Người từ muôn thuở

20.06.2024
Hồ Thị Linh Xuân
Sự bất quá tam. Đến lần thứ ba thì Phụng hết chịu nổi. Năm sau tui phải rình. Phụng nói với già Tư, giọng chắc nịch.

Người từ muôn thuở

Tranh của họa sĩ Trần Thắng

Năm sau tức là năm nay. Để chứng tỏ mình chơi lớn, Phụng xin phép cơ quan nghỉ không lương. Thời buổi kinh tế khó khăn, mất cả tuần công thì nhiều đó nhưng có những chuyện quyết phải tìm cho ra lẽ, không thể tiếp tục sống trong hồ nghi mãi được. Danh dự của má, gút mắc trong lòng của tía quan trọng hơn. Phụng tin má không phải là người đàn bà như vậy.

Già Tư vừa lần xe lăn tỉa mấy bụi kiểng vừa đủng đỉnh: Mày rình là rình làm sao. Hổng lẽ cuốn nóp vô nghĩa địa mà ngủ? Phụng cười đắc chí: Tía yên tâm. Tui có cách của tui. Cùng lắm canh chừng từ bữa nay cho đến mãn mùa thanh minh thể nào cũng bắt tại trận kẻ giấu mặt đã đến lo quét dọn mồ má.

Nói rồi Phụng rồ ga con xe máy vút đi. Già Tư bề ngoài cố ra vẻ thản nhiên chứ trong bụng còn sốt ruột muốn biết gã nhân tình của người vợ quá cố qua lời đồn hơn Phụng. Dẫu biết người nay cũng đã khuất, có sự gì thì cũng không nên khơi dậy đống tàn tro. Nhưng cứ mỗi lần nghe người ở xóm đi dọn mả về rồi to nhỏ bàn tán với nhau là lòng già Tư lại khó chịu.

Họ đồn có một già một trẻ in như hai cha con, vừa quét dọn ngôi mộ vợ ông vừa tỉ tê chuyện trò với người dưới mồ nghe rất mùi mẫn. Kính cẩn thắp hương, ai nấy man mác sầu thương. Vậy thôi đâu, họ còn dâng hoa, mà đúng hoa bạch cúc như tên bà Tư mới thật là nghi hoặc. Những lúc như vậy, ruột gan già Tư nóng ran lên, có cái gì tưng tức ở ngực phải khó khăn lắm mới thở ra được.

Mấy chục năm đầu ấp tay gối, không phải già Tư không tin vợ ông. Nhưng mà tổ cha lời đồn, sao bao giờ cũng sống động một cách chân thực khiến người ta bứt rứt làm vậy. Và nếu kéo dãn sự nghi hoặc thì đứa trẻ hơn mười tuổi như thiên hạ diễn tả kia chào đời thật trùng hợp với thời gian già Tư còn lặn lội tìm trầm chốn rừng thiêng nước độc, lâu lắm mới về nhà một lần.

Đận đó Phụng đã thành niên, học đòi bạn bè tự lập cũng dọn ra ở riêng. Già Tư gặng hỏi mãi: Mày nhớ kỹ lại coi hồi đợt má mày có biểu hiện gì khác lạ? Phụng lắc đầu. Má vẫn sáng đi bán ở chợ, chiều về nằm võng nghe cải lương. Tối cách bữa Phụng có tạt về nhà ăn cơm thì hay nghe má nói, ở nhà ên buồn quá. Chắc vì vậy mà thần sắc má sa sút, người gầy yếu, hai mắt chỏm lơ. Tới đợt tham gia chương trình trao đổi sinh viên Á Đông thì Phụng phải cuốn gói xa nhà gần năm chẵn.

Hồi Phụng ở nước ngoài về thì già Tư cũng giải nghệ tìm trầm, giã từ rừng với cặp giò bị cưa trọn. Phụng phải kết thúc sớm đời sống tự do, trở về nhà phụ má chăm sóc cha. Cuộc sống bình lặng từ đó cho đến mấy năm trước má mất vì đau nặng.

Phụng vừa lạch tạch con ngựa sắt cổ lỗ vừa nghĩ: Rồi tất cả sẽ sáng tỏ nhanh thôi mà. Ý nghĩ đó khiến Phụng càng muốn đi lẹ đến nghĩa trang, khu đất mà trước đây vốn bịt bùng lau lách. Người ven đô đã hợp sức khai phá để làm nơi chôn cất người quá cố.

Khi Phụng đến thì bên trong đã có lác đác người. Dân lao động tự do dẫn con cháu đến thăm ông bà sớm. Còn dân văn phòng như Phụng, phải đợi ngày cuối tuần mà phải thấy khỏe trong người nữa mới cầm chổi bê vôi ra quét dọn trước sau. Nhưng hồi nào đến nơi cũng thấy mồ má đã được dọn rửa xong xuôi, vài que hương cắm trước mộ, màu chân hương còn mới. Một bó bạch cúc nửa héo nửa tươi nằm lại, đủ biết người đến viếng chỉ nội mấy ngày nay. Ban đầu Phụng nghĩ chắc ai đó biết Phụng bận việc cơ quan nên tiện tay giúp luôn nhưng tận ba năm liền lặp lại y như vậy mà còn chu đáo hoa hòe thì Phụng biết không phải.

Má là trẻ mồ côi từ trong chiến tranh, Phụng chưa từng nghe nói má còn người thân. Ngày má tạ thế, cũng không có sự xuất hiện của người lạ nào khác ngoài hai cha con và bà con chòm xóm.

Vậy là ý nghĩ má có quan hệ ngoài luồng rộn lên. Mà cũng dễ có khi lắm chứ. Sự đời ai biết mà ngờ. Có lúc cũng thật bụng nghĩ vậy nhưng rồi Phụng lại nhanh chóng gạt đi. Nếu nghĩ sai cho má, cho người đã khuất thì tội lỗi không biết để đâu cho hết.

Mòn mỏi chờ đến ngày thứ ba thì Phụng cũng phát hiện kẻ khả nghi. Một ông già trạc tuổi tía mặc bộ bà ba đen đầu vấn khăn dắt thằng nhỏ mặt mày coi bộ sáng láng nhưng không rõ là con hay cháu. Có vẻ đúng là họ rồi. Phụng vờ cầm chổi thủng thẳng quét dọn nấm mồ xanh cỏ cạnh mộ má. Ông già và đứa nhỏ vẫn thản nhiên chậm rãi đến trước mộ bà Tư, bày biện đồ nghề.

Thằng nhỏ hỏi: “Như cũ hả tía?”

Ông già gật đầu, rút tấm khăn mới nguyên đưa cho thằng nhỏ: “Bây lau rửa mả, tía dọn cỏ. Chắc cũng nhanh”.

Rồi một già một trẻ cắm cúi mạnh ai nấy làm việc mình. Chỉ một loáng đã xong. Khung cảnh mộ má lúc này coi sáng sủa hơn vì có thêm một bó hoa bạch cúc.

Ông già giở giỏ đệm lấy ra mấy que nhang. Ông chậm rãi bật lửa trong cơn gió chiều se sắt. Những quầng khói bảng lảng bay lên gợi cho Phụng nhớ những ngày má còn. Hồi ấy, chừng này má cũng dẫn tay Phụng đi thăm mộ. Cũng quét dọn dẫy cỏ, cũng thắp cho ông bà nội mấy nén hương. Chỉ thiếu là không có hoa hòe như ông già kia và đứa con nhỏ của ông mang đến viếng má.

Châm lửa xong, ông già gọi: “Nhân, đến lạy bà Tư đi con!”.

Thằng nhỏ ngoan ngoãn đi tới nhẹ nhàng quỳ thụp xuống trước mộ. Nâng ba nén nhang lên giữa trán, nó xá một cách thành kính cho thấy đó là đứa trẻ có giáo dục và đã thuần thục việc này từ mấy năm nay rồi. Cắm nhang vào đất xong, nó sụp đầu lạy bốn lạy.

Khi nó đứng lên, ông già ngoắt nó đến ngồi vào lòng ông. Giọng ông thâm trầm: “Năm nay con qua cái đốt mười hai. Tía mừng vì con vẫn mạnh giỏi. Nên tía muốn con ghi nhớ cho thiệt kỹ: Con được như bây giờ là nhờ có người phụ nữ này”.

Rồi ông già chầm chậm kể. Hệt như ông vẫn luôn hằng ngày nỉ non để mong con ông hoài ghi khắc trong lòng.

…Vào một đêm tối trời cách nay mười hai năm, ông dừng chiếc ghe, cũng đồng thời là nhà, gõ cửa căn vách lá duy nhất trong xóm còn sáng điện. “Có ai ở nhà không?”. Một người đàn bà luống tuổi bước ra, dưới cơn mưa bắt đầu nặng hạt, người đàn ông ướt sũng ôm một tấm khăn choàng đứa nhỏ sơ sinh khóc ngặt. “Sao thế này?”. Người đàn ông cuống quýt: “Không biết cớ làm sao cháu khóc hoài, bà nhà tôi vừa mới mất”. Có lưỡng lự một chút nhưng cuối cùng người đàn bà vẫn mở toang cửa dẫn chiếc xe Cub đi ra. “Anh lên tôi chở cháu đến bệnh viện”.

Người đàn ông không còn cách nào đành lặng lẽ trèo lên xe. Mưa xé rát rạt bên lưng, người cha ôm chặt đứa con nhỏ ấp vào ngực.

Đứa nhỏ bị chứng ruột thòng, phải lên ca phẫu thuật. Nhưng tiền đâu, người đàn ông nhìn người phụ nữ xa lạ, thật tình: “Tôi sống trên ghe nay đó mai đây, leo dừa mua đi bán lại kiếm sống. Bà nhà tôi mất vì sinh khó, tôi gửi tro cốt bà ấy trong chùa. Suốt mấy tháng nay chỉ lo vợ đẻ con đau, tôi không còn tiền để cháu lên ca mổ”.

Người đàn bà lưỡng lự một chút rồi tháo đôi bông tai, vốn của chồng bà tặng trong chuyến đi trầm hồi trước, trao tay người đàn ông: “Đi gấp quá, bây giờ tôi chỉ có cái này”.

Đứa nhỏ được cứu kịp nhưng nhiễm nước mưa nên mắc thêm phong hàn. Tiền bán bông tai chỉ vừa bằng chi phí ca mổ; giờ nằm viện thêm, không biết lấy đâu. Người đàn bà nói: “Anh và cháu cứ tạm ở đây, bệnh này mà mang cháu đi thì dữ nhiều lành ít. Giờ chồng con tôi lại không có ở nhà. Thật cũng rối ren quá chừng. Nhưng để coi đã… nhìn anh và cháu tội quá”.

Người đàn bà trình bày hoàn cảnh hai cha con hết sức chân tình nên bệnh viện đồng ý cho nằm không nhưng thuốc men vẫn phải tính. Người đàn bà sờ gương mặt xám ngoét của đứa bé trấn an: “Cứ tạm ở đây, tôi tính cho”.

Từ đó mỗi ngày, người đàn bà bán buôn một buổi còn một buổi vào bệnh viện cùng người đàn ông chăm sóc đứa nhỏ kia. Đồng tiền ít ỏi nhưng cũng lay lắt, thằng bé dần hồi tỉnh. Nó đã sống”.

Ông già vuốt mái đầu xanh tơ của con, biểu: “Con là đứa nhỏ năm đó, bà Tư đây là ân nhân của con. Năm xưa lúc rời đi, tía có hẹn bao giờ kiếm được tiền sẽ tìm người hoàn lại. Nhưng đời thương hồ lang bạt khốn khó mà nuôi được con không dễ dàng gì. Ngày tía dành dụm được đủ tiền quay lại bến sông xưa thì mới hay bà Tư đã ra người thiên cổ. Thời gian như cái chớp mắt vậy mà”.

Ôm con vào lòng, ông già tiếp: “Tía nhắc chừng để con đừng quên. Mai kia lỡ tía không còn, con cũng phải nhớ cái gì là ân là nghĩa. Hàm ơn ai phải ghi nhớ trọn đời. Tía cũng có ý muốn gặp chồng con bà ấy nhưng ở đời, nhiều chuyện “tình ngay lý gian” nên tía cũng sợ cho danh tiếng của người ta. Nên cha con mình chỉ còn cách này…”.

Nói rồi một già một trẻ đứng dậy lủi thủi ra khỏi nghĩa trang. Phụng nhìn theo hai bóng lưng gầy gầy dắt tay nhau có lúc như tựa vào nhau hẳn. Hoàng hôn buông xuống thật bình yên. Hình như đám khói từ những que hương còn lãng đãng bay làm Phụng cay mắt quá.

(vanvn.vn)