Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà thơ Tế Hanh (20.6.1921 -2021), nhớ về những kỷ niệm cùng ông

17.06.2021
Nguyễn Kim Huy
Thế hệ chúng tôi thuộc lòng thơ Tế Hanh khi còn ngày hai buổi đến trường, nhất là bài “Nhớ con sông quê hương” được học đi học lại ở các cấp. Vốn mê sách và yêu văn chương từ nhỏ, nhưng thời ấy ở quê nghèo chẳng có nhiều sách để đọc, tôi đã nghiền ngẫm đến thuộc làu làu các nhà Thơ Mới ở các tập “Việt Nam Thi nhân” rồi “Việt Nam thi nhân tiền chiến”…may mắn tìm được, đặc biệt là thơ Tế Hanh, không phải chỉ vì mê thơ mà vì còn được biết quê nhà thơ ở sát bên quê Núi Thành Quảng Nam mình – Bình Dương Bình Sơn Quảng Ngãi. Nhưng thú thật, ngày đó chỉ ngưỡng mộ say mê thơ, chứ có khi nào một đứa học trò nhà quê như tôi dám mơ tưởng đến một ngày sẽ được gặp nhà thơ, được làm việc trò chuyện và… dạo chơi cùng thi sĩ Tế Hanh thật ngoài đời!

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà thơ Tế Hanh (20.6.1921 -2021), nhớ về những kỷ niệm cùng ông

                                            Với Nhà thơ Tế Hanh - 1994

Ngay  cả khi tốt nghiệp đại học ở lại Trường làm Cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ văn ĐHSP Quy Nhơn, năm 1985 dẫn đoàn sinh viên đi sưu tầm Văn học dân gian ở Bình Dương, đưa các em đến thăm quê thăm nhà nhà thơ Tế Hanh dân dã bên cạnh dòng sông quê hương, tôi vẫn nghĩ đã là một duyên may hiếm có khi được cùng các em sinh viên dạo bước trong khu vườn nhỏ thơ mộng xanh mát nhà thơ từng chạy nhảy chơi đùa thời thơ ấu rồi…

Sau khi chuyển từ Trường ĐHSP Quy Nhơn về Nhà xuất bản Đà Nẵng công tác từ năm 1986, bắt đầu làm công việc biên tập sách, chủ yếu là sách văn học nghệ thuật, tôi mới có cái cơ duyên may mắn lớn trong đời là được gặp gỡ, làm việc với nhiều nhà văn nhà thơ, tiếp xúc với cả những tên tuổi mình yêu mến ngưỡng mộ từ hồi còn đi học, những tên tuổi lớn của nền Văn học Việt Nam hiện đại từ giai đoạn khởi đầu trước 1945: Khương Hữu Dụng, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh, Nguyễn Tuân, Tô Hoài…

Và những ngày gặp gỡ, làm việc với Nhà thơ Tế Hanh thực sự là những ngày may mắn, vinh dự và hạnh phúc, để lại trong tôi những kỷ niệm nhỏ mà khó phai mờ trong cuộc đời gắn bó với văn chương sách vở của mình…

… Cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi với các nhà thơ Huy Cận, Tế Hanh là vào một năm đầu những năm 90 thế kỷ trước. Khi ấy, Nhà xuất bản Đà Nẵng chủ trương biên soạn và xuất bản bộ Văn Thơ Lý luận phê bình Văn học Miền Trung thế kỷ XX, có tham vọng làm công việc tổng kết một thế kỷ Văn học ở khúc ruột Miền Trung vốn giàu thành tựu văn học, có nhiều đóng góp ấn tượng cho cả Văn mới lẫn Thơ mới Việt Nam xuyên suốt một thế kỷ. Tuyển tập Thơ chúng tôi mời Nhà thơ Huy Cận làm Chủ biên, các nhà thơ Tế Hanh, Ngô Thế Oanh, Thanh Quế, Nguyễn Trọng Tạo, Xuân Tùng, Thanh Thảo là thành viên Hội đồng tuyển chọn. Nhà văn Đà Linh, tức Tổng biên tập NXB Nguyễn Đức Hùng phân công tôi biên tập cả ba bộ Văn Thơ Lý luận phê bình, gần như là kiêm luôn công việc Thư ký của các Hội đồng tuyển chọn. Khi bản thảo đã tập hợp tương đối đầy đủ, một ngày đẹp trời cuối năm 1994, Nhà xuất bản mời các nhà thơ trong Hội đồng Tuyển chọn về Đà Nẵng để họp Hội đồng thống nhất bài vở Tuyển tập lần cuối. Chúng tôi lên sân bay đón các nhà thơ, về đến khách sạn Thu Bồn, vừa vào phòng, nhà văn Đà Linh giới thiệu các thành viên Nhà xuất bản, đến nhà văn Trần Kỳ Trung:

- Dạ đây là nhà văn Trần Kỳ Trung…

Thì nhà thơ Tế Hanh nói ngay, rất hào hứng:

- Biết biết, tôi đã đọc thơ anh rồi, thơ rất hay rất hay!

Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, rồi không kìm được cùng phá lên cười, vì anh Trần Kỳ Trung chỉ chuyên viết truyện ngắn, chưa bao giờ đặt bút làm thơ, anh còn có cả tập truyện ngắn “Đọp – Nhà thơ” rất nổi tiếng lúc bấy giờ, được chuyển thể làm kịch bản phim truyền hình – tập truyện châm biếm đả kích một cách sắc sảo các nhà thơ dỏm, vì ảo tưởng bị mê hoặc trở thành nhà thơ mà phá nát cả một cánh rừng nguyên sinh để xuất bản thơ!!!

Nhà thơ Ngô Thế Oanh bảo:

- Cụ mình tinh quái lắm, cụ cứ nghĩ bây giờ thì ai cũng mê thơ làm thơ!

Nhà thơ Thanh Quế cười:

- Cụ đắc đạo rồi, thà khen nhầm hơn bỏ sót, quyết không đắc tội với các nhà thơ!

Nói như vậy, nhưng khi vào các cuộc họp Hội đồng tuyển chọn, nhà thơ Tế Hanh làm việc một cách cực kỳ cẩn trọng nghiêm túc. Cụ ngồi đó, lim dim mắt lắng nghe không sót bài nào, ý kiến nào, và khi lên tiếng là cả Hội đồng phải chăm chú lắng nghe. Cụ có những nhận định chí lý, luôn chỉ ra ngay bản chất nghệ thuật cốt lõi nhất của một tác giả, một bài thơ, và kỳ lạ là có một trí nhớ tuyệt vời, khi nhắc đến tên tuổi ai đó, rất lâu rồi, cùng thời với Cụ, Cụ lại đọc vanh vách một mạch những bài thơ đã đi vào dĩ vãng gần nửa thế kỷ, không quên một từ một chữ nào. Đọc với một giọng say mê, hào hứng, truyền cảm đến kỳ lạ, nhất là những bài thơ Cụ tâm đắc từ thuở mới bước chân vào làng Thơ…

Sau những buổi làm việc, chúng tôi thường cùng nhau ăn trưa, ăn tối ở Nhà hàng số 4 Trần Phú – Nhà khách của UBND TP lúc bấy giờ, vừa ăn vừa tiện thể trao đổi tiếp công việc. Tôi thường xuyen ngồi bên cạnh nhà thơ Tế Hanh, vừa hầu chuyện vừa chăm chút xới cơm, gắp cá thịt cho Cụ, vì Cụ lúc ấy mắt đã mờ nhiều năm rồi, đi đứng đã chậm chạp phải dìu đỡ, ăn uống cũng khó khăn. Vừa bỏ một miếng thịt khá ngon vào chén Cụ, bất ngờ tôi giật mình khi nghe Cụ ngước mặt lên nhìn cô phục vụ đang rót bia cho Cụ, bảo:

- Cô đấy à? Hôm nay cô mặc áo dài trắng xinh quá nhỉ, hôm qua cô mặc áo màu xanh cũng đẹp lắm!

Ăn xong mấy anh em đi dạo dọc bờ sông Bạch Đằng, tôi kể lại câu chuyện và hỏi nhỏ nhà thơ Ngô Thế Oanh:

- Em tưởng mắt Cụ mờ, không nhìn rõ mà, sao Cụ biết cô phục vụ mặc áo màu gì?

Anh Ngô Thế Oanh lại cười:

- Cụ nhà mình… tinh quái lắm em ơi! Cái gì không cần thấy, thì Cụ không nhìn rõ, còn cái gì nên nhìn, nên… thưởng thức, như cái đẹp, thì Cụ nhìn ra ngay!

… Cũng tại bờ sông Bạch Đằng, một chiều tối, tôi đưa nhà thơ đi dạo hóng gió. Sau một hồi chậm rãi đi dọc bờ sông, hai chú cháu ngồi xuống ghế đá nghỉ chân, tôi gọi hai lon nước ngọt Cocacola, chưa kịp uống thì có một em bé bán vé số lem luốc đến chìa tay xin tiền. Nhà thơ liền đưa ngay cho đứa bé lon nước ngọt mới mở nắp:

- Ngồi xuống đây uống ly nước cho mát đi đã cháu, đi bán cả ngày chắc mỏi chân khát nước lắm!

Rồi quay sang bảo tôi:

- Hai chú cháu uống một lon đủ rồi, chú không thấy khát mấy!

Năm 1995, biết tôi đang chuẩn bị đứa in tập thơ đầu tay, tập “Thơ từ yên lặng” – nhà thơ bảo tôi gởi tập thơ để ông đọc cho và có thể thì viết vài dòng kỷ niệm. Năm đó mắt nhà thơ đã mờ nặng, không đọc được nữa, nhưng Cụ vẫn bảo cụ bà ngồi giở từng trang đọc cho nghe, rồi lại nhờ cụ bà viết cho đôi dòng nhận định gởi để tôi in vào bìa 4 tập thơ. Thật cảm động là khi nghe tôi gọi điện thưa có nguyện vọng muốn có bút tích nhà thơ, nhà thơ Tế Hanh liền gượng dậy ngồi viết cho tôi một bức thư với nét chữ ngả nghiêng xiêu vẹo không hàng lối mà mãi tôi mới đọc ra được nhà thơ viết những gì!

             Nhà thơ đã viết cho tập thơ đầu tay của tôi những dòng đầy chân tình ưu ái: “Nguyễn Kim Huy viết những bài thơ đầu tay trong một hoàn cảnh thơ ca đang có những chuyển động mạnh mẽ. Từ những bài thơ nói về mối tình đầu đến những bài thơ gợi nhớ quê hương, thơ Nguyễn Kim Huy như đang tìm tòi một cách nói riêng cho mình:

Đêm qua bầu trời có khóc không

Mà sáng dậy nước mắt ướt đẫm ngọn cỏ

Và ban mai ơi, có điều gì muốn nói

Mà lặng lẽ lau những giọt nước mắt đêm?

                                          (Điều gì muốn nói)

            Đọc thơ Nguyễn Kim Huy, tôi nghĩ đến quê hương Núi Thành của Huy, nơi tôi quen biết từ trước - một vùng quê nghèo khổ đầy sỏi đá nhưng trong chiến tranh đã có một thành tích vang dội với trận đầu diệt Mỹ…- Hà Nội, tháng 3-1995 – Tế Hanh”

                                                                                           

                    Thư và bút tích Nhà thơ Tế Hanh – tháng 3.1995

Một điều rất lạ, là trong tập thơ tôi gởi nhà thơ đọc, có một bài tôi viết trong hoàn cảnh riêng, rất thực của mình, trong một đêm mưa bão khi tôi còn ở trong ngôi nhà sắt số 1 Lý Tự Trọng, chỗ Tòa Hành chính TP bây giờ -  bài “Bão”, lời lẽ giọng điệu và mạch thơ có khác, nhưng không ngờ tên bài thơ và tứ thơ trùng lặp y như một bài thơ của nhà thơ Tế Hanh. Cụ đọc bài thơ mà… điềm nhiên không nói gì, không cả một lời nhắc lại bài thơ rất hay in từ lâu rồi của mình. Nhưng khi đọc bản thảo tập thơ, nhà thơ Thanh Quế phát hiện ra ngay, bảo: “Em bỏ bài này ra đi, bài thơ trùng tứ thơ bài thơ nổi tiếng của cụ Tế Hanh đấy!”. Tôi ngạc nhiên” “Sao em không nhớ bài thơ của Cụ nhỉ? Mà em gởi Cụ đọc, Cụ cũng không bảo em?”.

Anh Thanh Quế cười:

- Nhà thơ Tế Hanh là Chân thi sĩ! Em có lấy thơ của Cụ in, Cụ cũng không nói gì đâu, huống chi bài thơ chỉ trùng ý tứ mà lời lẽ giọng điệu lại khác!

Năm 1996, khi biên tập tập thơ “Gửi Miền Bắc” (tái bản) của nhà thơ Tế Hanh, tôi mới có dịp đọc lại tường tận bài thơ và hú hồn vì mình suýt mang tội… vô tình đạo thơ của nhà thơ mình yêu quý!

Nhưng mà nhờ thế, mỗi lúc làm thơ đọc thơ, tôi lại nhớ những kỷ niệm không nhiều mà rất lớn, rất ý nghĩa quý giá trong cuộc đời mình, khi mình có những ngày gần gũi với một nhà thơ lớn, một thi nhân Việt Nam nhân hậu, tinh tế, bao dung mà mình kính yêu từ thuở học trò!

Những năm cuối đời, khi Nhà thơ Tế Hanh lâm trọng bệnh phải nằm một chỗ rất nhiều năm tại căn gác nhỏ số 10 Nguyễn Thượng Hiền Hà Nội trong sự chăm lo tận tình của Cụ bà, mỗi khi có dịp đi Hà Nội, tôi vẫn luôn đến thăm Nhà thơ. Lần cuối, trong một dịp Đại hội Nhà văn Việt Nam, tôi cùng nhà thơ Thanh Quế và nhà văn Nguyễn Tam Mỹ tranh thủ lúc nghỉ chạy đến thăm ông... Nhà thơ nằm đó, trên chiếc giường nhỏ, lặng lẽ, rất lặng lẽ đối diện cùng cõi hư vô… Chúng tôi cùng đứng im, lặng lẽ nhìn, lặng lẽ tiễn biệt một tâm hồn thi ca đích thực đang trở về với con sông quê hương…

                                                         Đà Nẵng – 24 tháng 5, 2021

                                                               NGUYỄN KIM HUY