Bến đời - Nguyễn Thị Thu Sương

18.01.2019

Bến đời - Nguyễn Thị Thu Sương

Nghề viết đi lại nhiều nhưng chưa khi nào tôi “trở lại” như chuyến đi này. Trở lại với đủ nghĩa đen, nghĩa bóng. Trở lại với ký ức, với những bài học. 

Nơi tôi đến là cảng cá Thọ Quang, cảng cá lớn nhất miền Trung. Ra khỏi nhà lúc 11 giờ đêm, đến ngã ba đường Trần Hưng Đạo và đường Vân Đồn, đã khá vắng vẻ. Nhà nhà đã đóng cửa. Thỉnh thoảng vài người áo mũ kín mặt, bốt nhựa cao, lướt xe hướng về Sơn Trà.

Ngoài cổng chợ, người giữ xe đang sửa xe. Anh ta bảo: khỏi lấy vé. Yên tâm đi.

Tôi vừa xách giỏ thì điện tắt phụt, trời đen đặc, không biết hướng nào là chợ nữa. Đang lục túi lấy điện thoại thì ánh đèn lóe lên, người giữ xe lia đèn pin, bảo: lối vào đó chị. Rồi anh ta đặt đèn giữa đường, tiếp tục sửa xe trong ánh sáng yếu ớt của cây đèn pin chĩa lên trời.

Tôi dò dẫm bước qua cổng chợ thì điện bật sáng. Dưới ánh đèn cao áp, không gian đùng đục bởi hơi nước. Không vắng vẻ như ngoài đường, trong đình điện sáng choang, tiếng ô tô, ba gác máy chạy, tiếng rao bánh bao, bánh mì... rền rã. Từ cầu cảng số 1 đến cầu cảng số 3, tàu thuyền san sát. Gần cửa vào đình, một người đàn ông nằm úp trên chiếc xe máy ngủ ngon lành.

Dọc bờ kè, chừng 5 mét đặt mấy chục can nước, loại 5 lít. Giữa cầu cảng 2 và cầu cảng 3, từng nhóm năm, ba người, nón mũ sùm sụp. Tôi đến chỗ một nhóm đang cười. Hóa ra họ kể về buổi hát Karaoke chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam. Một phụ nữ đứng tuổi nói:

- Tui hát đúng nhạc, đúng nhịp mà chỉ được 72 điểm...

- Cái máy đó là chuyên gia nói thách, thách giá hơn cả bà mà.

Mọi người lại cười. Người phụ nữ vừa nói hích chị ta, cao giọng Phải chăng em cô gái mở đường? Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát...

Tôi hỏi một chị: Chừng nào có cá chị?

- Sắp rồi đó. Giỡn cho đỡ buồn ngủ, lát nữa thì chạy hộc tốc.

Một chị cao gầy, ngáp dài rồi nói: Bà phải nói rõ là chuyển cá từ thuyền lên.

- Bà Hạnh là công dân danh dự của thành phố Đà Nẵng, trách làm gì - Người phụ nữ trẻ nói rồi quay sang tôi: Còn nói đúng là lính đánh thuê đó chị.

Chị Hạnh nói: chị ở Quế Sơn, con đầu vào đại học Đà Nẵng thì chị theo bạn về đây. Cá vô là chạy bưng cho chủ. Vừa có tiền ăn, tiền thuê nhà cho con cho mẹ rồi còn gửi về cho đứa học ở nhà. Người Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Huế, Quảng Bình... ở đây nhiều lắm. Cùng nhau thuê nhà rồi ai kêu gì làm nấy, từ gánh cá, rửa mực, bưng dù...

Người phụ nữ trẻ nói: “lính đánh thuê” như bà khỏe chớ, ngang đâu ăn ngủ đó. Tụi tôi có nhà nhưng nửa đêm phải bỏ chồng con ra đi. Thấy chồng người ta về mừng hơn thấy chồng mình. Nhào xuống bưng bê. Chiều về dọn dẹp, ăn tối xong tranh thủ ngủ vài tiếng rồi ra bến chờ chồng người ta.

Cô ta ôm chị Hạnh, cao giọng: Cô gái miền quê ra đi cứu nước... Mọi người lại cười.

- Mẹ cổ bưng cá từ thời chợ cá ở Thuận Phước - Chị Hạnh nói: Nghề nông khó kiếm ra đồng bạc nhưng đêm còn được ngay lưng chớ chợ cá thì thức trắng đêm, để người ta về chợ kịp buổi sáng. Nhiều người lên tận Tây Giang, Hiệp Đức... Cá ươn rau héo ai mua. Mình nghèo còn không muốn nữa là. Hồi trước ru con chàng ơi buông áo em ra, để em đi chợ kẻo mà chợ trưa, hát ru đứa lớn rồi đến đứa nhỏ nhưng bây giờ mới thấm. Quanh năm bám chợ cá, cưới hỏi người thân, kỵ giỗ chính mới về. Nhưng... - Chị Hạnh cười: trừ lúc nấu nướng, tiếp đãi... là tui ngủ. Ngủ thẳng mắt được vài ngày lại lên xe về bến cá. Cày bừa, trâu bò, cơm nước chồng tự lo. Hội chị em thì thôi rồi.

Người phụ nữ trẻ cười: Vợ chồng bà Hạnh nối tiếp lịch sử cha ông, có điều bây giờ Lạc Long Quân ở núi còn Âu Cơ xuống biển.

Chị Hạnh nói: Nhớ chồng con cũng chịu chớ về thì tiền đâu? Đứa đầu chuẩn bị ra trường thì đứa thứ hai vào Đại học. Đứa ở Hòa Khánh, đứa ở Hải Châu, chỉ riêng điện, nước, mỗi tháng nhà tui có 7 hóa đơn. Thôi, ráng ngày hai phiên có mặt ở chợ.

Lại tiếng ngáp dài, bà cao gầy hỏi tôi: cô làm gì mà ra chợ cá giờ này?

Tôi nói: bạn học ngoài Bắc trong Nam nhóm họp nên mua ít hải sản về đãi.

Một chiếc xe ba gác chất đầy cá từ cầu cảng số 2 đi vào, chị Hạnh nói tàu xuất cá rồi. Lấy bao nilon (loại bao nilon bọc tivi, tủ lạnh...) quấn quanh hông, chị bảo cho đỡ ướt áo, loại này dẻo, bền. Người phụ nữ cao gầy lên chiếc ghe. Chị Hạnh nói, trước đây chị ta chèo thuyền sông Hàn, nay chở cá cho nậu. Tôi hỏi sao nậu không để cá vào mà phải thuê người chuyển? Chị bảo nậu bao cá với chủ tàu, mua tại tàu không phải tranh giành như trên bờ. Vừa rồi có vụ, ban ngày mà chúng kẹp cổ lôi người lên xe, chắc muốn dằn mặt, nạn nhân phải báo với Ban quản lý cảng cá.

Tôi len lỏi theo chị Hạnh. Nước âu thuyền đen đặc nhưng thuyền vừa cập bến, chị lội xuống bưng bê. Những rổ cá, ki cá (sọt bằng nhựa) được chuyển nhanh lên bờ. Chỉ một loáng, bờ kè đã đầy cá, tôm, mực, ghẹ... Người cân, người phân loại để tiện việc định giá. Không nơi nào mà ủng có nhiều công năng như ở bến cá này. Đèn từ di động nhét trên ủng dọi vào cá, mực sáng lóa. Ví cũng nhét vào ủng. Có người không bỏ tiền vào ví mà nhét luôn vào ủng. Chìa khóa xe, khẩu trang cũng cho vào ủng. Tiếng gọi, tiếng trả giá, náo động cả một góc chân núi Sơn Trà. Một ký cá nục chỉ 20 ngàn, tôm chỉ 40 ngàn trong khi ở chợ phải 80. Các loại làm món nhậu đắt hơn, ốc nhỏ có giá 120 ngàn, ghẹ 100k/kg. Bên cột đèn cao áp sát bờ kè, gần chục người quây quanh đống ghẹ bóc yếm, vặt càng.

Tôi đến chỗ một người đàn ông chừng 40, tay cầm xấp tiền dày cộp ngồi trước dãy cá, tôm và ghẹ. Anh ta không trả lời khi tôi hỏi mua ghẹ. Tôi quay sang hỏi người phụ nữ bên cạnh nhưng cô lắc đầu: bán nguyên ki (gần chục ký). Tôi nói bán cho vài ký thôi nhưng cô gắt: thôi, tránh ra cho người ta bán, vài ký thì ra chợ chớ ra bến làm gì?

Chị Hạnh chỉ về phía bờ kè, bảo tôi: đến đấy đắt hơn chút nhưng mua bao nhiêu cũng được.

Ở chỗ ngồi lúc đầu có bốn phụ nữ hầu như thờ ơ với không khí tất bật xung quanh. Tôi hỏi mới hay họ ở Sa Huỳnh ra, đang chờ cá của chồng gửi vào. Một cô bụng bầu chừng 6 - 7 tháng nói, phải ngậm gừng cho đỡ say xe. Nhận cá tôm chồng gửi vào, bán xong lại mua dầu đá gửi ra. Cô kể, đợt trước gửi ra 10 phi dầu thì 2 phi bị bật nắp đổ hết dầu, tiếc đứt ruột.

Tôi đi vào cầu cảng số 2. Quanh cầu cảng nhấp nhô tàu đủ biển hiệu ĐN, QB, QN, QNg, BĐ... Người chuyển cá từ hầm đông lên sàn tàu, người chuyển từ sàn sang xe ba gác. Mồ hôi đẫm áo nhưng họ vẫn mặc áo mưa làm từ bao nilon đựng hàng, phần đáy bao được khoét 3 lỗ thành chiếc áo may-ô mưa cực kỳ tiện lợi. Hơn chục thanh niên xách bọc nilon đựng mẩu vụn hình chữ nhật, hình tam giác, hình vuông nhỏ như hạt lựu, được cắt từ cờ tam cúc, cờ tây. Có người cầm nắm lá me, có người cầm lá dương liễu. Cứ ki cá nào đưa xuống, họ đảo mắt qua rồi tuốt một nhúm lá hoặc vứt vào một nhúm giấy của mình. Tôi hiểu đó là trò chấm xí-mê. Ki nào đầy đá thì họ gạt nhẹ để lộ ra một khoảng nhỏ là xác định được ngay. Họ làm dấu tất cả các tàu đang xuất cá nên hầu như chạy liên tục. Một chàng trai trông như vận động viên cử tạ, xách bọc cờ tây cắt mảnh nhỏ chừng 3 ly, dài chừng 3 phân. Vừa xí-mê ba ki cá ngừ đầu cầu này, cậu ta chạy tới đầu cầu kia vất một nhúm. Có khi lại nhẹ nhàng rắc lên con cá thu to, tươi rói rồi cười với chàng trai dong dỏng cao, vẻ hiền lành bên cạnh: chủ quyền đó nha. Xe đầy cá vừa đẩy đi, cậu ta bấm điện thoại: cá vào. Tôi hỏi tên cậu. Long! Cậu ta vừa nói vừa chạy ra chiếc tàu nằm bên lối vào kè, nghiêng ngó rồi thò tay vào túi giấy bốc một nhúm rắc lịa lên mấy ki cá. Hai giờ sáng, không khí đẫm hơi nước nhưng Long cứ thốc áo lên đến ngực, để lộ cái bụng tròn lẳn, chốc chốc lại kéo áo lau mồ hôi.

Trên chiếc tàu lớn mang số hiệu Quảng Bình có 4 giàn đèn to bao quanh trông như một tòa lâu đài, năm thanh niên đang chuyển mực xuống. Mực rất to, khoảng 3-5con/kg, có con phải đến 1kg. Sát tàu Quảng Bình là chiếc tàu mang biển hiệu BV98... TS. Chẳng biết có phải do toàn cá nục, cá ngừ nhỏ không mà ki nào cũng ướp đá và kít nilon kín mít. Cũng chẳng ai bỏ dấu và cá cũng không đưa vào đình mà đổ ngay bên lối vào cầu cảng, người mua khá đông. Tôi hỏi một chàng trai đang chuyển cá lên xe ba gác, cậu ta bảo BV là tàu của Bà Rịa - Vũng Tàu. Thấy một bà già đưa chiếc rổ nhỏ, cậu ta móc bao nilon ở một ki cá bốc bỏ vào đầy rổ cho bà. Bà già cảm ơn cậu ta rồi hỏi tôi có mua không, 40 ngàn thôi. Bà bỏ vào bao bốc đá ướp, buộc lại rất cẩn thận cho tôi.

Cầu cảng 1 và cầu cảng 3 cũng chật kín tàu xuất cá. Có tàu phải chuyển nhờ qua tàu khác mới đưa lên cầu cảng. Chẳng biết có phải do “mắt con trai” hay không mà đội “đóng dấu chủ quyền” chỉ có vài nữ. Sau cuộc gọi mươi phút của chủ tàu, một cô gái tay trái xách chừng hai chục ly cà phê, trước giỏ xe là mấy bọc bò húc, C2, trà thanh nhiệt, đá viên... Bật chân chống, vất lên sàn tàu một túi rồi một tay rồ ga, tay xách cà phê, cô chạy tiếp.  

Chủ tàu nơi bốn phụ nữ Sa Huỳnh đang nhận cá cho biết giá khá thấp nhưng nhờ sản lượng cao nên sau khi bán, bạn thuyền được 8 triệu tiền công. Ông nói, âu thuyền Thọ Quang là điểm đến của rất nhiều tàu thuyền. Trong đó, trên 50% số tàu thuyền là ngư dân Quảng Ngãi, đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Nhiều tàu cập bến mang lại việc làm cho nhiều người nhưng cũng tạo ra cạnh tranh, thậm chí ép giá. Nậu lấy cá giá 10 nhưng bán ra 13, có lúc 15...

Thuyền vẫn tiếp tục vào. Người bưng thuê cứ lội xuống nước, bưng những ki cá nặng ịch, chạy hùng hục. Người dùng móc sắt kéo từng thùng đá đầy có ngọn rồi xúc ướp, chuyển lên xe tải. Dưới ánh đèn cao áp nhưng ai cũng vài lớp mũ, lui hui với cá tôm, đúng là “không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát”. Nhìn họ, tôi nhớ đến mấy người bạn nhiếp ảnh từ cả nước về dự trại sáng tác ở Đà Nẵng. Họ leo lên cả cột buồm để chụp rồi về ngắm mãi những bức ảnh: người trên thuyền trao, người dưới nước đón. Có bức chỉ thấy bóng người kéo phuy đá trên bờ kè nghiêng nghiêng... Thú thật, cả khi nhìn bức ảnh người phụ nữ cong lưng bưng ki cá đầy nhóc, chân dưới nước, chân trên bờ, tôi vẫn không nhớ những câu thơ của Tú Xương: Quanh năm buôn bán ở mom sông.../ Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước lúc đò đông... mà cứ trầm trồ góc chụp, tông màu đen trắng nghệ thuật!

Tôi vào đình. Cá được phân loại, xếp ngay ngắn trên kệ, chúng vẫn mang trên mình những mẩu cờ cắt vụn, lá dương liễu, lá me. Dấu “chủ quyền” của Long có mặt ở rất nhiều kệ. Năm 2009, khi tham dự lớp tập huấn làm phim tài liệu, tôi được xem bộ phim về chợ cá Tsukiji ở Nhật Bản. Đó là chợ hải sản lâu đời và lớn nhất thế giới. Nhưng bỏ qua những con số thì chắc không khí nơi đây không nơi nào có thể sánh được. Ầm ã như cái cối xay âm thanh. Tiếng gọi hàng, bước chạy huỳnh huỵch của người gánh cá, tiếng xe ba gác máy, tiếng hò tránh đường cho cá từ tàu vào, tránh cho người gánh cá từ đình ra xe về các chợ... Mái đình cao rộng dội âm thanh lại âm âm, âm âm...

Đi nhiều nơi, tôi thấy trừ nghề làm gạch, còn ở nông thôn, đôi quang gánh hầu như đã đi vào dĩ vãng. Gặt lúa có xe công nông chở về tận nhà, một vài bao thì có xe máy. Ở chợ cá này vẫn quang gánh, chỉ có gióng sắt, ki nhựa thay gióng mây, rổ tre. Có người hai ki cá đã đầy nhóc rồi còn móc thêm trên đầu gánh một con cá hố to. Để con cá yên vị trong hành trình của mình, chị ta vắt cá qua đòn gánh rồi banh miệng, bập hai hàm răng cá vào đuôi nó thành một khoanh tròn chắc nụi!

Hết tránh xe lại tránh người, tôi đến chiếc ghế trước kho đông lạnh gần cuối đình ngồi nghỉ. Một bà già đẩy chiếc xe ba gác đến rồi ngả nón quạt. Bà tên Thu, quê Phú Lộc, Huế, 65 tuổi, gánh cá thuê đã hơn hai chục năm. Bà nói tùy chuyến nặng hoặc nhẹ mà được ba đến năm ngàn. Gánh cho chủ này xong, chủ khác gọi là chạy ngay. Từ 12h đêm tới 8h sáng gánh 40 - 50 chuyến. Nhiều khi hôm trước đau ốm, hôm sau vừa giảm đã ra bến. Hồi mới vào 4 con còn nhỏ, giờ con đã có vợ có chồng và ra riêng. Bà vẫn ở nhà thuê nhưng đã mua được xe ba gác đẩy, nhẹ vai mà mỗi chuyến 25 ngàn, ngày kiếm được vài trăm. Ông chồng ở nhà một mình hay rượu chè, đau dạ dày nên bà kéo vào, hiện đang làm bảo vệ cho một khách sạn. Khi nào ở quê có việc hiếu hỉ mới về.

Tôi trở lại chỗ làm ghẹ. Càng ghẹ đã chất thành đống, mọi người đang phân loại. Tôi nhắm một chị có vẻ hay chuyện, vờ hỏi giá. Chị nói loại càng lớn 200 ngàn một ký, loại nhỏ 80 nhưng không bán mà để bỏ mối. Thân ghẹ thì bỏ nhà hàng nấu súp. Chủ nậu tên Tang, từng đi buôn hàng Trung Quốc, bị lật xe, thoát chết nay về âu thuyền Thọ Quang làm đầu mối thu mua. Giọng Bắc nhưng từ ngữ Nam đã nhiều, giọng Tang rất dễ nghe. Qua những cuộc điện thoại của Tang, tôi biết cô là đầu mối dễ chịu.

Bốn giờ sáng, cá tôm vào chừng như tươi hơn. Mực vẫn đang nhấp nháy, cua ghẹ bò rạo rạo. Tôi hỏi một mớ cá bống còn búng nhảy, cong cả vây vi nhưng chị bán hàng lắc đầu: để cho bạn thuyền. Chị Hạnh đang lột vỏ mớ tôm nhỏ. Cạnh chị là một bà già gầy tong, tay giữ ki cá, miệng ngã giá. Người phụ nữ trẻ hay hát cười: tụi em chạy cả đêm lẫn ngày nhưng vẫn là chạy đường ngắn. Bà Sáu đây mới chạy đường dài.

Chị Hạnh nói: bà Sáu bán ở đường Nguyễn Tất Thành. Vỉa hè không được phép mua bán nên hễ thấy bóng cán bộ quy tắc đô thị là gánh cá chạy biến.

Cô gái nói: sang năm không hát karaoke nữa mà tổ chức thi chạy. Bà Sáu ăn chắc giải nhứt.

Bà Sáu vừa xếp cá vào rổ vừa nói: Hồi trước tui chạy từ Ái Nghĩa xuống Hương An mua cá rồi gánh vô Tam Kỳ, có khi chạy lên Tiên Phước. Khi đi thì cá hấp, cá nướng, về thì sắn, khoai, gạo. Trên bom, dưới đạn vẫn chạy. Chạy cả đêm.

Cô gái nguýt dài: Gần bảy mươi rồi vẫn chạy mà cứ nhắc thời đó. Bây giờ mới oanh liệt chớ!

Nhìn bàn tay cùn móng xếp cá, tôi nhớ lần đi chợ phiên Quy Đạt, Minh Hóa (miền tây Quảng Bình). Hồi ấy chợ phiên tháng hai lần, đi trong đêm và trở về trước trời sáng để tránh máy bay địch. Khóc hết nước mắt mẹ mới cho theo. Chợ mà như lễ cầu siêu. Đèn dầu phải quấn mo cau, chỉ để lọt một khe nhỏ ánh sáng vừa đủ dọi vào rổ hàng. Nhìn bàn tay đen đúa của bà bán hàng, tôi dứt khoát không ăn miếng bồi mẹ mua, dù đói run. 

Bà Sáu tính rất nhanh, số cân ra giá tiền tắp lự. Bà nói bán chợ chạy cực lắm. Thấy cán bộ quy tắc đô thị là chạy nháo nhào, y như hồi trước bị xua vào ấp chiến lược. Nhiều khi người ta níu lại để mua cũng không dám, sợ cán bộ quy tắc đô thị đổ, sợ tịch thu cá. Tôi hỏi sao không đăng ký một lô ở chợ cho khỏe. Bà nói: vốn đâu, với lại người mua thích dừng xe mươi phút chớ vào chợ mất thời gian. Bà chỉ chạy ở đường Nguyễn Tất Thành chớ nhiều người, sáng đường Nguyễn Tất Thành, chiều khu công nghiệp Hòa Khánh. Công nhân tan tầm không kén lựa nhiều, lời ít chứ không lỗ.

Nhìn gánh cá của bà, tôi nhớ chị bạn hàng cá than: Cá dễ ươn, giá không ổn định như thịt, người mua trả từng đồng. Những đợt dịch cúm gia cầm, thịt ế ẩm thì đầu nậu đẩy giá cá lên.

Mờ sáng, xe chất đầy chồng rổ cá, nổ máy hướng ra cổng chợ. Bà Sáu leo lên chiếc Dream Tàu màu tím sậm, thu người giữa đôi quang gánh và người xe ôm.

Một bà gánh đôi quang, trong ki có con cá giũa chừng 2kg. Bà hỏi tôi có mua không? Cá tươi lắm, bạn thuyền cho nhưng bà cần tiền gạo, 30 ngàn thôi.

Tôi lấy tiền đưa bà rồi đến hàng cà phê sát bờ kè. Không đâu có nhiều sáng kiến như ở chợ cá này: ủng là túi hồ lô còn bàn cà phê là viên gạch men đặt trên kè đá, trên chồng ghế đẩu nhựa gãy chân bể mặt hoặc trên thùng xốp, ki nhựa hỏng... Ở bàn cạnh tôi, một bà dáng tròn lẳn và một cô gái đang nói chuyện với ba người đàn ông uống cà phê bên kia kè đá. Hóa ra cô gái là người mà tôi đã hỏi mua cá. Trời đã sáng, cô cũng đã gỡ khẩu trang. Không như lúc buôn bán, cô có vẻ ưa nhìn. Đôi bao tay màu vàng nhét vào ủng nhưng vẫn lòi mấy ngón tay, khi cô bước đi lấy ly nước trà nóng, chúng rung lên như những cánh cúc đại đóa. Nghe chuyện, tôi biết người phụ nữ lớn tuổi chuyên cho vay và giờ ra thu tiền lời. Việc vay trả, ăn chia nghe cũng thuận lòng chớ không gay gắt như dạng tín dụng đen qua báo chí. Bà nói mấy người đàn ông: đi biển cực, về nướng vào phỏm, tá lả thì mưa gió dài ngày tính sao… Cô gái nói chồng cô mà vậy thì “tiễn lên đường”. Cô che miệng ngáp rồi cười: tối qua liên hoan mừng ngày Phụ nữ, karaoke xong là ra bến luôn.

Hai phụ nữ đặt quang gánh bên kè đá, gọi mì chả. Cô chủ quán mở hai gói mì tôm “Ba miền”, bóc chả, dùng kéo cắt lịa rồi bốc nhúm giá, hành ngò thả vào, đổ nước sôi. Chỉ vài phút đã có tô mì rất ngon mắt, giá chỉ 12 ngàn. Ăn xong, họ xách quang gánh đi vào đình. Cô bán cà phê nói: một gánh 3 ngàn nên thuê nhà để có chỗ ngả lưng chập tối chút thôi chớ trưa về sợ tốn thêm tiền điện máy quạt, tiền nước rửa chân. Dè sẻn vậy mới có cho con ăn học. Nhiều người nhờ bến cá này mà con đỗ đại học, cao đẳng. Hôm qua, tổ trưởng Phụ nữ hỏi năm sau chị em có muốn đi du lịch không? Nói thiệt, em chỉ cần con chăm học, chỉ mong có sức để làm ăn. Mấy bà kia thì chỉ mong được gánh!

Một cô gái bước đến ngồi cạnh tôi. Vóc dáng thanh thoát, khuôn mặt rõ nét nhưng mái tóc ngắn và nước da hơi khô. Trông cô không phải đến để mua bán cá thế nhưng lại là khách quen. Gọi cà phê và chai nước lọc, cô nói: thiếu nha. Cô bán cà phê không ừ hử nhưng kiểu cũng thuận lòng. Người đàn bà cho vay tiếp tục câu chuyện chỉ có mấy người đàn ông hầu như bị “cúp điện”, thỉnh thoảng tiếp lời nhưng vẫn liếc mắt về cô gái. Cô gái hỏi tôi đi mua cá à? Ăn bao nhiêu mà phải ra chợ này?... Cô tên Ly...

Hai phụ nữ vào chuyện gì đó mà bỗng Ly hỏi cô gái: tên chồng là gì? Cô gái nhìn Ly, im lặng. Ly nói: sợ tui giựt chồng bà hay sao? Cô gái cũng chẳng e dè: ngon thì giựt đi. Tui tuyên bố với chồng tui rồi, kiếm cô nào hơn thì dẫn về. Tui sẵn sàng ra đi. Đừng ăn bánh trả tiền mà mang bệnh, sâu nặng thì tội người ta. Nói rồi cô trả tiền cà phê. Bà cho vay và ba người đàn ông cũng đứng dậy.

Cà phê mới hết hơn nửa nhưng Ly uống nước rồi đi ra cổng.

Cô bán cà phê nhìn theo: Người cũng như cá, tươi còn có giá chớ qua vài năm thì ế độ, nghiện nữa thì móp mỏ... Cô thở dài: gái về bến này là vậy. Đàn ông đi biển dài ngày, nhiều người thương vợ con ở nhà mong ngóng, người kiêng cữ nọ kia nhưng cũng có người “phàm ăn”. Thân như lụa đào mà...

Tôi nhìn theo Ly. Nắng vừa lên, bóng cô đổ dài trên mặt đường.

Thời tiết năm nay thật thất thường, cuối tháng Mười nhưng nắng sớm khá gắt. Một phụ nữ đang rửa cá bên dãy can nước đứng dậy băng qua đường, bưng cây dù trong đình sang rồi cong người bung tán dù. Đút hai ngàn vào túi, chị trở lại chỗ rửa cá. Cô bán cà phê nói: chị ấy quê Thăng Bình, Quảng Nam. Nửa đêm bưng cá, nắng lên bưng dù. Mọi người an vị thì chị đi rửa cá. Ai muốn chuyển chỗ lại ới chị. Cả ngày ở chợ, ăn hộp cơm xong ngủ vùi ngay tại sàn cá, hy vọng ai gọi lại kiếm được vài ngàn. Thời gian sự cố môi trường formusa, chợ vắng teo, người đi phụ hồ, người giúp việc, vay mượn ăn tạm... Có người đến giờ vẫn chưa trả xong nợ hồi formusa.

Cạnh đình, một phụ nữ mảnh mai đang chặt đá cây. Cứ sau hai nhát, một khuôn đá bằng phẳng, vuông vắn như tiện rời ra. Bên chiếc máy xay đá, một người đàn ông ở trần bưng khúc đá ném vào khuôn máy xay đánh rầm một cái, lập tức đầu cửa khuôn bên kia đùn ra một đống đá xay. Anh ta làm nhịp nhàng, tiếng đá đập vào máy “Rầm! Rầm!...” đều đặn. Khuôn đá biến thành đá xay trong nháy mắt, y như trong phim thần thoại. Thùng đá đầy có ngọn được kéo ra, thùng khác thay vào... Trong đình có tiếng ới, chị chặt đá thả dao, đưa ngón tay ra hiệu, lấy sổ ghi rồi bấm điện thoại. Một chiếc xe ba gác chạy tới, cậu thanh niên vất thùng rỗng xuống, khệ nệ bê thùng đá xay chất lên xe. Dưới nắng mai, những thùng đá ánh lên như những thùng kim cương.

Cơn buồn ngủ ập đến, tôi hẹn Long vào phiên chợ chiều. Người giữ xe đang ăn sáng, nồi cơm điện để ngay trên lề đường. Thấy tôi, anh ta vội để tô cơm xuống thùng đồ nghề, cười: tranh thủ không có khách, ăn miếng cơm. Anh ta hỏi tôi mua được gì. Tôi mở bao cá. Tưởng được khen rẻ, ai dè anh ta nói: cá này họ “hôi” (xin, lấy) được, giá chỉ bằng nửa thôi. Tôi mở nồi cơm điện, trong nồi cơm có cả một tô cá kho. Anh ta cười: dân giữ xe kiêm sửa xe mà, cơm mới chắc bụng. Với lại, luần quần chút rồi về ngủ một giấc, dậy mới ăn trưa, 12 giờ là chợ chiều bắt đầu rồi. Chị em bán cá mà xe hỏng, chậm chợ là tiêu luôn.

Định trở lại chợ cá vào đầu phiên chợ chiều nhưng tôi ngủ thiếp đến hai giờ mới dậy. Tàu vẫn tiếp tục vào, xe chở cá vẫn mải miết trong nắng gay gắt của cầu cảng. Chị Hạnh vẫn thấp thoáng giữa cá, tôm và người, xe. Hàng họ nhiều hơn, xe hàng kính mắt, áo quần, giày dép... vào tận cầu cảng.

Long cho tôi biết làm nghề bỏ dấu đã 7 năm. Đúng là chỉ nhìn qua là biết cá ngon dở nhưng không phải vì “mắt con trai” mà ngoài kinh nghiệm, rất cần sức khỏe để chạy, để thức đêm và chịu nắng cầu cảng khi làm ca ngày. Vì vậy trong 30 người bỏ dấu thì chỉ có 5 phụ nữ. Long bỏ dấu cho 15 nậu, cứ theo dấu mà trả công. Làm hai ca có thể kiếm 300 - 500 ngàn nhưng rất mệt. Có hai thanh niên Quảng Nam ra cảng cá tìm việc làm trong thời gian ôn thi đại học. Được Long truyền kinh nghiệm, nay đã là sinh viên, ngoài giờ học, họ ra cầu cảng kiếm thêm tiền ăn học. Ra vậy! Tôi nhớ trong đám bỏ dấu có chàng thư sinh.

Trên chiếc tàu chụp mực, sáu thanh niên đang chà rửa từng ki nhựa. Thấy tôi nâng máy ảnh, một cậu bảo: chị phải chụp cho đẹp. Cậu ta còn nhảy lên cầu cảng xem ảnh rồi cười rất tươi: đẹp trai ngời ngợi hè! Anh Nguyễn Hoài Nhơn, chủ tàu quê Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình cho tôi hay: tàu anh 750 mã lực, chuyên nghề chụp mực ở ngư trường Hoàng Sa. Từ Đà Nẵng ra khoảng 300 hải lý (550km) đi hết 30 tiếng còn đi từ Quảng Bình thì 48 tiếng. Tùy lúc mà có khi đổ hàng ở Nhật Lệ, có khi ở cảng Gianh. Mực đánh bắt là mực Chan Chu. Tôi ngạc nhiên: sao lại gọi là mực Chan Chu? Anh nói: vì ngư trường đánh bắt ở chính nơi bão Chan Chu hoành hành, làm 266 ngư dân Việt Nam thiệt mạng. Ở ngư trường này mực to, ngư dân mình đã lấy tên cơn bão tai quái đặt cho loại mực đó.

Tôi hỏi anh thời gian xảy ra sự cố Formusa, cuộc sống như thế nào? Nhơn nói khi ấy anh đang trên đường trở về nước sau 6 năm làm nghề cá bên Hàn Quốc. Xã Đức Trạch chuyên nghề biển nên sự cố môi trường làm làng quê điêu đứng nhưng với ước mong ra khơi, anh vẫn quyết tâm đóng tàu. Và để có thể chống chọi với mọi hiểm nguy và nâng cao hiệu quả đánh bắt, anh vay mượn thêm, đầu tư con tàu 6 tỷ. Riêng giàn đèn 200 bóng đã ngốn 300 triệu. Anh cũng không cho mực vào bao nilon mà dùng ki nhựa để bảo quản tốt hơn dù sau mỗi chuyến, phải chà rửa ki thật sạch, để khô ráo. Nhưng nhờ vậy mà cùng cỡ loại, mực của anh luôn cao giá hơn người dùng bao bì.

Một phụ nữ trong tàu bước ra, Nhơn giới thiệu là vợ từ Quảng Bình vào tối qua. Đà Nẵng có điểm tiếp sóng trên đỉnh Sơn Trà, cách bờ 20 hải lý đã có sóng nên anh điện cho vợ sớm hơn. Vợ lên xe vào đến nơi cũng vừa tàu chồng cập bến. Hỗ trợ chồng ghi chép hàng họ, trừ chi phí rồi thanh toán tiền cho bạn thuyền... Tiền dầu khoảng 150 triệu, đá chừng 15 triệu. Gạo, thịt, rau xanh, mì tôm, nước ngọt, C2, Côca... Khoảng 200 triệu cho chuyến xuất bến. Chuyến này trừ dầu đá, mỗi người được 10 triệu nhưng cũng có chuyến chỉ được vài ba triệu, thậm chí có lúc về tay trắng. Thông thường, xuất hàng xong, tàu để lại âu thuyền, thuê người trông coi. Tính trọn đợt tàu nằm đến khi lấy dầu đá là 1,5 triệu. Khai thác mực phụ thuộc vào trăng, trăng sáng không có mực nên kỳ nghỉ người làm nghề chụp mực dài hơn nghề cá, công trông giữ tàu anh là 2 triệu. Đợt này nhà rảnh việc, mẹ vợ vào trông tàu giúp, anh và vợ về quê với con mươi ngày. Chừng 20 âm mới vào lấy dầu đá để tiếp tục ra khơi.

Nhơn kể, 6 năm làm nghề cá ở tỉnh Gangneung, Bắc Hàn Quốc mới thấy ngư dân Hàn Quốc rất chuyên nghiệp. Họ biết mùa sinh sản của từng loại cá và tránh đánh bắt vào thời gian đó. Ví như cua sinh sản vào tháng 3 thì tháng 4 mới đánh bắt. Chính phủ Hàn Quốc cũng hỗ trợ rất nhiều để ngư dân có thể hành nghề một cách bền vững như hỗ trợ công nghệ đánh bắt, hỗ trợ ngư dân trong thời gian hải sản sinh sản. Đặc biệt, ý thức giữ gìn môi trường của người dân Hàn Quốc rất cao. Nếu mình vất tàn thuốc ra đường thì người đi sau liền nhặt bỏ vào sọt rác. Âu thuyền của họ nước trong xanh, thấy rõ cá bơi lội chứ không đen như nước âu thuyền mình. Thế nhưng - giọng Nhơn trở lại sôi nổi - Dù làm việc trong môi trường thuận lợi nhưng ước mong trở về làm nghề trên đất nước mình vẫn luôn luôn thôi thúc tôi mỗi ngày.  

Cạnh tàu Nhơn, một chàng trai nằm trên sàn tàu sạch bong lướt điện thoại. Cậu ta làm trong đình, ra cầu cảng hút điếu thuốc cho thoáng. Điện thoại đổ chuông, cậu bảo “đang ở cầu giữa, vào ngay” rồi xách bao tay, đi vào đình. Trong khoang, người mắc võng ngủ, người coi ti vi. Ở một tàu khác, một nhóm đang đánh bài.

Long và đám bạn vẫn chạy như thoi từ đầu đến cuối cầu cảng. Những tàu đã bốc dỡ cá xong đang hút nước rửa sàn tàu, máy nổ rền rã. Bốn phụ nữ từ Sa Huỳnh ra đang bóc ghẹ. Họ chỉ đem ít ghẹ vào Sa Huỳnh gỡ thịt bán cho nhà hàng nên bỏ mai cho gọn. Cô bụng bầu xách ki đến chiếc tàu đang xúc đá thừa từ hầm đông lên. Lấy một ki đầy đá vụn đổ vào thùng ghẹ rồi lấy băng keo dán roàng roạc, cô cho tôi hay: 5 giờ chiều lại lên xe. Xe đón trước cổng chợ, vào đến Sa Huỳnh chừng 8 giờ tối. Đi về gần 400 cây số và bán mua chỉ trong một ngày! Một cô nói, đi chợ mua ít cóc ổi lát nữa lên xe ăn. Sau cuộc gọi vài phút, một chiếc xe máy trờ đến y như phục sẵn đâu đó.

Một người đàn ông chừng 50 đưa túi ốc tai tượng đã bỏ vỏ cho một chị nói đem về cho bác sĩ. Người đàn bà tên Huyền giải thích: bác sĩ là ân nhân của gia đình. Ốc này luộc rồi làm món nộm thì tuyệt vời. Chị Huyền là “lính đánh thuê”. Chồng chị tên Tịnh, đi bạn thuyền. Mỗi lần tàu vào bến, anh chị về Quảng Ngãi, đem theo ít cá tôm cho con cháu. Mấy ngày sau, anh ra đi biển, chị ở lại bến “đánh thuê”. Hành trình lặp đi lặp lại như vậy quanh năm.

Tôi vào đình. Chợ đã vãn. Chị bưng dù đang nằm trên cây dù kê chếch đầu lên thùng hàng, úp nón im lìm mặc người, xe qua lại ầm ầm. Cạnh chị, một phụ nữ đang lật nón đếm tiền. Chị nói: “đêm nằm bằng năm ở” nhưng dân chợ cá thì vậy đó. Một chị tiếp lời: Tụi tôi còn gặp chồng con ngày vài tiếng chớ người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế... xa chồng con cả mấy tháng trời.

Tôi đến ngồi trên bờ kè trước đình. Dọc theo bờ kè, từng cụm, mấy chục can nước 5 lít, ngay ngắn thẳng hàng. Chị chở nước nói, chuẩn bị phiên 12 giờ đêm. Nghe tiếng, tôi đoán chị ở Tam Kỳ hoặc Núi Thành.

Trên âu thuyền, nhiều đò qua lại. Thấy bóng quen quen, tôi đi xuống sát mép nước. Hóa ra người đã gặp tối qua. Ngạc nhiên khi thấy tôi nhưng ngáp một cái, chị mới trả lời: đưa người ngoài âu thuyền vào đi chợ.

Bốn công nhân môi trường mở kho dụng cụ ngay bên bờ kè lấy chổi quét dọn. Một người đàn ông nói, hôm nay âu thuyền sạch, đỡ phải dùng lưới vớt. Tôi ngạc nhiên, dọc dài bờ kè, chục thùng rác đội nắp mà ít? Anh ta bảo: chị nhìn lá cờ đang bay kìa, gió thổi hướng ấy là đùa bao bì rác rến ra cửa. Tôi nhận ra, đúng là bao bì rác rến không còn, chỉ có nước vẫn đen kịt.

Anh công nhân môi trường nói: gió chướng thì tụi em đuối luôn. Không biết rác đâu mà lắm vậy, chỉ một đêm là đầy nhóc. Từ bao đựng cá, tôm... đến baby, bao bì chứa “nỗi buồn”. Công ty cấp hai xe điện chở rác, hai ghe, hai lưới vây. Tổ có 12 người, 8 phụ nữ quét hốt còn 4 đàn ông chạy ghe. Hai ghe cột hai đầu lưới, chạy, kéo lên rác không là rác. Mỗi ngày cả chục tấn rác. Hôm nào ít rác thì nạy nắp cống, vét rác chớ mưa xuống thì rác phình lên, nước cống tràn ra đường còn mệt nữa. Nắng nóng, hôi sực, người đau lưng, người đau khớp... Quy chế thật nghiêm ngặt thì đỡ cho tụi em.

Tôi nhìn theo họ rồi nhìn địa chỉ nhà trọ mà chị Hạnh đưa lúc nãy. Định đến nhà trọ của chị nhưng tôi lại thôi. Để chị nghỉ ngơi trước giờ ra bến. Con trai thứ hai vừa vào đại học, ít nhất, chị phải 4 năm nữa “lều chõng” cùng con. Chị nói: bạn chị và cả những người bán vé số đều cho rằng Đà Nẵng là thuận lợi nhất trong các nơi họ từng qua, chắc đây là bến cuối cùng.

Trong từ ngữ Việt Nam, từ “bến” rất đa nghĩa. Có khi gợi lên sự tụ hội yên bình, thơ mộng: bến đò, bến sông... Có khi lại nói về sự mong manh cuộc đời: thân gái mười hai bến nước. Dù cố gắng gạt đi nhưng tôi vẫn không quên được chiếc bóng đổ dài sáng nay. Bao người từ các nơi tụ hội về đây, chỉ có trì mình mới vượt qua.

Có tiếng gọi từ cầu cảng số 2. Mấy chàng trai tôi chụp ảnh ban nãy vẫy tay chào. Túi xách gọn nhẹ như họ vừa xong chuyến du lịch. Chủ của họ cũng sẽ có cuộc hành hương như vậy. Nhơn nói: tàu anh có mười lăm bạn thuyền nhưng giữa trùng khơi thì hiểm nguy luôn rình rập: bão, tố, tàu lạ uy hiếp... Năm nào Trung Quốc cũng cấm biển từ tháng 5 đến tháng 8, trong đó có vùng biển Hoàng Sa. Tuy vậy, bà con mình vẫn ra khơi. Khó nói hết cảm xúc khi thấy lá cờ đỏ sao vàng giữa biển xanh mênh mông lắm chị ơi. Có thể nói, như thấy trái tim đang đập những nhịp đập mãnh liệt. Ngư dân thực sự là “cột mốc sống” trên biển của Tổ quốc đó chị.

Kỳ trăng đầy nên âu thuyền Thọ Quang tàu thuyền san sát. Gió chiều lồng lộng, cờ bay phần phật. Từ đây, những con tàu mang cờ đỏ sao vàng sẽ vươn khơi, sẽ đến nơi mà bao người đã nằm xuống trong cuộc chiến bảo vệ đất nước và cả vì bão dông. Giữa trùng dương, bất chấp hiểm nguy, cờ đỏ sao vàng như những trái tim, gọi tên Việt Nam.

N.T.T.S

Bài viết khác cùng số

ĐÀ NẴNG MÙA XUÂN MỚI Phát triển Đà Nẵng theo hướng hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc - Xuân HoàngĐà Nẵng vươn cao từ những cây cầu - Đinh Thành TrungPhố mãi còn xuân - Dân HùngTản mạn cát và Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngThổi đi từng cơn gió bấc - Nguyễn Nhã TiênNghe mưa chờ Tết - Phan trang HyMùa Xuân - Ai may áo mới? - Nguyễn Thị PhúTết đến nơi rồi! - Hồ Thị Thùy TrangTôi, mẹ chồng và bánh ít Tết... - Y NguyênBến đời - Nguyễn Thị Thu SươngBiển đêm - Trần Trình LãmNgàn lau - Lê Anh DũngNhớ Mẹ! - Võ Zuy ZươngDiễn - Nguyễn Hoàng ThọNỗi nhớ cong vênh - Thụy SơnĐi dạo sớm - Nguyễn Đông NhậtHương mùi của mẹ - Võ Thi NhungTrong khu vườn thư viện cổ - Lương Kim PhươngMùa gieo tình - Nguyễn Nho Thùy DươngRiêng cho Đà Nẵng - Huỳnh Thúy KiềuNhững cơn mưa cuối đông - Tăng Tấn TàiTự tình mùa xuân - Long VânĐợi mùa - Vạn LộcXuân với đời người, đời cây - Trương Đình ĐăngƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiLúc lòng nguyên đán - Phan ChínNhững câu thơ trong đêm - Bùi Công MinhTạm biệt Stung Treng - Đỗ Như ThuầnTình xuân - Xuân DiệuĐà Nẵng và em - Hà Thị Vinh TâmHoa Tết - Nguyễn Xuân TưTháng Giêng lỗi hẹn - Thủy AnhĐêm cuối năm - Nguyễn Tấn OnVề phía mùa xuân - Mỹ AnNgày Tết nghe bạn hẹn quay về - Thái Bảo Dương ĐỳnhSáng mùng một đi chùa - Nguyễn Thánh NgãNgựa giả, ngựa thật - Mai Hữu PhướcÝ thơ cuối năm - Nguyễn Nho KhiêmChưa... - Nguyễn Như CầuTháng Chạp - Vỹ NguyênMái rạ mục nát ẩm ướt - Nguyễn Kim HuyChiều - Xuân CừLãng mạn núi - Ngô Hà PhươngNguồn cội - Hoàng Thụy AnhCó thể là bình yên... - Đinh Thị Như ThúyGiữa ngả đường xuân gặp Phạm Văn Hạng - Trần Trung SángCó một Phan Khôi trong đời thường - Vân TrìnhXuân Kỷ Hợi nói về hình tượng lợn trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn - Lê Khắc NiênCon lợn trong văn hóa Việt - Huỳnh Thạch Hà“Hoa lạc, hoa khai, chỉ thị xuân” - Quế HươngTết về xứ Quảng xem Tuồng - Hoàng Hương ViệtCuối năm nhớ bạn thơ - Nguyễn Ngọc HạnhDiễn biến của câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt trong sân khấu - Nguyễn Thị Thanh Vân