Vạt cải hình chữ nhật - Nguyễn Thị Anh Đào

03.12.2019

1
. Nắng sớm rơi vào đám cỏ mật ven bờ biển tạo nên những đợt ánh vàng sóng sánh. Từ trên boong tàu nhìn xuống, Ninh cảm nhận được nhịp sống  bình yên trên đất liền. Bàn chân Ninh luống cuống bước thật nhanh để tới ngay con đường vòng cung bao quanh bờ biển. Mỗi lần về tới đất liền, Ninh đều bỏ lại mọi sóng gió biển khơi ngay trên mạn thuyền. Khi chiếc neo được thả xuống, Ninh chỉ đợi có thế rồi ào xuống, men theo tấm ván kê sẵn để xuống thuyền. Anh tháo giày, để chân trần lạo xạo trên cát.

Vạt cải hình chữ nhật - Nguyễn Thị Anh Đào

Cảm giác sảng khoái, dễ chịu cứ thế trượt tới, cát vừa nâng bước chân anh vừa xoa dịu những nhọc nhằn của biển. Bất giác anh nhìn lên bầu trời, bắt gặp những đám mây mang màu xám tro bay ngang trước mắt. Đôi chú chim đang vội tìm đến những không gian riêng phía sau công viên biển. Những ngày trên đảo đối với Ninh, sáng sớm nhìn mặt trời mọc từ lênh láng đại dương, chiều tối lại dong mắt về đất liền, tưởng tượng ra khung cảnh đủ đầy người thân với tiếng nói cười giòn tan, thèm cảm giác bữa cơm gia đình đầm ấm. Ai công tác xa nhà mà không thế. Nhưng có lẽ với Ninh, nỗi ám ảnh đeo bám anh bao năm qua chính là vạt cải hình chữ nhật ven đường tàu, ngay trước ngôi nhà ông Huấn với những kỷ niệm về mẹ. Nơi đó ký ức của anh được ghép lại không đủ đầy mà luôn luôn thiếu, bởi ông Huấn ít khi kể cho anh nghe về mẹ anh. Ông như một người hàng xóm tốt bụng. Chỉ có vậy.

Anh vẫy xe thồ về thăm ông Huấn. Lúc nào cũng vậy, từ ngày mới nhập ngũ, mỗi khi đơn vị cho về đất liền hoặc cử đi tập huấn dăm bữa nửa tháng ở đất liền, anh đều tranh thủ về thăm ông Huấn và các cô ở trung tâm bảo trợ xã hội. Còn bây giờ, khi đã trở thành một sỹ quan quân đội, mỗi khi lòng cần bình yên, Ninh lại tìm cách quay trở lại đứng tần ngần trước ngôi nhà có giàn hoa thiên lý và những ô cửa màu xanh. Ninh ngắm mãi không rời vạt cải đang mùa hoa vàng ươm, những chú ong bé xinh đang tìm mật quanh những bông cải vàng bé xíu. Trời cuối xuân vẫn còn những đợt lạnh thổi hắt về bên vạt cải. Ông Huấn vẫn ngồi đó, nhặt những cọng cải vàng như đo đếm thời gian.

Trước ngôi nhà có ô màu xanh là khoảng ký ức thơ dại còn sót lại trong Ninh. Nhưng những niềm vui ngày đó vẫn vẹn nguyên, thuần khiết. Ninh tưởng chừng đã đánh mất những chùm ký ức đẹp đó, đúng hơn là gánh nặng của nỗi lo cơm áo hàng ngày của một cậu bé sớm mồ côi mẹ, chập chững bước vào đời và trưởng thành từ trung tâm bảo trợ xã hội đã phần nào làm thay đổi con người Ninh. Mẹ Ninh là người đàn bà khổ hạnh không có ký ức với căn bệnh đãng trí. Mãi tận sau này, khi đã trưởng thành, Ninh mới có thời gian tìm hiểu về quá khứ của mẹ. Ninh mới biết bà bị căn bệnh này từ khi còn trẻ. Đến khi lớn lên, bệnh càng nặng hơn, bà làm đâu, để đó, nói đâu, quên đó. Chính nỗi bất hạnh đó của mẹ đã dự phần chính trong việc có mặt trên đời này của Ninh. Bà không kịp nói cho Ninh biết cha của Ninh là ai. Bà rời quê sau khi biết mình mang thai và trôi dạt vào thành phố này trên một chuyến xe lam. Mẹ Ninh đã may mắn khi gặp được bà Huấn và theo bà Huấn về nhà. Sự có mặt của bà làm cho gia đình ông bà Huấn có thêm nỗi bận rộn, bữa ăn thêm chén đũa, giấc ngủ thêm tấm chăn. Ông Huấn đã bàn với vợ việc nới thêm phần đất còn lại phía sau nhà một căn phòng nhỏ. Lý do được ông bà Huấn đưa ra về việc cưu mang mẹ Ninh chỉ đơn giản là tình đồng hương, cùng sinh ra trên vùng quê đó, cùng một giọng nói, cùng một nỗi niềm tha phương.

Suốt những năm tháng tuổi thơ của Ninh, thỉnh thoảng đêm đêm mẹ vẫn ôm Ninh vào lòng và khóc. Rồi bà hát ru Ninh ngủ bằng đôi câu ca dao chắp nối. Hôm qua tát nước đầu đình, bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen, em được thì cho anh xin, hay là em để làm tin trong nhà…áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu…”. Lời ru của bà lịm buồn, lọt thỏm giữa mớ hỗn tạp âm thanh của cuộc sống và tiếng còi tàu đêm đêm đi qua xóm nhỏ. Đó là những tình cảm ít ỏi nhất từ mẹ mà Ninh được nhận khi còn thơ bé. Căn phòng nhỏ sau nhà ông Huấn là nơi Ninh được sinh ra, và đó cũng là nơi Ninh nhìn thấy mẹ mình lần cuối. Bà rời bỏ cuộc đời khi Ninh còn là một đứa trẻ.Chưa ý thức được những mất mát lớn lao đó của cả cuộc đời. Đó là một ngày đầu đông, bà lên cơn sốt, ho khản giọng. Hôm đó bà được ông Huấn và mấy người hàng xóm đưa vào bệnh viện. Chỉ mấy ngày sau bà qua đời. Lúc đó Ninh còn nhỏ, không biết rằng những hình ảnh bà lên cơn ho sặc sụa, mắt đờ đẫn, đôi tay gầy rộc nổi từng đám gân xanh là những hình ảnh cuối cùng của mẹ. Ninh còn quá bé để hiểu rằng rồi đây anh chỉ còn lại một mình đơn độc trong cuộc đời. Ngày ông Huấn đưa Ninh tới gặp mấy cô làm ở một trung tâm bảo trợ xã hội, cũng là lần đầu tiên Ninh biết mình là đứa trẻ mồ côi. Chỉ có ông Huấn thi thoảng lại tìm gặp Ninh trong trung tâm, mua cho Ninh lúc thì bộ quần áo mới, khi thì đôi giày hoặc mấy loại trái cây mà hồi bé anh thích ăn. Nhưng quà tặng mà ông Huấn dành cho Ninh nhiều nhất vẫn là sách. Đó là những tập truyện cổ tích, những bộ văn học nổi tiếng của ViệtNam và thế giới. Tất cả đều là sách cũ, ông mua về rồi bao gói lại cẩn thận. Cũng nhờ những cuốn sách cũ màu thời gian đó mà Ninh học thêm được rất nhiều điều bổ ích.

 

Ninh chỉ còn một người thân duy nhất là ông Huấn.

 

Khi Ninh đủ tuổi đi nghĩa vụ quân sự, cũng chính ông Huấn động viên Ninh tự nguyện nộp đơn, xung phong ra đảo làm nghĩa vụ quân sự. Đàn ông sức dài vai rộng, biển khơi sẽ dạy cho con người lòng bao dung, tính quyết đoán và sức bền. Ông Huấn muốn Ninh vượt qua chính mình để trở thành một người có ích trong xã hội. Ông dạy Ninh về ý thức tồn tại, dù sinh ra trong bất cứ một hoàn cảnh nào, vẫn phải sống cho đàng hoàng, cho đáng mặt đàn ông.

-         Con về bao giờ sao không cho ông hay? Ông Huấn hỏi đánh tan dòng suy nghĩ của Ninh

-         Dạ, con về được một lúc rồi, thấy ông mải mê chăm vạt cải nên con…

-         Con về được mấy hôm?

-         Dạ con nghỉ phép được hơn tuần, con định thưa với ông chuyện này

-         Vào nhà đã con.

Ông Huấn đứng lên, Ninh theo ông vào nhà. Căn nhà vẫn mang mùi hương cũ. Trên bàn chưng lọ hoa hồng còn đọng đầy sương sớm. Góc tường phía phòng khách treo tấm chân dung đen trắng thời trẻ của bà Huấn. Ông Huấn từ dưới bếp lên, lau vội tay vào chiếc khăn màu rêu:

-         Con định nói với ông điều gì? Ông Huấn trông ngóng trong câu hỏi đó

-         Con định cải táng mộ mẹ và hỏa táng, con định mang mẹ theo…

-         Nhưng mẹ con ở đây, còn có ông hương khói đỡ cô quạnh. Người chết mà cô quạnh sẽ buồn lắm. Con thì lênh đênh trên sóng nước, biết bao giờ dừng chân.

-         Nhưng con có những giấc mơ về mẹ, khủng khiếp. Con bị ám ảnh bởi đôi mắt mẹ. Mẹ cứ gào gọi tên con, đôi tay chới với, mái tóc rối bù. Con sợ.

Chỉ nói đến vậy, vai Ninh run lên, anh khóc thành tiếng. Ngoài khung cửa màu xanh có đôi chim sẻ non vừa rời tổ ấm đang vòng quanh tìm mẹ. Tiếng lá vàng loạng choạng bay trong không gian. Những sợi dây tóc tiên buông xuống như những sợi tơ trời. Trong ngôi nhà của ông Huấn, hai người đàn ông một già một trẻ trôi trong lặng im. Tiếng gõ tích tắc của chiếc đồng hồ cũ vang lên rất rõ. Mắt người đàn ông già cũng nhòe đi, ông vỗ vai Ninh an ủi:

-         Ý con đã quyết vậy thì hãy làm như thế. Để chiều nay ông chuẩn bị mọi thủ tục cho con.

-         Nhưng từ hồi đó tới giờ, ông chưa bao giờ cho con biết mộ mẹ con ở đâu?

-         Mẹ con ở đây!

Theo sau ông Huấn ra vạt cải vàng. Ninh loạng choạng khi đôi chân suýt không đứng vững. Mọi thứ diễn ra đột ngột quá đối với anh chăng, hay từ lâu lắm rồi nỗi ám ảnh trong anh là thật?

Những câu hỏi đó bám lấy anh và buộc anh phải giải thích với chính mình. Vạt hoa cải đó hình chữ nhật!

Vậy là điều anh day dứt bấy lâu đã trở thành sự thật. Đây chính là nơi mẹ anh nằm. Bao năm rồi bà đã lặng yên bên ngôi nhà mang theo ký ức non trẻ của Ninh. Điều lạ nhất là sao hồi đó bà con trong xóm lại muốn chôn cất bà ở đây. Một xóm nhỏ nghèo mà giờ sắp trở thành một khu vực sầm uất của thành phố. Qua nhiều lần chỉnh trang đô thị, nhiều công trình xây dựng lớn mọc lên, đường xá mở rộng, vậy mà xóm nhỏ này vẫn còn vẹn nguyên. Ngôi mộ của mẹ Ninh vẫn nằm ở đó. Được san bằng phầm chóp mộ. Việc đánh dấu phần mộ của bà chỉ có ông Huấn rõ nhất vì ông đã tự tay trồng lên đó một vạt cải vào cuối mùa đông, trước khi mùa xuân về. Vạt cải trổ bông hết cả mùa xuân, đến những ngày oi nồng mùa hạ mới chịu tàn. Các con của ông Huấn cũng vì tôn trọng và thương cha nên cứ để ông vui với những điều ông làm, không ai có ý kiến gì. Phần vì tuổi trẻ bây giờ ai cũng tất bật kiếm sống. Phần vì tuổi ông Huấn bây giờ, nếu không làm vườn, không chăm cây cảnh, trồng hoa, thì cũng không có việc gì phù hợp. Khi ông Huấn đưa bàn tay có nhiều vết đồi mồi để rạp từng cây cải, trước mắt Ninh, ngôi mộ hiện lên. Màn đêm buông đầy xóm nhỏ.

 

2. Giữa rất nhiều xúc cảm đan xen, Ninh không thể ngủ. Mùi hương quen cứ vây lấy căn phòng nhỏ. Giữa những thực hư của màn đêm và ánh trăng bắt đầu len qua ô cửa nhỏ. Hình như dáng mẹ anh hiện về. Lung linh, ảo huyền. Mái tóc, Ninh ấn tượng mãi với mái tóc dài đen của bà. Mái tóc như những sợi thời gian cuốn lại, thắt lại từng khoảnh khắc cuộc đời. Hình như bên tai anh vẳng lại tiếng hát ru ngày xưa của mẹ. Anh quyết định sẽ không thực hiện ý định đã bàn với ông Huấn sáng nay rồi cố nhắm mắt để dỗ dành giấc ngủ muộn...

 

3. Ninh nhận được điện báo từ trực ban báo có người nhà ra đảo thăm anh. Ninh không nghĩ đó là ông Huấn. Kể từ hôm nghỉ phép đó đến bây giờ, anh ít về đất liền. Phần vì công việc, phần vì anh đã toại nguyện được ước mong bấy lâu khi hiểu được phần nào về mẹ mình. Lời dặn trước lúc tiễn anh trên bến tàu của ông Huấn cứ vẳng mãi bên tai anh, phải sống bằng hai cuộc đời và phải luôn ngẩng cao đầu để sống. Sức trai không để phí đi dù phải sống trong bất cứ một điều kiện, hoàn cảnh nào. Sống phải đáng mặt đàn ông. Đôi khi anh mỉm cười một mình khi nghĩ về những lời căn dặn đó trong những phiên gác một mình trên đảo. Anh đã vững vàng hơn và không còn chạnh lòng khi nghĩ về gia đình, về mẹ. Bốn bề đều sóng nước, chỉ có gió luôn là người bạn thì thầm bên tai anh đủ mọi cung bậc của tâm hồn. Chỉ có sóng mới hòa âm dùm anh những dòng xúc cảm của lòng biết ơn.

Ông Huấn ra đảo lần này cũng là lần trở về với một thời trai trẻ. Lần đầu tiên sau hơn 35 năm ông mới trở lại nơi này. Không ai biết rằng ông là người đã vẽ lại bản đồ của hòn đảo này bằng trí nhớ của những tháng năm sống và chiến đấu nơi này. Không ai biết rằng đôi chân ông từng rướm máu vì san hô trên đảo. Không ai biết rằng, một phần cơ thể ông đã hy sinh vì hòn đảo này.

Còn Ninh, cuộc hội ngộ trên đảo với người cha tinh thần như một phép màu giữa cuộc sống tất bật của hiện tại.

Đêm trên đảo, Ninh và ông Huấn ngồi tâm sự từ khi những ánh đèn của ngư dân trên các tàu thuyền đánh bắt xa bờ bắt đầu đỏ đến tận khuya. Khi bình minh trải vàng biển đảo, ông Huấn mới mở hành lý:

 

- Ông mang mẹ ra với con đây. Ông Huấn nói và đẩy chiếc lọ màu huyết dụ được gói cẩn thận bằng vải thô trắng về phía Ninh. Xóm nhà mình được quy hoạch rồi. Tất cả các hộ dân trong xóm mình đều phải di dời về một khu tái định cư mới. Ông đã cải táng mộ mẹ con và mang bà ra đây với con. Mẹ con không phải bị bệnh đãng trí, mà mẹ con từng là thanh niên xung phong, bom đạn chiến tranh đã cướp đi một phần minh mẫn của bà. Ông không nói cho con biết sớm, vì ông nghĩ rằng, người nói cho con nghe mọi điều về mẹ con, phải là cha con. Ông Huấn lau nước mắt và đưa cho Ninh tờ giấy - Đây là địa chỉ của nơi cha con đang ở…

 

4. Tôi gặp Ninh trong một chuyến công tác tại Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người có công với cách mạng của thành phố khi anh đang chăm sóc ông Chín Thăng. Nhiều cụ già ở đây đã kể lại cho tôi câu chuyện cảm động này của ông Huấn, là người anh kết nghĩa với ông Chín. Trong ký ức của người già, bao giờ quá khứ cũng mang theo những điều giản dị. Nhưng chính những điều giản dị đó lại mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc về con người, cuộc đời. Và quá khứ đó, lại là những trang sách hay nhất mà tôi may mắn được đọc bằng những trang đời thật.

Cuộc sống nối tiếp như một phép màu khi mỗi người không bị cuốn trôi bởi những tham vọng tầm thường. Nhưng đã sinh ra trên cuộc đời này, trời ban cho mỗi người một số phận. Tình yêu trong cuộc đời này cũng thế. Ký ức là những điều đáng trân trọng và quý giá, hiện tại là cuộc sống thực của mỗi người, và tương lai là những điều hôm nay không thể chạm tới, không thể biết trước.

Cuộc hội ngộ của cha con ông Chín cũng diễn ra đúng ngày động thổ Dự án xây dựng Khu chứng tính chiến tranh của thành phố. Nhiều người ngạc nhiên vì sao có ba người, một trẻ, hai già, cùng ở trong một màu áo, lại có mặt trong lễ động thổ long trọng có đông đủ quan chức địa phương tới dự. Nhưng Ninh thì biết rằng, cả ba người chính là những nhân chứng sống. Trong quy hoạch của công viên Khu chứng tích, có những khu đất được phác họa hình chữ nhật và trồng hoa cải vàng. Màu vàng như nắng tháng Ba.

N.T.A.Đ