Thực tình, chuyện người bàn ra tán vô cũng còn một căn nguyên khác. Ấy là... anh cu Bợm. Dì Câu xa quê lâu. Chuyện dì li hôn xóm giềng có nghe loáng thoáng; nhưng con cái ra sao thì mù tịt. Phụ nữ chia tay chồng một mình nuôi con chẳng lạ. Lạ ở chỗ thằng nhỏ nhìn giống... ai đâu á; chẳng “bà con chi” với chồng cũ lại càng chẳng giống dì Câu! Người nhiễu sự theo dì gặng lại gặng đi: nó con ai? Dì Câu cứ một hai cười khì: thì... con tui chớ con ai, hông lẽ tui thừa cơm đi nuôi con người khác? Hỏi gì kì trời...
Về quê. Vẫn căn nhà xập xệ đầu đuôi tròm trèm hơn hai chục mét vuông do cha mẹ dì để lại. Nhìn qua, nó... hơi lớn nếu kêu cái chòi, nhưng lại quá nhỏ để làm một căn nhà đúng nghĩa! Ngày dì Câu bỏ làng tha phương, cái chòi (hay nhà) ấy đã được dì kêu bán; nhưng người ta chê quá hẹp, không ai muốn mua. Còn hỏi, cảnh quê nhà mấy chục mét vuông không sân không vườn sao gọi là nhà? Rủi hóa may, nhờ bán không ai mua mà giờ dì Câu về làng còn có nơi chui đụt. Quê đang phố hóa, đất mặt lộ ầm ầm lên giá, cái nhà/ chòi bé tẻo của dì Câu cũng (số hên) rơi trúng mặt lộ. Ông chủ đất “đại gia” liền kề muốn mở rộng mặt tiền lập tức chạy qua. Ông hứa trả cho dì Câu cái giá “trong mơ”, thừa đủ mua mảnh đất to nằm sâu trong xóm. Dì Câu lắc! Dì bảo: già rồi, quen cảnh cũ, không muốn dời đổi lôi thôi...
Nghe mẹ kể hồi còn con gái dì Câu bóng bẩy như hoa khôi... cấp xóm. Đã đẹp gái lại còn biết hát cải lương. Vậy nên dì mới có cơ may bỏ chốn đồng chua nước phèn quanh năm hết nắng táp tới mưa chan để theo nghiệp cầm ca; chuyên đóng vai nữ phụ của đoàn cải lương Hoa Lúa. Đoàn Hoa Lúa do ông bầu Quốc Sinh quê gốc miền Tây sáng lập. Sinh trong cái nôi đàn ca tài tử, đương nhiên ông bầu Sinh biết cách dẫn dắt đoàn sao cho hát hò ngày càng có tiếng tăm. Nổi trôi lưu diễn cùng khắp Bắc Nam; một chuyến dừng chân Tuy Hòa, cô thôn nữ Câu xinh đẹp mê hát ca đã tình cờ lọt mắt xanh ông bầu trưởng đoàn hào hoa lãng tử! Yêu và cưới; tốc hành đâu chỉ nửa tháng trước khi đoàn lại nhổ neo Nam tiến. Cuộc nhân duyên ấy gia đình dì Câu hết sức can ngăn (“xướng ca vô loài”, tin sao nổi mấy thằng bầu gánh hát?) Vô ích, chưa yêu thì còn nói năng phải trái chớ yêu rồi là... hết phim. Còn nữa, đâu phải dì Câu mê ông bầu thôi đâu, dì còn mê... gánh hát! Mà, khổ chưa, máu mê cái món thứ 2 so với món đầu cũng không hề kém cạnh! So với cảnh sống buồn thiu nơi quê - ngày ngày sấp mặt xuống bùn, sập tối lo đóng cửa cài then - thì ánh đèn sân khấu đêm đêm quả có sức hút khiến dì Câu không sao cưỡng nổi. Đáp từ những can ngăn thống thiết, dì Câu “kiên định lập trường” phát một: cho dù đi theo đoàn hát chỉ để gánh nước chẻ củi hoặc... kéo màn thôi dì cũng cam lòng!
May, dì Câu được cái nhan sắc trời cho nên không đến mức phải gánh nước chẻ củi hoặc kéo màn. Nhưng chất giọng của dì chưa đủ ngọt để lên hàng đào chính nên suốt những tháng năm theo đoàn dì chuyên đóng vai.. nữ phụ! Không sao, với dì vậy cũng đủ mãn nguyện nếu không tính tới yếu tố rày đây mai đó lang bạt xứ người khiến lâu lâu trong dì lại trồi lên cơn quay quắt nhớ quê. Ông bầu gánh (tức trưởng đoàn, kêu theo kiểu quen miệng từ xưa), hiểu tâm tư vợ nên vài ba tháng lại đưa quân “Bắc tiến”, vượt qua đèo Cả loanh quanh núi Nhạn sông Đà lưu diễn cho vợ có dịp về lại chỗ chôn nhau, bớt nhớ nhung cảnh cũ người xưa. Ấy là nói lúc cặp đôi bầu gánh - diễn viên còn mặn nồng ân ái...
Tình già dễ nhạt, ra vô đụng mặt nhau miết tất sinh nhàm. Chưa kể tháng năm bao giờ cũng rất dửng dưng trong nỗ lực làm mai một cái xuân thì - đặc biệt là xuân thì của những cô đào hát! Giờ thì dì Câu bắt đầu nghiệm ra câu nói của người thân (tin sao nổi mấy thằng bầu gánh (hát)!) không phải là không có lí. Ông bầu Sinh, chồng dì, không chỉ hào hoa thôi đâu mà còn thêm cái chất... trăng hoa có hạng! Nghe nói trước dì ông đã có hàng tá đàn bà dan díu. Tới lúc gặp dì thì (chắc) nhân duyên lớn nên chàng mới rửa tay gác kiếm, chịu kết tóc se tơ mà (toan) làm một người đàn ông đàng hoàng. Lời hứa trượng phu được ông bầu giữ gìn hơn nửa thập niên không đến nỗi nào; cho đến khi nó bắt đầu có dấu hiệu... xuống cấp. Ai đó nói: lời hứa đàn ông thường có cánh. Đã có cánh, cho dù nó không muốn tự bay cũng dễ bị gió thổi bay! Với ông bầu Sinh, “gió” ấy chính là cô đào Liên. Trẻ hơn dì Câu non nửa giáp, cũng xinh đẹp, hát hay, cũng mê nghiệp xướng ca đến điên cuồng, không kém cạnh là bao so với dì Câu thuở trước.
Tôi quyết định bỏ đoàn, chia tay với anh vì không chịu nổi cảnh vợ chạ chồng chung. Người ta bảo “xướng ca vô loài”, câu nói ấy theo tôi hơi nghiệt ngã. Tình yêu anh dành cho tôi là có thật. Và, công bình, nó cũng không hề mất đi khi anh có thêm người đàn bà khác. Đó là một thực tế phải công tâm thừa nhận; không nên theo đuôi cái lí đám đông (đầy sân si) của đa phần những người phụ nữ phải làm nạn nhân chuyện chồng quan hệ “ngoài luồng” hay qui kết. Không phải anh không (còn) yêu tôi, rõ rồi, nhưng cũng không phải tôi không (còn) yêu anh. Đơn giản là tôi không chịu nổi cảm giác con tim (và cả thân xác) người mình yêu bị một người phụ nữ thứ 3 (hoặc 4, hoặc 5...) chia sẻ! Anh cái gì cũng tốt; chỉ “hư” mỗi chuyện, lại nhằm ngay cái chuyện “sống chết”, không thể nào cho qua. Nghệ sĩ là giống đa tình, lại một câu ai đó nói mà tôi không nhớ tên. Vậy thôi, cứ để anh đi con đường anh. Tự tại tự do. Khỏi bị buộc ràng...
Níu tôi không được anh vẫn giữ gìn phong độ trượng phu: tặng tôi căn nhà nhỏ từng là tổ ấm do hai vợ chồng chung tay xây dựng ở quê (anh). Nhà giờ là của em. Nếu thích, em cứ ở đây. Bằng không, em bán lấy tiền mà về quê...
Quê ư? Tôi còn mặt mũi nào mà về...
Mẹ bảo: về xứ đi con, không đâu bằng quê, nhất là lúc tuổi già. Mẹ muốn... đuổi con? Không, không phải mẹ đuổi, đừng nghĩ bậy. Vậy sao mẹ không cho con sống gần mẹ, cứ xúi con về quê? Con không còn là con dâu của mẹ sao? Vì con là đứa con dâu mẹ quí mẹ thương nên mẹ mới khuyên. Mẹ sợ con chọn sai rồi lại khổ về già. Như mẹ...
Giờ thì tôi hiểu. Mẹ cũng không phải người bản xứ miền Tây. Quê mẹ biền biệt mãi tận đâu xứ Quảng. Cũng vì mê giọng hát ngón đàn của bố chồng tôi mà trôi giạt vô Nam. Hai kiếp đàn bà “dại trai” sao quá đỗi giống nhau. Mẹ kể: bố chồng tôi cũng một thời lãng tử hào hoa (hay trăng hoa) oanh liệt (giống anh!); có vợ con rồi vẫn cứ đa mang không chừa tật. Đời mẹ là một chuỗi dài năm tháng ôm con đợi chồng hệt nàng Tô Thị. Không muốn con mồ côi thì đành cắn răng chịu đựng. Cho con còn có cha - dẫu là một người cha không trọn vẹn. Đứa con ấy chính là anh...
Lịch sử đã lặp lại, giống đại cương nhưng khác về tiểu tiết. Tiểu tiết ấy chính là việc tôi không có một đứa con. Bác sĩ bảo tôi không thể có con. Tử cung bị dị tật bẩm sinh không thể mang thai. Em đừng băn khoăn. Anh không sao. Nếu số trời đã định thì đành... Anh, lệ thường, vẫn thái độ rất chi “đàn ông”, rộng lượng. Tôi hiểu vì sao những người đàn bà trên các nẻo đường anh qua cứ - như con thiêu thân - đắm đuối lao vào anh xin chết. Tôi hiểu vì sao mẹ - tuy không ngớt mắng chửi anh về tội nọ tội kia - vẫn yêu thương anh tới mức quên cả bản thân mình.
Mẹ cam chịu cảnh li hương, chấp nhận một mai gửi nắm xương tàn nơi xứ lạ vì nó, cái thằng hư đốn ấy. “Con dại cái mang”; tội của nó là tội của mẹ, biết sinh mà không biết dạy con. Nhưng - con hiểu cho - mẹ còn sống được nơi đất khách tới hôm nay là nhờ nó...
Mẹ muốn thay anh tạ lỗi cùng tôi, tôi hiểu. Nhưng chuyện đó giờ đâu quan trọng. Quan trọng là tôi đã hiểu vì sao mẹ cứ nhất mực khuyên tôi về xứ. Cho dù tôi biết: tôi đi, mình mẹ ở lại chịu đựng nỗi cô đơn cũng không phải dễ dàng gì...
Dì Câu bỏ tiền sửa sang..., không - chính xác là dỡ ra cất mới lại luôn - căn nhà trên rẻo đất cũ. Nhà tầng kiên cố: tầng trên để ở; tầng dưới dì mở quán bán cà phê cóc kiêm ăn sáng bình dân. Giờ thì không ai dám chê nó hẹp bởi dì còn bày “ăn gian” mấy bộ bàn ghế ra đoạn vỉa hè ít người lại qua. Tiền đâu dì làm dữ? Tiền tao bán nhà trong nớ chớ đâu? Phải tính đường làm ăn chớ mầy; ngồi không lấy gì nuôi con, nuôi miệng?
Quán dì Câu buôn bán được nhờ lợi thế mặt đường, giá cả bình dân. “Đặc sản” nhất là bà chủ quán xinh gái, hát hay. Phải rồi; lâu lâu hứng lên dì Câu cũng sẵn sàng “khuyến mãi” chư thượng đế ủng hộ quán dì một trích đoạn cải lương mùi mẫn. Không thiếu khách đàn ông sồn sồn chết mê chết mệt, “trồng cây si” quán dì, còn thậm thụt thả lời ong bướm. Dì Câu lắc sắp lượt. Mềm mỏng; nhưng ông nào có dấu hiệu chớt nhả, sàm sỡ vô duyên là dì đuổi thẳng không từ.
Tao hát để đỡ nhớ nghề, đâu phải để “dụ” mấy thằng chả đâu..., dì vừa tâm sự vừa cười toe. Cười xong lại đột ngột rũ buồn. Mày biết tao xa ánh đèn sân khấu bao lâu rồi không? Từ độ tao với ảnh chia tay. Vậy nhưng - đã mang lấy nghiệp vào thân nên bị nó ám. Y như... ma ám, mầy tin không? Đó là tao chỉ mới chân “đào phụ” thôi, chưa được chính danh chính phận với nghề...
Thôn lập đội văn nghệ, tập tành chuẩn bị tham gia hội diễn quần chúng nhân mấy ngày lễ lớn. Tập cọc cạch cọc cà bởi đám “diễn viên” chân đất dính phèn xưa nay chỉ quen hát... karaoke. Vũ điệu thì, ôi thôi, lại càng “tay ngang” phát sợ! Cần tìm gấp cho ra một người hướng dẫn có “nghiệp vụ”. Có người nhắc: bà Câu đó! Ông phó thôn lo phong trào vỗ đùi đánh bách: đúng rồi, bà Câu. Nhưng bà ấy là... đào hát, diễn viên thứ thiệt, biết có thèm quan tâm cái đội văn nghệ cấp xóm của mình không? Kệ, cứ thử đi, mất gì đâu. Thì thử. “Sứ bộ” cử đi “cầu hiền” gồm có ông phó thôn với hai bà bên chi hội phụ nữ. Chị em cùng giới hi vọng dễ gần...
Dì Câu vui vẻ nhận lời ngay, còn gạt đi khi ông phó thôn cứ băn khoăn xin lỗi xin phải về khoản thù lao ít ỏi do thôn không có nhiều kinh phí. Tui làm “công quả” cho thôn; chứ muốn kiếm tiền thì tui đâu thiếu chuyện ra tiền gấp ba?
Khách ra về, tôi trêu: mời đi diễn tập hát hò là gãi đúng chỗ ngứa của dì, mừng vấp té còn làm bộ “công quả” nọ kia... Dì Câu khoặm mặt, lườm tôi: con kia, tự nhiên ai khảo mà mầy xưng? Người ta biết múa hát là nghề của tao nên mới chọn mặt gửi vàng, chớ sao... như mầy họ hổng kêu? Biết rồi, dì Câu của con là số một, có dở cũng chánh hiệu diễn viên, từng nhiều năm lăn lộn dưới gầm..., í quên, hổng phải... Dì Câu vừa vớ lấy cái cán chổi tôi đã tiện đà phi thẳng ra sân; vừa chạy vừa cười hi hí...
Hội diễn năm đó đoàn thôn tôi giật giải nhất.
Tôi cũng là đứa ham múa hát nên hay kiếm cớ lân la gần gũi dì Câu để... học nghệ. Dì Câu, chắc khoái cái “máu mê” của tôi, lúc rảnh lại gồng lưng tận tình chỉ bảo. Giọng mầy ngọt, diễn xuất tốt, mơi mốt chắc khá hơn dì. Trời, con sao hơn được; cầu cho bằng dì đã mừng chút chết... Tôi nghe sướng rơn nhưng vẫn làm bộ khiêm tốn. Không được, học nghệ muốn tiến xa thì phải biết nuôi khát vọng, mầy mà tư tưởng lôm côm là tao... cắt, khỏi có truyền nghề! Lần này tôi không dám giỡn, thành tâm thành ý “bái sư” đàng hoàng. Thiệt; bí kíp võ công dì Câu nhiệt thành truyền hết cho tôi không chút giấu diếm...
Đêm. Tôi ngủ lại nhà, dì ôm tôi, bảo: dì không có con gái nên coi tôi như con. Mầy biết không, đời nghệ sĩ, không gì hạnh phúc hơn là tìm ra đứa học trò như ý để truyền nghề, truyền đam mê, tâm huyết...
- Sao hồi còn ở chung với dượng dì không... sinh thêm bé gái?
Giọng dì Câu chùng xuống:
- Đâu phải dì không muốn đâu; mà là... không thể! Dì bị vô sinh, tử cung dị tật...
- Trời, vậy còn... thằng cu Bợm?
- Nó con nuôi, không phải do dì sinh ra. Cha mẹ nó cũng người miền Trung, vô Nam lập nghiệp mới hai năm. Tai nạn giao thông, vợ chồng đều mất mạng... Nè, mà chuyện ấy tao kể mình mầy biết thôi, cấm hở môi với bất cứ ai nghe chưa. Luôn cả với thằng cu Bợm...
Y.N
|