Lỡ một mùa sưa

25.04.2022
Nguyễn Bá Hòa
Tân đọc đi đọc lại, nắn nót từng con chữ trước khi gởi bài thơ về ban tổ chức lễ hội. Tân đã từng gởi thơ đăng báo nhưng chưa lần nào hồi hộp, đầy xúc động như lúc này. Đêm thơ nhạc “Sưa vàng ven sông” sắp diễn ra tại Vườn Cừa làng sinh thái Hương Trà, đây là dịp để Tân mời Tuyết, người bạn gái về tham dự và nghe đọc thơ do chính Tân viết tặng.

Lỡ một mùa sưa

Minh họa: VĂN TIN

Tân và Tuyết là đôi bạn học chung trường Đại học Sư phạm. Chỉ là bạn thôi, có thể hơn tình bạn một chút nhưng chắc chắn chưa phải là tình yêu. Nói thế bởi sau khi ra trường, Tân về quê dạy học còn Tuyết được giữ lại trường làm công tác trong Hội Sinh viên, chia tay nhau mỗi người đều cảm thấy hụt hẫng, nuối tiếc như thiếu vắng một cái gì đó vô hình mà đau đáu.

Năm trước, Tân và Tuyết cũng đã tham dự lễ hội này, họ đi bên nhau, hoa sưa vàng bay bay trong gió rơi rắc lên tóc lên áo một màu thơ óng mượt. Trong không gian ảo huyền thơ mộng ấy, định bày tỏ nỗi niềm của mình nhưng rồi bạn bè đông vui anh chưa dám nói. Lại chia tay, anh dồn cả tâm lực tình cảm của mình đan dệt thành bài thơ tình yêu dành tặng Tuyết. Năm nay anh lại mời Tuyết về quê anh dự hội để bày tỏ nỗi lòng.

Tân đón Tuyết khi trời chạng vạng, thành phố đã lên đèn. Chỉ có mình Tuyết, khác với năm qua, Tuyết đi cùng những người bạn, anh vui vì điều đó. Họ cùng nhau thả bộ trên con đường rợp bóng hoa. Đã có tiếng nhạc vang lên từ khán đài, người người chen nhau dự hội. Ban tổ chức thông qua chương trình và đề nghị các tiết mục chuẩn bị. Tân hụt hẫng, không có tiết mục của anh, không có bài thơ của anh, vậy là những dự tính đã không còn như ý.

- Sao anh buồn vậy?

Tuyết nhìn Tân ngập ngừng. Phải khai báo thật thà thôi, nghĩ vậy, Tân cầm tay Tuyết kéo về phía gốc sưa già tránh xa khán đài lại vắng người.

- Anh viết bài thơ tặng Tuyết, định tối nay đọc cho Tuyết nghe, nhưng chắc thơ không hay lắm nên người ta không chọn.

- Anh kỳ quá hà, tặng Tuyết thì đưa cho Tuyết mắc mớ chi gởi cho người ta! Thơ tả cảnh hay tả tình vậy anh?

Được gợi để giãi bày, Tân nói thật nhanh.

- Cả cảnh lẫn tình. Thành phố sưa vàng quê anh và anh nữa mong được những người khách phương xa đến thăm, riêng với Tuyết, hãy ở lại quê anh được không?

Tuyết nhìn Tân, bỏ lửng câu trả lời. Trong mờ tối, đôi mắt của Tuyết ánh lên lung linh. Mọi người đổ dồn về khán đài nghe thơ nghe nhạc chẳng ai để ý đến họ. Một lát sau, Tân mới dám nhìn Tuyết nhưng lại bắt đầu một câu chuyện khác.

- Người dân quê anh gọi cây sưa là cây chung thủy đó.

Tuyết ngạc nhiên nhìn anh, vẫn là đôi mắt sáng đầy ma lực hút hồn.

Ngày xưa có một gia đình nghèo chỉ có hai mẹ con sống trong một làng quê thuần nông. Cạnh cây rơm trước sân nhà có hai cây sưa nhỏ, người con trai thường mắc võng nằm chơi khi rảnh rỗi. Cạnh nhà, một cô gái cùng trang lứa hay qua trò chuyện, có khi còn vô tư giành võng, cãi cọ.

Tình yêu của họ bắt đầu từ những chuyện nông tang cày cấy không đâu vào đâu. Đến một ngày chàng trai đòi mẹ đi hỏi cô gái làm vợ làm mẹ lo lắng. Tiền đâu cưới vợ, ít ra cũng có cái gì đó cho con dâu kia chứ! Một hôm, người mẹ nhìn chiếc võng mắc trên cành sưa rồi chợt nhớ ra điều gì đó.

- Khi nào hai cây sưa này lớn lên, gọi người đến gả bán, tiền đó mẹ cho con cưới vợ.

Chàng trai thật thà kể chuyện cho cô gái nghe. Cô gái chỉ cười mà không nói gì. Chàng trai cứ cầu mong cho cây mau lớn, cô gái vẫn qua nhìn hai cây sưa bằng ánh mắt trìu mến. Đã có những đám dạm hỏi nhưng cô gái đều lắc đầu.

Thời gian cứ trôi, hai cây sưa hiểu nỗi đợi chờ mong ngóng của người nên lớn lên trông thấy. Ước chừng có thể bán đi được, bỗng dưng một ngày cả hai cây đều rụng hết lá, trơ cành xơ xác đến tội nghiệp. Chàng trai nhìn cây thờ thẫn rồi nói với cô gái.

- Chắc duyên số tụi mình không có, cây rồi sẽ chết, hay là em đi lấy chồng kẻo muộn mằn quá rồi.

- Không có cây, không có tiền mình vẫn cưới nhau được mà anh. Nếu cây chết, anh không cưới thì em vẫn ở vậy chờ anh.

Chàng trai buồn bã thở ra trước tình yêu chung thủy. Đến cuối mùa xuân tự nhiên cây ra lộc, ra lá rồi bừng lên từng chùm hoa vàng, một khoảng sân nhà hạnh phúc tràn về.

Nghe đến đây, Tuyết ngắt lời Tân.

- Và người ta gọi cây này là cây chung thủy?

Thời sinh viên Tuyết hoạt động đoàn thể năng nổ, tham gia các hội thảo ưa tranh luận, thích phản biện. Tân chờ đợi ý kiến gây sốc của Tuyết, nhưng không, Tuyết vẫn trầm ngâm, có lẽ câu chuyện ngôn tình quê mùa khiến Tuyết cảm động chăng?

- Ở quê Tuyết người ta gọi cây sưa vàng là cây công chúa, có người còn gọi là cây hiếu nữa.

- Đây là lần đầu anh nghe cái tên hay như vậy!

- Anh còn nhớ Huyền Trân công chúa, con vua Trần Nhân Tông, đã vâng lệnh vua lấy Chế Mân, quốc vương nước Chiêm Thành, lúc mới tuổi đôi mươi. Chế Mân đã dâng châu Ô và châu Lý làm sính lễ, từ đó đất đai nước Đại Việt kéo dài đến tận quê Tuyết bây giờ.

Khi đoàn đưa dâu đến nơi giáp ranh giữa hai nước thì dừng lại. Bên con sông quê, Huyền Trân công chúa đã quỳ lạy tạ từ quê hương đất nước, tạ từ những người thân yêu, nước mắt chảy thành dòng hòa vào nước sông. Từ đêm hôm đó, dòng sông cứ lấp lóa những vùng sáng, và mỗi khuya tiếng khóc của công chúa cứ rung ngân da diết lòng người.

Người dân đồn đoán rằng nước mắt của Huyền Trân đã hóa thành những viên ngọc quý, những viên ngọc của lòng hiếu thảo, của sự hy sinh thân mình cho đất nước. Đến một ngày hàng sưa ven bờ sông trổ vàng, những cánh hoa rơi xuống dòng sông, chạm vào vùng sáng như được dát vàng, đẹp kiêu sa, huyền ảo. Cảnh tượng kéo dài đến hết mùa sưa nở và kỳ lạ thay hiện tượng dòng sông tỏa sáng và tiếng khóc của công chúa từ đó cũng không còn nữa.

- Và từ đó người dân quanh vùng gọi cây sưa là cây công chúa?

- Đúng vậy, có người còn gọi là cây hiếu, hiếu với mẹ cha, hiếu với quê hương đất nước.

Tân say sưa nghe chuyện, quên hẳn phía trong kia là đêm thơ nhạc. Một cơn gió nhẹ, những cánh hoa rơi như mưa vàng rơi. Tuyết đưa tay đón những cánh hoa, vẫn yên lặng, trái với tính cách năng động ưa hùng biện mà Tân đã quen thuộc trước đây. Giá như yên lặng là đồng ý thì tốt biết mấy, Tân nghĩ vậy, nhưng vẫn đang chờ đợi câu trả lời của Tuyết.

- Như chuyện Tuyết vừa kể thì cây sưa vàng đã có từ thời Huyền Trân công chúa?

Tuyết lại nhìn Tân và những tia sáng ươn ướt trong ánh mắt của Tuyết lại khiến Tân xao động.

- Chắc là vậy, trước mặt anh em mình đã có cây trên trăm tuổi rồi.

- Ừ nhỉ! Cây hương đồng nội này chừ đã thành cây hương phố rồi! Thành phố quê anh là thành phố hoa vàng, người dân nơi đây tự hào về danh xưng này.

Tuyết yên lặng nghe Tân nói. Chẳng lẽ cứ nói mãi nói hoài chuyện cây sưa, Tân muốn nghe câu trả lời của Tuyết.

- Sao Tuyết yên lặng mãi, nói gì đi chứ?

- Để mùa sưa đến Tuyết sẽ nói, chừ yên lặng và cảm nhận. Tuyết còn nhớ cây sưa này còn có một vài tên khác nữa thì phải?

Tân đã hiểu, yên lặng không phải là đồng ý mà để suy nghiệm đắn đo xác minh kiểm chứng..., đúng là như vậy rồi.

- Vào mỗi mùa hoa sưa nở rộ từ đầu làng đến cuối xóm rực một sắc vàng và tỏa hương thơm cho cả xóm thôn, hương sưa bay xa chín dặm nên cây sưa còn có tên là cây cửu lý hương.

Hình như tiếng nhạc vui của bài hát “Thành phố trẻ” kết thúc đêm thơ nhạc khiến Tuyết vui hay chính câu trả lời của Tuyết khiến cô tự tin, trở lại tính cách thường ngày.

- Chỉ là cái cây cái tên thôi, cũng do con người đặt ra tô vẽ cho màu cho sắc. Đừng quá lệ thuộc vào những chuyện không đâu, mình về thôi anh!

Tuyết chủ động đứng lên trước, Tân bình thản theo Tuyết, đợi mùa sưa sau, mà cô gái kia còn đợi chàng trai nghèo từ khi cây còn nhỏ xíu đến ngày ra hoa kia mà. Thì năm sau vậy!

Năm sau, dịch bệnh khiến lễ hội hoa sưa không tổ chức, vẫn chưa có câu trả lời “chúng mình yêu nhau đi”. Đã nhiều lần Tuyết vào Tam Kỳ công tác nhưng không tìm đến Tân, đã nhiều lần Tân ra Đà Nẵng nhưng không gặp được Tuyết. Chuyện trò qua điện thoại tin nhắn thưa dần, nhạt dần.

Một hôm đang ở trường thì cô văn thư bảo Tân có thư. Tân vội vã xuống phòng hành chính nhận thư, thấp thỏm và hy vọng vì nghĩ chắc rằng chỉ là thư của Tuyết. Không phải, một cái tên xa lạ nào đó. Phải rồi, những người thân quen đều gởi thư, tin nhắn qua email hay zalo chứ có ai rảnh rỗi ngồi viết thư tay làm gì! Chẳng có gì để chờ đợi trông mong, Tân gấp thư bỏ vào túi áo, đợi hết giờ lên lớp sẽ đọc. Nhưng rồi sự tò mò khiến anh không đợi được lâu.

Kính gởi anh Tân!

Em công tác cùng phòng với chị Tuyết. Khi anh nhận được thư này thì chị Tuyết đã không còn nữa, chị ấy ra đi vì bạo bệnh. Trong ngăn kéo của chị có quyển sổ tay nhỏ, nửa ghi chép công việc nửa như là một cuốn nhật ký. Bọn em có đọc và biết được đây là kỷ vật dành cho anh...

Tân không thể đọc hết những dòng chữ trong thư. Những giọt nước mắt không kiềm chế được cứ lăn dài. Bầu trời cuối xuân đầu hè mà âm u khó chịu, hình như đang ủ cho những chùm hoa sưa đầu mùa.

(QNO)