Về mối quan hệ thẩm mỹ giữa văn chương và lịch sử

27.06.2022
Hà Quảng
Một vấn đề đang là sốt dẻo, thu hút sự chú ý nhiều bạn đọc, đó là mối quan hệ giữa văn chương và lịch sử. Chúng tôi muốn trao đổi thêm đôi điều.

Về mối quan hệ thẩm mỹ giữa văn chương và lịch sử

Cần phân biệt việc kể chuyện cuộc sống đời thường của người dân các thời kỳ trước đây như thời phong kiến, thời thực dân, thời cách mạng… với chuyện cuộc sống gắn với các biến cố lịch sử, gắn với những nhân vật tạo nên lịch sử dân tộc. Tiểu thuyết lịch sử trên phương diện thể loại được qui định không gian, thời gian và nhân vật khác tác phẩm tiểu thuyết thế sự viết về quá khứ chính ở cái định ngữ lịch sử kèm sau. Cái định ngữ này tuy ngày nay trong văn học thế giới cũng như trong nước biên độ được mở rộng rất nhiều, song cái điều cốt lõi vẫn không thay đổi. Đó là không lẫn lộn lịch sử với thế sự. Không phải tác phẩm nào viết về quá khứ cũng là tiểu thuyết lịch sử. Lịch sử đây là lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước của dân tộc chứ không chỉ là vấn đề tín ngưỡng hay phong tục, sinh hoạt của một vùng dân cư. Một đằng là chuyện lịch sử dân tộc, một đằng là truyện đời thường dù đều xảy ra ngày trước. Bối cảnh dù rộng lớn đủ đầy về văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, cốt chuyện có hấp dẫn, các nhân vật tâm lý có sâu sắc đến đâu nếu vắng thiếu các biến cố lịch sử, vắng thiếu nhân vật lịch sử thì chỉ là tiểu thuyết thế sự hay tiểu thuyết phong tục chứ tuyệt nhiên không thể là tiểu thuyết lịch sử. Những tác phẩm loại này có thể là những tiểu thuyết thế sự xuất sắc, nhưng không nên ghép vào hạng mục tiểu thuyết lịch sử, vì nó sẽ chông chênh về hiệu ứng thẩm mỹ khi đứng cạnh các tiểu thuyết lịch sử đích thực khác. 

Văn học và lịch sử có mối quan hệ mật thiết với nhau 

Trong mối quan hệ giữa nghệ thuật/ văn chương và lịch sử, quan điểm nhiều tác gia hiện đại cho rằng, lịch sử phục dựng quá khứ, nghệ thuật tái tạo lịch sử. Lịch sử bởi vậy không có khái niệm “hư cấu” nghĩa rộng như nghệ thuật .Văn chương , đặc thù tái tạo lịch sử bao gồm sự kiện lẫn con người có tâm lý có hành động có tính cách nên cho phép các tác giả được hư cấu để làm rõ con người và sự vật. Hơn nữa các tác giả với khoảng cách thời gian cần thiết của kinh nghiệm sống, bằng nhãn quan thấu suốt xuyên qua bề dày dữ kiện, nhìn lại lịch sử cần rút ra những bài học cho hiện tại. Hay nói một cách khác văn chương đề tài lịch sử có hai mục đích: nhận thức lịch sử và suy cảm về hiện tại. Chức năng hư cấu làm “mới” lịch sử đã được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến là để phục vụ cho các mục đích đó chứ không phải chỉ để hấp dẫn. Ở đây có thể nhắc lại ý kiến của cố GS Hoàng Ngọc Hiến, ông cho rằng với đề tài lịch sử, nhà văn không phải “kể” mà “viết” chuyện lịch sử. Kể thì y chang nhưng viết thì có thể thêm bớt sáng tạo theo ý đồ tác giả.  

Về vấn đề thứ nhất, nhiều tác giả đã chỉ rõ: trên cơ sở những biến cố lịch sử, nhà văn “viết truyện” bằng tưởng tượng sáng tạo bổ sung thêm những chi tiết mới để khắc hoạ rõ nét các chính biến, các hình tượng nhân vật chính diện cũng như phản diện. Đã nói đến nhân vật là phải nói tâm lý , tính cách, làm sống lại các nhân vật một thời tất yếu phải hư cấu. Văn chương đề tài lịch sử tái tạo chứ không chỉ phục dựng. Bức tranh bởi vậy gần giống “như thật”, nhưng có nhiều hiện tượng, chi tiết người và việc không là bản “phô tô” lịch sử, có thể thay đổi so với lịch sử, nó cần có cốt lõi cái bản chất lịch sử gắn với các cung bậc cảm hứng, cũng như nhận thức của cộng đồng“sự biểu hiện tư duy của một dân tộc dưới tất cả mọi hình thức và trong tất cả mọi phương thức…” (Hêghen - Mỹ học - Những văn bản chọn lọc - NXB KHXH Hà Nội 1996- tr173,176). 

Vấn đề thứ hai, cũng cần lưu ý làm rõ: nghệ thuât không chỉ nhằm tái hiện kể lại quá khứ mà còn dùng lịch sử làm cái cớ để soi chiếu những vấn đề thời nay “biến lịch sử thành những cái cớ để gửi đến con người hiện tại những thông điệp về giá trị đạo đức tinh thần” (Phan Trọng Thưởng - Mẫn cảm của người nghệ sĩ và chức năng dự báo của văn học - Báo Văn Nghệ số 29 ra ngày 17/7/2010). 

Nguyễn Đình Thi từng nói là khi viết các vở kịch lịch sử Giấc mơ, Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Tiếng Sóng ông thể hiện những vấn đề hằng suy nghĩ hàng chục năm về hiện tại: “Rừng trúc là vở kịch nêu vấn đề con người với quyền lực; Nguyễn Trãi ở Đông Quan nói về con đường xã hội và con đường tư tưởng của người trí thức Việt Nam. Tiếng sóng là câu hỏi khi một con người bỗng nhìn rõ sự thật của đời mình thì sẽ thế nào.”( Nguyễn Đình Thi - Chim phượng bay từ núi - Chuyên luận, trò chuyện, ghi chép của Hà MinhĐức - NXB Văn học, 2011.) 

Nói đến văn chương đề tài lịch sử (kịch, tiểu thuyết, truờng ca…) cần lưu ý các nhân vật lịch sử. Người anh hùng lịch sử, nhân vật chính diện trong văn chương, dạng thức tồn tại khá phong phú có nhiều hấp dẫn nhưng cũng lắm vấn đề bàn thảo. Trên cơ sở những sự kiện có thực, nhà văn bằng tưởng tượng sáng tạo bổ sung thêm những chi tiết để khắc hoạ đậm nét hình tượng các nhân vật lịch sử. Như trên đã phân tích, hình tượng người anh hùng quá khứ (nhân vật lịch sử) ngoài nhiệm vụ phản ánh lịch sử còn minh hoạ cho những tư tưởng hiện đại mà người nghệ sĩ muốn nhắn gửi với cộng đồng. Trong mối quan hệ giữa nhân vật lịch sử và nhân vật văn chương hiện đại đặc biệt là trong các loại hình tự sự thì người anh hùng lịch sử do yêu cầu nhận thức và đặc trưng thể loại người ta hay nói đến hai yếu tố xác thực và nhân tạo. Theo cách nói của M. Kundera, đặc trưng của “tư duy tiểu thuyết” khác tư duy huyền thoại trong tín ngưỡng và tư duy khoa học trong lịch sử, những phương thức này chủ thể và đối tượng có một khoảng cách, cái khoảng cách chiêm bái hoặc sao chép của chủ thể với đối tượng, tư duy tiểu thuyết thì “chủ thể đồng hoà vào đối tượng, đi vào mọi ngóc ngách tâm trạng, tính cách đối tượng, đối tượng là sản phẩm thuần tuý sáng tạo của chủ thể, các sự kiện chỉ là tư liệu”. Nhân vật cần dựa vào những yếu tố xác thực của lịch sử, nhưng phải có thêm những yếu tố nhân tạo do nhà văn sáng tạo ra thêm vào. Để xác thực, nhân vật cần được cởi đi lớp áo hào nhoáng giả tạo, xoá bỏ những thiên kiến, xoá bỏ sự ngợi ca một chiều, thái quá về các nhân vât lịch sử do giới hạn của nhận thức hoặc do những động cơ ngoài lịch sử một thời, trả lại ý nghĩa đích thực, cái chân dung gần gũi của họ trong đời sống thực, giữ vững“cái bản chất lịch sử”của họ. Còn phần nhân tạo có nghĩa là nhà văn có thêm những tình tiết về hoàn cảnh cũng như tâm lý, kể cả sử dụng những thủ pháp huyễn tưởng để có thể tô đậm tính cách nhân vật và gửi gẳm những thông điệp mới. 

Nó biện giải cho một loạt thủ pháp nghệ thuật thuộc phạm trù “tư duy tiểu thuyết” không phải bây giờ mới có mà đã được các nhà văn lớn thế giới cũng như trong nước thực hiện từ lâu. Các nhân vật anh hùng, các danh nhân trong tác phẩm của các nhà văn như A.Tônxtôi, V. Huygô, L.Tônxtôi, La Quán Trung, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi cũng như các nhân vật lịch sử trong nghệ thuật đương đại: Trần Thủ Độ, Lê Lợi, Hồ Quý Ly, Nguyễn Huệ..., bên cạnh cái lớn lao, còn miêu tả các khía cạnh tính cách đời thường, rất người là nằm trong hệ thống tư duy đó. Họ là những số phận cá nhân mà người đọc tiếp cận, đối thoại để rút ra những bài học trong đường đời, là gương sáng để yêu mến nhưng có lẫn cả sự cảnh tỉnh về những lỡ lầm của họ. 

Bằng chứng là hình thành những nhân vật nhuốm màu lịch sử 

Những năm gần đây, trong không khí đổi mới văn hoá, nhiều hiện tượng đã bị “đẩy” đi quá xa làm mất cái ý nghĩa đẹp đẽ, chân thực của lịch sử. Văn chương viết về đề tài lịch sử thôi không còn tô vẽ như cũ nhưng lại dựng nhiều chi tiết không trung thực, đi ngược lại bản chất các nhân vật, hình tượng đôi khi quá phóng túng làm mất nét đẹp thuần phong mỹ tục, vừa không thể hiện được tư tưởng mới của thời đại mà cũng giảm sút bản sắc dân tộc. Chẳng hạn, có tác giả biến Trần Nguyên Hãn, Trần Khắc Chung, Dương Vân Nga, Nguyễn Thị Lộ thành những kẻ phóng túng, say mê tình ái quên mất đạo lý, An Tư công chúa từ một nghĩa nữ hi sinh vì nghĩa lớn thành kẻ phản bội theo chân giặc. Điều cần lưu ý, từng phương thức văn hoá khi thể hiện người anh hùng có những đặc điểm riêng, tuy nhiên các nguyên tắc Chân, Thiện, Mỹ luôn phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các hoạt động dù sáng tạo nghệ thuật, biên khảo lịch sử hay tổ chức lễ hội. 

Lấy xưa để gửi gắm những ý tưởng ngày nay, đó chính là phương diện quan trọng của tính hiện đại mà tác phẩm mang lại. Chân thật lịch sử ở đây được hiểu là đúng với bản chất lịch sử chứ không chỉ là có thật trong lịch sử. Viết về lịch sử, văn chương có hai điều cần tránh: quá bám vào sự kiện lịch sử, chỉ là một cách nói có hình ảnh về lịch sử hoặc ngược lại, thả cho trí tưởng tượng đi quá xa, con diều văn chương đứt dây không còn ràng buộc gì với mặt đất. Viết về đề tài lịch sử, bởi vậy là một sự thử thách tài năng đối với các tác giả. 

(arttimes.vn)