Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10: Văn học trẻ chờ bứt phá
* Trần Nguyên Hạnh (TP Đà Nẵng): Tạo chất xúc tác cho người viết
Hội nghị đặt vấn đề "Vì sao chúng ta viết?" là cơ hội để tôi nhìn nhận lại hành trình viết của mình: chặng đường mình đang đi, lý do mình bắt đầu, điều mình khao khát, con đường mình muốn hướng tới.
Có thể tôi đã bắt đầu sáng tác với một khởi đầu đẹp: Có một tấm lòng đẹp, có một mục đích tốt đẹp, nhưng chặng đường đi của địa hạt văn chương đầy khó khăn, có lúc không tránh khỏi việc chệch hướng, mệt mỏi hoặc nản lòng.
Tôi kỳ vọng Hội nghị lần này có thể giúp tôi tìm lại sự thúc giục bên trong mình cũng như nhớ lại lý do mình bắt đầu viết, từ đó vạch ra cho mình những mục tiêu và tạo bứt phá.
Vì vậy, với tôi, cuộc gặp gỡ những người viết văn trẻ sẽ là dịp để tạo chất xúc tác cho người viết. Chúng tôi được học hỏi từ các thế hệ nhà văn, nhà thơ đi trước; được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; được nói lên những tâm tư, tình cảm của mình trên con đường văn chương chữ nghĩa…
* Ny An (tỉnh Quảng Nam): Thêm đất để người viết trẻ thỏa thích sáng tạo
Tôi là người mới viết và viết vì đam mê, vì yêu văn chương. Những bạn trẻ viết văn mà tôi biết thực sự rất giỏi; họ viết khỏe, viết hay và đều là những tấm gương cho tôi học hỏi để phát triển, hoàn thiện bản thân hơn.
Có bạn xấp xỉ tuổi tôi (27 tuổi) mà gia tài văn chương và các giải thưởng đã cực kỳ "khủng" rồi, như Lê Quang Trạng (ở An Giang) có 4 tập thơ, truyện ngắn, truyện dài đã xuất bản; Phát Dương (ở Cần Thơ) có 3 tập truyện ngắn đã xuất bản và đoạt hàng loạt giải thưởng văn chương…
Tham gia hội nghị lần này, tôi rất mong được gặp gỡ, trao đổi và học hỏi từ các thế hệ nhà văn đi trước cũng như từ các bạn viết trẻ. Quan trọng hơn là sau đó, Hội Nhà văn Việt Nam và các hội nhà văn tỉnh, thành sẽ tạo điều kiện để đồng hành với lực lượng sáng tác trẻ bằng những cách thiết thực như: tổ chức các chuyến đi, trại sáng tác, cuộc thi viết, lớp tập huấn, hội thảo về sáng tác trẻ; góp ý cho các tác phẩm; giới thiệu và quảng bá tác phẩm…
Việc được tạo thêm đất để người viết văn trẻ thỏa thích sáng tạo sẽ giúp chúng tôi đi trên con đường sáng tác chuyên nghiệp và vững vàng hơn.
* Vũ Thị Huyền Trang (tỉnh Phú Thọ): Quan tâm phát hiện, bồi dưỡng những cây bút trẻ
Với ưu thế trẻ tuổi, có điều kiện tiếp cận nhiều nền văn hóa, đặc biệt là với sự phát triển của công nghệ thông tin…, người viết trẻ hiện nay biết tận dụng các cơ hội để quảng bá, đưa tác phẩm đến với đông đảo công chúng.
Nhiều tác giả trẻ có tác phẩm xuất hiện thường xuyên trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương như: Hoàng Khánh Duy, Cao Văn Quyền, Phan Đức Lộc, Lữ Mai, Phát Dương, Trần Duy Thành…
Nhiều tập sách của các tác giả trẻ cũng đã được in ấn, phát hành và được đông đảo bạn đọc đón nhận. Trong đó có nhiều tác phẩm được vinh danh các giải thưởng lớn của văn học như giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng "Văn học tuổi 20" của NXB Trẻ... Điều đó cho thấy lực lượng viết văn trẻ đã đóng góp cho nền văn học nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị. Bởi lẽ, người viết trẻ hiện nay mang nhiều màu sắc mới mẻ và sự đa dạng văn hóa. Họ cũng mang đến phương thức biểu đạt và cách diễn ngôn mới lạ.
Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 tạo điều kiện cho những người viết trẻ gặp gỡ, giao lưu. Tôi kỳ vọng lực lượng sáng tác trẻ sẽ được tạo điều kiện, quan tâm, hỗ trợ trong việc in ấn, xuất bản cũng như quảng bá tác phẩm để các tác phẩm có chất lượng đến với đông đảo bạn đọc.
Tôi cũng có mong muốn có thêm nhiều trại sáng tác, hội thảo văn học và các cuộc thi văn chương lớn để các bạn viết trẻ giao lưu, học hỏi và khẳng định bản thân.
Về phía các hội văn học địa phương, tôi mong rằng hội sẽ quan tâm nhiều hơn việc phát hiện, bồi dưỡng những cây bút trẻ.
* Phát Dương (TP Cần Thơ): Các thế hệ nhà văn hỗ trợ nhau
Tôi thấy lực lượng sáng tác trẻ hiện nay còn mỏng và chưa đồng đều. Hội viên trẻ của các hội văn học - nghệ thuật các tỉnh, thành có nơi đông đúc, có nơi đếm trên đầu ngón tay.
Dường như phần lớn người viết trẻ còn đang "hoạt động ngầm" (cách chúng tôi gọi đùa với nhau về những bạn chỉ đăng tác phẩm trên mạng hoặc âm thầm viết, ít được biết tới). Số còn lại gọi là hiện diện trên văn đàn nhưng chưa thật sự tạo được đủ ấn tượng để mọi người đặt niềm tin vững chắc rằng họ sẽ kế thừa và phát triển nền văn học nước nhà.
Họ, trong đó có cả tôi, còn chưa đủ kiến thức, chưa tìm được tư tưởng và thể loại thật sự phù hợp. Chúng tôi tìm, chúng tôi thể nghiệm, chúng tôi theo đuổi cái gọi là đam mê trên trang viết…
Nói như vậy không có nghĩa là văn học trẻ chẳng có gì nổi bật. Song, bao giờ cũng vậy, "trẻ" luôn đồng thời có cả những nghĩa tích cực và vài điều chưa ổn. Về bản thân mỗi tác giả trẻ, tự họ sẽ mài giũa và trả lời câu hỏi "Vì sao chúng ta viết?" để có thể đi xa hơn.
Bên cạnh đó, lực lượng trẻ rất cần sự quan tâm của những thế hệ nhà văn đi trước - những người giàu kinh nghiệm và trải nghiệm, những người đã từng trẻ, những người đang đại diện cho văn chương Việt.
Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 sẽ là dịp để những thế hệ được gặp gỡ, giãi bày, lắng nghe và chia sẻ. Nhưng thiết nghĩ, những cây bút trẻ chúng tôi cần nhiều hơn vậy. Chẳng hạn, về mặt thông tin, dĩ nhiên những người trẻ sẽ dễ tiếp cận hơn, nhưng cũng dễ dung nạp kiến thức sai hơn. Mà văn chương, nếu sai thì rất nguy hiểm vì nó tạo nên nhiều giá trị tác động đến độc giả. Sẽ thật tuyệt nếu những nhà văn tên tuổi có thể theo dõi, nhắc nhở và định hướng, để "những chú ngựa non" không chạy nhầm đường. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với khuôn sáo và sự bó hẹp.
Tin rằng với tình yêu văn chương, trái tim phập phồng thôi thúc mỗi khi sáng tác, tất cả những tác giả trẻ và nhà văn trong nước sẽ tìm ra nhiều giải pháp và cách thức để hỗ trợ nhau, cùng nhau cố gắng đưa nền văn học nước nhà phát triển hơn. Thành công và thành tựu, bao nhiêu và bao xa, đó là câu trả lời cho tất cả mọi hành động đúng đắn chúng ta nên làm từ hôm nay.
* Lê Quang Trạng (tỉnh An Giang): Tạo nguồn năng lượng mới sau hai năm COVID-19
Với những người viết trẻ, viết là hành trình không được phép ngơi nghỉ. Hành trình đó gồm suy nghĩ, đào sâu tri thức, mở rộng không gian sáng tạo, thâm nhập cuộc sống, tìm kiếm mục đích mới để theo đuổi, lắng nghe trái tim…
Tuy nhiên, hành trình viết không giản đơn. Có rất nhiều anh, chị từng là đại biểu dự các hội nghị viết văn trẻ toàn quốc những lần trước, nhưng rồi vì xem sáng tác chỉ đơn thuần là "cuộc chơi" nên đã dừng lại, hoặc vì bận rộn với những công việc khác nên không còn theo đuổi văn chương nữa.
Tôi hy vọng sẽ gặp gỡ, học hỏi và lắng nghe tiếng nói của người trẻ về các vấn đề văn học hiện nay, cùng trao đổi về "Vì sao chúng ta viết?", cũng như chia sẻ những điều trăn trở về nền văn học nước nhà, để chúng tôi sẽ tiếp tục viết, được thôi thúc viết và kiên trì với địa hạt văn chương.
Tôi kỳ vọng đây sẽ là kỳ hội nghị mang đến cho những người viết trẻ nguồn năng lượng mới sau hai năm COVID-19, để khi trở về nhà, bằng sự chiêm nghiệm và năng lực của bản thân, các cây bút trẻ sẽ có thêm nhiều trang viết mới và chất lượng, góp phần tạo ra một diện mạo mới cho văn học trẻ.
(toquoc.vn)