Đà Nẵng vươn cao từ những cây cầu - Đinh Thành Trung
Lâu rồi mới có dịp đến Đà Nẵng. Thành phố đong đầy kỷ niệm hiện lên trước mắt tôi vừa bình dị vừa hùng vĩ. Sự đổi thay đến choáng ngợp khiến tôi như cảm thấy mình thật nhỏ bé trước dòng chảy vĩ đại của thời gian.
Cầu Rồng, cây cầu tượng trưng cho khát vọng vươn cao của người Đà Nẵng quả thật khiến ai cũng phải dừng lại để ngắm nhìn. Chính từ đây, sức mạnh của Đà Nẵng được thể hiện, được cả nước tự hào, bạn bè quốc tế khâm phục. Chúng ta đã được chứng kiến đất nước bước vào kỷ nguyên mới với hội nhập, với cách mạng công nghiệp 4.0. Và rồi giờ đây sao bao năm nhìn lại cây cầu Rồng hùng vĩ này, có thể nói Đà Nẵng đã trở thành rồng, đã bay lên đúng với khát khao, với ước vọng lớn lao ấy.
Tôi đứng trên cầu Rồng nhìn về hai bờ thành phố. Hoài niệm không thể nói hết trong vài lời, nhưng cảm giác trong tôi cách đây hai mươi năm thật khác xa bây giờ. Lúc đó Đà Nẵng vừa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương chưa lâu, mới đi vào giai đoạn đô thị hóa, đi vào con đường chuyển mình mạnh mẽ. Khi ấy hai bờ thành phố có sự tương phản rõ rệt với nhau, còn bây giờ thì cả một thành phố phát triển cân bằng, rực rỡ. Lúc đó còn khó khăn, nhưng trong tôi, tinh thần và sự quyết tâm của người Đà Nẵng giống như ngọn lửa bùng cháy. Nhiệt huyết ấy tôi đã thấy lại trong việc tổ chức kỳ APEC năm 2017, và tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của thành phố.
Đà Nẵng chính là hiện thân của tinh thần nói được làm được. Khi được giao trọng trách tổ chức sự kiện lớn của đất nước, dường như cả hệ thống chính trị, cả chính quyền và người dân hòa cùng làm một. Sự đoàn kết ấy, cũng giống như mỗi chiếc cầu được xây nên, cũng chính là bệ đỡ đưa thành phố tiến lên cả về kinh tế và văn hóa xã hội. Vị thế được nâng tầm, đời sống nhân dân được nâng cao. Nếu chỉ so sánh tổng thể đơn giản thì chẳng khác gì cá chép hóa rồng. Con rồng ấy mỗi lần bay lên đều là một thành công vang dội.
Cảm xúc của người Đà Nẵng mỗi khi có một cây cầu mới cũng đều giống nhau, đó là sự tự hào lớn lao. Nhớ khi cầu Rồng bắt đầu đi vào hoạt động, một người Đà Nẵng đã đứng trên cầu nói về địa thế giao thương của thành phố. Đôi bờ thân thương nay đã phát triển hơn trước cũng nhờ có những tầm nhìn như vậy.
Những cây cầu không chỉ là tác phẩm điêu khắc, mà chúng chính là những vết khắc vào dòng chảy thời đại, để chứng minh sức mạnh của con người trước những giai đoạn thời cuộc. Cứ nhìn lại cách đây 30 năm xem, Đà Nẵng thế nào và bây giờ thế nào thì có thể thấu hiểu điều đó. Mỗi cây cầu cũng là một thách thức lớn lao, tựa như thách thức của chính thành phố và đất nước, mà chúng ta chưa thấy một thất bại nào, tất cả đều thành công, không chỉ với sự tính toán trước khi xây dựng mà còn là ý dân.
Những cây cầu bắc ngang sông Hàn sẽ giúp Đà Nẵng phát triển hơn về kinh tế - xã hội, hẳn rồi. Nhưng điều quan trọng hơn, những cây cầu như Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý, cầu Tuyên Sơn, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Cẩm Lệ... đều là một tầm cao hơn suy nghĩ thông thường. Đó là tính biểu tượng, tính hình ảnh, tượng trưng cho một Đà Nẵng trưởng thành vượt bậc, cho sự vươn lên mạnh mẽ với tốc độ phi thường. Ngay cả những suy nghĩ mộc mạc nhất của người dân cũng có thể dễ dàng thấy được tác dụng của những cây cầu là giao thông thông suốt, giảm ùn tắc và giúp cho người dân làm ăn thuận tiện hơn, nhưng họ cũng biết rằng hình ảnh và vị thế của thành phố đã được nâng tầm mạnh mẽ. Đó là điều vô cùng tốt cho Đà Nẵng, chính vì sự thống nhất ngay từ trong tư tưởng, ý nghĩ. Và quan trọng nhất, cầu Đà Nẵng có phần đóng góp của chính người dân, những người sẽ đi qua, sẽ cảm nhận được sự phát triển của thành phố.
Đi cùng sự phát triển của đất nước, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã nhận thức rõ ràng rằng, nếu không có cố gắng, quyết tâm đột phá trong kinh tế - xã hội và xây dựng được nền tảng hạ tầng, văn hóa thì sẽ mãi dậm chân tại chỗ. Chính vì vậy, đã đề ra định hướng phát triển và tầm nhìn phù hợp, để tiến những bước vững chắc. Với mỗi khu vực, Đà Nẵng đã có những quy hoạch phát triển riêng, phát huy lợi thế, giải quyết tồn tại.
Thành công lớn nhất của Đà Nẵng trong thời gian qua mà ai cũng nhận thấy là công tác đoàn kết toàn dân trong phát triển đô thị đã được thực hiện bài bản và ngày càng đi vào chiều sâu. Thấy không khí sôi nổi đóng góp xây dựng cầu mới hiểu cảm giác của người Đà Nẵng khi được chung tay góp sức vào công cuộc kiến thiết của thành phố. Đối với người dân Đà Nẵng, dù không phải là công việc của mình nhưng nếu có thể góp sức xây dựng quê hương thì người dân đều rất sẵn sàng. Tinh thần đáng quý đó đã khiến những cây cầu được hoàn thành nhanh hơn dự kiến. Những cây cầu ấy không chỉ thể hiện chủ trương đúng đắn của thành phố mà còn chứa đựng rất nhiều công sức và tình cảm của người dân, những người rất mong muốn được góp phần làm đổi thay cuộc sống của chính mình.
“Cầu nối, mạch thông, đất sẽ vượng”, câu nói nổi tiếng này với Đà Nẵng có thể chuyển thành “cầu nối, Đà Nẵng vươn cao”. Người Đà Nẵng mang trong mình khát khao vươn lên, khát khao nâng tầm quê hương, để trở thành một đô thị quan trọng, một điểm sáng đặc sắc của cả nước và khu vực. Thành quả đó không phải tự nhiên có mà được kết tinh từ tầm nhìn chiến lược, từ sự cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân.
Đ.T.T