Một số thành tựu mới của văn học thiếu nhi…
Và mọi người dân nhận ra: khi con trẻ tìm đọc say mê các sáng tác thơ văn… thì đời sống tâm hồn và một số ứng xử hàng ngày của các cháu dường như có tươi vui và khôn ngoan hơn.
Các nhà nghiên cứu có lý do để nói rằng: văn học thiếu nhi Việt Nam đã có thành tựu mới rất đáng khích lệ và biểu dương. Ngược dòng lịch sử một chút, người quan sát có thể phân tích thêm mà ghi nhận là:
Trong quá trình sinh thành và phát triển hàng trăm năm qua, văn học thiếu nhi đã từng là công cụ hữu hiệu để các bậc ông bà, cha mẹ… truyền dạy cho con trẻ bao nhiêu điều về lẽ sống. Ở những năm xa xưa ấy, văn học thiếu nhi chủ yếu, là các áng thơ ca dân gian, các truyện cổ truyền miệng do người lớn sáng tạo ra.
Hơn một thế kỉ gần đây văn học thiếu nhi đã có nhiều yếu tố khác trước. Chúng ta có thể lược thuật ra ở đây một số yếu tố khác trước, hay là một số ngọn nguồn chính đã tạo ra diện mạo và chất lượng văn học thiếu nhi khoảng 80 năm gần đây là: 1/ Giáo dục nhà trường và trong gia đình, ngoài xã hội đã có sự đổi mới, phát triển theo hướng thực dụng, thực hành rất rõ. Trong xu hướng chiến lược – chiến thuật này, số trẻ em đã biết đọc và biết viết ngày càng đông đảo hơn, ngay ở tuổi mẫu giáo – nhi đồng. Hàng vạn rồi hàng triệu con trẻ Việt Nam ở các vùng miền đã và đang có nhu cầu đọc rồi chép truyện, đọc và chép thơ, trong sách giáo khoa và các sách báo khác; 2/ Nhà nước đã tạo ra một cơ chế xuất bản và truyền bá sách văn học cho trẻ em: lập ra các nhà xuất bản như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ… Các báo chí của Đoàn và Đội thường xuyên có trang văn học thiếu nhi; ngay trong những năm chiến tranh ác liệt, nhiều thơ văn cho thiếu nhi đã được in ra, chuyển đến các em khá kịp thời qua hệ thống thư viện và các hiệu sách; 3/ Các đoàn thể như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam… đã phối hợp tổ chức các cuộc vận động, các cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi, trao giải thưởng cho các tác phẩm được bạn trẻ yêu thích; 4/ Các nhà văn nhà thơ giờ đây đã viết cho trẻ em nhiều hơn, chuyên nghiệp hóa hơn. Nhiều người có khát vọng gieo mầm nhân ái, giáo dưỡng lý tưởng sống cao đẹp cho con người Việt Nam đương đại bằng việc sáng tác thơ văn cho các cháu các em… thật rõ ràng, cụ thể và khéo léo…
Có thể nói: Đây là 4 yếu tố, 4 vấn đề rất khác trước trực tiếp tạo ra sự phát triển lành mạnh cho văn học thiếu nhi Việt Nam mấy chục năm gần đây.
Ra đời từ bối cảnh xã hội như thế, văn học thiếu nhi Việt Nam mấy chục năm gần đây đã đạt được một số thành tự mới rất đáng ghi nhận, biểu dương.
Thành tự thứ nhất – đã xuất hiện một đội ngũ tác giả khá đông đảo. Đội ngũ này nhiều thế hệ, độ tuổi. Trong đó có: Những nhà văn nhà thơ từng viết các tập thơ tình yêu trai gái, yêu quê hương đất nước hấp dẫn từ trước năm 1945, vài chục năm sau họ lại viết tiếp, góp cho văn thi đàn thiếu nhi các tập mới hay, như Huy Cận: Hai bàn tay em, Phù Đổng Thiên Vương…, Tô Hoài: Miền Tây, Đảo hoang… Kế tiếp họ, là những tác giả mới như Phùng Quán (Tuổi thơ dữ dội), Xuân Sách (Đội thiếu niên du kích Đỉnh Bảng), Vũ Cao (Em bé bên bờ sông Lai Vu), Lê Khắc Hoan (Mái trường thân yêu)… Và đặc biệt là những nhà văn như Đoàn Giỏi với Đất rừng phương Nam, Cuộc truy tìm kho vũ khí, Võ Quảng viết các tập thơ văn như Gà mái hoa, Thấy cái hoa nở, Anh Đom Đóm và Quê nội, Tảng sáng… Định Hải làm tươi trẻ thơ bằng các tập như Chồng nụ chồng hoa, Em hát - đu quay, còn Phong Thu thì có các tập thật dí dỏm như Điểm 10, Xe lu và xe ca…
Từ cuối những năm thập kỷ 60 trở đi, có một loại tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam hoàn toàn mới mẻ xuất hiện. Sự non tơ mà sớm chững chạc của lớp thiếu nhi cầm bút làm thơ và viết truyện này đã làm dậy sóng thi đàn suốt vài chục năm tiếp theo. Thoạt đầu là Trần Đăng Khoa được nhanh chóng tôn vinh là thần đồng bởi một loại bài thơ rồi được tuyển vào các tập thơ cho nhiều lứa bạn đọc cùng xem như Góc sân nhà em và khoảng trời, Khúc hát người anh hùng… mà có người cho rằng “hầu như bài nào cũng hay…”. Cùng với Trần Đăng Khoa là những tác giả trẻ trung khác, họ là: Lê Phương Liên, Khánh Chi, Đặng Hấn, Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Quốc Toàn, Cao Duy Sơn, Phùng Ngọc Hùng, Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Trác, Phong Điệp… Rồi gần đây hơn nữa là những Nguyễn Nhật Ánh, Hoàng Dạ Thi, Nguyễn Ngọc Thuần, Lê Quang Đôn, Vĩnh Thông, Nông Ích Khiêm… Thật không thể nào kể hết những tên tuổi đáng quý này. Mỗi người một vẻ, một ngân vang riêng, tất cả, đều khiến cho các nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi và đông đảo công chúng nhiều năm nay tin mến và hi vọng.
Có chuyện, có vấn đề thú vị nữa là: Khi phân tích sự có mặt của đội ngũ tác giả văn học thiếu nhi hàng trăm người này, ta thấy có xu hướng chuyên nghiệp hóa ngày càng rõ. Ngay từ buổi đầu lập nghiệp đã chuyên chú với văn học thiếu nhi như Trần Quốc Toàn, Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Nhật Ánh, Bảo Ngọc… Từng viết cho mọi bạn đọc, mọi đề tài, nhưng cùng với thời gian và sự chiêm nghiệm thì tập trung viết nhiều cho thiếu nhi hơn như Phạm Đình Ân, Đỗ Toàn Diện, Lê Tuấn Lộc… Với Nguyễn Quang Thiều chẳng hạn, lại như một chiếu riêng. Ông sáng tác cho thiếu nhi chưa thật nhiều, nhưng các trang thơ văn của ông lại đang tạo ra một ấn tượng đặc sắc.
So với đội ngũ tác giả văn học Việt Nam đương đại nói chung, có thể ví như một tập đoàn quân, thì các tác giả văn học thiếu nhi dường như chỉ là một quân khu, một sự đoàn thì phải? Bé nhỏ và ít ỏi hơn là tự nhiên thôi. Song lực lượng này đang đóng một vai trò hết sức trọng yếu là trực tiếp bồi dưỡng - đào tạo cho nguồn nhân lực sáng tác văn chương của cả nước. Lứa trước dìu dắt lứa sau trong các cuộc vận động – các trại sáng tác, và trên các trang bản thảo… họ đã góp phần tạo nên bản sắc mới cho cả dòng văn học thiếu nhi ở ta.
Thành tựu thứ hai – Đề tài sáng tác của văn học thiếu nhi ngày càng mở rộng. Sự mở rộng theo hướng phong phú hóa về nội dung đã đi cùng với sự đa dạng hóa của phong cách nghệ thuật ở mỗi tác giả… Thoạt đầu thơ thiếu nhi hay viết về sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày của trẻ em như Trần Đăng Khoa… Hoàng Minh Chính thì viết:
Hôm qua em đến trường
Mẹ dắt tay từng bước
Hôm nay mẹ lên nương
Một mình em đến lớp…
…
Mũ rơm thơm em đội
Hương cốm chan hương rừng
Mỗi lần em tới lớp
Hương theo em đến trường.
(Đi học)
Hoàng Tá có bài Cái sân chơi biết đi:
Chiều về cho kênh nước xanh
Lưng bê mát rượi bồng bênh gió hè
Anh em sáo sậu liệng về
Nhảy tung tăng khắp lưng bê hiền lành
Sáo em: “Hí hí… Kìa anh!
Cái sân chơi của chúng mình biết đi”
Nhưng rồi chiến tranh nổ ra, rồi cuộc sống cũng có nhiều khó khăn hơn, những câu chuyện thường ngày của con trẻ cũng có khác. Văn học thiếu nhi kể, vẫn hồn nhiên, mà trong tình thương mến đã có vẻ âu lo.
Cô về với bản lần đầu
Cầu treo nhún nhảy qua cầu chưa quen
Cô ơi nắm lấy tay em
Suối sâu mặc suối, cầu bền chẳng sao.
Cô lên dạy học vùng cao
Cầu ơi cầu chớ nghiêng chao quá chừng...
(Qua cầu - Vương Trọng)
Ấy là câu chuyện ở vùng cao. Còn đây là thơ thiếu nhi viết về một ước ao của trẻ em ở thành thị
Nếu được tiên ông cho một điều ước
Em chỉ ước cô là cô giáo
Để không có những chiều giông bão
Cô thẫn thờ thùng kem ế đầy nguyên!
(Em không muốn. Kim Hương Giang)
Có một nhóm tác giả viết cho thiếu nhi mà ít hướng tới sự vui cười hả hê rộn rã trong đời, mà hay đánh thức lương tâm và trách nhiệm ở trẻ em. Nguyễn Quang Thiều là một người như thế. Ông kể:
Con chim sẻ nhỏ chết rồi
Chết trong đêm cơn bão về gần sáng
Đêm ấy tôi nằm trong chăn
nghe cánh chim đập cửa
Sự ấm áp trong chăn giữ chặt tôi
Và tôi ngủ ngon lành đến lúc bão vơi
Chiếc tổ cũ trong ống tre đầu nhà chiều gió hú
Không còn nghe tiếng cánh chim về
Và tiếng hót mỗi sớm mai trong vắt
Nó chết trước cửa nhà tôi lạnh ngắt
Một con mèo hàng xóm lại tha đi…
(Tiếng vọng)
Nhân đây, tôi muốn nhắc đến một bài nữa của Cao Xuân Sơn viết cho con gái Bảo Trân, tưởng chỉ là chuyện cha - con trong nhà, đầy tin yêu… mà cũng là bài học đường đời, ông dặn:
Nhà mình nhiều cơn túng bấn
mà chưa đói sách bao giờ
bố muốn bận gì thì bận
con đừng thấy sách ngó lơ
…
Xưa nay trăm tài nghìn sắc
không ngoài hai chữ thiện lương
cứ thế mà đi con gái
cả khi mình một con đường.
(Nói với con)
Có vẻ như rất cổ xưa, làm thơ cho con cháu là để nhắc nhở, để hướng thiện cho trẻ. Bài thơ của Cao Duy Sơn rất thời sự mà cũng đầy chất thế sự nhân gian.
*
Văn thơ của/cho/về thiếu nhi quả là một lĩnh vực riêng về nội dung tư tưởng và phong cách sáng tạo. Lĩnh vực sáng tạo và nghiên cứu này có một ít đặc thù, nó đòi hỏi người tham gia phải có tấm lòng yêu thương quý trọng, có ý hướng sâu xa mà được phô ra một cách bình dị tinh tế ý nhị... hơn, ấy là chưa kể đến sự tích lũy “vốn liếng trẻ thơ” cho dày dặn đủ dùng, thì mới theo được, mới có thành quả lâu dài được.
(Văn nghệ số 22/2023)