Trò chơi ngày Tết của người dân xứ Quảng - Huỳnh Thạch Hà

18.03.2016

Xứ Quảng là cách gọi chung cho tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng ngày nay. Đây là vùng đất có cư dân người Việt sinh tụ từ hơn 700 năm trước. Người dân xứ Quảng có đời sống văn hóa vật chất cũng như tinh thần vô cùng phong phú, đặc biệt, ngày Tết là một trong những ngày lễ vô cùng quan trọng, là dịp để họ thể hiện sự biết ơn của mình đối với ông bà, tổ tiên, với các bậc thần thánh, trời đất, là dịp để gia đình sum họp, đồng thời cũng là thời điểm nở rộ của những trò chơi, nghệ thuật dân gian hết sức độc đáo, mang bản sắc riêng của vùng như: đua thuyền/ghe, hô bài chòi, hát bội, đấu võ, cờ tướng, hát sắc bùa…

Trò chơi ngày Tết của người dân xứ Quảng - Huỳnh Thạch Hà

Đua thuyền/ghe

Đua thuyền là một trong những loại hình sinh hoạt lễ hội vui chơi ngày Tết đã hiện diện từ lâu trong đời sống văn hóa của người dân xứ Quảng. Cho đến nay, tục đua thuyền của người Việt có tự bao giờ thì vẫn chưa có nguồn tư liệu nào khẳng định một cách chắn chắn(?), chỉ biết trong các bộ sách cổ của Trung Quốc như Giao Châu dị vật chí (được viết khoảng thế kỷ I - II), Thủy kinh chú sớ (được viết vào thời Tam Quốc, 220 - 265), đều khẳng định, người Việt thạo thủy chiến, giỏi dùng thuyền. Cho đến nay, tác phẩm đề cập sớm nhất đến việc đua thuyền của người Việt là Đại Việt sử ký toàn thư. Sách này cho biết: “Năm Ất dậu, Thiên Phúc năm thứ 6 (985). Mùa thu, tháng 7, ngày rằm là ngày sinh nhật của vua, sai người làm thuyền ở giữa sông, lấy tre làm núi giả đặt trên thuyền gọi là Nam Sơn, rồi bày lễ vui đua thuyền, về sau thành thường lệ”.

Bên cạnh đó, trong quan niệm của dân gian cho rằng, từ xưa, vào những ngày Tết hay những khi nắng hạn lâu ngày, ông cha ta vẫn thường tổ chức đua thuyền để khuấy động thủy cung - nơi cư ngụ của Long vương, nhằm cầu mưa, Long vương mới sai người làm mưa cho cây cối xanh tươi. Vì vậy, từ mùng ba đến mùng mười Tết, các địa phương ở xứ Quảng đều tổ chức đua thuyền để cầu mưa và làm tăng thêm không khí của ngày xuân.

Các thuyền đua ở xứ Quảng, chủ yếu được làm bằng gỗ hoặc đan bằng nan tre. Mỗi thuyền đua có từ 20 đến 50 tay chèo, những người đứng đằng lái và mũi có một vai trò hết sức quan trọng, họ phải già dặn trong nghề sông nước mới có đủ khả năng chỉ huy cả đội đua. Các tay đua là những chàng trai sống bằng nghề sông nước, có sức khỏe, tay cầm mái chèo, đầu thắt khăn đỏ hoặc nâu ngồi trong thuyền vừa chèo vừa hát hò đua thuyền. Trước và sau mũi thuyền đều có người lái, đồng thời cũng gọi là tổng lái hay tổng mũi hoặc tổng khoan để bắt nhịp cho được nhịp nhàng ăn khớp với thao tác chèo thuyền. Tổng xướng, chèo xô, cứ vậy những đôi tay chèo nhịp nhàng hòa với điệu hát cố sức đưa thuyền lướt nhanh để thắng cuộc.

Hai bên bờ sông, người dân tập trung rất đông để cổ vũ tinh thần cho các đội đua, tiếng chiêng, tiếng trống giục lên hối hả, cờ hội với nhiều màu sắc rực rỡ phấp phới dọc hai bên bờ sông. Tiếng cổ vũ của những người tham dự vang lên vui vẻ, náo nhiệt làm tăng thêm không khí nhộn nhịp của ngày xuân. Hiện nay ở xứ Quảng, tục đua thuyền hằng năm vẫn được tổ chức đều đặn trên sông Thu Bồn, sông Hàn…

Đấu cờ tướng

Không biết cờ tướng ra đời và du nhập vào xứ Quảng tự bao giờ, song nó đã trở thành một thú chơi được đại bộ phận nhân dân ưa thích. Vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, việc chơi cờ tướng là một thú tiêu khiển không thể thiếu. Cờ tướng là môn chơi đòi hỏi tư duy nhiều, hết sức phức tạp bởi nó có nhiều cách đánh phối hợp hơn cờ vua ở châu Âu.

Vào những ngày Tết, người dân xứ Quảng không chỉ dùng những quân cờ được chế tác từ gỗ, đá, nhựa để đi trên bàn cờ mà còn có cả con người, người ta gọi đó là cờ người. Đấu cờ người được tổ chức trên một khoảng sân rộng được vẽ hình bàn cờ. Bên này bàn cờ là những người con trai, bên kia là những cô con gái họ đều mặc quần áo đồng phục, cả hai bên đều thay cho những quân cờ và mỗi người đều mang trên đầu một tấm biển ghi tên quân cờ mà mình thay thế. Hai bên có hai người đánh cờ, mỗi khi bên này đi một nước cờ thì quân cờ trên sân sẽ di chuyển đến vị trí đó. Ở một số địa phương, quân cờ là những võ sinh của các võ đường, mỗi khi di chuyển họ múa những bài quyền rất đẹp, hoặc hai bên sẽ biểu diễn những ngón võ độc đáo, làm cho không khí đấu cờ người trở nên sinh động hơn.

 Những năm gần đây, ở nhiều địa phương xứ Quảng, vào những ngày Tết ngoài việc tổ chức đấu cờ người, người ta còn thiết kế bàn cờ lớn treo lên một giá đỡ ngoài sân rộng, khán giả có thể ngồi quan sát, theo dõi người ta đánh cờ như xem một chương trình văn nghệ trên sân khấu lớn. Đấu cờ tướng vui xuân ở xứ Quảng đã hiện diện từ lâu và nay vẫn còn được duy trì tổ chức thi đấu trong dịp Tết.

Hô bài chòi

Xưa kia, ở hầu khắp các làng quê xứ Quảng, vào ngày Tết làng nào cũng tổ chức hô bài chòi, đây là một trò chơi mang đậm tính dân gian và được đông đảo người dân yêu thích.

Địa điểm tổ chức hô bài chòi thường là ở chợ làng, phần lớn là ở đình làng và miếu làng. Những dụng cụ dùng trong hô bài chòi khá đơn giản, chỉ cần một chiếc trống lớn, một bộ bài chòi có 32 quân, chia cho mười người, mỗi người 3 quân, 2 quân để lại. Người cầm chịch cuộc chơi gọi là “hiệu” cũng có bộ bài giống như vậy, đựng trong một ống tre ghép, đứng trên một cái chòi cao hơn những chòi khác.

Đến sáng đầu năm người ta tổ chức hội bài chòi. Các cụ già trong làng làm lễ cúng thổ địa, thần linh, cầu khẩn điều tốt lành cho năm mới. Trong khi đó tiếng trống thôi thúc dân làng đến chơi hội bài chòi. Những người chơi lần lượt đến các chòi, người hiệu mang bài và cờ đến tận chòi để bán. Khi anh hiệu hò lên một bài lục bát hoặc song thất lục bát thì cuộc chơi bắt đầu. Sau đó anh hiệu đưa tay lên ống tre rút một quân bài và xướng lên thật to, trong đám chơi ai có quân bài giống tên quân bài vừa hô thì xướng lên “có đây”; lúc này người trong ban tổ chức sẽ đưa lá cờ nhỏ (loại cờ xéo) và đổi lấy quân bài. Ván bài kết thúc khi ai có đủ ba lá cờ liên tục gọi là tới - thắng cuộc; ván tiếp theo lại tiếp tục như vậy cho đến ván thứ tám thì kết thúc một hội với tám phần thưởng; hai phần thưởng còn lại dành cho ban tổ chức cuộc thi. Mỗi lần có người tới, tiếng trống lại nổi lên, có lúc người ở ba chòi cùng hát câu chúc mừng.

Bài chòi là một trò chơi mang nét đẹp truyền thống mang tính văn nghệ dân gian, bởi khi rút ra một con bài, anh hiệu hô lên một câu ca dao hoặc nói vè về con bài đó. Chơi bài chòi cũng như chơi bài tới, nhưng ở đây có anh xướng hô bài làm cho trò chơi sinh động và rôm rả hơn. Anh hiệu phải là người có tài, “xuất khẩu thành thơ”, phải thuộc lòng hàng trăm bài thơ, câu ca dao, biết hát nam, hát khách, những điệu hát có liên quan đến nghệ thuật tuồng rất phổ biến ở địa phương. Ví dụ: Đi đâu mang sách đi hoài, Cử nhân không thấy, tú tài cũng không (con Nhứt trò). Còn duyên làm cách làm kiêu, Hết duyên bí thúi bầu thiu ai thèm (con Nhì bí)… Nhiều trường hợp, anh hiệu tự ứng tác làm cho cuộc chơi thêm phần hưng phấn.

Ngày nay, hội hô bài chòi trong ngày Tết dần biến mất ở nhiều làng quê xứ Quảng. Tuy nhiên ở một số địa phương, hội bài chòi lại được tổ chức công phu, thu hút nhiều người dân trong đô thị và các làng xã lân cận đến chơi, thưởng thức tài nghệ của các nghệ nhân hô bài chòi trong những lần tổ chức vui chơi giải trí. Ở Hội An còn tổ chức hội bài chòi cho cả khách du lịch nước ngoài cùng tham gia. Hiện bài chòi đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xúc tiến lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Thế giới.

Hát bội

Hát bội là một trong những loại hình vui chơi giải trí ngày Tết của cư dân xứ Quảng. Hát bội thường được tổ chức tại sân đình hoặc ở những sân khấu lộ thiên tại các địa phương. Hát bội ngày Tết có khi do một người nào đó đạt được ý nguyện, làm ăn gặp nhiều may mắn trong năm, Tết đến thì họ tổ chức hát bội, thuê gánh hát về hát xem như là trả lễ hoặc tạ ơn cho thần (lực lượng siêu nhiên) ngầm giúp đỡ để được toại nguyện. Đôi khi là do gánh hát đó tự đến địa phương tổ chức biểu diễn.

Trong buổi hát có một vị cầm chầu, người cầm chầu phải thông thạo, phải hiểu ý nghĩa của từng tiếng trống mới dám cầm chầu cho buổi hát. Tiếng trống chầu nổi lên người ta hiểu được bao nhiêu ý nghĩa từ tiếng trống âm vang đó. Có lúc tiếng trống như reo vui bất tận, có lúc thâm sâu mang nhiều suy tưởng trầm tư, có khi dồn dập như vui tươi, có khi giận dữ, có khi nhẹ nhàng biểu hiện sự bằng lòng, thoải mái. Trong quá trình cầm chầu phải hiểu tường tận về niêm luật và diễn xuất, vũ đạo, phương cách hát, cách dùng binh khí, đấu võ, hiểu được thì cầm chầu mới đúng, tiếng trống mới chính xác. Khi diễn viên hát khách, hát lối hoặc nói lối, người cầm chầu điểm một tiếng hoặc hai tiếng trống sau nhịp, khi diễn viên xướng Nam Ai, chầu đánh một hồi,… tạo nên sự cảm ứng giữa người diễn với người xem.

Các vùng ở xứ Quảng như Khánh Đức (Quế Sơn), Khánh Thọ (Tam Kỳ) là hai giáo phường đã cung cấp cho hát bội nhiều tài năng, nghệ nhân dân gian: Nhưng Đá, Nhưng Nguyên, Quyền Ngữ, Cửu Vị, Quản Lan... Những danh xưng Nhưng, Quyền, Cửu, Quản là danh từ tôn xưng tài năng trong hát giáo tuồng giống như danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân ngày nay.

Hát sắc bùa

Hát sắc bùa là loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian truyền thống đã hiện diện lâu đời trong những ngày Tết cổ truyền của người Việt ở xứ Quảng nói riêng, và người dân tại nhiều địa phương khác trên cả nước nói chung. Đây là hình thức diễn xướng tổng hợp với mục đích chúc tụng người yên vật thịnh, gia chủ có nhiều tài, nhiều lộc, gặp nhiều may mắn trong công việc làm ăn, con cháu hòa thuận, thành đạt.

Mỗi đội hát sắc bùa có ít nhất từ 5 đến 15 người, nhưng không được dưới 4 người, dưới sự điều khiển của một ông bầu. Mỗi nghệ sĩ hát sắc bùa vừa là diễn viên, vừa là nhạc công. Có một người hát chính gọi là cái kể, những người còn lại hát phụ gọi là con xô. Cái kể hát trước, mỗi người trong đội hát một câu so le, câu kết cả đội cùng hát.

Hát sắc bùa chỉ diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán và chỉ phục vụ cho những gia đình có yêu cầu. Thời gian diễn ra hát sắc bùa được bắt đầu từ giữa đêm 30 tháng Chạp cho đến hết tháng Giêng. Về trang phục, nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt cho rằng, trước đây các đội sắc bùa thường mặc áo dài đen, quần trắng, chân đi guốc mộc. Người làm đội trưởng trên đầu phải đội khăn đóng. Nhưng từ sau năm 1945, trang phục của các đội hát sắc bùa ở xứ Quảng càng về sau càng đơn giản hơn.

Mỗi buổi hát sắc bùa được chia ra thành hai phần: phần mang tính nghi lễ và phần hát giúp vui. Phần mang tính nghi lễ bắt đầu thực hiện từ ngoài cửa rào - trước cửa nhà - trước bàn thờ gia tiên - dán bùa yểm quỷ, trừ tà trên các cửa nhà, tuần tự gồm các bài: Mở cửa rào, Mở ngõ, Cõi nam, Khai môn, Rước xuân, Tiên sư, Trừ tà, Xốc quách, Dán bùa và bài Dẫn bùa. Ngoài bài mở cửa rào, một bài hát sắc bùa mang tính nghi lễ thường chia thành 3 phần: phần mở đầu là những câu rao do ông đội trưởng hát bắt giọng, trống cơm và đàn cò dạo theo. Kết thúc phần mở đầu là phần nội dung, câu đầu do tất cả các đội viên còn lại vào nhịp hát gọi là con xô, câu thứ hai cái kể, câu thứ 3 con xô và cứ như thế cho đến hết phần nội dung. Hai câu sau cùng là câu kết thúc, toàn đội sẽ hát chung.

Phần quan trọng không thể thiếu là hát bài dán bùa và dán bùa. Nghi thức hát và dán bùa tuy không cầu kỳ nhưng diễn ra rất trang nghiêm. Theo quan niệm xưa, ngày xuân, ai lại không thích đội sắc bùa vào nhà mình trấn áp ma quỷ, đem đến sự an lành cho gia chủ. Từ lý do đó nên một trong những khâu đội hát sắc bùa phải làm trước khi đi biểu diễn trong dịp Tết cổ truyền là chuẩn bị sẵn những lá bùa. Thông thường, họ không làm mà nhờ những người làm thầy cúng có tiếng tăm ở trong hay ngoài làng làm giúp.

Có thể nói, hát sắc bùa trong dịp đầu năm mới nhằm cầu cho gió thuận mưa hòa, mùa màng bội thu, cây cỏ tươi tốt, vạn vật sinh sôi, gia đình hòa thuận, tống quỷ trừ ôn, trăm nghề tấn phát,… Nhưng hiện nay, hát sắc bùa xứ Quảng đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Tuy nhiên, ở một vài nơi của xứ Quảng, hát sắc bùa vẫn còn là loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian hấp dẫn với cư dân địa phương.

Trò đấu võ

Vào những ngày Tết ở xứ Quảng, bên cạnh các trò chơi giải trí như hô bài chòi, hát bội, đua ghe... còn có trò đấu võ. Xứ Quảng xưa và nay là nơi có truyền thống giỏi võ, trò chơi đấu võ ngày Tết xưa kia theo một người châu Âu nhận xét thì: “Những cuộc đấu vật như thế chỉ mang tính chất tín ngưỡng”, bởi lẽ người Việt quan niệm rằng không nên gây gổ, đánh nhau, làm mất lòng nhau trong ba ngày Tết, đấu võ trong dịp này chỉ là sự thi thố tài năng, rèn luyện thân thể và củng cố tinh thần thượng võ của cha ông mà thôi. Tinh thần thượng võ, sự uyển chuyển, nhanh nhẹn trong các thế võ cổ truyền của người dân xứ Quảng đã từng làm cho người nước ngoài khi đến đây phải khiếp sợ và nể phục.

Cuối thế kỷ XVIII, tại Đà Nẵng, một người Anh là John Barrow khi đến đây đã chứng kiến một cuộc “tỉ thí” võ thuật giữa một người trong phái đoàn của ông với người dân bản xứ. Điều này được ông mô tả lại trong hồi ký Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà năm 1792 - 1793 như sau: “Một thủy thủ của tàu Lion gây gổ với một thanh niên bản xứ. Anh ta thách thức người thanh niên này tỉ thí. Trong khi người thủy thủ đang vòng vuông cánh tay, vận động một cách khéo léo các cơ bắp và ngắm nhìn cái chỗ (mặt của đối phương) nơi mà anh ta sẽ đấm ngã đối thủ. Thì người thanh niên Đàng Trong không một chút sợ hãi, nhoẻn miệng cười chế nhạo. Rất nhanh, anh ta xoay gót đá một cú như trời giáng làm đổ ập anh thủy thủ kia rồi bỏ đi, để lại cho người thủy thủ sự kinh ngạc giữa tiếng cười chế nhạo của đám đông”.

Xưa kia, tại làng Châu Bí (nay thuộc xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) từng có Hội văn và Hội võ để hàng năm đến Tết âm lịch, tổ chức thi tài phục vụ nhân dân trong vùng. Các lò võ của Quảng Nam và Bình Định xưa đã đào tạo nhiều võ sĩ dám quyết đấu và chiến thắng vang dội trước các võ sĩ nước ngoài vì tinh thần dân tộc. Thời Pháp thuộc, ở làng Châu Bí nói trên nổi tiếng nhất là võ sư Hồ Cưu, người từng thượng đài quyết đấu và đã thắng hàng chục võ sĩ Pháp và Đại Hàn (Hàn Quốc). Ngày nay, đấu võ là sự phát huy hơn nữa tinh thần thượng võ của cha ông ta và rèn luyện sức khỏe, góp phần làm cho không khí ngày xuân thêm phần náo nhiệt.

*

*     *

Các trò chơi dân gian ngày Tết ở xứ Quảng là những di sản văn hóa đã hiện diện từ lâu trong cuộc sống của người dân, mang lại cho họ một đời sống văn hóa vật chất và tinh thần phong phú. Hiện nay, một số trò chơi trên đã biến mất trong các miền quê xứ Quảng. Do đó, chúng cần được nghiên cứu một cách đầy đủ, hệ thống, khuyến khích nhân dân, đặc biệt là các lớp trẻ tham gia vào hình thức này, từ đó có thể gìn giữ những trò chơi, các hình thức nghệ thuật dân gian góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống trong thời kỳ hội nhập.

H.T.H.