Thần tiên tỉ tỉ - Bảo Thương
"Ông gày ơi, ông đẻ chi nhiều. Trông mặt ông xơ xác, mà sao đẻ và nuôi giỏi gớm. Bao đứa, đứa nào cũng chũn chĩn hết".
"Má con đâu?".
Mấy dì đi chợ ríu ran dừng lại hỏi lũ nhỏ. Nghe chừng họ thích chúng lắm. Đứa phúng phính mặt, đứa bụ bẫm chân, đứa thì giọng nói ngô nghê, trông đáng yêu quá. Đấy là các dì nhận xét. Rồi dì bẹo má, dì nắm chân, dì móc trong túi bịch bắp rang, và liên tiếp hỏi:
"Má con đâu?".
"Má con ở nhà chăn heo". Thằng Út phụng phịu, giọng nó yêu không tả nổi, ngọng líu lô, làm các dì cười rung, lại hỏi:
"Chăn nhều hông?".
"Nhều, một chuồng đầy. Má ở nhà cùng chị Ba và anh Sáu".
Các dì tròn xoe mắt: "Cái chi? Thằng nhỏ này chắc giỡn, còn chị Ba và anh Sáu? Thế nhà đông chừng mươi đứa chứ chả chơi".
"Thì mười hai đứa mà dì!".
Thằng nhỡ xen vào. Lần này các dì lại được dịp phá lên lần nữa:
"Ông gày ơi, ông đẻ chi nhiều. Trông mặt ông xơ xác, mà sao đẻ và nuôi giỏi gớm. Bao đứa, đứa nào cũng chũn chĩn hết".
"Má các con bao tuổi?".
"Má con trẻ lắm, đẹp lắm. Dì muốn biết má con, thì theo con về!".
Các dì lại được dịp há hốc mồm, thằng nhỏ lanh lẹ và tả má hay quá! Đời dì, một lũ con, có đứa nào khen má đẹp đâu.
"Má đẹp như nào con?".
"Má con tóc dài, cài hoa. Má mặc áo tím, quần đen. Lông mi má dài. Anh em con thỉnh thoảng lôi phấn ra đánh cho má".
Các dì lại được dịp tròn xoe mắt, nhìn chú Năm, nghe chừng thán phục lắm.
"Ông Năm ơi, ông Năm, câu chuyện nhà ông như cổ tích, ngồ ngộ làm sao? Một lũ con, trên chục đứa, đứa nào cũng chũn chĩn. Ông lấy đâu tiền mà nuôi, lấy đâu thời gian mà chăm, lấy đâu yêu thương để có một gia đình đề huề, vợ đẹp, con khôn này?".
Nghe vậy, chú Năm cười ỏn ẻn: "Lũ trẻ nhà tôi ngoan lắm. Thằng lớn trông thằng bé. Cắt đặt đâu vào đó, là vợ chồng thảnh thơi, tối đèo nhau đi chơi hoài".
"Đúng đó dì, ba má con chở nhau đi công viên hoài, còn cho cả con đi".
Các dì càng tròn mắt: "Tôi buôn thúng bán mẹt quanh năm. Chồng tôi có nghề mộc, con tôi chỉ ba đứa, mà chưa bao giờ thảnh thơi để đi công viên. Hay ông nhà tôi cục cằn. Sao có người đàn bà số sướng. Chắc cô nhà ông xinh đẹp. Xinh đẹp nên chồng chiều. Tôi đâu có xinh. Nhưng ngày trước tôi cũng đẹp phải biết, nên ông xã mới rước về. Nhưng chừng dăm năm trở ra là nhan sắc tàn tạ. Cô vợ ông như thần tiên tỉ tỉ, trẻ mãi không già. Bao bận sinh nở, bao công nuôi nấng, vẫn xinh đẹp, dáng son, như lũ trẻ tả là sao. Đúng là thần tiên tỉ tỉ".
"Dì ơi, má con là thần tiên mà. Chân má trắng, môi má đỏ, ai vô cũng khen đẹp. Bác Long bảo: Má bọn bây đẹp mãi. Bà Hương cũng nói: Bao đứa con rồi vẫn đẹp! Số cô sướng, chỉ ở nhà coi con cho chồng".
"Trời, phúc đâu có được? Chắc tu mười kiếp mới lấy được ông. Tôi đẻ ba đứa mà nai lưng làm. Ông trên mười đứa vẫn không để vợ làm?".
Mấy dì được dịp càng rên lên: "Thôi làm chi cho lắm, về mà bắt chồng chở đi chơi. Đấy, đàn bà con gái hơn nhau tấm chồng. Lấy chi vào chỗ cục cằn cho khổ".
Chú Năm nghe vậy, lại cười vẻ bí hiểm. Khi chú Năm vô chợ, các dì hỏi:
"Thế ba con làm nghề gì?’.
"Ba con nuôi heo, trồng rau, bắt cá, làm mộc, khuân vác, cả đi buôn, dì ơi!".
"Vất vả thế, có thương ba không?".
"Thương chứ dì. Anh Hai đi làm cùng ba. Chị Ba hôm nào không phải đi học cũng theo ba làm. Ba không bắt. Nhưng tụi con thương ba, nên đòi làm".
"Các con làm, sao má không làm?".
"Má không ra ngoài nhưng má làm ở nhà. Ở nhà cũng nhiều việc lắm dì ơi!".
Các dì xoa đầu lũ trẻ bảo: "Đáng yêu lắm! Sao tôi chưa gặp lũ trẻ nào đáng yêu vậy. Tôi chỉ ước con tôi nghĩ được một phần như chúng".
Câu chuyện với lũ trẻ đến đó, cũng là lúc chú Năm trở ra, lượm được vài trái thơm, dăm cây mía, mua được vài bộ quần áo; quần áo thì thằng em cầm, cây mía thì thằng lớn hơn cùng ba vác về.
Hằng ngày, chú Năm đi vác gạo thuê cho người ta. Trước khi đi, chú cắt đặt đâu vào đấy cho mấy đứa ở nhà. Thằng Hai có nhiệm vụ nấu cám heo. Con Ba dạy thằng Sáu học, thằng Tư hái rau nấu cơm, con Năm trông thằng Út.
Đó, công việc của ba con chú, trong ngôi nhà nhỏ trên chục đứa con, cứ diễn ra hằng ngày như thế, vất vả mà ấm tình cha con lắm.
Chiều nay, đi làm về, thấy bọn trẻ bu quanh mà ấm lòng. Thằng lớn thì méc: "Em Ba không chịu dạy cu Sáu học, cứ đòi cuốc đất". Thằng Tư thì méc: "Anh Hai bữa nay đi vác thuê cho người ta đó ba".
Câu chuyện méc nhau như pháo ran một lúc cũng tan, khi mâm cơm dễ chừng đến hai chục cái chén, sáu - bảy cái môi, cùng nồi canh to vật vã, nồi cơm bốc khói, nồi cá kho đầy ú ụ bê lên. Lũ trẻ chuyển ngay chủ đề vào chuyện ăn uống. Nhìn lũ trẻ, chú Năm thấy lòng lâng lâng lạ.
***
Chiều nay, dì Tư bữa gặp ở chợ, thế nào lại qua ngõ nhà lũ trẻ. Dì nhận ra thằng bụng phệ đầu tiên. Đúng hơn, nó nhận ra dì. Nó nhớ bịch bắp rang bơ dì cho hôm trước. Nó cất giọng ngọng nghịu: "Dì Tư ơi dì Tư, nhà con đây, dì vô chơi nghe dì!".
Sau phút ngỡ ngàng, dì cười phá lên khi nhận ra nó.
"Ối trời, lũ trẻ từ cổ tích bước ra đây. Dì vào thăm vườn cổ tích của các con nha!".
Lũ trẻ ùa ra: "Dì vô đi, vô đi! Nhà con đây! Anh Hai kia, chị Ba kia, anh Tư kia, chị Năm nữa, anh Sáu ơi!".
Dì hoa cả mắt trước lô nhô những cái đầu chạy ùa từ ngôi nhà mái lá, bên dòng kênh, không giống như thế giới cổ tích dì tưởng tượng.
"Chuồng heo đâu con?".
"Kia dì!".
"Vườn rau đâu con?".
"Kia dì!".
"Chuồng heo sạch rộng, nhiều con nái quá! Vườn rau xanh tốt như cổ tích thật".
"Má con đâu?".
"Má đây! Anh Tư ơi, ôm má ra đây cho dì coi!".
Thằng Tư chạy vô một lúc, nó ôm ra một con búp bê to đúng bằng người, mặc áo hoa cà, quần đen, tóc dài bím, mặt trắng và được lũ trẻ tô phấn, son nhoe nhoét.
"Má con đây! Má chào dì Tư đi! Dì Tư hỏi má đi!".
Dì Tư nấc lên một tiếng, nước mắt như muốn trào ra. Thì ra má tụi nhỏ là đây. Dì Tư cười méo xẹo:
"Má con đẹp quá, giống y tưởng tượng của dì! Cảm ơn má đã nuôi dạy các con!".
Thằng Tư ôm con búp bê, kiễng chân lên để con búp bê được chạm gần dì hơn nữa. Dì bối rối trước sự hồn nhiên của tụi nhỏ. Dì bảo: "Dì đi công chuyện, nên trong túi chỉ có một túi kẹo. Không biết nhà các con ở đây. Các con lấy kẹo chia nhau. Bữa nào qua, dì mua thật nhiều kẹo nha!".
Thằng Út sướng nhảy cẫng lên. Nó tâng công bảo, phải cho nó nhiều nhất, vì nó nhìn thấy dì Tư trước!
Dì ôm nó vào lòng, bảo: "Út dẫn dì đi thăm nhà nha!".
Lũ trẻ líu ríu theo sau. Kể cho dì nghe bao chuyện. Rằng kia là chuồng chim, kia là chuồng gà, kia là bờ kênh, chị Ba thường ra gánh nước tưới rau. Anh Hai được ba nhặt ở viện nhi trên tỉnh. Chị Ba được người đàn bà nhờ ba nuôi. Anh Tư, ba thấy họ để ngoài cổng. Em Út thì ba thương tình khi bố mẹ mất, nên xin về.
Lúc này thì dì Tư không kìm được nước mắt, dì khóc thút thít. Thằng Út lau nước mắt cho dì, bảo: "Má con không bao giờ khóc. Dì đừng khóc".
Dì bảo: "Tại dì thương con heo đến lúc đẻ rồi, chẳng ai đỡ cho nó!".
Con Ba bảo: "Anh Hai chuyên đỡ đẻ cho heo mà dì. Anh cầm từng con đặt vào ổ mới lót, khéo lắm".
Dì càng khóc dữ. Hôm đó, dì Tư ở lại lót ổ cho bầy heo cùng lũ trẻ đến tối sẩm mới về. Trước khi về, dì gặp chú Năm đi làm về, chú ngạc nhiên lắm: "Tư ở đây muộn thế, lũ trẻ và ổng lại mong".
Dì bảo: "Ổng mất rồi, hôm nọ nói chơi thế thôi. Lũ trẻ thì chưa kịp có. Nếu anh Năm cho phép, từ bữa mai, tôi lên dọn chuồng heo cùng lũ trẻ, nuôi gà cùng chúng, bắt sâu rau, ru chúng ngủ, kể chuyện chúng nghe, tết tóc cho chúng…".
Lời dì chân thật đến mức, chú Năm lặng đi, hai cái yết hầu trồi lên thụt xuống:
"Tư không chê tôi nghèo, đông con đấy chứ?".
"Anh nghèo tiền bạc chứ đâu nghèo tình. Đông con là của trời cho. Có phước lắm, mới có bầy con đó. Tôi chơi với chúng một buổi mà chẳng muốn về, muốn ở lại đây luôn. Hôm nay về sẽ nhớ chúng dữ lắm".
"Tư không chê tôi?".
"Không, tôi chỉ sợ anh Năm có ai thương rồi không chấp nhận tôi thôi. Nhưng tôi thì thương lũ trẻ quá!".
Nói dến đây, dì lại lấy tay gạt nước mắt.
"Tư không nghĩ mình rồi sẽ vất vả lắm sao. Làm mẹ của hai đứa trẻ một quê, một quán, một nguồn cội, một ba, một má, đã vất vả. Những mười hai đứa, không quê quán, nguồn cội. Ngay việc nó truy vấn Tư về bố nó, mẹ nó, quê nó. Đêm nó khóc bảo: "Ba ơi, lớn lên, ba cho con về Tuy Hòa, để xem cánh đồng dưới đấy rộng hơn nơi mình ở không?". Chỉ nghe thế thôi đã thắt ruột rồi. Tư không sợ sao?".
"Tư không. Vì thế nên Tư mới muốn về đây. Nếu anh Năm chưa có ai thương thì cho Tư về trông bọn trẻ cùng anh".
"Đời tôi đã có ai thương. Nuôi thằng Hai từ ngày độc thân, đến khi nhận thằng Út vẫn độc thân. Nhưng một mình mà có bao mình, nên đâu độc thân".
Chú Năm nói tiếng được tiếng mất, dội vào bóng chiều, thoảng bay theo gió nhẹ ra xa, như vọng từ nơi nào lại. Tiếng con chim trói cột vang lên trên bờ sông vắng, tiếng con vịt trời gọi bạn kéc kéc ngoài xa, tiếng con le le phát ra những thanh âm giòn giã, trong trẻo kéo những đám mây xa về gần với núi.
Bầu trời một màu tối sẫm, ngày và đêm đã gặp nhau ở một điểm là cuối chân trời. Căn chòi của lũ trẻ một mình giữa bãi. Xa xa là những ngôi nhà đã lên đèn. Chân dì Tư bước ngập ngừng, tay dì cầm cái giỏ nhựa lúc lắc, lúc lắc.
"Ừ Tư về, mai Tư lại xuống nha!".
Tiếng chú Năm nói đuổi theo hút hút vào gió, ùa vào với bước chân dì đi nhanh ra ngõ, đi về phía ban ngày và ban đêm gặp gỡ phía chân trời.
(nld.com.vn)