Bàn thêm về con đường đưa tác phẩm văn chương đến với bạn đọc của các nhà văn Đà Nẵng

04.08.2024
Bùi Văn Tiếng
Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức Hội thảo Nhà văn và con đường đưa tác phẩm văn học đến với bạn đọc. Đọc kỷ yếu và trực tiếp nghe trình bày tham luận tại Hội thảo, có thể thấy con đường phổ biến nhất là đưa tác phẩm văn chương đến với bạn đọc qua cổng nhà xuất bản sách in - và hiểu rộng ra là ấn phẩm được phát hành, chẳng hạn như các nhật báo đăng tiểu thuyết feuilleton...

Bàn thêm về con đường đưa tác phẩm văn chương đến với bạn đọc của các nhà văn Đà Nẵng

Việt Nam đương đại đoản thiên tiểu thuyết tuyển gồm 22 truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam, xuất bản tại Bắc Kinh năm 2012.

Không phải ngẫu nhiên mà trong hơn mười tham luận gửi đến Hội thảo, có hai tham luận của những người đang làm nghề xuất bản sách in: Tham luận Nhà văn và con đường đưa tác phẩm đến bạn đọc nhìn từ góc độ nhà xuất bản của Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng Nguyễn Quỳnh Linh và tham luận Vai trò của cơ quan xuất bản trong việc đưa tác phẩm văn học đến với bạn đọc của Phó Trưởng Đại diện Nhà xuất bản Hội Nhà văn tại Miền Trung-Tây Nguyên Hồ Sĩ Bình.

Đưa tác phẩm văn chương đến với bạn đọc qua cổng nhà xuất bản sách in chính là cuộc hành trình của một bản thảo tác phẩm văn chương từ tay nhà văn đến tay biên tập viên nhà xuất bản, rồi đến tay kỹ thuật viên của nhà in, đến tay người bán sách của các nhà sách hoặc quy mô hơn là các công ty phát hành sách, đến tay thủ thư của các thư viện, và cuối cùng là đến tay bạn đọc (trong nhiều trường hợp sách in có thể trực tiếp đến với bạn đọc từ tay tác giả kèm theo lời đề tặng, không phải qua nhà sách hoặc công ty phát hành sách và thư viện). Xin nói thêm, trong thời buổi công nghiệp 4.0 hiện nay, bạn đọc có thể đọc sách mà không cần cầm sách in - nghĩa là không cần đến nhà in sách, thậm chí có thể đọc thẳng từ bản thảo sách của chính nhà văn.    

Tham luận Tiếp cận các nhà xuất bản và các nhà phát hành để bán một tác phẩm của nhà văn Lệ Hằng còn giới thiệu kinh nghiệm trong việc kêu gọi đầu tư từ các nhà xuất bản và các nhà phát hành nhằm đảm bảo nhuận bút thoả đáng cho sản phẩm lao động nhà văn đồng thời cũng để rút ngắn hành trình đưa tác phẩm văn chương đến với bạn đọc qua cổng nhà xuất bản sách in… Nếu không thành công trong việc kêu gọi đầu tư như vậy, nhà văn phải tự đầu tư để đưa tác phẩm văn chương của mình đến với bạn đọc - và không phải ngẫu nhiên mà trong tham luận Chúng ta phải hoà mình vào cuộc sống người khác, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã nhắc lại đề xuất chân tình của anh từ năm ngoái với Đại hội lần thứ V Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2023-2028 về phương thức chia sẻ gánh nặng tài chính đối với các trường hợp tự đầu tư này…

Đọc kỷ yếu và trực tiếp nghe trình bày tham luận tại Hội thảo, cũng có thể thấy con đường đưa tác phẩm văn chương đến với bạn đọc qua cổng nhà trường. Tham luận Vai trò của trường đại học trong việc lan toả giá trị văn học của Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngôn ngữ-Xã hội nhân văn thuộc Trường Đại học Duy Tân Hoàng Thị Hường đã nêu những cách nghĩ, cách làm đầy sáng tạo của thầy và trò Trường Đại học Ngôn ngữ - Xã hội nhân văn nhằm quảng bá các giá trị văn học - ở đây chủ yếu là từ những tác phẩm văn chương do nhà trường chọn lựa đưa vào chương trình dạy-học nội khoá và ngoại khoá. Một trong những cách nghĩ, cách làm ấy là việc quan tâm đến tâm lý học lứa tuổi trong văn hoá đọc, chẳng hạn như đã đặt vấn đề nghiên cứu giới trong Truyện Kiều hay chữa lành trong thơ Nguyễn Trãi… nhằm kết nối tư duy của các nhà văn trung đại với thế hệ bạn đọc là sinh viên Gen Z hôm nay.

Đến dự Hội thảo Nhà văn và con đường đưa tác phẩm văn học đến với bạn đọc còn có một số thầy cô giáo giảng dạy văn chương bậc trung học như hai cô giáo đến từ Trường Trung học phổ thông Huỳnh Ngọc Huệ huyện Đại Lộc, hay như thầy giáo Trần Đình Việt - tác giả tập tản văn Tản mạn trên dòng đời và bên dòng sông Yên do Nhà xuất bản Hội nhà văn vừa mới ấn hành hồi tháng 6 năm 2024…, vì thế mặc dầu không có tham luận riêng về việc đọc sách văn chương của học sinh trung học, nhưng tham luận của cô giáo Hoàng Thị Hường cũng tạo nên sự đồng cảm đối với các đồng nghiệp ở trường phổ thông. Thực ra các thầy cô giáo giảng dạy văn chương trong nhà trường - cũng như các nhà nghiên cứu phê bình văn học - trước hết cũng là độc giả. Có điều do đòi hỏi của nghề nghiệp, họ đã phấn đấu để trở thành những độc giả đặc biệt, những “cầu nối” giữa nhà văn với đông đảo công chúng văn học, trong đó trực tiếp là học trò của họ - công chúng văn học trong nhà trường.

Một đời viết văn, viết được một tác phẩm “khác người” và “khác với chính mình” là đã hạnh phúc; tác phẩm được xuất bản và đến được với người đọc, hơn thế nữa được dạy trong nhà trường, lại càng hạnh phúc, nhưng hạnh phúc nhất vẫn là tìm được tri âm trong số những độc giả của mình. Nhưng đúng như Lưu Hiệp - tác giả Văn tâm điêu long - từng nói: “Tri âm thực khó thay! Âm thực khó tri mà người tri âm thực khó gặp. Gặp được tri âm là sự nghìn năm có một[1]. Chính vì thế nhà văn luôn nuôi hy vọng tìm được tri âm trong số những độc giả bất kỳ của mình, nhưng hy vọng nhất là các tri âm hiếm hoi ấy lại là nhà nghiên cứu, phê bình văn học, là người giảng dạy văn chương trong trường học, bởi chính các tri âm độc-giả-đặc-biệt ấy mới có điều kiện lan toả rộng rãi thông điệp văn chương mà nhà văn đã ký thác trong tác phẩm.

…  

Đọc kỷ yếu và trực tiếp nghe trình bày tham luận tại Hội thảo, cũng có thể thấy con đường đưa tác phẩm văn chương đến với bạn đọc là các ca khúc phổ thơ như ca khúc Hành khúc ngày và đêm của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ bài thơ Ngày và đêm của nhà thơ Bùi Công Minh…, hay các bộ phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn chương như bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ tác phẩm văn chương cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - cựu học sinh Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng… Đặc biệt độ quảng bá càng rộng hơn khi tác phẩm văn chương Việt Nam được một nhà xuất bản nước ngoài chọn in vào tuyển tập, chẳng hạn như truyện ngắn Trầm của nhà văn Phạm Phát và truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của Đỗ Phước Tiến được hai dịch giả Điền Tiểu Hoa, Trình Tiêu Tiêu chuyển ngữ sang tiếng Trung, in trong Việt Nam đương đại đoản thiên tiểu thuyết tuyển (Truyện ngắn đương đại Việt Nam chọn lọc) gồm 22 truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam, do Văn Liên xuất bản xã - cơ quan xuất bản của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Trung Quốc - ấn hành tại Bắc Kinh năm 2012; hay như bài thơ Người đàn bà say của nhà thơ Mai Hữu Phước được dịch giả Yangsoo Bae chuyển ngữ sang tiếng Hàn và in trong tuyển tập thơ 시인 (Thi sĩ) gồm các bài thơ của 58 nhà thơ Việt Nam, xuất bản tại Busan năm 2022.

Tuyển tập Thi sĩ gồm các bài thơ của 58 nhà thơ Việt Nam, xuất bản tại Busan năm 2022.

B.V.T

[1] Lưu Hiệp (2007), Văn tâm điêu long (Trần Thanh Đạm và Phạm Thị Hảo dịch), Nhà xuất bản Văn học, trang 528.