.
Thì ra lão Thịnh giấu vàng từ hồi lão còn là địa chủ. Đến khi cải cách, ông nội được chia đúng nửa cái nhà ngang có chỗ giấu vàng ấy nên lão nằm im chờ thời. Bọn trẻ con còn kháo nhau trông thấy vàng vàng choé. Và lão Thịnh nói khào khào: “Đến thời cha con ta rồi Thẹo ơi… Thù ơi”. Thế rồi lão Thịnh lả người bên đống đất mới đào.
Sáng hôm sau đã thấy tiếng con cháu kêu khóc. Lão chết lúc nào trong đêm cũng chẳng ai hay. Chôn lão Thịnh xong, mấy ngày sau lại nghe người ta kháo: Lão Thịnh còn dặn con trai bằng mọi cách lấy lại chín gian nhà trên và phải thề trước mặt lão, thì lão mới chịu nhắm mắt. Nhà tôi bên hàng rào dâm bụt nhà lão Thịnh, tôi cũng thấy lão và ông Thẹo đào cối đá giã gạo, nhưng lấy vàng lúc nào thì không nhìn được.
Chuyện ấy thực hư thế nào không rõ, nhưng chỉ một tháng sau thấy ông Trương Thẹo nhảy ra làm một chân đấu thầu mấy chục mẫu ruộng sâu, ao chuôm hoang hóa. Ông ta trúng thầu bởi bỏ thầu cao nhất. Rồi đến lúc cả chín gian nhà trên, nửa cái nhà ngang ông Trương Thẹo mua lại xong xuôi thì dân làng mới ngã ngửa người ra là đất thổ cư ngày xưa của cha con ông ấy bị chia cho bần cố nông, bây giờ đâu lại về đấy. Cứ đà này ông Trương Thẹo mua hết đất làng Yên Hạ.
Chú San, chú Sần là em ruột cha tôi. Chú Sần tính nhỏ nhặt, hay chấp vặt, ai ở trong làng khá giả là chú ghét, ai hơn là chú không vừa lòng. Ban đêm chú đặt ống trũm lươn, ban ngày làm nghề đánh xe trâu. Xưa ao Côi Đầm còn bỏ hoang, ruộng lầy Yên Vân còn hoang hóa, chú Sần đặt ống trũm đêm, sáng ra thím Sần bưng cả rổ lươn đi chợ Bút bán. Từ ngày ông Trương Thẹo đấu thầu nuôi cá, thả sen, chú Sần mất chỗ làm ăn. Đôi lần chú cứ liều đặt trũm, ông Trương Thẹo sai bảo nông vớt lấy dao chẻ nhỏ ra làm đóm hút thuốc lào.
Chuyện thù oán ngày xưa ông cha truyền lại cộng với chuyện bây giờ mất nơi đặt ống trũm, chú Sần nghĩ ông Trương Thẹo cướp miếng ăn nên căm lắm. Mỗi lần đánh xe trâu đi qua cổng trang trại nhà Trương Thẹo, bao giờ chú Sần cũng dừng lại cho trâu ị một bãi mới chịu giục trâu đi tiếp. Xe u oát của ông Trương Thẹo đi thăm đồng về đánh tay cua vào cổng lăn bẹp đống phân, dính nhoe nhoét vào bánh. Một lần, hai lần không ai để ý, năm sáu lần nhà Trương Thẹo sinh nghi. Thiên bắt gặp bảo:
– Chú Sần lần sau đừng cho trâu ị trước cổng nhà cháu.
– Trâu ị ở đường làng. Chứ cổng đếch gì nhà mày. Đừng có thói cậy giàu mà cấm đoán người ta nhá.
Cũng may, Thiên điềm đạm, biết kiềm chế và anh đang say tôi như điếu đổ nên chỉ lắc đầu quầy quậy, chứ gặp bố anh thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Ngược lại, chú San tính tình thoáng đãng, đường hoàng, không chấp vặt, đã thích làm cái gì là làm đến cùng; chú có chí lớn và lúc nào cũng muốn hơn người. Chú San làm trang trại sau ông Trương Thẹo một năm, cách làm của chú khác với cách làm của Trương Thẹo. Chú đến mười nhà trong làng thuyết phục, trình bày phương hướng đấu thầu ao chuôm, đồng lầy làm trang trại và vận động họ cùng góp cổ phần.
Chú San nói có lý, có tình lại vận dụng cả kiến thức học tại chức ở Đại học Nông nghiệp ra thuyết phục nên họ thuận cả. Chú đem mười cái sổ đỏ công nhận quyền sử dụng đất đến thế chấp ở ngân hàng vay tiền. Còn thiếu bao nhiêu vay ở làng. Cái sự vay của chú San cũng sinh động khác người lắm. Chú San vay trâu, bò, ngan ngỗng, gạch ngói, tre luồng, thóc… quy đổi thành tiền ở thời điểm vay, trả vốn lãi ở thời điểm trả. Chú San thuê người đào đất, khoanh vùng, phân lô; chỗ thì cấy lúa, nơi thì thả cá, nuôi vịt siêu hạng, trồng sen.
Trúng mấy vụ liền, chú San trang trải hết nợ và có dư. Những người làm trong trang trại chú San được hưởng hoa lợi theo công làm và tỷ lệ góp vốn cổ phần chứ không có chuyện làm thuê như trang trại nhà ông Trương Thẹo. Vậy là trên cùng một đất làng Yên Hạ có hai cái trang trại lớn đang gầm ghè, lấn lướt nhau, đè bẹp nhau; chẳng biết cái nào sẽ tồn tại, cái nào sẽ đổ vỡ.
Tôi và Thiên đi qua nơi người ta đang giăng đèn ngụp lặn dưới nước mò trai đêm. Trên bờ một tốp thợ đang cầm dao lựa miệng trai tách vỏ bỏ thành đống to như đống rạ. Ruột trai bỏ vào thuyền nan đã được miệng cạp. Một chảo cháo vừa rút lửa vẫn còn sôi lung bung. Thợ sắp nghỉ tay ăn đêm. Không thấy cha đâu, Thiên hỏi những người thợ thì họ bảo ông vừa vác súng đi săn cùng với mấy tay bảo nông rồi. Thiên lại hỏi đi về phía nào. Họ bảo không biết. Thiên thấp thỏm lo, nỗi lo lan truyền sang tôi, bởi ông Thẹo lúc chập tối uống rất nhiều rượu với khách và chưa bao giờ ông đi săn đêm lại kéo cả những người bảo nông cùng đi.
Mẹ nói chuyện với cha được một lúc thì chú Sần và chú San sang. Chú Sần mặt hốc hác, nói toàn hơi rượu, trông khắc khổ hơn cả cha tôi. Anh em gặp nhau mừng mừng rỡ rỡ được một lát thì chú Sần hỏi:
– Em hỏi khí không phải. Vậy chứ mười năm qua bác đi những xứ nào?
– Tôi đi gần hết Đông Âu.
– Bác đi xa, giao du với toàn người sang, bác nhẩy?
– Sang trọng gì, toàn người làm thuê tứ xứ.
Chú San cắt lời chú Sần, nói:
– Nhà Trương Thẹo mạnh lắm. Em đang cần vốn, bác về lần này được đồng nào góp vào với em chung cổ phần, chứ chẳng lại nổi nhà nó. Chiều mai đấu thầu thung Dâu rồi.
Cha tôi trầm ngâm một lúc rồi nói:
– Chú để tôi còn tính xem đã…
Chú Sần bảo:
– Còn tính toán cái gì nữa. Bác và chú San cứ quyết vào đấu thầu đi. Tôi hỗ trợ một tay, cho nhà nó yếu dần yếu mòn đi.
Chú San thở dài hắt ra:
– Chịu. Chẳng nói được cái sự liều, gàn dở của anh.
– Thôi… thôi… Nói chuyện khác – Cha tôi ngăn hai người.
***
Cha tôi không tài nào ngủ được. Có lẽ vì lâu lắm cha mới nằm bên mẹ, vì lâu lắm cha mới về nhà, vì động trời, vì lo lắng cho con La mãi không thấy về. Tôi nằm ở nhà ngoài cũng trằn trọc, thức. Cha tôi già trước tuổi. Lúc tôi bước vào sân, cha cứ đứng như trời trồng, nếu như tôi không gọi và lao đến gục đầu vào ngực cha thì cha không nhận ra tôi. Nước mắt tôi ướt ngoèn trên ngực áo cha và tôi thấy cha rưng rưng như khóc. Một lát sau, cha mới bảo: “Làn! Gặp mày ở ngoài đường là thầy chịu, không nhận được. Mày khác quá, khác đến mức ngoài sức tưởng tượng của thầy”. Tôi bảo: “Thì lúc thầy đi, con còn bé lũn cũn. Thầy mà gặp con La, thầy cũng chịu, nó còn đổi khác nhiều hơn con”. Cha tôi thở dài: “Thầy linh tính như nó là cái đứa thầy nhìn thấy trên xe nhà Thẹo”…
Canh tư. Trâu dậy sớm hơn cả người khua sừng cộc cộc vào dóng. Nhạc trong quán ăn sáng ở làng đã bắt đầu ỉ eo. Lại nghe tiếng láo pháo rồi tiếng lùa nhau chạy uỳnh uỵch, tiếng chửi rủa và cả tiếng chuông chùa ngân nga. Tiếng mẹ trong buồng vọng ra: “Nhà Thẹo lại có chuyện rồi, mình ạ”. Cha hỏi lại: “Sao?”. “Đêm nào, sáng nào chả thế. Không có mấy gói phân người tương vào sân thì cũng vài hòn gạch ném vào cánh cổng nhà hắn”. “Chắc lại ghen ăn tức ở”. “Thù hằn hẳn hoi ấy chứ. Tuần trước người ta đổ cả thuốc sâu xuống hồ nhà hắn, cá chết nổi lều bều phải vớt đổ đi mấy xe trâu. Nhà Thẹo nghi có bàn tay chú Sần nhà mình”.
Đúng lúc ấy, chú Sần gọi giật giọng ngoài cửa sổ. Tôi kéo chốt cánh. Cha tôi cũng đến bên chấn song. Chú Sần, đầu đội đèn ló, tay phải cầm dao bầu, tay trái xách cả can thuốc sâu và giỏ thắt ngang hông. Hai vai chú ướt sũng sương đêm. Nhìn mặt, nhìn mắt chú Sần, cha tôi biết ngay có chuyện.
– Đêm hôm thế này… Có chuyện gì phải không?
– Vơng! Em biết ngay mà.
– Sự thể ra làm sao? Chú nói đi.
– Em đã phải bỏ cả trũm lươn theo dõi mấy thằng thương nhân người Đài Loan mua vỏ trai, mua hạt sen nhà Thẹo. Bác đi ngay… đi ngay với em. Mẹ cha chúng nó.
– Chú chờ tôi một lát.
Cha lấy vội cái áo bộ đội cũ trên mắc khóac vào người và lao ra sân. Bất chợt tôi thấy rùng mình một cái. Tôi chỉ kịp bảo mẹ chạy sang gọi chú San rồi cũng tất tả chạy theo luôn.
Sương sớm bồng bềnh bay. Chú Sần và cha thấp thoáng, ẩn hiện trong sương. Cái giỏ vướng víu bên hông, chú Sần tháo ra và tung hê luôn xuống ruộng. Tôi guồng chân đến rã rời mà vẫn không theo kịp. Có tiếng rồ ga ô tô ở phía đầm Hoang rồi nhỏ dần. Khẹc… khẹc… Lại thằng Dơi kêu. Cái thằng người không ra người ngợm chẳng ra ngợm, đầu nó nhấp nhô ẩn hiện như ma trong sương sớm. Chúng tôi vẫn chạy, chạy đến tức thở. Gò nổi ở góc đầm Hoang hiện ra trước mắt. Con La chệnh choạng đi trên cầu cong từ gò nổi sang bờ đầm. Tóc nó rũ rượi, mặt mày nhợt nhạt.
– Khốn nạn rồi. La ơi! – Chú Sần gầm lên.
Cha tôi đỡ lấy con La:
– Khổ thân con tôi. Mày có làm sao không?
Con La nước mắt giàn giụa, đổ gục vào ngực cha. Chú Sần cầm dao bầu lùng sục trên gò nổi, mở banh hết cửa nhà rông nọ đến nhà sàn kia. Không thấy ông Trương Thẹo mà cũng chẳng thấy ông khách mua vỏ trai, hạt sen người Đài Loan đâu. Gò nổi vắng teo, chỉ một vài người bảo vệ sợ len lén không dám ngăn cản chú Sần. “Mới hồi đêm tôi còn thấy cái ô tô đậu trên bờ kia. Mẹ cha chúng nó! Tếch hết lên xe lủi rồi. Tôi thì tôi cho nhà nó biết tay”.
Chú Sần nói, chửi rồi cầm dao bầu chọc thủng can thuốc sâu, chú cứ đi vòng quanh gò nổi rót xuống đầm Hoang. Cha tôi thì lạnh tanh không nói, có một cái gì đó như sấm, như sét đang chứa chất trong người cha. Chú Sầm rót hết thuốc sâu, quẳng can xuống nước rồi chạy huỳnh huỵch ra khỏi cầu cong đi sang đầm Đông Hồ, chú móc ở góc đầm lên mấy chai thuốc sâu nữa. Thì ra chú giấu từ trước ở đó. Chú lại đi quanh bờ đầm Đông Hồ dốc thuốc sâu xuống. Nhưng bất ngờ, chú bị bàn tay cứng như thép của chú San bóp chặt:
– Anh Sần. Dừng lại. Làm thế này bất lợi lắm.
– Bỏ tao ra. Mày thì biết đếch gì. Cứ để nhà nó bắt nạt nhà mình mãi à.
Rồi cũng bất chợt, Trương Thẹo như ở trên trời rơi xuống, đứng lừng lững trước mặt:
– Sần. Ông bắt quả tang nhá.
– A… đây rồi! Quân bóc lột, quân hại người.
Trương Thẹo lăm lăm khẩu súng săn tự chế trong tay, cười gằn:
– Cả thằng San nữa. Hai chúng mày phá hoại sản xuất nhá. Chuyến này ông cho tù rũ xương cả lũ.
– Ông đéo sợ – Chú Sần gào lên.
– Bảo nông đâu, chúng mày trói hai đứa lại, sáng mai giao cho chính quyền làm việc.
Chú San bảo:
– Ông Thẹo đừng gắp lửa bỏ bàn tay.
Chú Sần thì càng gào to:
– Tao đố thằng nào lại đây. Mẹ chúng mày vừa làm gì cháu ông. Ông thì ông chém.
Chú Sần hăng quá, cầm dao bầu xông tới. Trương Thẹo lùi dần, lùi dần, khẩu súng săn vẫn cứ nhăm nhăm. Rồi khẩu súng săn hình như cướp cò đoàng… đoàng. Hai viên đạn bay khỏi nòng khẩu súng săn. Chú Sần đổ sùm người xuống đầm. Cùng lúc đó có một tiếng ùm nữa phía hố ủ phân cho cá ăn ở góc đầm. Tôi còn kịp nghe tiếng: khẹc… khẹc…
Cha tôi ở đằng sau Trương Thẹo từ lúc nào không biết. Cha đánh bật tay ông ta và cướp cây súng săn. Đến lượt súng săn trên tay cha. Lúc này sương tan nhiều, mặt người đã hơi rõ, trời chạng vạng sáng. Trương Thẹo trố mắt nhìn cha. Nhìn con gái rũ rượi tơi tả vẫn đang thút thít khóc, cha nghiến răng ghí súng thẳng vào ngực ông ta. Trương Thẹo nhắm mắt lại. Im lặng, một sự im lặng đến rợn người.
Bất chợt, tiếng chuông chùa vang lên. Chu…uông… Chu…uông… Tiếng chuông chùa đánh đúng lúc sớm mai. Mảnh trăng muộn bị gấu ăn đỏ như máu vẫn không chịu lặn. Cha như chợt tỉnh lại. Bàn tay cha lỏng dần, lỏng dần. Cha khóa nòng an toàn rồi quăng khẩu súng săn tự chế xuống chân Trương Thẹo. Dưới đầm chú Sần lóp ngóp ngoi bên chú San đang dầm mình dưới nước dìu. Còn phía sau nữa, Thiên cũng đang kéo thằng Dơi từ mép hố ủ phân lên. Tất cả diễn ra rất nhanh đến mức tôi không kịp kêu, không kịp một phản ứng nào. Tất cả như vừa qua một cơn ác mộng. Chú Sần không trúng đạn, nhưng thằng Dơi bị một viên đạn lạc xuyên qua cái đùi thọt. Lại tiếng kêu: khẹc… khẹc… gấp gáp của thằng Dơi như cật nứa cứa vào lòng người.
Hoàng hôn đang mờ dần. Tôi cầm thừng thay Thiên đánh xe trâu. Thiên đặt mảnh giấy lên gối tì tay viết nguệch ngoạc:
“Thầy!
Thầy sẽ đau lòng khi người con trai đủ trí khôn nhất của thầy bỏ nhà ra đi. Con không chịu được những việc làm của người lớn. Con muốn sự ra đi này sẽ chấm dứt ngay mọi sự xung đột của hai nhà. Bởi đi cùng con là Làn, Làn là con của gia đình mà bố đang ngày đêm hậm hực thù hận. Chúng con chỉ bồng cháu về cho ông bà nội, ngoại khi mọi chuyện đã yên lành...”.
Thiên tạt vào chùa Cháy đưa lá thư cho mẹ anh. Thiên bảo, đường cùng anh mới phải làm thế. Và anh muốn mẹ chưa thành chính quả, mẹ anh nên về với cha, về để giúp cha. Có thể lúc này cha anh cần mẹ anh hơn bất cứ lúc nào hết. Tôi cũng viết một lá thưnhờ mẹ Thiên chuyển hộ cho cha mẹ tôi. Rồi chúng tôi lại lên xe trâu đi tiếp. Mẹ Thiên nước mắt lưng tròng nhìn theo. Đường tắt ra ga xép gập ghềnh, gập ghềnh…
Hai ngày sau.
Thằng Dơi lên cơn co giật, mắt trợn ngược và sùi bọt mép. Nó bị nhiễm trùng uốn ván bởi vết đạn xuyên ngấm nước hố ủ phân. Vẫn những người làng Yên Hạ bảo: ác giả ác báo. Nhưng lại có người chép miệng: Thôi thế là nó đỡ khổ. Cũng là một kiếp người, mong cho nó mát mẻ. Đưa đám thằng Dơi xong, người ta thấy ông Trương Thẹo già khọm như ông lão tám mươi… Bảy tháng sau, tôi mới nghe được chuyện này. Người ta còn kể: Chiều chiều, ông lão Trương Thẹo lặng lẽ đi một mình trong trang trại, mắt nhìn chăm chắm về phía ga xép.
Tôi bảo Thiên: “Em muốn về nhà”.
Thiên lặng im, hai mắt dân dấn nước.
(vanvn.vn)