Đề tài chiến tranh và người lính trong văn học hôm nay: Như thế và tại sao?
Đáng chú ý hơn, những cây bút trẻ viết về đề tài trên lại càng hiếm. Những người vẫn tiếp tục kiên định với đề tài từng có vị trí “điển phạm” đa phần thuộc thế hệ 4x, 5x. Sự vui mừng cho sức bút dẻo dai của các “lão tướng” trên văn đàn không đủ khỏa lấp cho sự lo lắng về một tương lai vắng bóng những tác phẩm viết về đề tài này, trước tiên là trên phương diện số lượng, nhưng quan trọng hơn là trên phương diện những đỉnh cao nghệ thuật thực sự. Ai trong số những cây bút thế hệ 8x hoặc 9x đang viết và được công chúng thừa nhận thực sự về đề tài này? Thật ít ỏi, thậm chí có thể “phũ phàng” hơn để nhận định là hầu như không có. Đương nhiên, một vài bài thơ cảm thán, ngợi ca, viết nhân chuyến du hành hay sự kiện thời sự, cuộc thi vẫn có, nhưng những thành tựu truyện ngắn, tiểu thuyết, trường ca có thể ngang tầm giai đoạn trước về đề tài chiến tranh và người lính thì thật khó điểm mặt chỉ tên.
Nguy cơ ấy dẫn đến một cảnh báo: Chỉ thời gian ngắn ngủi nữa thôi, khi những trưởng lão trên văn đàn khuất núi hoặc vì lí do sức khỏe không tiếp tục cầm bút nữa thì đề tài người lính và chiến tranh sẽ chìm vào lãng quên. Nhận định này dựa trên quan sát thực trạng đời sống văn học nước nhà khoảng hai mươi năm trở lại đây, chúng ta không có thành tựu đáng kể nào về đề tài từng đóng vai trò trung tâm này. Tác phẩm nào được viết trong hai mươi năm đầu thế kỉ XXI của những cây bút trẻ có thể tự tin đặt ngang hàng với những Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh viết năm 1987), Thời xa vắng (Lê Lựu viết năm 1986), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai viết năm 1991)? Nếu không trả lời được thì một câu hỏi khác lại đặt ra: Nguyên nhân nào đã dẫn đến hiện trạng ấy?
Trước tiên, xét về chủ thể sáng tạo, có thể nói những nhà văn thành danh cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI viết về chiến tranh và người lính đa phần là những chủ thể hoặc chí ít cũng là chứng nhân của cả hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mĩ. Xét về thành phần, do hoàn cảnh của lịch sử, tỉ lệ nhà văn là người lính trong chiến tranh (và vắt dài sang hậu chiến khoảng mười năm) luôn chiếm ưu thế so với thời bình, bởi đó là thời điểm lịch sử mà cả đất nước cùng ra trận, mỗi cá nhân không cống hiến ở tiền tuyến thì cũng đóng góp ở hậu phương. Quan trọng hơn, đề tài người lính và chiến tranh trong kháng chiến là nhiệm vụ chính trị, là nơi thể hiện lòng yêu nước, là ưu tiên số một của đời sống trí thức và đời sống nghệ thuật. Những tác phẩm được viết sau Đổi mới (1986) về đề tài này, theo những hướng tiếp cận mới, thực chất cũng là những vĩ thanh động vọng cất lên cách thời điểm diễn ra hai cuộc chiến chưa lâu. Nhưng nay, khi đất nước hòa bình đã hơn 40 năm, những vết thương dần liền lại, những đề tài mới của cuộc sống bộn bề thời mở cửa, hội nhập liên tục đặt ra mang tính cấp thiết đã thu hút sự trăn trở đối với nhiều nhà văn.
Xét về đặc trưng văn bản nghệ thuật, chiến tranh và người lính (trong chiến tranh) là hệ đề tài có thể dễ viết nhưng khó viết hay và viết thuyết phục, nếu nhà văn không trực tiếp trải nghiệm và là chứng nhân lịch sử. Văn chương bao giờ cũng là sự luyện kim giữa sự kiện thực tại mà nhà văn quan sát được với khả năng hư cấu, sáng tạo của người viết. Tuy nhiên, ở từng đề tài, thể loại cụ thể, mức độ và tỉ lệ giữa kinh nghiệm từ hiện thực với sự hư cấu có khác nhau. Nếu như thơ trữ tình, truyện trinh thám, truyện kinh dị… nghiêng về tính hư cấu, thì chính kịch, tiểu thuyết phong tục, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết tư liệu… lại nghiêng hẳn về tính chân thật, tái hiện hiện thực, đòi hỏi người viết phải có một vốn sống, vốn trải nghiệm, hoặc chí ít là một vốn tư liệu dồi dào. Thực tại, vốn sống về chiến tranh có lẽ những nhà văn trẻ (từ 8x trở đi) không thể có; những nhà văn lão thành đi qua chiến tranh cũng đã ở bên kia sườn dốc của văn nghiệp (đều đã trên 60 tuổi), những thăng hoa phát tiết thành lời (văn bản) của họ nếu có dường như cũng đã được trình làng. Thu thập tư liệu, nghiền ngẫm sử sách, phỏng vấn chứng nhân là cách duy nhất giúp những nhà văn trẻ tiếp tục viết về hệ đề tài này. Nhưng đó là một quá trình nhọc nhằn, gian nan, nhiều hệ lụy so với việc lựa chọn ngay một hệ đề tài gần gũi, thiết thân với hơi thở đương đại, nơi nhà văn trẻ hằng ngày trực tiếp trải nghiệm.
Sự viết về đề tài chiến tranh và người lính còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thử thách khác, mà chủ yếu là đã có quá nhiều điển phạm - những điển phạm được xây dựng dựa trên một hệ thống mĩ học, nguyên tắc nghệ thuật có tính hoàn bị, thống nhất, rắn chắc và hầu như khép kín. Một sáng tác mới, nhất là của những người cầm bút trẻ, phải là một thách thức với những điển phạm, những hệ thống mĩ học ấy, bởi nghệ thuật là sự cách tân, đổi mới chứ không phải là sự nối dài, tái bản. Nhưng việc đã có quá nhiều thành tựu (trong quá khứ) lẫn tính hoàn bị đến khép kín thành những điển phạm trong hệ thống mĩ học (làm chúng ta nhớ đến số phận long đong ngày mới ra đời của Nỗi buồn chiến tranh phải đổi tên thành Thân phận của tình yêu) đã tạo ra những thách thức lớn cho quá trình sáng tạo văn bản, cả cách đọc văn bản viết về đề tài chiến tranh và người lính. Khi đó, không có chuyện “đứng trên vai những người khổng lồ”, mà là nguy cơ bị đánh giá là “múa rìu qua mắt thợ”, “thầy bói xem voi” hoặc “chơi trội hơn quan thầy” trong sự viết.
Xét về chủ thể tiếp nhận, có thể thấy đây là nguyên nhân chính yếu làm cho văn học viết về đề tài chiến tranh và người lính thời gian qua không còn đóng vai trò trung tâm. Nghĩ cho cùng, mỗi tác phẩm văn học là một “đề án tiếp nhận”, một khi người đọc quan tâm nhiều đến những đề tài khác có tính thời thượng, thời sự, thậm chí “thời trang” như đồng tính, hình sự, huyền ảo, đời tư thế sự, mặc cảm tàn phế, tha hương, chấn thương… thì nhà văn tất yếu chịu sự quy định từ những nhu cầu khách quan ấy. Có một thực trạng, nhiều cây bút mặc áo lính đang nổi tiếng trên văn đàn hiện nay lại chủ yếu viết về những đề tài đang thời thượng như đồng tính, hình sự, tính dục, con người tha hóa… Họ có viết ít nhiều về người lính hoặc chiến tranh, nhưng có lẽ “thành tựu” nằm ở những nơi khác ngoài hệ đề tài này. Người đọc hiện đại đến với văn chương như một trò chơi, tính giải trí ngày một đề cao, trong khi đó, đề tài chiến tranh và người lính vốn nặng tính nhận thức, luận đề và giáo dục. Chính vì hiện trạng đó nên người viết phải chịu một áp lực không nhỏ cả về kinh tế lẫn sự thừa nhận từ phía người đọc khi lựa chọn viết về chiến tranh và người lính.
Mặc dù ý thức một cách cơ bản những nguyên nhân đã đẩy hệ đề tài chiến tranh và người lính từ trung tâm ra ngoại biên đời sống văn học, tuy nhiên chúng ta vẫn có cơ sở để không bi quan về chính hiện trạng đó. Bởi vì, nếu như đề tài chiến tranh và người lính là đề tài đặc biệt, thì sự tồn tại và chiếm vị trí trung tâm của nó cũng cần những hoàn cảnh và tâm thức đặc biệt. Thứ nhất, có thể nhận định rằng, mỗi giai đoạn đất nước đứng trước những nguy cơ sống còn liên quan đến vận mệnh, sự toàn vẹn của lãnh thổ, thì cảm hứng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng lại chiếm lĩnh văn đàn. Khi đó, tất yếu đề tài chiến tranh và người lính được lựa chọn như một ứng xử trí thức và thái độ nghệ thuật hết sức tự nhiên mang trách nhiệm công dân của nhà văn. Chẳng phải suốt thời trung đại kéo dài nhiều thế kỉ, nền văn học Việt Nam vẫn là sự “luân lưu” một cách biện chứng giữa cảm hứng nhân đạo, đời tư thế sự (thời bình) với cảm hứng yêu nước (thời chiến) đó hay sao.
Đất nước hiện nay đang ổn định và hòa bình, nhưng những nguy cơ, cả từ bên trong lẫn bên ngoài, đặc biệt là thách thức toàn vẹn lãnh thổ “nhìn từ phía biển”, đã khích lệ lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của nhà văn. Trong tâm thế đó, sự quy hồi của đề tài chiến tranh và người lính sẽ như một nhu cầu nghệ thuật tất yếu từ phía nhà văn, cũng như sự quan tâm, ủng hộ từ phía người đọc như một ứng xử biểu hiện tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc. Thứ hai, thực chất, xem xét một cách toàn diện, văn học viết về đề tài người lính và chiến tranh thuần nhất theo hệ thống mĩ học có tính “điển phạm” đã bộc lộ dấu hiệu nghèo nàn, một số tác phẩm đương đại đã có những cách tân nhằm dung hợp vào đề tài chiến tranh và người lính những hệ đề tài phong phú khác như: bi kịch cá nhân, thân phận con người và dòng họ, phong tục, lịch sử, luận đề… Đọc những tác phẩm như Đội gạo lên chùa, Mẫu Thượng Ngàn (Nguyễn Xuân Khánh), Biết đâu địa ngục thiên đường (Nguyễn Khắc Phê), Vùng sâu (Tô Nhuận Vỹ), Mình và họ (Nguyễn Bình Phương), Xác phàm (Nguyễn Đình Tú)…, chúng ta có thể thấy đề tài chiến tranh và người lính đã được đặt song hành, xuyên thấm bên cạnh những đề tài khác, với một cảm hứng mĩ học mới: nhiều chiều hơn, chú trọng con người cá nhân và bi kịch cá nhân hơn, xây dựng con người đa diện hơn, sẵn sàng nhìn thẳng vào những hạn chế trong quá khứ.
Đề tài có thể mang tính truyền thống và sự xuất hiện của đề tài trong lịch sử văn học có thể mang tính chu kì, nhưng thuộc tính sáng tạo, cách tân và đáp ứng quan niệm giá trị, thị hiếu thời đại là một đòi hỏi có tính tất yếu. Do đó, không ai có thể “hai lần tắm trên một dòng sông” về những nguyên tắc mĩ học trong sáng tạo, một khi kĩ thuật viết, những thủ pháp nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật về con người, trình độ và thị hiếu thẩm mĩ của người đọc… đã thay đổi. Vì những lẽ đó, phải chăng đã đến lúc chúng ta sẵn sàng và kiên nhẫn với những thể nghiệm trong văn chương viết về đề tài người lính và chiến tranh. Bởi sáng tạo đích thực, suy đến cùng, là quá trình giải điển phạm, thách thức với những khuôn khổ về mặt thể loại, nhận thức, thẩm mĩ nhằm xác lập những giá trị của riêng mình, những điển phạm mới thách thức và mời gọi những tác phẩm viết sau phải vượt lên. Thứ ba, không có một thứ gọi là “mode” trong xu hướng lựa chọn đề tài văn học. Sự quay trở lại một cách rực rỡ, nhiều thành tựu của đề tài lịch sử nhằm cắt nghĩa, đánh giá quá khứ hoàn toàn có thể diễn ra trong phối cảnh hậu hiện đại. Vật cực tắc phản. Chẳng phải cho đến nay, những đề tài như đồng tính, vong thân, bản năng tính dục, sự tha hóa của con người… cũng đã dần bão hòa và người đọc có xu hướng quay lại với những đề tài truyền thống như lịch sử, phong tục, luận đề… đó hay sao.
Do vậy, đến một độ lắng nhất định, chờ đợi một sự trầm tích tư tưởng, mĩ học kết tủa, và cả những đổi mới trong nguyên tắc đánh giá thẩm định của giới nghiên cứu phê bình lẫn những thiết chế quản lí, tin rằng những nhà văn thế hệ 8x trở đi (đóng vai trò nòng cốt) cùng những nhà văn cựu trào sẽ có một cách nhìn nhận mới, suy tư mới về chiến tranh và người lính. Văn học viết về đề tài người lính và chiến tranh sẽ dần trở lại trung tâm, nhưng đó là một trung tâm tồn tại bên cạnh và kết hợp với nhiều “trung tâm” khác, với một hình thức nghệ thuật và quan niệm thẩm mĩ mới trong thời hậu hiện đại.
Suy cho cùng, chiến tranh và người lính chính là đề tài tôn vinh, đề cao lòng yêu nước và công cuộc bảo vệ đất nước. Mà yêu nước và giữ nước thì thời nào cũng quan trọng. Viết về người lính và chiến tranh không phải là hoài niệm một quá khứ hào hùng đã trôi qua, là trả ơn tiền nhân, mà đó chính là thái độ ứng xử với cái đương đại, quan trọng hơn, là trách nhiệm công dân đối với tương lai và vận mệnh của dân tộc.
(vannghequandoi.com.vn)