Tản mạn Đà Nẵng Xuân Mậu Tuất - Bùi Văn Tiếng
1. Những ngày cuối năm Đinh Dậu 2017, đi dọc theo con đường Bạch Đằng ven sông Hàn, lòng bỗng trào lên vô vàn cảm xúc. Chỉ mấy tuần nữa là đã bước vào năm Mậu Tuất 2018. Tự dưng lại nhớ đến Ngô Quyền - người anh hùng dân tộc mà tên tuổi gắn liền với chiến thắng Bạch Đằng năm Mậu Tuất 938.
Trong cuốn Việt sử tiêu án viết xong vào năm Ất Mùi 1775, nhà sử học Ngô Thời Sĩ đánh giá rất cao chiến thắng Bạch Đằng năm Mậu Tuất 938 do Ngô Quyền lãnh đạo: “Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu” [1]. Đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên trận địa cọc Bạch Đằng đúng theo kế sách của danh tướng Kiều Công Hãn, Ngô Quyền đã chính thức đặt dấu chấm hết đối với thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn một ngàn năm và mở ra kỷ nguyên độc lập dài lâu cho đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà người Đà Nẵng đương đại đã nối vào đường Bạch Đằng theo hướng bắc nam hai con đường: 2 Tháng 9 và Cách mạng Tháng 8 - tương thích với hai thời điểm lịch sử trong năm Ất Dậu 1945 cùng mang ý nghĩa đổi đời đối với dân tộc Việt Nam - từ người nô lệ thành người tự do.
2. Tính tới năm Mậu Tuất 2018 là tròn 200 năm sinh của Nhà yêu nước Đỗ Thúc Tịnh - người đạt học vị tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của huyện Hòa Vang trong thời quân chủ. Tuy nhiên Đỗ Thúc Tịnh không thể đỗ tiến sĩ vào năm Mậu Thân 1848 nếu không có tấm lòng nghĩa hiệp quý trọng tài năng của một tiến sĩ lớp đàn anh. Câu chuyện bắt đầu từ năm Bính Thân 1836, khi Đỗ Thúc Tịnh tròn 18 tuổi và học giỏi đến mức khiến cho hào lý làng La Châu quê ông e ngại và cố tình kìm hãm tài năng bằng biện pháp hành chính - truất tên anh em Đỗ Thúc Tịnh trong sổ bộ đinh của làng. Mãi đến năm Nhâm Dần 1842, may nhờ có Lê Thiện Trị quê huyện Duy Xuyên - một trí thức nho học, người đầu tiên đạt học vị tiến sĩ ở đất Quảng - can thiệp với quan tỉnh Quảng Nam, hào lý làng La Châu mới chịu ghi tên anh em Đỗ Thúc Tịnh vào sổ bộ đinh. Rõ ràng nếu không có tên trong sổ bộ đinh thì làm sao Đỗ Thúc Tịnh đủ “tiêu chuẩn” dự thi Hương và nếu không đỗ cử nhân thì làm sao ông có thể dự thi Hội để đỗ tiến sĩ. Sự can thiệp của Lê Thiện Trị trong trường hợp này rất đáng ngưỡng mộ, bởi khi biết thông tin về vụ trù dập tài năng ở La Châu, Lê Thiện Trị có thể làm ngơ và nếu vậy người đời cũng không ai nỡ trách ông, nhưng ông đã không vô cảm. Động cơ nào khiến Lê Thiện Trị quyết tâm nhập cuộc? Trước hết là do sự thôi thúc của phẩm tính trí thức - vốn bao đồng lo nghĩ cả những chuyện không phải của mình, không thuộc chức phận của mình. Và còn do đồng cảm với nỗi bất hạnh của tài năng - một người Quảng Nam hiếu học và học giỏi như Lê Thiện Trị dễ đồng cảm với một người Quảng Nam cũng hiếu học và học giỏi mà đang gặp trắc trở trục trặc trước ngưỡng cửa cuộc đời như Đỗ Thúc Tịnh.
3. Trong Hội thảo khoa học Xây dựng Lối sống Đà Nẵng văn minh, hiện đại, nhân văn do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức vào cuối năm Đinh Dậu 2017, Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ mong muốn thành phố bên sông Hàn sớm dựng tượng ba danh nhân: Lê Thánh Tông trên đỉnh Hải Vân, Phan Châu Trinh ở trung tâm thành phố và Minh Mạng tại quận Ngũ Hành Sơn. Tượng Phan Châu Trinh đặt giữa trung tâm thành phố thì có lẽ không thật cần, bởi ở đây người Đà Nẵng đã đặt tên đường Phan Châu Trinh và trên đường này có Nhà thờ Phan Châu Trinh gần Ngã Năm - nơi mà hằng năm học sinh trường trung học mang tên ông có thể đi bộ đến dâng hương sau khi dâng hương trước bức tượng bán thân Phan Châu Trinh đặt giữa sân trường từ những năm 60 thế kỷ XX. Sự nghiệp chính trị của Lê Thánh Tông gắn liền với danh xưng Quảng Nam - mở cõi về phương Nam, vì thế dựng tượng ông trên đỉnh Hải Vân sớm chiều mây phủ là phù hợp, và nếu được như vậy thì nên chăng người Đà Nẵng cũng có thể đặt luôn tên đường Lê Thánh Tông cho đoạn đường đèo tuyệt đẹp từ trên đỉnh núi xuống tận Nam Ô, bởi con đường Lê Thánh Tông trong nội thành hiện nay quá nhỏ so với tầm vóc của vị hoàng đế anh minh này.
Địa bàn quận Ngũ Hành Sơn cũng rất phù hợp để dựng tượng hoàng đế Minh Mạng, vì ở đây không chỉ có đường Minh Mạng mà còn có rất nhiều dấu ấn lịch sử gắn với sự nghiệp chính trị của ông. Năm Mậu Tuất 1838, Minh Mạng cho đổi tên nước thành Đại Nam thể hiện khát vọng về sự lớn mạnh của Tổ quốc thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chính khát vọng này càng chứng tỏ Minh Mạng là người cực kỳ nhạy cảm với vấn đề chủ quyền biển đảo. Không phải ngẫu nhiên mà sau khi đặt tên sáu ngọn núi Non Nước là Kim Sơn, Thủy Sơn, Mộc Sơn, Âm Hỏa Sơn, Dương Hỏa Sơn và Thổ Sơn - hợp thành quần thể Ngũ Hành Sơn, Minh Mạng cho lập Vọng Giang đài và Vọng Hải đài trên Thủy Sơn vào năm Đinh Dậu 1837. Trước đó, vào năm Giáp Ngọ 1834, chính Minh Mạng cử đội trưởng đội Hoàng Sa là Trương Phúc Sĩ dẫn 20 thủy thủ đi đo đạc, vẽ bản đồ, đo độ nông sâu, địa thế các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa. Trước đó nữa, vào năm Bính Tuất 1826, cũng không ai khác ngoài Minh Mạng đã cho xây dựng Hải Vân quan - một kiểu Vọng Hải đài để tăng cường phòng thủ cửa Hàn/vũng Thùng theo hướng tây đông...
4. Còn nhớ Tết Giáp Ngọ 2014 nhiều đường phố Đà Nẵng - nhất là đường Bạch Đằng - bỗng rực hồng những đóa hoa đào chuông Bà Nà rất quen mà rất lạ. Thường thì đào chuông Bà Nà vẫn xuống núi từng nhánh từng cành theo chân những người mê đào chuông cất công băng rừng lội suối mang về nhà chơi Tết, nhưng riêng năm Giáp Ngọ 2014, đào chuông Bà Nà đồng loạt hạ sơn và hóa thân vào những bông đào chuông đại đóa to gấp ngàn lần bông đào chuông thật, khoe sắc khoe dáng không phải trên cây trên cành mà là trên các giải băng trang trí giữa phố phường. Không thể không ghi công các doanh nhân Sun Group lần đầu tiên có ý tưởng đưa đào chuông Bà Nà xuống núi theo cách này, qua đó đã nâng đào chuông từ một kỳ hoa độc đáo trên đỉnh núi Chúa thành một biểu tượng mới của thành phố bên sông Hàn: Đà-Nẵng-thành-phố-hoa-đào-chuông. Qua đến Tết Ất Mùi 2015, đường phố Đà Nẵng vẫn tiếp tục rực hồng những đóa hoa đào chuông Bà Nà mang tính biểu tượng này, nhưng hai cái Tết gần đây những bông đào chuông đại đóa to gấp ngàn lần bông đào chuông thật thưa vắng dần, không còn rực hồng như hai năm trước. Những người Đà Nẵng cả nghĩ lo rằng biểu tượng thành-phố-hoa-đào-chuông đáng tự hào ấy không khéo sẽ chỉ còn trong ký ức, thậm chí lo rằng số phận đào chuông Bà Nà mang tính biểu tượng đã như vậy, không biết số phận đào chuông Bà Nà thật trên đỉnh núi Chúa giờ ra sao, không biết với mật độ bê tông hóa dày đặc như thế liệu đào chuông có đủ mát lạnh để mà nở hoa, để mà khoe sắc không? Và còn lo rằng không biết những người Đà Nẵng mê đào chuông làm sao có thể băng rừng lội suối để mang đào chuông Bà Nà thật trên đỉnh núi về nhà chơi Tết khi mà giờ đây chỉ có mỗi đường lên núi độc đạo/độc quyền là... tuyến cáp treo?
B.V.T
[1] Bản dịch của Hội Việt Nam Nghiên cứu liên lạc văn hóa Á châu, Nxb. Văn hóa Á châu, Sài Gòn, 1960