Gió xanh - Truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa
Nhà tôi ở trong thung lũng. Nhiều năm trước, khi tôi còn là một cô gái nhỏ, vùng tôi ở được chứng kiến một sự lạ thường.
Hôm ấy là một ngày hè. Vào lúc hoàng hôn, có tiếng ù ù vọng lại từ phía chân trời. Không ai rõ là tiếng gì, trời vẫn trong xanh, lơ thơ vài cụm mây bông. Khi âm thanh lạ ấy tràn qua đồng cỏ ven hồ về đến dãy đồi dẫn vào xóm tôi, mọi người nhận ra tiếng gió và những tiếng kêu thét nổi lên. Ai nấy đều kinh hãi.
Gió gì mà lại có màu, một màu xanh lam đẹp không thể tưởng tượng nổi. Trong chốc lát nó nhuộm biếc mấy trái đồi khô cằn rồi ào ạt phết màu lên những rặng cây, mái nhà. Đi tới đâu gió hiện rõ hình thù tới đó, vừa đổ màu một cách hoang phí khắp núi đồi thung lũng vừa phát ra những tiếng ngân rất mỏng như khi ta búng vào một chiếc lọ pha lê.
Lúc đó tôi đang đứng ở hiên nhà. Chùm chuông gió reo lên lanh lảnh và cánh cửa sổ cũ kỹ bằng gỗ dẻ mở ra đóng lại liên hồi. Nhìn thấy gió cuồn cuộn thốc vào, tôi hoảng hốt đánh rơi cái gàu múc nước. Gió trườn qua tôi mỏng tang, xanh biếc. Thoảng trong gió một mùi thơm rất nhẹ, sâu kín như mùi của loài hoa dại trên núi chín năm mới nở một lần.
Đêm ấy dân các xóm đổ cả ra đường. Cảnh đẹp đến mức không ai ngủ nổi. Suốt đêm, gió thổi một màu xanh huyền ảo vào vườn tược, chuồng trại, biến mọi thứ nhếch nhác, xập xệ thành chốn thần tiên. Trăng lên, to tròn và trắng bệch mắc trên ngọn cây dạ huyền, màu nguyệt bạch của trăng càng làm ma mị hơn màu xanh của gió. Cho đến sáng, một hương thơm kỳ lạ vẫn quấn quyện trong khắp các khu vườn, khe lũng, lẫn trong hương thôn dã của đất cùng trăm thứ mùi ngan ngát của muôn hoa.
2
Một cuộc họp bất thường bàn về gió lạ được triệu tập tại ủy ban xã ngay trong ngày hôm sau. Những người từng trải và có học trong vùng được mời đến. Tuy phấp phỏng lo sợ một tai họa ghê gớm nào đó sẽ tới, ai cũng thừa nhận gió đẹp đến mê hoặc lại có mùi thơm, một thứ hương lạ không giống hương của bất cứ loài cỏ cây nào mọc trong thung lũng.
- Có thể nó đến từ một nơi rất xa trên trái đất, đi qua một thảo nguyên nhiều hoa lạ và mang theo đến đây cả những mùi hoa này. - Ông giáo già, được kính trọng vì là người duy nhất trong vùng sở hữu một chiếc phong cầm cũ rích, cùng tủ sách mối mọt ố vàng, phỏng đoán.
Giả thiết này được nhiều người chấp nhận. Ông giáo mỉm cười mãn nguyện:
- Tôi cho rằng đây là một thứ gió cổ còn sót lại ở Âu châu thế kỷ mười bảy. Nó thổi suốt từ đó đến nay và giờ mới tới Việt Nam. Trên đường đi nó bị vướng quẩn ở đâu đó, có thể là dãy Hi Mã Lạp Sơn, nên đổi hướng và đến chậm thế này.
Ý tưởng vĩ đại của ông giáo đã vượt ngưỡng mong đợi của mọi người. Lão này đọc nhiều nên ngộ chữ - ai đó nói vậy. Chả có cái thứ gió nào thổi suốt từ thế kỷ mười bảy đến giờ. Ông giáo chưng hửng, xẹp xuống như một con gián đất.
Cuộc họp kéo dài tới lúc gian nhà quánh đặc vì khói thuốc lào. Đứng nấp sau cánh cửa nghe trộm, lũ trai gái trẻ chúng tôi cũng bồn chồn. Ai cũng tỏ ra mình khôn ngoan hơn người khác, nhưng điều bí ẩn nhất - vì sao gió có màu xanh - thì từ thông minh đến ngu đần, không cái đầu nào giải mã nổi.
Chủ tịch xã ra chiều tư lự. Mặt nhàu nhĩ như quả trám khô, ông yêu cầu mọi người phải bình tĩnh, chờ thêm ít ngày nữa xem diễn biến của gió thế nào.
Trong khi ấy, ở bên ngoài, gió vẫn thổi, không ngừng xanh và không ngừng phảng phất thơm.
Buổi sớm, gió mềm như một hơi thở nhẹ, màu xanh lơ.
Về trưa gió đặc hơn, màu xanh dương. Ngồi trong nhà, tưởng chỉ cần quờ tay ra ngoài là vơ được một nắm gió xanh óng ánh. Ở những chỗ nhiều nắng nhất, có thể thấy rõ từng tảng gió trong veo, lướt thướt trôi như sóng biển. Mặt trời lên cao, gió ngả sang màu xanh biếc.
Khi hoàng hôn buông xuống, gió chuyển màu xanh lam. Đây là thời gian lộng lẫy nhất của gió.
Lác đác có những người từ tỉnh thành tìm về thung lũng của chúng tôi để chiêm ngưỡng gió lạ. Họ ở trong những cái lều cắm tạm bợ bên hồ, ăn cơm nắm và uống bia Tàu, tới lúc chiều tàn thì nhổ lều chất lên xe máy Simson, ra đi một cách vội vã.
Một cán bộ khoa học cũng đến vùng tôi để nghiên cứu gió. Người ấy mang theo một cái máy lạ hoắc, gọi là máy phân tích quang phổ, trèo lên ngọn đồi cao và ở lì trên đó. Nghe nói người ấy đã nhét được gió vào một cái bình thí nghiệm và xắt ra thành từng miếng để soi. Sau hai ngày, ông ta biến mất một cách bí hiểm.
Chủ tịch xã càng thêm tư lự. Ông cử người đi sang những vùng bên kia hồ nước mênh mông để hỏi xem gió lạ đến từ phương nào. Những con thuyền lẻ loi ra đi rồi trở về. Họ nói rằng: ở những vùng lân cận không hề xuất hiện loại gió này. Có gia đình đánh cá thấy nó hun hút thổi qua mặt hồ, nhưng xuất phát từ đâu, không ai biết.
3
Gió xanh thổi trong vùng đồi lũng của chúng tôi suốt mùa hè năm ấy.
Sau những ngày lo âu sợ hãi, mọi người dần tin đây là thứ gió vô hại, hiền lành. Trong vùng không ai chết cả. Gia súc vẫn nhởn nhơ gặm cỏ trong thung lũng, cá quẫy trên hồ, hoa mạc thi long lanh trắng khắp đồi và búp cọ vẫn vươn dài như kiếm nhọn giữa rừng xanh. Chỉ có một điều huyền bí, ai cũng cảm thấy mà không ai lý giải nổi, là trong gió có một cái gì đó khiến người ta xốn xang, náo nức lạ thường.
Giữa cái thời điện đóm truyền hình chẳng có, đêm nào cũng chỉ là phép cộng nhàm tẻ của trăng nhạt và tiếng chó cắn suông, cuộc sống ở vùng tôi đột nhiên biến thành ngày hội. Từ sáng đến chiều, gió xanh chan chứa khắp đồng bãi núi đồi, đẹp đến trêu ngươi, và khi ánh tà rụt rè buông, dân các xóm hối hả lùa bò lùa dê về chuồng, thồ củi thồ măng về kho, nhà nào cũng muốn ăn bữa tối đạm bạc cho nhanh để rảnh rang đón một bữa tiệc hấp dẫn hơn: bữa tiệc mắt. Đêm xuống, gió cuồn cuộn tràn qua các ô cửa khiến râu tóc mọi người trong nhà xanh lét như yêu quái trong những truyện hoang đường, bọn trẻ nhìn ngộ nghĩnh như được vớt ra từ lọ dung dịch xanh methylen và với đám thanh niên đang thích làm đỏm chúng tôi, màu gió xanh đã làm lung linh cả những khuôn mặt ngày thường xấu xí nhất.
Và không biết từ khi nào, mọi công dân trong vùng đã đồng loạt mắc một căn bệnh mà không ai nghĩ là nguy hiểm: bệnh yêu đời.
Mùa hè năm ấy cả vùng gần như không ngủ. Trai gái dắt nhau ra hồ chơi đến sáng, người lớn rì rầm nói chuyện trong các ngõ xóm, khu vườn. Tiếng đàn guitar bập bùng suốt đêm bên hồ, tiếng sáo réo rắt đến khuya trên đồi và tiếng đàn bầu nỉ non tới sáng trên sân nhà. Xóm nào cũng phơi phới, tưng bừng không khí carnaval. Ông giáo già xóm tôi mê mải làm thơ, chủ đề chính là ca ngợi gió xanh, thơ được nhét vào những cái chai đậy kín thả xuống hồ, nhờ sóng mang đến những miền xa thông điệp về “đệ nhất kỳ quan đất nước”. Bị ông giáo lôi kéo, chị chủ nhiệm hợp tác cũng chí thú làm thơ, rồi anh đốt gạch, cậu hớt tôm riu, rồi cả vùng, người kiên trì khai thác thể tự do, người ráo riết tấn công vào lục bát. Ai cũng phát hiện ra miếng ăn là chuyện vớ vẩn tầm thường, đời sống tâm hồn mới là quan trọng. Mẹ tôi bảo: “Đói thế nào tao cũng chịu được. Non nước mình đã bao giờ đẹp thế này chăng?”. Bố tôi nói: “Nhìn thấy gió xanh là sướng mắt rồi. Những ngày tao sống đây là ngày đẹp nhất”.
Chẳng ai ngờ được chỉ sau thời gian ngắn, gió lạ đã mang đến vùng tôi một cuộc cách mạng về tâm hồn. Trong khi bệnh yêu đời chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm thì một căn bệnh khác lại âm thầm xuất hiện: bệnh trong sáng.
Người dân vùng tôi ngày đó sống rất hoang dã. Nứt ra giữa trập trùng đồi núi, thung lũng là cái chảo chứa đựng mọi tính xấu của con người. Tiếng chửi nhiều hơn tiếng chim, và đánh lộn đôi khi được coi như trò tiêu khiển. Đêm đêm, cáo từ đồi hoang mò mẫm về xóm bắt gà cũng là lúc người rình rập bên chuồng gà, chờ chủ nhà ngủ say để bắt trộm. Cáo với người cùng thi đua, tuy trong lĩnh vực này thì người khôn hơn cáo.
Từ ngày gió lạ về, mọi thói tật trong vùng tự dưng biến mất. Hàng loạt hiện tượng đáng kinh ngạc về tính trung thực đã xảy ra. Một chị hàng xóm đột ngột đến nhà tôi, quỳ xuống tự nhận mình là chó và nói rằng năm trước, trong một đêm mưa gió chính chị ta đã rút trộm chiếc quần lụa của mẹ tôi phơi ở hiên nhà. Tại ủy ban xã, mấy cậu choai choai bỗng tự dẫn xác đến, khai rằng chính chúng là thủ phạm đốt cái quán lợp cọ của bà cụ khốn khổ ở ven hồ, vì bọn này ăn chịu đã nhiều và bà không tiếp tục cho ghi sổ nợ. Ở trường tôi học, một cậu học sinh chẳng ai xúi giục bỗng tự viết một bản kiểm điểm đẫm lệ nộp lên cô giáo chủ nhiệm, thưa rằng loại người đốn mạt như em chỉ đáng chọc cho mù mắt, bởi em rất yêu cô giáo dạy toán và đã rình trộm xem cô ấy đi vệ sinh tất cả tám lần.
Không chỉ sám hối và trung thực, một bầu không khí đùm bọc và tin cậy lẫn nhau trùm lên khắp xóm làng. Tôi còn nhớ, trong suốt mùa hè tuyệt đẹp ấy, người đàn ông nào có việc phải đi vắng lâu ngày hoặc phiêu bạt xa xứ làm ăn, họ gửi vợ mình cho ông bạn hàng xóm trông nom là chuyện thường. Bạn cứ yên tâm mà đi, vợ bạn ở nhà đã có tôi lo, đêm hôm mưa bão có gì tôi sang giúp. Hết tháng bạn về vẫn thấy vợ bạn nguyên xi, không hề sứt mẻ. Chuyện ấy ở vùng tôi hoàn toàn là sự thật, dù không được ghi lại trong cuốn sử nào.
Còn bao điều kỳ lạ nữa, đến mức trên huyện phải cử một đoàn cán bộ về tìm hiểu vì sao dân ở xã này tốt lên một cách đáng ngờ. Đoàn cán bộ ngây ngất ngắm gió xanh lồng lộng thổi, ghi kết luận vào biên bản: “Cảnh ở đây quá đẹp, khiến con người ta không nỡ sống hèn”.
4
Trong số trai gái trẻ vùng tôi, nạn nhân điển hình và bi thảm nhất của bệnh trong sáng chính là Mũ Nan Trắng.
Hắn là một gã thanh niên đẹp trai, trâng tráo và dẻo mồm, lúc nào cũng ngất ngưởng chiếc mũ nan rộng vành như một cao bồi. Là cây guitar cự phách, đêm nào hắn cũng lang thang khắp các ngõ nẻo, bờ bãi, năm ngón tay mềm uột xoắn xuýt múa nhảy trên dây đàn như năm con rắn trắng, và tài chinh phục phụ nữ của hắn khiến các vùng lân cận cũng phải kinh hoàng. Người ta đồn đứa con gái nào trong vùng cũng ngủ với hắn ít nhất một lần, thằng khốn nạn ấy chẳng tha ai, da thịt hắn không chỉ ngầy ngậy cái mùi của con gái dậy thì mà còn hoi hoi mùi của đàn bà cho con bú. Hắn tuyên bố: “Tao mà múa lưỡi thì đá cũng động đậy”.
Dân trong vùng chưa quên cái ngày bọn trẻ chăn bò phát hiện một hài nhi có mũi nhọn mỏ chim giống hệt Mũ Nan Trắng lăn lóc bên bụi lau rậm ven hồ. Ít lâu sau, lại một cục thịt đỏ hỏn thiếu tay, hốc mắt kiến bu đầy ngọ nguậy trên đồi sắn. Nghe tin, Mũ Nan Trắng cười nhạt, ôm đàn ra trước mặt hồ xanh rợn gào thét bài Rivers of Babylon. Ngày ấy hắn đang sùng mộ Bobby Farrell, chàng vũ công da màu nhảy nhót như khỉ trong nhóm nhạc Boney M, với những ca khúc dội vang đến mọi xó xỉnh nông thôn miền Bắc một thời.
Không chỉ đàn giỏi hát cừ, Mũ Nan Trắng còn phi thân được lên không ở độ cao vài mét, rơi xuống hồ còn chạy được mấy bước trên mặt nước. Các cuộc thi thể thao của tỉnh, hắn luôn giật giải quán quân.
Những ngày gió xanh chưa xuất hiện, Mũ Nan Trắng là nỗi lo sợ của các bà mẹ có con gái lớn, nỗi căm hận của những ông chồng có vợ hồi xuân, và trong mắt tôi, hắn là một kẻ xấu xa đến mức hoàn hảo.
Chính bởi vậy, hắn rất cay cú vì thích tôi mà không làm gì nổi.
Ngày ấy tôi mười bảy tuổi, xinh rực rỡ, được mệnh danh là công chúa của vùng. Học trên tôi một lớp và nhà ở khác xóm, hôm nào tan học Mũ Nan Trắng cũng lẵng nhẵng theo tôi một quãng đường dài. Hắn phân tích sắc đẹp của tôi, rằng thịt da tôi được tẩm ánh trăng, nước bọt của tôi chắc chắn có mùi thơm, cái bĩu môi xinh quá là xinh, rằng tôi cần phải kiêu hơn thế nữa, kiêu thế chưa đủ, rằng nhược điểm duy nhất của tôi là chưa ý thức được hết giá trị của mình. Hót mãi một giọng xem chừng không khả thi, hắn quyết định thay đổi chiến thuật. Lần ấy trên đường đi học về tôi và hắn nghỉ chân ở bên hồ, mặt hồ hiu hiu vắng ngắt. Rứt một bông ngù gai tím ném xuống nước cho cá đớp, Mũ Nan Trắng hỏi tôi:
- Công chúa có biết trong muôn loài trên trái đất tươi đẹp này, sinh vật nào là loài bất hạnh nhất không?
Tôi bĩu môi không đáp. Hắn giải thích:
- Loài cá. Cá là loài bất hạnh nhất vì hầu hết loài cá đều thụ tinh ngoài, nhất là cá chép. Này nhé, cứ đến mùa xuân và mùa thu, khi làm nhiệm vụ sinh sản, cá cái bơi trước đẻ trứng, cá đực bơi sau phóng tinh vào đám trứng cho nó thụ tinh. Như thế rõ ràng cả chàng lẫn nàng mang tiếng là ấy nhau nhưng đều không động tí gì đến chỗ ấy của nhau. Trên đời có mỗi cái việc ấy là sướng nhất, thế mà mày không được biết, cá ơi thật khổ thân mày.
Thấy tôi làm thinh, Mũ Nan Trắng tiếp tục phàn nàn:
- Mà có phải chỉ một chàng một nàng đâu. Mỗi lần như thế có đến hai, ba chàng bơi sát một nàng. Cá cái mang tiếng là đa dâm nhưng thực tế thì cô ả chẳng được nhát nào, đúng là có tiếng mà không có miếng.
Vừa nói Mũ Nan Trắng vừa nhìn đám bụi ngù gai rậm rạp dệt quanh chúng tôi một bức tường thẫm xanh và cố tình ngồi sát lại gần tôi, miệng vẫn không ngớt lời trách tạo hóa bất công, thương cho loài cá. Khi hắn kể đến cách ân ái của loài bò sát thì tôi đứng dậy, nhổ bọt và bỏ đi. Hắn tức tối đuổi theo, cố vớt vát thêm, rằng công chúa có khác, phong cách nhổ bọt thật duyên dáng, tôi mà nhổ xuống nước thì sẽ làm cho nước hồ thơm lên mười bốn lần. Thấy tôi nổi khùng, hắn ném chiếc mũ nan xuống chân tôi với vẻ bất cần rồi cao ngạo phẩy tay, rẽ sang lối khác. Đợi tôi đi khuất, hắn quay lại nhặt mũ.
- Đời tao thật bất hạnh. - Mũ Nan Trắng gặp gã bạn thân, rên rỉ. - Có mỗi ước mơ nho nhỏ là ngủ với con bé mà cũng không thực hiện được, thà chết cho xong. Trời ơi số tao sao khổ thế này.
Nước mắt ròng ròng, Mũ Nan Trắng định nhảy xuống hồ. Gã kia ngăn lại, lấy giẻ rách lau mặt cho bạn và an ủi rằng, cậu bất hạnh thật, nhưng trên đời không có việc gì là không có cách giải quyết. Trên núi có cây sầm bì tuyệt lắm, khả năng kích gợi ghê gớm, uống nước lá cây ấy thì đàn bà đoan chính nhất cũng nhảy lên chồm chồm.
- Tuyệt cú mèo! - Mũ Nan Trắng ôm chầm lấy bạn, hớn hở. - Đối với tao, mày lúc nào cũng là thằng bạn chí tình nhất. Con bé ấy được tao chén là một vinh dự, còn hơn gấp vạn hiến thân cho bọn vớ vẩn chúng mày.
Nhưng ngẫm nghĩ một hồi, hắn lắc đầu:
- Không được. Bậc cao thủ như tao không thèm làm cái trò hèn ấy. Tao sẽ tự tìm cách khác. Nhìn thấy Mũ Nan Trắng, bò cái còn phải rung động, nữa là người.
Chuyện này đến tai tôi. Mấy bạn gái thân cùng lớp lo lắng, hôm nào tan học cũng cử một hai đứa đi kèm “công chúa”, sợ tôi bị hiếp dọc đường. Bẵng đi một thời gian không thấy Mũ Nan Trắng bám theo, chúng tôi càng phấp phỏng. Nhất định hắn có âm mưu gì. Một hôm vào lúc chiều tàn, tôi có việc phải đi một mình qua đồng cỏ ven hồ. Tới chân một quả đồi lau sậy um tùm, chợt thấy Mũ Nan Trắng từ đâu ào ra như một con vượn.
Hắn đứng chặn trước mặt tôi, tay vò chiếc mũ nan, vẻ băn khoăn tội nghiệp. Đôi mắt buồn như có sương.
- Tớ đã làm cho đằng ấy phải lo lắng, thật tệ. Cả vùng này ai cũng tốt, riêng tớ lạc loài. Từ nay tớ sẽ làm người, quyết không làm dê dại chó hoang nữa, đằng ấy hãy tin ở tớ.
Hắn đưa tay gạt sợi cỏ khô bám trên tóc tôi, cử chỉ đầy thương mến. Tôi lùi lại.
- Gần đây tớ thấy mình thay đổi rất nhiều, cứ như là được thay máu ấy, lạ lắm. Nhìn đằng ấy tớ vẫn thích, nhưng chỉ như nhìn một bức tranh vậy. Tớ không còn ham muốn gì cả, cũng chẳng hiểu tại sao...
Rồi hắn đi, lủi thủi xa dần, chìm trong màn sương u tịch.
Từ buổi ấy, Mũ Nan Trắng gần như vắng bóng trong các đám đông. Ông chú họ của hắn theo đoàn đi đào đá quý, nhờ hắn đỡ đần cô vợ trẻ ở nhà. Hắn giúp chị ta xay lúa, bổ củi, và như lời kể của đám bạn, hắn làm quần quật như một tên nô lệ da đen.
Các gia đình có con gái lớn ở vùng tôi thở phào nhẹ nhõm. Đêm, nhà nào cũng mở toang cửa, đón gió từ hồ thổi về.
Nhưng một ngày kia lại xảy ra chuyện. Mũ Nan Trắng cưỡng hiếp chính người thím trẻ của mình.
Buổi trưa hôm ấy, hắn và thím cùng giã gạo ở hiên nhà. Đứng trên cần cối, người thím hụt chân suýt ngã, hắn đứng đằng sau đỡ thím, luống cuống thế nào làm tụt chiếc váy màu hoa cà của chị ta. Run rẩy trước thịt da, không kìm nổi mình, hắn vật ngửa thím ngay trong lòng cối.
Sự việc này được thằng câm ở nhà bên chứng kiến và thuật lại chi tiết với mọi người bằng động tác. Chẳng ai ngạc nhiên. Từ xưa có lời đồn rằng trên đỉnh ngọn núi cao nhất vùng tôi có một giếng nước tự nhiên trong lòng đá, ai soi mặt xuống đó vào lúc chính ngọ sẽ thấy được kiếp trước của mình. Mũ Nan Trắng đã leo núi hai ngày đến nơi hiểm trở này, nhìn xuống mặt giếng đen ngòm và thấy một con dê đực.
Chẳng ai quên được tiếng kêu thảm thiết của hắn khi chạy lao từ trên núi xuống. Nỗi ám ảnh mình là dê làm hắn hóa dại mấy ngày. Đêm nào tỉnh giấc hắn cũng hốt hoảng chạy quanh nhà. Có người khuyên hắn tích cực ăn rau răm và uống sữa đậu nành để giảm chất dê trong người, nhưng càng ăn hắn càng bốc lên hừng hực.
Đã là dê thì không thể chung sống với người được, cả vùng kết luận. Sau sự kiện “cối giã gạo”, Mũ Nan Trắng bị chúng bạn đồng loạt tẩy chay.
Vào một đêm trăng, trai gái trẻ tụ tập ngồi chơi ở đầu xóm, chợt thấy Mũ Nan Trắng vác cây đàn đi tới. Hắn nói rằng trên ngọn đồi cao gần hồ có một tảng đá tự dưng phát sáng, rủ chúng tôi cùng đến xem.
Cả lũ hối hả đi, quên hắn là người đang bị cộng đồng khinh bỉ. Đến đỉnh đồi, Mũ Nan Trắng cười nhạt:
- Chẳng có tảng đá phát sáng nào cả. Tôi lừa các bạn lên đây là để được hát cho các bạn nghe, xin đừng nhẫn tâm từ chối. Tôi biết ai cũng căm ghét tôi, muốn nhổ vào mặt tôi, mà tôi thì chỉ muốn được hát ca cùng các bạn, làm lành với các bạn. Các bạn thấy đấy, trăng sáng, gió xanh, nước hồ cũng rất xanh và tôi thì đang rất yêu đời.
Chúng tôi im lặng. Chưa ai nghe hắn nói cái giọng này bao giờ.
Rồi hắn ngồi xuống bên gốc một cây thông, bắt đầu chơi đàn và hát những bài lạ lùng, ca ngợi một miền đất nào xa xôi lắm. Những bài ấy, hắn chưa từng hát với chúng tôi. Hắn hát cuồng nhiệt, say sưa, đến bài thứ năm thì đột ngột dừng lại.
- Cõi người đẹp quá, chính vì vậy mà tôi không thể làm người được. Tôi sinh ra chỉ làm bẩn cho đời. Tạm biệt các bạn, tạm biệt kiếp người, tôi về với kiếp trước của tôi, một con dê đực...
Chưa dứt lời hắn đã vụt dậy. Chiếc đàn guitar bay vút lên cao. Nó chưa kịp rớt xuống ven đồi để vỡ tan tành thì Mũ Nan Trắng cũng văng mình như một tia chớp lên không trung xanh ngát ánh trăng, ở độ cao quá ngọn cây thông, và rơi xuống cắm phập vào một cái cọc đen sì trên sườn dốc. Cái cọc ấy đã được vót nhọn và chôn tại đó từ bao giờ.
Cú rơi quá khéo và vết đâm ngọt, xuyên suốt Mũ Nan Trắng theo chiều dọc từ háng lên. Xác hắn cứng đơ trên cọc như một que kem, máu nhuộm đỏ lừ thân gỗ.
Chúng tôi đứng lặng, cúi đầu. Năm con gái, chín con trai, tổng cộng mười bốn người cả thảy.
Dưới đồi, mặt hồ cuộn sóng xanh ngời. Trên đồi, hoa mạc thi ướp trong trăng, trắng long lanh như tuyết.
“Biết sự có mặt trên cõi đời của mình là thừa, tự nguyện rút lui, đó cũng là sáng suốt”. Nghe chuyện, bố tôi nói.
“Dù thế nào, nó cũng là một người tài. Người tài thì biết chọn cho mình một cái chết tài hoa, chết đẹp”. Ông giáo nói.
Trai gái cả vùng đưa tang hắn như tiễn một vĩ nhân. Với chúng tôi, những người trẻ, cái chết để bảo toàn sự trong sáng của cộng đồng ấy còn ám ảnh suốt một thời gian dài.
5
Sang thu, gió xanh bỗng nhạt màu dần và khi đông về, nó trở thành trong suốt không màu. Cảnh vật vùng tôi tẻ nhạt như cũ, giống khuôn mặt mộc đã gột hết phấn son của cô gái cuối mùa nhan sắc, hay rừng cây thắm tươi trút kiệt lá còn trơ lại những thân cành khô xác tiêu điều.
Nhiều người ngẩn ngơ buồn. Trong giấc mộng hằng đêm của họ, màu xanh lam vẫn rạo rực tràn về. Bọn trẻ xem chừng nuối tiếc nhất, ở trường học, chúng cố tình phết màu lam thật đậm lên các bức tranh tả thiên nhiên.
“Cái đẹp bao giờ cũng đoản mệnh” - bố tôi nói. Mẹ tôi im lặng, tựa cửa nhìn xa như đợi một ngày gió lạ trở về.
Và nó trở về thật.
Hôm ấy cũng vào lúc chiều tàn, một ngày nắng ấm đầu xuân, từ phía hồ có tiếng lục bục như tiếng cơm sôi hay tiếng rít điếu ục của người hút thuốc lào. Gió xanh thổi về, từ từ, chậm rãi, như một người khách quen không cần vội vã. Nhiều người từ thung lũng chạy ra đón gió. Ai đó viết vội lên chiếc bảng tin ở ngã ba đầu xóm một dòng khẩu hiệu. Ông giáo cao hứng chào mừng gió lạ bằng việc kéo phong cầm.
Chỉ có một người thờ ơ trước sự trở về của gió. Đó là thằng câm, kẻ đã vô tình dẫn đến cái chết của Mũ Nan Trắng. Nhặt chiếc nón mê bị gió thổi lật, nó cười nhạt, lặng lẽ đi vào một hẻm đồi.
Sự luân hồi của gió lần này mang một khuôn mặt khác. Không lộng lẫy và choáng ngợp như trước, mà bí ẩn và sang trọng hơn trong cung trầm lạnh của màu xanh coban.
Về đêm, gió ngả sang màu navy. Bóng tối pha sắc lam chảy đẫm trên những đồi hoa mạc thi trắng muốt. Từ trên cao nhìn xuống, thung lũng biến thành chảo khói xanh.
Dân các xóm lại đổ ra đường, sống với đám đông nhiều hơn ở nhà. Việc đình đám hội hè được coi trọng, chẳng ai chí thú làm ăn. Trai gái ra hồ múa nhảy suốt đêm, ngây ngất trong màu xanh xa xỉ. Ông giáo già tiếp tục làm thơ, lần này không nhét vào chai thả xuống hồ mà viết lên lá cây và phân phát trong các cuộc họp. Lá ông đề thơ là lá thích, loài cây thuộc họ phong mà ông cất giữ từ mùa thu năm trước, khi chúng đỏ rực như máu đọng trên các hẻm đồi.
“Đói vàng mắt mà các anh vẫn hát hỏng, thơ phú được à? Vùng này điên hết cả rồi”. Anh trưởng phòng nông lâm huyện quát lên với chủ tịch xã tôi, khi phát hiện ra một văn bản báo cáo sản xuất viết bằng thơ lẫn trong đống hồ sơ sổ sách.
Chủ tịch xã cười. Ngoài kia, gió xanh vẫn miệt mài thổi. Hàng tạ, hàng tấn gió nhét đầy thung lũng, và người dân tiếp tục trong sáng, tiếp tục yêu đời. Lễ hội diễn ra như cơm bữa hằng ngày khiến người ta quên đi sự bần hàn, và quên một cái gì đó xa xôi ai cũng biết mà không ai nói tới.
Tình trạng ấy kéo dài mấy năm.
Cho đến một ngày kia, ở nhiều người, niềm thích thú bắt đầu phai nhạt. Sự trình diễn mãi một màu của không gian khiến họ thấy đơn điệu và phù phiếm. Chính ông giáo, không phải ai khác, là người đầu tiên muốn được nhìn rõ cảnh thật của quê hương như trước bằng thứ gió trong sạch không màu.
Nhưng câu chuyện về gió xanh không chỉ có vậy. Ngày ấy tôi còn quá trẻ nên không biết đến một sự thật ghê gớm khác. Đó là, mải mê với cái đẹp cao thượng hào nhoáng, người dân vùng tôi đã lãng quên đời sống trần tục trong một thời gian dài.
Một hôm có đoàn cán bộ y tế của tỉnh về tìm hiểu nguyên nhân vì sao tỉ lệ sinh đẻ ở vùng tôi mấy năm liền rất thấp. Người chết vẫn đều đặn, mà người sống không được bổ sung thêm. Trai gái đến tuổi không chịu cưới xin, lang bạt với nhau cả đêm vẫn không hề chửa hoang như trước.
Các bác sĩ tiến hành khám phụ khoa hàng loạt phụ nữ ở độ tuổi sinh nở, nơi khám là trạm y tế nghèo nàn xập xệ ở chân đồi. Căn phòng của trạm không đủ chứa, người ta phải dựng thêm mấy cái lều lợp cọ quanh đó. Kết quả khám khiến mọi người sửng sốt: hầu hết phụ nữ có âm đạo khô kiệt, buồng trứng teo.
Qua gần gũi trò chuyện, họ tiết lộ: suốt mấy năm, họ sống bằng sự trong trẻo tinh thần. Người chồng bỏ trống việc gối chăn, bản thân họ cũng không thiết tha gì cả.
Ông bác sĩ trưởng đoàn bước ra khỏi trạm, lặng lẽ quay mặt về phía đồi.
Ông khóc.
6
Một sớm mùa thu, vùng tôi thức dậy giữa không gian trong như lọc. Gió xanh đã biến mất, như chưa từng có bao giờ.
Cuộc sống trong vùng dần trở lại bình thường. Như sau cơn mê, tất cả lại mải miết với làm lụng, ái ân, chửa đẻ, và đó đây trong thung lũng đỏ thắm màu lá thích, lại cất lên tiếng khóc của công dân mới chào đời.
Tốt xấu nhộn nhạo đan cài. Người ta không vì nhau một chiều như trước nữa, nhưng sự sống cũng vì thế mà sinh động hơn.
Cái gì dù đẹp đến mấy mà trái với quy luật tự nhiên, trước sau cũng tự rút lui hoặc bị đào thải. Ông giáo nói vậy. Thằng câm, sau nhiều năm lặng im như hạt thóc trong bồ, một sớm kia cũng bật ra những lời như vậy.
Trong giấc mơ của người già khó ngủ, màu xanh lam quá vãng vẫn hiện về. Nhưng chẳng còn ai nuối tiếc. Với bọn trẻ sau này, câu chuyện về gió xanh chỉ còn là truyền thuyết, nên trong những giờ tập vẽ ở trường học, chúng không có thói quen chỉ phết lên tranh duy nhất một màu.
P.D.N