Những mảnh vỡ lịch sử và đối thoại quá khứ - hiện tại trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại
Với sự xuất hiện của Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác) và hàng loạt tác phẩm đáng chú ý khác, tiểu thuyết lịch sử đã thực sự trở thành một khuynh hướng nổi bật trong văn học đương đại. Lịch sử được sáng tạo và diễn giải theo những cách khác nhau, thể hiện tư duy mới mẻ về lịch sử. Bên cạnh dòng tiểu thuyết lịch sử đang phát triển mạnh mẽ, có một khuynh hướng tiểu thuyết chỉ ghép những mảnh vỡ của lịch sử trong một phần nào đó của toàn bộ cấu trúc tiểu thuyết khiến chúng ta khó có thể định danh là tiểu thuyết lịch sử theo những nguyên tắc của loại hình tiểu thuyết này như Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương), Quỷ vương (Vũ Ngọc Tiến), Ba ngôi của người (Nguyễn Việt Hà), Minh sư (Thái Bá Lợi)… Tuy vậy, việc sử dụng chất liệu lịch sử một cách độc đáo và mới lạ trong các tác phẩm này cho thấy tư duy linh hoạt trong sáng tạo nghệ thuật và xử lí mối quan hệ sự thật - hư cấu trong tự sự lịch sử. Đây là những tác phẩm mạnh dạn thử nghiệm lối viết mới; qua việc tìm hiểu cách thể hiện lịch sử trong tiểu thuyết có thể thấy những bước đi của tiểu thuyết đương đại và những ngả rẽ của tự sự về lịch sử.
1. Những mảnh vỡ lịch sử
Khác với tác phẩm hư cấu thông thường, tiểu thuyết viết về những sự kiện, nhân vật lịch sử đã diễn ra trong quá khứ phải đối diện với thách thức là người đọc có thể có ít nhiều nhận thức và quan điểm về lịch sử đó, bởi vậy việc trần thuật và diễn giải “cái đã xảy ra” như thế nào luôn không hề đơn giản đối với người viết. Cả bốn tiểu thuyết Người đi vắng, Quỷ vương, Ba ngôi của người, Minh sư đều được bắt đầu kể từ điểm nhìn hiện tại với bối cảnh đương đại, quá khứ dần được mở ra theo nhiều cách, có thể do nhân vật nghiên cứu văn hóa lịch sử, nhân vật có sự liên thông đặc biệt với quá khứ, hay nhân vật luân sinh có khả năng nhìn thấu kiếp trước… Mặc dù đều có những sự kiện và nhân vật lịch sử nhưng trừ Quỷ vương, các tiểu thuyết còn lại đều không định danh thể loại là tiểu thuyết lịch sử, điều đó cho thấy các nhà văn đều có ý thức về việc đưa yếu tố lịch sử vào tác phẩm ở mức độ nào. Song song với mạch truyện chính ở thời hiện đại, Người đi vắng của Nguyễn Bình Phương đan cài những mảnh vỡ lịch sử của sự kiện khởi nghĩa Thái Nguyên với những khúc đoạn cách quãng: Khởi nghiệp (Đội Cấn họp bàn khởi sự), Ngày tự do thứ nhất, Ngày tự do thứ hai, Ngày tự do thứ ba, Ngày tự do thứ tư. Các sự kiện và nhân vật lịch sử dường như được chắp nối một cách rời rạc, lẻ tẻ. Văn bản cũng không có dấu hiệu báo trước khi đang kể chuyện về giai đoạn lịch sử này lại liên tưởng, đề cập đến những nhân vật lịch sử khác ở thời đại trước đó. Những đoạn “hiện về” của lịch sử chiếm dung lượng không nhiều so với mạch truyện chính của thời hiện đại, lịch sử thoáng qua và ngắt quãng, không liên quan chặt chẽ đến mạch phát triển của cốt truyện. Nhưng từ những mảnh vỡ ấy, từ những nhân vật lịch sử gắn với vùng đất Thái Nguyên, có một lịch sử đa tầng chi phối không gian của tiểu thuyết, khiến cho mỗi nhân vật của hiện tại vừa mải mê, quay cuồng với đời sống thường nhật vừa không thể dứt ra khỏi kí ức lịch sử.
Trong Ba ngôi của người, lịch sử cũng được hiện diện một cách ngẫu hứng, bất ngờ: nhân vật “trung niên” ngồi trong quán thịt chó nhìn cô “em xi” trên tivi mà cả một vệt lịch sử từ kiếp trước của chính ông ta hiện về. Những mảnh vỡ lịch sử được xen lẫn, rải rác trong bối cảnh hiện tại là thế giới đương đại xô bồ, hỗn tạp qua lời kể của nhân vật xưng “tôi” - “trung niên” và lần lượt các nhân vật khác đều xưng “tôi” kể chuyện như Kun - con trai nhân vật “trung niên” - và nhân vật Quang Anh, cậu của Kun. Lịch sử như những mảnh ghép nhiều màu, chập chờn, khó theo dõi và dường như nằm ở bên lề của thời hiện tại với những cuộc tình dang dở, những cuộc đổi chác phũ phàng, những trận rượu mê man, những sầu não, thất vọng. Tuy vậy, dẫu chỉ là vài mảnh vụn lịch sử, rải rác góp nhặt lại qua những kiếp luân sinh của một nhân vật nhìn thấu kiếp luân hồi nhưng những thăng trầm của Hà thành cũng được tái dựng theo một nhãn quan riêng - nhãn quan của kẻ đứng bên lề lịch sử. Đây là cách lựa chọn điểm nhìn của nhà tiểu thuyết để được tự do hơn đối với lịch sử.
Khác với hai tiểu thuyết trên, ở Minh sư và Quỷ vương, lịch sử và quá khứ chiếm dung lượng nhiều hơn trong tương quan với hiện tại. Minh sư bắt đầu bằng hành trình đi tìm quá khứ của nhà nghiên cứu sử học Đoàn Minh Thành với niềm đau đáu về giai đoạn lịch sử cách đây mấy trăm năm khi Đoan Quận công Nguyễn Hoàng tiến về phương Nam. Bảy phần của cuốn tiểu thuyết đều miêu tả những trăn trở của Thành về các nhân vật anh theo đuổi. Từng chương đều cụ thể hóa quá trình tạo nên nhân vật lịch sử của Thành, xen lẫn với hiện tại Thành đang ra Bắc vào Nam, đến thăm những địa danh lịch sử để làm sáng rõ dần những băn khoăn, trăn trở, hoàn chỉnh bức tranh quá khứ mà Thành vừa dựng lại. Mạch truyện hiện tại có cho biết lai lịch tiểu sử của Thành, có mở rộng mối quan tâm đến chuyện hàn gắn vết thương chiến tranh qua hành trình của chị Tư Trà, đi sâu vào những khúc mắc nghề nghiệp của Thành nhưng trọng tâm, sức nặng dường như dồn vào mạch quá khứ tạo nên bức tranh lịch sử đầy đặn, sắc nét. Lịch sử tuy ngắt quãng nhưng không rời rạc mà có sự gắn kết được tường thuật theo chiều tuyến tính dưới sự hình dung của Thành. Bởi vậy tác giả không đề tên thể loại tiểu thuyết lịch sử nhưng dưới tên tác phẩm Minh sư có kèm theo phụ đề Chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi. Đây là cách để hướng người đọc tới chủ đề lịch sử của tác phẩm.
Với sự xác lập thể loại là tiểu thuyết lịch sử, Quỷ vương mở đầu bằng câu chuyện của nữ chủ nhân biệt thự hoa phù dung - Thùy Dung - vợ của đương kim chủ tịch thành phố K - Thế Quyền. Thùy Dung hàng ngày tọa thiền, trở lại kiếp luân sinh trước đây, cuối thế kỉ XV cuối triều Lê sơ, trong thân phận của người con gái tài sắc Lệ Thanh bị dồn đẩy qua mấy đời hôn quân: Lê Tương Dực, Lê Uy Mục… Cùng với đó, người yêu cũ của Thùy Dung - nhà nghiên cứu sử học Lê Thế Dân - vừa quán tưởng kiếp trước vừa công bố những ghi chép lịch sử về triều đại nhà Lê ở giai đoạn suy tàn. Những mảnh ghép từ kí ức của hai nhân vật này được ráp lại dần tạo thành bức tranh hoàn chỉnh về thời đại đã qua. Song song với đó, theo dấu những hoạt động chính trị và phi vụ làm ăn của Thế Quyền và xung quanh anh ta, cả một hiện thực bộn bề của đời sống đương đại với những âm mưu tranh quyền đoạt vị, cấu kết, hãm hại, lợi dụng… bị lật tẩy, phơi lộ. Kết cấu song hành hai tuyến nhân vật ở hai thời đại tạo nên một sự soi chiếu ngầm quá khứ - hiện tại, kiếp trước - kiếp sau. Kiếp luân hồi và bánh xe lịch sử dường như được lặp lại ở số phận của các nhân vật. Motif hồi tưởng kiếp luân sinh một lần nữa được thể hiện trong tiểu thuyết Quỷ vương để gắn kết những khúc đoạn lịch sử tạo thành tự sự về lịch sử theo một cách riêng.
Cả bốn cuốn tiểu thuyết đều tái dựng lịch sử từ những mảnh vỡ, nhưng Người đi vắng và Ba ngôi của người không nhằm dựng nên một lịch sử tổng thể mà chỉ là hé mở lịch sử từ một góc khuất, bên lề. Lịch sử đó chỉ góp phần lí giải/ làm rõ những điểm mờ của hiện tại, hoặc mở rộng không gian tiểu thuyết, hoặc nhấn sâu thêm tư tưởng chủ đạo của tác phẩm. Ở Minh sư và Quỷ vương, lịch sử hiện diện ở cấp độ sâu hơn, lịch sử song hành với hiện tại, soi chiếu vào hiện tại và dẫn lối vào hiện tại. Trong Quỷ vương, lịch sử sẽ làm rõ mối quan hệ bạo chúa, cái đẹp, trí thức và sự suy tàn của triều đại còn ở Minh sư, lịch sử gợi mở những suy tư về vai trò của đấng minh quân, người mở cõi trong lựa chọn lịch sử của họ. Với cách diễn giải lịch sử từ những mảnh vỡ như vậy, người đọc được đặt vào trạng thái “tỉnh thức” khi luôn phải từ hiện tại quay ngược về quá khứ và từ quá khứ bị kéo trở lại hiện tại, đồng thời phải tự chắp ghép những mảnh vỡ lịch sử để tạo nên một hình dung của chính mình. Đây là cách các nhà văn đương đại suy nghiệm về lịch sử bằng cảm quan cá nhân như một sự từ chối diễn giải lịch sử theo kinh nghiệm cộng đồng, mở ra những chân trời sáng tạo mới.
2. Lịch sử và những tưởng tượng về lịch sử
Sự kết hợp giữa hư cấu và lịch sử mở ra những khả năng phong phú của tiểu thuyết lịch sử. Bốn cuốn tiểu thuyết trên dẫu chạm đến lịch sử ở những thời điểm khác nhau nhưng đều nhờ vào khả năng liên thông của nhân vật với quá khứ để tái dựng thời đại đã qua. Trong Người đi vắng, các nhân vật có khả năng liên thông với quá khứ và bị tác động không ít (tác động cả thể chất lẫn tinh thần) khi đột nhiên quá khứ sống dậy len lách vào đời sống hiện tại của họ. Những khả năng tâm linh kì lạ đó tạo cho tiểu thuyết này một không gian đẫm đặc huyền thoại, nửa thực nửa hư. Sử dụng yếu tố kì ảo là thủ pháp nghệ thuật đặc trưng của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, cho thấy quan niệm về hiện thực và con người của tác giả: con người là một thế giới đa chiều, bí ẩn và đời sống không chỉ là hiện thực nhìn thấy mà còn là cái cảm thấy, mơ hồ, khó nắm bắt. Đây cũng là xu hướng của văn chương Việt Nam trong nỗ lực thoát khỏi mô hình “phản ánh hiện thực”.
Cũng đặc biệt không kém, nhân vật “tôi” trong Ba ngôi của người có khả năng nhớ lại một số đoạn trong các kiếp trước của mình. Việc hồi tưởng mỗi kiếp đều ít nhiều làm sống dậy không khí lịch sử, các nhân vật trong quá khứ qua lăng kính cá nhân ở bên lề lịch sử. Còn ở Minh sư, Thành bị ám ảnh bởi các sự kiện xảy ra ở xứ Thuận Quảng những năm tháng xa xưa. Thế Dân và Thùy Dung trong Quỷ vương nhờ khai mở được luân xa khi tập thiền đã nhìn thấu tiền kiếp của mình, mở ra cánh cửa lịch sử sinh động, bí ẩn. Theo cách hư cấu này, các tiểu thuyết Người đi vắng, Ba ngôi của người, Quỷ vương nhuốm màu tâm linh huyền bí trong việc dẫn dắt người đọc đến với lịch sử khiến cho tiểu thuyết gần với truyền kì, dã sử. Chọn cách thể hiện nhân vật lịch sử bằng tưởng tượng về lịch sử như vậy, nhà văn có quyền tự do hơn với nhân vật của mình và với độc giả, giải ảo cho độc giả lối đọc “đối chiếu” với chính sử và các dữ liệu lịch sử đã biết.
Không chỉ ảo hóa câu chuyện bằng yếu tố tâm linh huyền bí, các tác giả tiểu thuyết còn công khai về sự hư cấu lịch sử. Ba ngôi của người công khai về những kí ức đứt đoạn, hỗn độn của nhân vật trung niên: “kí ức của trung niên đang bừa bộn hằn nét miên man”, “mập mờ nhớ”, “có những đoạn nhớ cực kì rõ, nhưng cũng có đoạn nhớ hỗn độn y như ở ác mộng”... như một sự không đảm bảo về trí nhớ của nhân vật để người kể chuyện tự do hơn trong việc tái hiện lịch sử. Khi nhà văn viết về một giai đoạn hay một nhân vật lịch sử sẽ bị đối tượng quy định (chẳng hạn ngôn ngữ, trang phục, văn hóa phải phù hợp với thời đại nhân vật sống) và đảm bảo độ chân thực trong phạm vi nhất định, tức không thể hư cấu một cách hoàn toàn như với đối tượng nhân vật hư cấu khác. Việc công khai về sự hư cấu này của tác giả Ba ngôi của người phá bỏ định kiến khi viết về lịch sử đòi hỏi khắt khe về tính chân thật và khách quan lịch sử; từ đây người đọc khó lòng có thể “bắt bẻ” độ chính xác của trí nhớ nhân vật hay tính khách quan của những câu chuyện được kể.
Các tiểu thuyết Minh sư, Quỷ vương, Ba ngôi của người và Người đi vắng cho thấy câu chuyện lịch sử là những ám ảnh, tưởng tượng, hình dung, ghi chép, phán đoán của nhà sử học, của người có khả năng thông linh. Bởi vậy, đây có thể gọi là những siêu hư cấu về lịch sử gắn với tinh thần hậu hiện đại của tiểu thuyết đương đại.
Các nhà văn đương đại đã tạo nên một “phép ứng xử” với lịch sử khác so với các tác giả tiểu thuyết lịch sử truyền thống: công khai hư cấu lịch sử. Cách “chơi với lịch sử” cho thấy một tâm thế khá thoải mái của nhà văn đương đại trước lịch sử, coi lịch sử như là sự tưởng tượng về lịch sử. Điều này thể hiện sự chuyển biến trong tư duy nghệ thuật: tiểu thuyết lịch sử thực chất là những diễn ngôn về lịch sử chứ không phải là sự đảm bảo phải trung thành với một “sự thật lịch sử” trong các bộ sử.
3. Viết về lịch sử như một hình thức đối thoại với lịch sử
Ở các tiểu thuyết Người đi vắng và Ba ngôi của người, mặc dù yếu tố lịch sử thoáng qua với dung lượng ít nhưng các tác giả có tham vọng nhìn lại cả chiều dài lịch sử đi qua mảnh đất nơi nhân vật đang sống, đó là Hà thành nơi kết tinh những trầm tích văn hóa, đó là Thái Nguyên địa linh nhân kiệt. Tác phẩm không tập trung vào một sự kiện hay một triều đại cố định, mà “điểm danh” những sự kiện, nhân vật lịch sử nổi bật từng xuất hiện. Khi đặt song song hai tuyến hiện tại và quá khứ, lịch sử được sống lại, trở thành một thực tại gây tò mò với độc giả: Lịch sử đó có mối liên hệ nào với hiện tại trong tiểu thuyết? Câu chuyện của một gia đình bình thường ở Thái Nguyên nhưng vẫn còn đó trong không gian hằng đêm; trong mỗi thửa đất, ngôi nhà, tiếng thì thầm của quá khứ dội về. Người đi vắng đưa ra câu trả lời cho những nghi vấn lịch sử: Cái chết của những người anh hùng như Lập Nham Lương Ngọc Quyến, Đội Cấn, Lưu Nhân Chú đã diễn ra như thế nào, khi chết họ nghĩ gì? Họ đã bắt đầu tham gia khởi nghĩa ra sao? Trong những nghi vấn khác nhau của lịch sử, Nguyễn Bình Phương đã tự lựa chọn cho mình một cách lí giải. Cũng vậy, Ba ngôi của người chỉ nắm bắt những khoảnh khắc thoáng qua của lịch sử trong một kiếp người mong manh: nhân vật đạo sĩ quán Đạo Thanh khoảng năm Đinh Sửu 1397, từng ngồi kiết tọa với đồng môn Vô Ưu Tử, tên húy là An, tức Trần Thiếu Đế. Nhân vật An - vị vua cuối cùng của triều Trần - là cái móc rất nhỏ để các nhân vật khác níu vào một thời kì lịch sử cụ thể, nhưng nhờ đó, những người đọc đam mê lịch sử sẽ có một câu trả lời về số phận vua Trần Thiếu Đế vốn thường bị nhiều màn sương mờ che phủ. Trong lối trần thuật của Nguyễn Việt Hà, lịch sử được “đính kèm”, “rắc thêm” như một thứ gia vị, rau thơm cho món ăn tăng phần hấp dẫn. Thấp thoáng sau “ông nội của cô bé bình luận viên trên tivi” là những nhân vật liên quan đến Việt Nam Quốc dân đảng như Cô Giang, Đoàn Trần Nghiệp, hay ở lần luân sinh thứ bảy là cảnh Vũ Văn Nhậm đem quân vào Thăng Long và lời kể của Ngô Thì Chí. Cách đối thoại với lịch sử của Nguyễn Việt Hà là sự so sánh “tạt ngang” rất độc đáo: vì trong một nhân vật chứa nhiều kiếp luân sinh nên có được quyền năng “di chuyển” giữa các thời đại, liên tưởng bất ngờ. “Trung niên đã cùng một đạo sĩ đồng môn có đạo danh là Vô Ưu Tử đối diện nhau ngồi kiết tọa suốt sáu năm ròng rã trên đỉnh Cô Phong. (…) Theo lệ của môn phái có xuất xứ từ Giang Đông, đệ tử cứ tròn ba mươi sáu tuổi phải đi vân du khắp thiên hạ kiểu như đám văn nghệ sĩ thời miền Bắc xã hội chủ nghĩa phải đi thực tế”. Liên tưởng so sánh trong Ba ngôi của người đầy bất ngờ và gây hấn, nhưng Nguyễn Việt Hà đã làm một cuộc “đối thoại” lớn hơn là lấp những khoảng trống lịch sử về cuộc đời Trần Thiếu Đế mà sử sách không nhắc đến. Ở Minh sư và Quỷ vương, khi lựa chọn cấu trúc sóng đôi hiện tại - quá khứ, các tác giả đã hình thành cuộc đối thoại ngầm về những vấn đề của thời đại và thời cuộc. Với Minh sư, bên cạnh hành trình đi tìm quá khứ, khát vọng hòa giải và hòa hợp dân tộc ở hiện tại hậu chiến là công cuộc mở cõi về phương Nam chinh phục lòng người và vai trò của minh sư Đoan Quận công Nguyễn Hoàng. Minh sư gửi gắm những chiêm nghiệm về loạn lạc và chia cắt, nhân tâm và thế cuộc và lựa chọn của bậc minh sư. Trong Quỷ vương, sự song hành và lên ngôi của bạo chúa, của cái ác là một cảnh báo cho sự suy tàn của thời đại khi những cơn bão quét qua. Và tình yêu, cái đẹp, sự thiện lương ở thời nào cũng vậy, dẫu bé nhỏ, mong manh, dễ bị tổn thương, bị chà đạp hơn cả nhưng sẽ luôn bất diệt. Bởi vậy, mối tình ngang trái của nàng Lệ Thanh và chàng nho sinh Bùi Trụ dường như một lần nữa lại được tái sinh trong hình hài của Thùy Dung và Thế Dân để họ tìm lại tiền kiếp, viết nốt câu chuyện dang dở, và tiếp tục nợ nhau mãn kiếp. Lịch sử luôn được lặp lại giống nhau đến kinh ngạc, là những bánh xe nghiến qua thời gian và vết xe đổ của tiền nhân lại có kẻ hậu bối tiếp tục giẫm lên. Cách lí giải về tính cách hoang dâm, quái ác của vua quỷ, vua lợn hay cái nhìn tích cực về sự hiện diện của nhà Mạc trong bối cảnh thời mạt cũng là những suy tư về lịch sử sắc bén và giàu tính đối thoại.
Ở cả bốn cuốn tiểu thuyết đan cài giữa lịch sử và hiện tại nói trên, sự chất vấn và đối thoại với lịch sử còn đem lại ý nghĩa rộng hơn, đó là những suy tư về cuộc đời: những nhân vật mải miết với những đam mê, đích sống của mình nhưng rốt cuộc kiếp người dẫu mấy chục năm cũng chỉ như một chớp mắt của vũ trụ. Nhưng chỉ chớp mắt ấy thôi mà lưu lại muôn đời, dẫu có thể chỉ là sự tan thấm vào đất đai, không khí. Việc đi vào câu chuyện lịch sử một cách “tung tẩy”, tự do như cách của các nhà tiểu thuyết đã đem lại hiệu ứng tiếp nhận lịch sử phóng khoáng hơn, cởi mở hơn nơi người đọc hôm nay.
(VNQĐ)