Gởi vào cơn gió mùa cũ
Minh họa Hoàng Đặng
Hàng xóm ăn tân gia ai nấy cười nói vui vẻ, cụng ly chúc tụng trước mặt Nhã. Nhưng sau lưng, thoáng có những lời xì xào lẫn trong cơn gió se lạnh. "Bà Lục dại quá, cưới đứa dâu trưởng, đã không chăm sóc ba má chồng thì chớ, còn đòi đất cất nhà", "Phải nói Nhã sướng nhứt trần đời. Tự dưng một đứa sống trên núi được nhà chồng cho mảnh đất bự chảng giữa thị trấn, đúng là số may".
Căn nhà nằm trong mảnh vườn chung, bên cạnh nhà ba má chồng. Ban đầu chồng Nhã muốn xây nho nhỏ cỡ hai phòng ngủ. Bao nhiêu lời dỗ ngọt rót vào tai, anh xuôi lòng chiều theo ý Nhã. Hai vợ chồng dành dụm tiền lương, chắt bóp mỗi bữa ăn, mượn nợ bạn bè, vay thêm ngân hàng, vừa vặn xây được ngôi nhà hai tầng với ba phòng ngủ, đầy đủ phòng khách, phòng học và đọc sách, nhà bếp, chỗ phơi quần áo riêng.
Nhã đếm từng viên gạch, khoanh sắt, bao xi-măng, theo dõi tiến độ hằng ngày. Mọi vật dụng trong nhà mới đều chính tay cô lựa chọn cẩn thận, đảm bảo vừa bền vừa rẻ. Nhã đi lùng sục những chỗ bán đồ đã dùng, cũ người mới ta, còn sử dụng tốt là được. Cố chăm chút trà nước, nấu bữa nhậu đãi thợ, đốc thúc mọi người ráng xây xong kịp ăn Tết.
***
"Ngăn vách cho vợ con ở nhà dưới đi, đừng lên nhà trên ô uế, dơ nhớp".
Bà Lục thả nhẹ một câu ngay ngày đầu tiên Nhã ôm bé Bống từ bệnh viện về. Từ ngày lấy chồng, Nhã đã phải học làm con hến ngậm miệng mà sống. Hai vợ chồng đang thuê căn trọ be bé yên ổn làm ăn ở phố, anh lái xe taxi, Nhã làm công nhân xưởng dệt may. Bao nhiêu dự tính vừa chớm, má chồng gọi hối rẹt đùng dọn đồ về quê chăm sóc ba chồng đau bệnh. Nhã im lặng xếp đồ đạc theo chồng như một thói quen.
Lần lữa mãi Nhã mới có bầu đứa đầu lòng, má chồng luôn tay luôn chân sốt sắng nấu món này mua thứ nọ. Bà Lục chăm con dâu thiếu điều đút tận miệng, còn trách sao phải về ngoại ở cữ. Cứ ở với má, má lo hết, cần chi câu nệ "con so nhà mạ con rạ nhà chồng". Nhưng tới khi bé Chíp ra đời, bà Lục lên nhà mẹ ruột Nhã làm lễ đầy tháng đặt tên cho cháu, bộ mặt hệt kẻ vừa bị lừa mất của.
Lần sanh con thứ hai, má ruột Nhã đã bán nhà cũ để dọn ra quê gốc ngoài Bắc. Vì đường về quá xa, Nhã ở cữ tại nhà chồng theo lẽ thường, bà Lục ngoài miệng ra vẻ đồng ý nhưng giấu đằng sau là sự khó chịu không cần nói bằng lời. Từng cái liếc mắt, nhíu mày, nhăn trán, bĩu môi của má chồng khiến Nhã nghẹn đắng.
Có lẽ, vì chưa sanh được cháu đích tôn như bà Lục hằng mong ngóng, nên Nhã chẳng xứng đáng nhận thêm điều gì từ gia đình chồng. Dù ôm bụng bầu hay nằm trên giường đẻ, Nhã đều phải tự lo liệu. Chồng làm lái xe đường dài, vắng nhà như cơm bữa, Nhã đâu có trông đợi gì nhiều.
Anh xây vách theo lời má chồng, chặn đường lên phòng ngủ và phòng khách ở nhà trên. Nhã chỉ có thể quanh quẩn trong một phần nhà dưới, mở cánh cửa bên hông bước ra phía sau hè, khoảng đất nhỏ xíu. Cùng phận đàn bà với nhau, cũng từng trải qua đau đớn mỏi mệt khi sanh nở, bà Lục lại nỡ bỏ mặc Nhã như thế.
Tháng đầu tiên tránh gió, Nhã nằm suốt trên giường với cơn co thắt căng xé đau nhói nơi cửa mình và cả trong tim. Chưa được đụng nước, Nhã chẳng thể tự mình giặt quần áo, tắm rửa cho bé Bống hay xông hơ. Mái tóc bết lại hôi rình hôi rích. Bé Chíp mới ba tuổi, tối ngủ thiếu hơi Nhã cứ khóc lóc đập cửa...
Qua ngày thứ ba, má ruột đã kịp có mặt ở nhà chồng để chăm Nhã. Má lặn lội mấy trăm cây số ngược đường, bước chân thấp chân cao thẳng một mạch xuống nhà dưới nơi Nhã đang nằm. Chắc cái chân má đau lắm, di chứng từ đợt tai nạn gãy xương chục năm trước. Nhưng có lẽ lòng má còn đau hơn, khi nhận ly nước lạnh ngắt như thêm đá viên từ tay bà Lục. Xứ Quảng vào mùa mưa, gió thốc từng cơn se sắt buốt tím thịt da, lạnh thấu lòng.
Đón bà sui từ xa tới, má chồng không mời được bữa cơm tử tế. Nhã vẫn nhớ ngày dạm ngõ, má chồng soi từ ngoài ngõ soi vào trong buồng ngủ, trề môi liếc ngó căn nhà tường gạch không sơn trát, lừng khừng đứng trước bàn thờ ba Nhã. Tai nạn đã cướp ba khỏi vòng tay má con Nhã hồi Nhã còn học lớp bốn.
Thiếu vắng người trụ cột gia đình, mình má với một chân bị tật, chật vật làm thuê đủ nghề mới nuôi Nhã tới tốt nghiệp phổ thông. Chỉ khi thấy căn bếp gọn gàng, nền nhà tráng xi-măng sạch bóng, bà Lục mới ngăn bản thân không buột miệng rằng "lấy vợ phải xem tông" như bà từng càu nhàu riêng với con trai.
Má Nhã mượn chiếc xe đạp trành trành thời cổ lỗ sĩ của ba chồng, đạp ra chợ mua tấm thảm dày, mền và gối để trải nằm bên cạnh giường Nhã. Trong chiếc giỏ nhựa xách về đầy đủ cá, thịt, rau, trái để nấu bữa cơm đủ chất bồi bổ Nhã có sữa cho con bú. Nhờ bà ngoại, Chíp ăn ngoan, ngủ ngoan hơn, còn biết bày trò chọc em Bống.
Nhã xoay trở thân mình tê nhức nhìn má loay hoay cắm cúi dọn dẹp, nấu nướng, lau rửa từ sáng sớm tới tối mịt, bao nhiêu tủi thân, xót xa mà Nhã kìm nén bấy lâu dâng tràn lên khóe mắt. Nhã có lỗi với má quá, mười tám tuổi xách gói ra phố làm thuê, rồi lấy chồng, có con, nào đã chăm lo cho má được ngày nào. Má chưa nhờ đỡ được gì, nay má làm bà ngoại rồi còn phải vừa ôm con vừa bồng cháu.
Dù Nhã đã bàn tính với chồng thuê người giúp việc nuôi đẻ nhưng anh tiếc tiền, cứ biểu nhà có bà nội, bà ngoại sao phải bày vẽ phung phí thêm. Má Nhã biết má chồng kệ xác dâu, cháu nên bà lẳng lặng lo liệu mọi thứ. Nói đến cùng, chỉ có bản thân mới thương đứa con mình rứt ruột đẻ ra, chớ trông cậy gì vào những người "khác máu tanh lòng".
Bà Lục đâu cho không đất như người ta xào xáo. Bà tính đủ đường, Nhã chưa đẻ được cháu đích tôn cho bà thì đừng hòng. Thằng con trai bà vắng nhà quanh năm suốt tháng, làm cái nghề nguy hiểm, lỡ xảy ra tai nạn thì sẽ mất trắng tài sản vào tay con dâu. Biết đâu nó còn dẫn má ruột tới ở không chừng.
Nhã muốn rời đi nhưng ngần ngừ suy tính mãi chẳng thể mở lời. Không thể đẩy chồng vào thế khó, mang tiếng nghe lời vợ mà bất hiếu. Anh là con trai một, hai cô em gái đều đã lấy chồng xa. Gánh nặng chăm sóc ba má đổ hết lên vai chồng Nhã. Phải đứng giữa người sinh thành dưỡng dục và người sẽ đồng cam cộng khổ đi đến cuối cuộc đời, chọn bênh vực phía nào thì người còn lại cũng đều tổn thương.
Nhã quyết định bỏ tiền mua đất của má chồng. Vốn dĩ đó là tài sản của nhà chồng, không liên quan gì tới Nhã. Muốn sở hữu thứ mình muốn, phải tự bản thân cố gắng đạt được. Vừa trông bé Chíp vừa bồng bé Bống, Nhã vừa nhận quần áo về sửa may, cắt chỉ. Chiều chiều, ba má con lưng cõng, tay dắt, tay đẩy xe đồ ăn vặt tới trước trường tiểu học bán kiếm thêm.
Gom góp hơn bốn năm trời, mượn vay thêm khắp nơi, Nhã bàn với chồng ra riêng. Hai vợ chồng chỉ đủ tiền xây nhà và trả trước một khoản tiền đất, phần còn lại đành khất nợ bà Lục. Đợi khi nào cày cuốc trả xong tiền cho má chồng thì Nhã mới được nhận sổ đỏ đứng tên mình.
Tuy nhà ba má chồng và nhà mình cùng nằm trong một khu vườn, quanh quẩn ra vào đụng mặt nhau nhưng chí ít hai đứa con gái của Nhã sẽ bớt nơm nớp lo sợ bà nội chửi mắng, các con sẽ có không gian riêng để vui chơi, học hành. Và hơn hết, Nhã vẫn ở đây, lỡ lúc trái gió trở trời còn coi ngó săn sóc ba má chồng. Dẫu cho bà Lục đối xử thế nào với Nhã chăng nữa, bà cũng là người đã sanh dưỡng chồng Nhã. Thương chồng phải nghĩ tới bà gia, má ruột Nhã đã từng bày dạy như thế.
Trong bữa tiệc mừng nhà mới, mấy cô chú ở quê liên tục hỏi vặn Nhã tính bao giờ sanh cháu trai cho dòng họ. Có người cà rỡn: Dâu trưởng kiểu này chắc phải để chồng Nhã kiếm thêm vợ bé bên ngoài. Bà Lục nạt một câu khiến mọi người im bặt: "Dâu ai người đó quản, mấy cô chú đừng lắm điều".
Nhã im thinh nhìn má chồng, cơn sóng lòng lặng xuống đôi chút. Mùa dần chuyển sang xuân, hết mưa rồi, những con gió quằn quại cũng thôi thổi ào ạt như trước. Liệu Nhã có thể gởi tất cả vào cơn gió mùa cũ chăng, để những trách giận từ nay được ngủ yên.