Diễn biến của câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt trong sân khấu - Nguyễn Thị Thanh Vân
Hồn Trương Ba da hàng thịt là câu chuyện dân gian được lưu truyền phổ biến ở Việt Nam và trở thành đề tài sáng tác của các tác giả trong nghệ thuật sân khấu. Bài viết giới thiệu diễn biến và sự phát triển của tình tiết câu chuyện này trong sân khấu Tuồng, Chèo, Kịch nói để thấy được giá trị và sự ảnh hưởng của văn học dân gian đối với sân khấu.
Câu chuyện Hồn Trương Ba da hàng thịt miêu tả nhân vật hồn của Trương trú ngụ trong xác anh hàng thịt, nêu lên mối quan hệ giữa thể xác và linh hồn, vấn đề nhân sinh về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên để hoàn thiện bản thân, được lưu truyền phổ biến ở Việt Nam, tồn tại hàng trăm năm và trở thành đề tài sáng tác của các tác giả trong nghệ thuật sân khấu truyền thống và hiện đại. Ở mỗi bộ môn nghệ thuật, các tác giả đã tái cấu trúc câu chuyện với cấu tứ sáng tác và phù hợp cho từng môn loại sân khấu. Vấn đề cốt truyện và tư tưởng chủ đề, nhân vật, ngôn ngữ... cũng được thể hiện trong từng kịch bản khác nhau. Nhưng ở đây, tác giả chỉ muốn nêu lên sự biến đổi của tình tiết câu chuyện và sự lưu truyền nhân vật Trương Ba trong Hồn Trương Ba da hàng thịt từ dân gian đến sân khấu. Hình tượng nhân vật Trương Ba và lôgic phát triển của câu chuyện Hồn Trương Ba da hàng thịt dần dần có sự thay đổi theo thời gian, nhưng không lớn, sự biến đổi ở đây chính là cấu tứ nghệ thuật của tác giả. Đó chính là sự phê phán của Hồn Trương Ba da hàng thịt được tác giả Lưu Quang Vũ kế thừa, hoán chuyển và nâng lên từ đề cao linh hồn, sự tuyệt đối của linh hồn đối với thể xác trong câu chuyện dân gian, hay từ sự chế giễu đám quan lại thối nát, làm đảo lộn mọi giá trị cuộc sống con người trong vở Tuồng hài Trương đồ nhục nâng nó lên thành triết lý sâu xa mang tính nhân văn sâu sắc đó là lẽ sống, quyền làm người giữa bi hài kịch linh hồn và thể xác, giữa hồn của Trương Ba và xác anh hàng thịt.
Căn cứ vào các tư liệu và lưu truyền trong dân gian, thì nội dung của câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt kể về nhân vật Trương Ba, vì có tài đánh cờ giỏi nên là bạn chơi cờ với Đế Thích. Cảm động trước sự chu đáo mà Trương Ba dành cho Đế Thích. Ông liền tặng cho Trương Ba nén hương và dặn mỗi lần cần đến ta thì thắp lên một cây, ta sẽ xuống. Sau đó Trương Ba chết đột ngột, người vợ chôn cất chồng xong mới đốt hương báo cho Đế Thích biết. Nhân có người hàng xóm làm nghề mổ thịt lợn chết, Đế Thích làm cho Trương Ba sống lại bằng cách nhập vào anh hàng thịt. Tỉnh lại và sống với thân xác anh hàng thịt, cuộc sống Trương Ba rối tung lên, không biết làm thế nào để đối mặt với vợ anh hàng thịt vì nhận Trương Ba làm chồng. Cuối cùng, kiện lên quan Tri huyện và cuối cùng quan phán cho về nhà Trương Ba, sống với thân phận Trương Ba. Câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt này đề cao linh hồn, sự tuyệt đối của linh hồn đối với thể xác.
Câu chuyện Hồn Trương Ba da hàng thịt này tồn tại hàng trăm năm và đã trở thành đề tài sáng tác của các tác giả trong nghệ thuật sân khấu truyền thống và hiện đại, như: tuồng, chèo, kịch... và trong sân khấu Tuồng, nó lấy tên là Trương đồ nhục 張屠肉(hay Trương đồ nhục truyện(張屠肉傳). Cách đặt tên này đã cho thấy sự chuyển đổi tên gọi sang một loại hình khác, từ câu chuyện dân gian sang nghệ thuật - tái sáng tác Hồn Trương Ba da hàng thịt, vừa thể hiện sự xuất sắc của tác phẩm, tức là làm sâu sắc tình tiết, chủ đề và nhân vật, vừa tăng cường sức biểu hiện của câu chuyện bằng ngôn ngữ đối thoại - sân khấu. Phải nói rằng Hồn Trương Ba da hàng thịt có lẽ là một câu chuyện dân gian hấp dẫn ít thấy đối với những nhà sáng tác nghệ thuật. Sự chuyển dịch câu chuyện này đã phần nào nói rõ sự chuyển đổi hình thức từ lối viết văn ngôn tự sự sang văn chương đối thoại.
Trong các sáng tác tuồng Trương đồ nhục hiện có, như: kịch bản Nôm Trương đồ nhục truyện(張屠肉傳, khuyết danh) của Thư viện Anh Quốc (British Library, 96 Euston Road, London). Các bản tuồng này đã được hiến tặng cho Thư viện Anh Quốc vào năm 1894; Trương đồ nhục của Nguyễn Hiển Dĩnh; Trương đồ nhục do nghệ nhân La Cháu sưu tầm ở Huế; Trương đồ nhục của Kính Dân, có lẽ kịch bản Trương đồ nhục của cụ Tuần An Quán Nguyễn Hiển Dĩnh là mở đầu cho sự hoán chuyển câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt lên sân khấu. Mặc dù, hiện nay vẫn chưa xác định được niên đại sáng tác vở Trương đồ nhục của Nguyễn Hiển Dĩnh và kịch bản Tuồng Nôm Trương đồ nhục truyện của Thư viện Anh Quốc và mối quan hệ của nó. Nhưng cũng có thể khẳng định đây là những kịch bản thể hiện sự chuyển dịch câu chuyện dân gian này lên sân khấu sớm nhất.
Ngay từ khi ra đời, kịch bản Trương đồ nhục đã được các gánh hát dàn dựng và đưa lên biểu diễn, thành thử mỗi nơi dàn dựng, mỗi lần dàn dựng đều có sự thay đổi khác nhau. Vì trong quá trình dàn dựng do nhu cầu biểu diễn, và để phù hợp với tình hình thực tế, ê kíp sáng tạo đã chỉnh sửa kịch bản. Do đó kịch bản sân khấu nói chung và kịch bản tuồng nói riêng có nhiều dị bản. Kịch bản tuồng Trương đồ nhục hiện còn cũng không ngoại lệ, nhưng tựu chung đều thống nhất nội dung cốt truyện: Vì anh hàng thịt họ Trương làm nghề mổ lợn bị Diêm Vương sai quỷ sứ đến bắt nhưng quỷ sứ bắt lầm phải Hòa thượng họ Trương. Khi Diêm Vương biết mình sai lầm thì nhà chùa đã thiêu xác Trương Thiền sư rồi. Kết quả, Diêm Vương cho hồn Trương Thiền sư nhập vào xác anh hàng thịt họ Trương. Trương Đồ Nhục sống lại khiến vợ anh hết sức mừng rỡ, nhưng do linh hồn Trương Thiền Sư trú trong xác Trương Đồ Nhục nên mang lại cho anh ta rất nhiều rắc rối, và cũng không biết phải đối mặt thế nào với vợ Trương Đồ Nhục, cuối cùng hồn Trương Thiền sư xác anh hàng thịt đành chạy lên chùa. Sự nhập hồn xác này ở đây tác giả đã cho thấy sự tương phản bi hài của con người Trương Thiền sư hiện tại. Một ông sư suốt ngày gõ mõ, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật sống trong hình hài cái xác thô kệch, tính tình thô bạo của anh hàng thịt thì quả là sự gán ghép khập khiễng. Sự kiện hồn nhập xác này gây nên bao sự bi hài dở sống dở chết, đảo lộn thói quen sinh hoạt, nếp sống của con người “là mình mà chẳng phải là chính mình”.
Kịch bản Trương đồ nhục này là một tác phẩm đỉnh cao của Nguyễn Hiển Dĩnh, cũng là một trong những kiệt tác tiêu biểu trong Tuồng dân gian. Tình tiết câu chuyện của Trương đồ nhục có sự thay đổi so với câu chuyện dân gian. Nhân vật chính trong câu chuyện dân gian là hồn của Trương Ba trú ngụ trong xác anh hàng thịt, nhưng khi sáng tác tuồng, các tác giả lại thay đổi nhân vật Trương Ba và để nhân vật này biến thành Trương Thiền Sư trú ngụ trong xác anh hàng thịt (Trương Đồ Nhục). Trương Thiền sư chỉ vì trùng tên họ mà phải chết oan, Diêm Vương vì trừng trị tội anh Hàng thịt làm nghề mổ lợn mà xử tội chết. Một người vì bị trùng tên phải chết oan, một người vì nghề nghiệp mà chết. Đến khi được sống lại thì người được hồn, kẻ thì được xác. Thế là một cuộc tác hợp cho hồn gửi vào xác. Trương Thiền sư sống lại trong xác anh hàng thịt Trương Đồ Nhục. Vợ Trương Đồ Nhục mừng vì chồng sống lại, nhưng hóa ra là Trương Thiền Sư. Thiền Sư dở khóc dở cười khi phải đối mặt với vợ anh hàng thịt họ Trương - Thị Tuyết, không còn cách nào khác phải bỏ chạy vào chùa, cắt tóc thành sư. Vợ Trương Đồ Nhục gào thét vì không đòi được chồng, kiện quan, thì quan lại xử: Tha cho Trương Thiền Sư về chùa, năm nào Thiền sư thoát tục thì trả xác Trương Đồ Nhục cho Tuyết Thị (vợ Trương Đồ Nhục), nên nàng đau đớn than khóc. Lời phán của huyện quan “Thiền sư nễ hà niên thoát tục, Cốt hài giao cho Tuyết Thị phong trần”(1) đã nói lên kết cục mở của vở tuồng hài này, vợ Trương Đồ Nhục chỉ có thể nhận được xác chồng (tro cốt) trong sự chờ đợi đau đớn, tuyệt vọng. Thế là, câu chuyện dân gian lưu truyền Hồn Trương Ba da hàng thịt theo quan điểm của các nhà sáng tác sân khấu phát triển, thay đổi, thái độ nhân vật Trương Thiền sư trong vở tuồng Trương đồ nhục cũng thay đổi theo tình tiết câu chuyện và cuối cùng nghe theo sự phán xét của quan huyện ở lại chùa cho đến khi viên tịch. Sự thay đổi tình tiết, nhân vật ở đây của tác giả Nguyễn Hiển Dĩnh trong Trương đồ nhục được chúng ta chấp nhận, thay nhân vật Trương Ba bằng Trương Thiền sư cho thấy tác giả nhìn nhân vật này dưới lăng kính nghệ thuật, con người Trương Thiền sư ở đây ăn chay, niệm Phật, thanh tịnh và thánh thiện hơn nhân vật Trương Ba trong câu chuyện dân gian. Thế là trong quá trình lưu truyền, tình tiết câu chuyện và nhân vật Trương Ba đã trải qua sự cải biến để vở tuồng có ý nghĩa châm biếm sâu sắc hơn, phản ánh xã hội rối ren, cái ác ngự trị, đảo điên giá trị chân thực. Ở đây tác giả cũng bộc lộ thái độ căm ghét đối với xã hội. Cái chết của Trương Đồ Nhục ở đầu câu chuyện và ở cuối vở tuồng là sự phán xét về cái chết của Trương Thiền Sư vừa là nguyên nhân vừa là kết quả dẫn ra mọi tình tiết của câu chuyện. Ở đây, của tác giả Nguyễn Hiển Dĩnh đã để cho nhân vật Trương Thiền sư thay thế nhân vật Trương Ba vừa nhấn mạnh “luật nhân quả” trong giáo lý nhà Phật, vừa mang màu sắc của tôn giáo. Trương đồ nhục ra đời vào cuối thế kỷ XIX, khi mà đất nước Việt Nam đã bị thực dân Pháp xâm lược, triều đình bất lực và hoàn toàn phụ thuộc vào sự điều hành của chính quyền thực dân Pháp, các cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, phong trào Thiện đàn và văn thơ, kinh giáng bút, chấn hưng văn hóa, nhiều tác phẩm mượn lời của Tiên, Phật, Thánh kêu gọi đoàn kết dân tộc. Bản thân là một nhà Nho, hơn nữa ông đã từ quan về làm bầu gánh, Nguyễn Hiển Dĩnh cũng không thể đứng ngoài cuộc. Do đó, nhân vật Trương Ba xây dựng trong tác phẩm của ông có lẽ cũng mang tư tưởng, chịu ảnh hưởng giáo lý của Phật. Đó là tác giả muốn thông qua giáo lý nhà Phật để hướng con người làm điều thiện, hoàn thiện bản thân để chống lại chế độ quan lại bù nhìn, hủ bại, mục nát.
Câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt sau này còn nhận được nhiều sự đồng tình của những nhà sáng tác sân khấu hơn. Thế là, kịch bản Chèo Hồn Trương Ba da hàng thịt (tác giả khuyết danh) ra đời. Kịch bản này vẫn giữ nguyên tên gọi và nguyên mẫu nhân vật Trương Ba như trong câu chuyện dân gian, nhưng có thêm tình tiết mới để làm phong phú hơn nhân vật chính này. Về cơ bản nội dung tình tiết của kịch bản chèo Hồn Trương Ba da hàng thịt không phát triển nhiều. Kết thúc vở kịch, Quan huyện phán xử cho anh chàng “hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt” cùng vợ Trương Ba nên duyên vợ chồng: “Vợ chồng Trương Ba kia, vợ chồng ngươi thiên duyên số định, nhờ tiên ông cải tử hoàn sinh, đưa nhau về ở chốn gia đình hãy ăn ở cùng nhau cho hòa thuận”(2). Cái kết này là kiểu “kết cấu có hậu” giống với cái kết của câu chuyện dân gian và đúng với cấu trúc tự sự của sân khấu truyền thống. Vì thế, câu chuyện dân gian này được diễn kể trong sân khấu Chèo hoàn toàn phù hợp với logic cốt truyện và mang dấu ấn, đậm nét tinh thần, chủ đề của câu chuyện gốc. Tuy nhiên, câu chuyện được miêu tả ở đây Trương Ba không phải người trưởng thành mà là người được đầu thai, giáng thế. Trương bà đã “ứng mộng chiêm bao và mang thai và sinh ra nam nhân, khuôn mặt hồng hào, có tai lớn, cổ cao, đặt tên là Trương Ba”(3). Khi lớn lên nhân vật Trương Ba ở đây không chỉ có lai lịch xuất thân thần bí, giỏi đánh cờ mà còn theo thầy đồ học sách thánh hiền. Có thể thấy, Trương Ba ở đây lại lắp ghép thêm chi tiết đầu thai vào tiểu sử của ông. Những chi tiết này đều quen thuộc, khá phổ biến trong dân gian và ở đây kịch bản chèo đã thêm vào mô típ huyền thoại này sáng tác văn bản chèo Hồn Trương Ba da hàng thịt để tăng thêm yếu tố huyền thoại hóa cho nhân vật Trương Ba, lý giải tài đánh cờ của nhân vật và phù hợp với phương pháp sáng tác huyền thoại hóa dân gian của nghệ thuật Chèo. Yếu tố giáng trần này vừa thực lại vừa huyền ảo và cả hai chất liệu này cứ đan kết vào nhau, xâm nhập lẫn nhau, trong cái thực có hư và trong hư có thực.
Sự diễn biến và phát triển của câu chuyện dân gian này vẫn được tiếp nối và đến những năm 80 của thế kỷ XX, trên sân khấu Việt Nam xuất hiện Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Tác phẩm này thuộc đề tài khai thác các truyện dân gian và cũng là một trong những mảng nổi bật trong kịch của ông. Kịch bản Hồn Trương Ba da hàng thịt xuất phát từ câu chuyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã tạo nên một vở mới với những khám phá mới. Chủ đề phê phán, vấn đề tệ nạn quan liêu trong các vở Tuồng đồ Trương đồ nhục trước kia ở đây đã làm giảm đi, nhẹ đi cho tính triết lý sâu xa về những mối mâu thuẫn dẫn đến tính bi hài kịch của sự không ăn khớp giữa hồn và xác, và giữa cái là mình và không phải là mình đã làm cho kịch của Lưu Quang Vũ thấm đẫm tính hiện đại.
Có lẽ kịch bản Hồn Trương Ba da hàng thịt là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Lưu Quang Vũ. Tác phẩm trung thành với cốt truyện dân gian, vẫn giữ nguyên tên gọi, nhưng tác giả đã kế thừa, gia tăng tình tiết căng thẳng hơn, tạo nhiều xung đột hơn để xây dựng thành một tác phẩm phù hợp với kịch nói hiện đại, và lồng vào đó nhiều triết lý nhân văn về cuộc đời, chứa đựng những tư tưởng mới mẻ, tiến bộ. Vở kịch tuy dựa vào một cốt truyện dân gian nhưng tư tưởng của tác phẩm là thái độ trân trọng, gìn giữ những giá trị tự nhiên của con người đang bị xã hội làm tha hóa, biến chất. Thông điệp gửi gắm trong Hồn Trương Ba da hàng thịt mang tính chất vĩnh viễn, đời đời. Vở kịch tuy được viết vào những năm 80 khi đất nước đã và đang đổi mới, nên nó ắp đầy tính thời sự. Nó là tác phẩm nghệ thuật nảy sinh trong quá trình đất nước và văn học nghệ thuật bước vào thời kỳ đổi mới, nên nó có sự giao thoa giữa nội dung và hình thức, giữa cũ và mới, sự giao lưu giữa Đông (cốt truyện dân gian) và Tây (hình thức kịch nói). Nhân vật và tình tiết câu chuyện dân gian được tác giả diễn dịch phát triển, đặc biệt là cảnh kết của vở kịch khi để cho nhân vật Trương Ba chết của tác giả Lưu Quang Vũ đi ngược với câu chuyện dân gian. Cái chết này chính là bi kịch, giải thoát, nó kết thúc quá trình đi tìm lại chính mình của hồn Trương Ba, dứt khoát chia tay với xác anh hàng thịt.
Thông qua các kịch bản sân khấu Trương đồ nhục (Tuồng) của Nguyễn Hiển Dĩnh, Hồn Trương Ba da hàng thịt (Chèo), Hồn Trương Ba da hàng thịt (kịch nói) của Lưu Quang Vũ, chúng ta thấy, hầu hết các tác phẩm này đều mượn cốt truyện dân gian và thêm vào một số tình tiết để diễn dịch thành tác phẩm sân khấu. Nhưng trong mỗi tác phẩm, tác giả đều kể chuyện bằng ngôn ngữ khác nhau, câu chuyện Hồn Trương Ba da hàng thịt của sân khấu Chèo và kịch nói bám sát vào cốt truyện dân gian vốn có, còn kịch bản Trương đồ nhục của Tuồng đã thay đổi nhân vật chính Trương Ba biến thành Trương Thiền sư, nhưng nó vẫn mang hồn, cốt của câu chuyện dân gian. Để phù hợp với ý đồ sáng tác, các tác giả sân khấu đã hư cấu một số tình tiết, và thêm, bớt một số nhân vật phụ nhằm làm nổi bật nhân vật chính và vẫn đảm bảo tính logic của một tác phẩm sân khấu. Từ đó cho thấy, hiện nay có một số lượng không nhỏ các kịch bản sân khấu mượn cốt truyện dân gian của Hồn Trương Ba da hàng thịt để chuyển dịch lên sân khấu. Các kịch bản này là sản phẩm của nhiều tác giả ở các môn loại nghệ thuật trong các thời điểm khác nhau. Cùng một câu chuyện dân gian, nhưng cách khai thác cốt truyện, tình tiết và nhân vật của từng kịch bản khác nhau để phù hợp với đặc trưng ngôn ngữ sân khấu, gắn liền với sự sáng tạo của tác giả.
Câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt trải qua các thời kỳ khác nhau được lưu truyền, cải biên và chuyển thể thành tác phẩm sân khấu, bắt đầu từ kịch bản Tuồng Trương đồ nhục của Nguyễn Hiển Dĩnh và kịch bản Chèo, thì câu chuyện đã được đưa lên sân khấu và đến kịch bản Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ thì nó đã mở rộng hơn, trở thành vở kịch kinh điển, có giá trị vĩnh hằng. Quá trình diễn biến và phát triển câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt ở mỗi thời đại khác nhau sẽ nảy sinh sức ảnh hưởng khác nhau. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, với sự nỗ lực của các nhà sáng tác nghệ thuật trải qua hàng trăm năm, Hồn Trương Ba da hàng thịt (hay Trương đồ nhục) đã trở thành viên ngọc sáng lạn trong lịch sử sân khấu Việt Nam.
N.T.T.V