Tôi, mẹ chồng và bánh ít Tết... - Y Nguyên

18.01.2019

Tôi, mẹ chồng và bánh ít Tết... - Y Nguyên

1. Tôi về làm dâu xứ lạ, nơm nớp nỗi lo bởi lời tiên tri của mẹ về hậu quả của cái tính lười nhác tập rèn mấy món “nữ công gia chánh” lúc còn tại gia. Là con gái thiệt; nhưng nói tới chuyện bếp núc là tôi ớn lắm. Đã vụng còn không ưa nên càng vụng thêm. Đụng chuyện bất đắc dĩ phải chui vô bếp, tôi đụng đâu hư đó khiến mười bữa hết chín bữa mẹ nổi điên. Vậy nên, ngày nhỏ, tôi chuyên lãnh chân chăn bò cắt cỏ nhong nhong đồng bãi cho nó... tự do. Nhà tôi con gái đông, mình tôi không thạo bếp núc, bánh trái cũng chẳng chết ai. Vậy nhưng, lớn chút thì mẹ bắt đầu lo. Mẹ bảo: con gái mà chuyện bếp núc không trôi, mai mốt về nhà chồng không bị... úp xoong lên đầu mới lạ! Phải “úp xoong” mày không thôi đâu; nẫu* còn chửi tao không biết dạy... Mẹ bớt việc chăn bò, giữ em, đè tôi ra bắt học nấu nướng. Bắt gì bắt, tôi vẫn cứ là “đội sổ” cái môn cơm nước: bữa khê bữa sống, bữa té muối mặn chát bữa nhạt phèo phèo. Chị Hai kêu: thôi mẹ ơi, tha cho nó mà cũng tha cho... tụi con; ăn uống kiểu này chắc bỏ nhà đi sớm! Bỏ gì bỏ, mẹ cương quyết, học không trôi thì học lại, chừng nào trôi mới thôi!

Quyết tâm của mẹ coi vậy mà tác dụng. Vụng một phần; nhưng cũng có phần do tôi “lầy đây” không chú tâm, cứ hy vọng mẹ sẽ phát chán, đuổi ra ngoài như mấy lần trước. Mơ đi! Mẹ mà đã “hạ quyết tâm” thì có chết cũng không lùi đâu. Biết tính mẹ, tôi đành (ngậm ngùi mà) ráng. Ráng gì ráng cũng chỉ “tốt nghiệp” ở cái mức nấu (tạm tạm) một bữa cơm đơn giản. Mấy món cầu kỳ chút thì thua. Mẹ thở dài, thôi, được nhiêu hay nhiêu, tao cũng hết cách với mày...

Xong cơm nước tới chuyện bánh trái. Càng nản. Nhà có giỗ chạp gì tôi cũng chỉ (miễn cưỡng) tham gia kiểu sai đâu đánh đó, tức chân... sai vặt, xách nước chẻ củi và vân vân. Mấy thứ công thức bánh nếp đường đỗ trứng gì gì mỗi thứ bao nhiêu xay trộn chế biến ra sao tôi nghe cứ... lùng bùng, tai nọ xọ tai kia; nghe riết hồi muốn lủi ra ngoài hóng gió cho não đỡ đau. Mẹ hét: thấy người ta làm không để mắt dòm thì sao biết?? Kết cục, nghề bánh trái mẹ “chăn” hết đường tôi cũng chỉ học được mỗi cái môn... gói bánh ít... Cũng lạ; tôi nổi tiếng hậu đậu, vụng về “có mã số” nhưng gói bánh ít lại rất khéo: cái nào cái nấy vuông vức, góc cạnh hẳn hoi. Được nhiêu mừng nhiêu, mẹ nói, mơi mốt ra riêng, giỗ chạp không làm nổi món gì cũng gói được cái bánh ít cho ông bà khỏi quở...

Mẹ chồng tôi bếp núc không tệ, lại cưng con dâu nên không mấy “sát phạt” chuyện tôi vụng về, hậu đậu môn cơm nước. Thường ngày mẹ lãnh phần nấu nướng; tôi đi làm về cơm canh đã tử tế lên mâm. Tôi có về sớm, chồng bảo vào phụ mẹ cũng gạt đi: thôi, nó đi làm mệt, để nghỉ ngơi rồi ăn cơm, mẹ sắp xong rồi... Tôi nghe, bụng mở cờ, dạ một tiếng rõ to lủi lẹ ra ngoài kệ cho cô em chồng lườm nguýt có chuôi. Chủ nhật, ngày nghỉ phải miễn cưỡng vào bếp (cùng mẹ) tôi sẽ có “đối sách” khác: vừa lăng xăng nhặt rau, bóc hành miệng tôi vừa liếng thoắng đủ chuyện trời ơi kim cổ Đông Tây. Mẹ vừa làm vừa dỏng tai nghe, cười khúc khích, quên béng chuyện hầu như chỉ mình mẹ lo nấu xào từ Z tới A. Gì chớ khoản “mồm mép đỡ chân tay” thì tôi vốn có thâm niên, thuộc hàng “sư phụ”! Cô em chồng đành hanh tức khí, lâu lâu chạy méc: mẹ ơi, chị Hai lo nói không, chẳng chịu làm kìa! Mẹ nghe, cười xòa. Bữa nào mẹ bận việc  hoặc đi đâu, bất đắc dĩ mình tôi lãnh chân “bếp trưởng”, cả nhà sẽ được ăn cơm với trứng kho, rau luộc và nước mắm chay. Chồng tôi cự nự và được mẹ trấn an: thịt cá hoài, lâu lâu ăn bữa giản đơn cho nó nhẹ bụng, tốt chớ sao...

Giờ thì tôi thực sự yên tâm: lời tiên tri “trù ẻo” của mẹ đẻ với tôi chắc không linh nghiệm. Dở bếp núc có gì đâu ghê gớm. Còn lâu tôi mới bị “úp xoong lên đầu” như mẹ nói. Coi kia: mẹ chồng cưng tôi còn không hết nữa là...

Nhà chồng có giỗ.

Cái giỗ đầu tiên có con dâu mới, làm hoành tráng chút đặng ra mắt họ hàng, ba chồng tôi tuyên bố. Ngày chưa có tôi nghe nói nhà chồng làm giỗ giản đơn: mâm cơm với hương đèn gọn nhẹ là xong. Không được; lần này phải bánh trái hẳn hoi. Giỗ chạp tươm tất; vừa để trả hiếu mẹ cha vừa “đền ơn đáp nghĩa” những cuộc hiếu hỉ của bà con. Thống nhất vậy rồi là “triển khai kế hoạch”. Mẹ chồng con dâu đương nhiên lo bếp núc. Tôi nghe, bắt đầu run; chẳng lẽ lại muối mặt khai là mình... không biết gì chuyện bánh trái hay sao? Ngồi nghe mẹ lẩm nhẩm tính toán những món phải làm mà ruột tôi rối như canh hẹ. Tính chán, mẹ quay sang hỏi:

- Con biết làm bánh da lợn không?

- Dạ thưa, dạ...

- Vậy còn bánh chưng, bánh tét?

- Dạ, dạ...

Mẹ cười:

- Không biết thì nói không biết, gì “dạ dạ” hoài. Thôi được; món bánh ít lá gai chắc con biết làm?

- Dạ, có... biết...

Mắt mẹ vụt sáng:

- Vậy con lo bánh ít nghe. Món ấy mẹ không rành...

Giờ tôi mới sực nhớ: mẹ quê xứ Quảng. Ngoài ấy người ta không quen làm bánh ít. Chắc vậy; chớ môn cơm nước bánh trái mẹ chồng tôi đâu có tệ. Mẹ đã từng “đạo diễn” (chính xác là... nấu dùm luôn!) mâm cơm cho tôi mang đến cơ quan dự hội thi “nấu ăn giỏi” được lãnh giải nhất kia mà! Gì thì gì, trước mắt, coi như tôi đã được phân rõ ràng trách nhiệm: lo liệu món bánh ít lá gai. Vậy đã quá nhẹ; coi như mẹ chồng thương, ngầm gánh việc cho tôi. Phải; giỗ chạp còn bao nhiêu món hầm bà lằng mẹ phải ôm lo. Giao tôi món bánh ít tức món phổ thông, dễ làm nhất. Muốn ăn bánh ít lá gai/ lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi... Đã người Bình Định - Phú Yên  ai không biết làm bánh ít??

Mẹ đâu biết vẫn còn sót đứa không biết (là tôi). Rằng tôi đang tháo hết mồ hôi. Lỡ “leo lưng cọp” rồi thì đành, mặt mũi nào lại đi khai: môn bánh ít mà mẹ nghĩ ai cũng biết làm kia con chỉ rành mỗi cái khâu... gói bánh? Giờ mới hối hận chuyện xưa không nghe lời mẹ đẻ. Hối đã muộn. Kệ; một liều ba bảy cũng liều, tôi căng óc ráng nhớ cái “quy trình” làm bánh ít lá gai từng thấy qua loáng thoáng...

“Ngày trọng đại” rốt cuộc cũng tới; mẹ chồng hậm hụi đi xay, về giao cho tôi một cục bột tướng. Trời, mẹ làm chi nhiều dữ? Giỗ lớn mà con; làm nhiều dọn khách, còn dư biếu xén bà con. Biết rồi. Nặn óc mãi cuối cùng tôi cũng lờ mờ nhớ ra: có bột rồi thì hình như thêm đường, lá gai luộc chín vắt bỏ nước xong cho vô cối quết. Nhớ tới đó thôi; còn liều lượng bao nhiêu tôi chịu! Kệ, cứ... liều liệu trộn đại, thể nào cũng xong. Tôi hăng hái ra vườn hái lá gai. Luộc, vắt nước; xong cho cả bột, đường, lá chung vô cối quết. Quết mãi, tảng bột trắng cũng dần ngả sang xanh, nếm có vị ngọt. Món nhân đậu xanh ngào đường thì mẹ chồng làm sẵn, bê ra một xoong to. Lá gói chuẩn bị từ hôm qua. Hà, xem ra có khó gì đâu. Tôi đắc ý gật gù, tự khen mình sáng dạ!

Gói bánh.

Mẹ chồng xắng xở ngồi bên, xem tôi “tác nghiệp”. Dích miếng bột dàn mỏng, cho nhân vào giữa, túm mép, vê tròn... Sao kỳ vậy trời, cục bột xanh càng túm càng chảy lè ra, không cách nào vê cho tròn được! Loay hoay đến mướt mồ hôi mới hiểu: bột nhão quá, không còn bột khô dự trữ để cho thêm vào, hết cách!

Nhìn thau bột xanh lè nằm ngao ngán, mẹ chồng tôi lắc đầu, chép miệng. Còn tôi, nếu có gương soi chắc cái mặt tôi lúc này trông thảm lắm. Mẹ ơi, con xin lỗi. Giá xưa con nghe lời mẹ đẻ, chịu khó học làm tử tế thì đâu đến nỗi gây hư chuyện khiến mẹ buồn...

Đám giỗ to nhưng thiếu món bánh ít.

Mẹ chồng bảo: tui quên. Ba chồng cự nự: đã dặn đi dặn lại còn quên; bà thiệt là... Mẹ im lặng không thanh minh. Cũng không đả động gì đến “tội trạng” của tôi. Giấu luôn chuyện thau bột cùng xoong nhân bánh ít to biến thành đồ ăn cho lợn!

Giáp Tết, mẹ nhẹ nhàng: con nghỉ sớm mấy ngày, lo xếp chuyện, phụ làm bánh Tết với mẹ! Tôi “dạ”; răm rắp nghe theo không dám ý kiến. Danh mục bánh Tết mẹ “rèn nghề” cho tôi năm ấy ngoài các món thường lệ còn có thêm... bánh ít lá gai. Lần này mẹ hướng dẫn cho tôi bài bản đâu ra đó khiến tôi tròn mắt! Bánh chín lên dĩa cúng, ba chồng ngạc nhiên: Bà này chơi khác kiểu dữ bay; đời thuở nhà ai Tết lại đi làm... bánh ít? Mẹ chồng cười: thì tui muốn... đổi món chút. Với lại, làm cúng các cụ để tạ cái lỗi ngày giỗ không làm...

Y.N

Bài viết khác cùng số

ĐÀ NẴNG MÙA XUÂN MỚI Phát triển Đà Nẵng theo hướng hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc - Xuân HoàngĐà Nẵng vươn cao từ những cây cầu - Đinh Thành TrungPhố mãi còn xuân - Dân HùngTản mạn cát và Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngThổi đi từng cơn gió bấc - Nguyễn Nhã TiênNghe mưa chờ Tết - Phan trang HyMùa Xuân - Ai may áo mới? - Nguyễn Thị PhúTết đến nơi rồi! - Hồ Thị Thùy TrangTôi, mẹ chồng và bánh ít Tết... - Y NguyênBến đời - Nguyễn Thị Thu SươngBiển đêm - Trần Trình LãmNgàn lau - Lê Anh DũngNhớ Mẹ! - Võ Zuy ZươngDiễn - Nguyễn Hoàng ThọNỗi nhớ cong vênh - Thụy SơnĐi dạo sớm - Nguyễn Đông NhậtHương mùi của mẹ - Võ Thi NhungTrong khu vườn thư viện cổ - Lương Kim PhươngMùa gieo tình - Nguyễn Nho Thùy DươngRiêng cho Đà Nẵng - Huỳnh Thúy KiềuNhững cơn mưa cuối đông - Tăng Tấn TàiTự tình mùa xuân - Long VânĐợi mùa - Vạn LộcXuân với đời người, đời cây - Trương Đình ĐăngƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiLúc lòng nguyên đán - Phan ChínNhững câu thơ trong đêm - Bùi Công MinhTạm biệt Stung Treng - Đỗ Như ThuầnTình xuân - Xuân DiệuĐà Nẵng và em - Hà Thị Vinh TâmHoa Tết - Nguyễn Xuân TưTháng Giêng lỗi hẹn - Thủy AnhĐêm cuối năm - Nguyễn Tấn OnVề phía mùa xuân - Mỹ AnNgày Tết nghe bạn hẹn quay về - Thái Bảo Dương ĐỳnhSáng mùng một đi chùa - Nguyễn Thánh NgãNgựa giả, ngựa thật - Mai Hữu PhướcÝ thơ cuối năm - Nguyễn Nho KhiêmChưa... - Nguyễn Như CầuTháng Chạp - Vỹ NguyênMái rạ mục nát ẩm ướt - Nguyễn Kim HuyChiều - Xuân CừLãng mạn núi - Ngô Hà PhươngNguồn cội - Hoàng Thụy AnhCó thể là bình yên... - Đinh Thị Như ThúyGiữa ngả đường xuân gặp Phạm Văn Hạng - Trần Trung SángCó một Phan Khôi trong đời thường - Vân TrìnhXuân Kỷ Hợi nói về hình tượng lợn trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn - Lê Khắc NiênCon lợn trong văn hóa Việt - Huỳnh Thạch Hà“Hoa lạc, hoa khai, chỉ thị xuân” - Quế HươngTết về xứ Quảng xem Tuồng - Hoàng Hương ViệtCuối năm nhớ bạn thơ - Nguyễn Ngọc HạnhDiễn biến của câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt trong sân khấu - Nguyễn Thị Thanh Vân