Tín ngưỡng Thiên Hậu của người Hoa ở Đà Nẵng - Vũ Hoài An

18.10.2017

Từ xưa, người Hoa đã khá nổi tiếng về ngành hàng hải, đồng thời họ có nền thương nghiệp trên biển trải dài hàng nghìn năm qua. Những thương nhân Trung Hoa chỉ cần một chiếc thuyền nhỏ là có thể giong buồm tiến xuống các quốc gia ở khu vực miền Nam kiếm sống. Họ đã đến buôn bán và định cư tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Đà Nẵng của Việt Nam. Những thương nhân người Hoa đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển Đà Nẵng trở thành thương cảng sầm uất dưới thời Nguyễn. Hiện nay, có hơn 2.000 người Hoa đang sinh sống tại Đà Nẵng. 

Tín ngưỡng Thiên Hậu của người Hoa ở Đà Nẵng - Vũ Hoài An

Thời đó, phương tiện đi lại trên biển chủ yếu là thuyền buồm nên những thương nhân Trung Hoa phải lênh đênh trên biển hết tháng này qua tháng khác, trong khi đó biển cả thì bao la và nguy hiểm, còn con người thì nhỏ bé trước các thế lực siêu nhiên, nên họ luôn cầu nguyện những vị thần mà họ tin rằng những vị thần đó có một khả năng siêu nhiên, có thể cứu giúp họ bất cứ lúc nào mà Thiên Hậu Thánh Mẫu là vị Hải thần gắn chặt trong tâm thức của họ.

Thiên Hậu Thánh Mẫu được người Hoa gọi dưới nhiều danh xưng tôn quý khác nhau như: Thiên Thượng Thánh Mẫu (Mẹ Thánh trên trời), Mã Tổ Bà (Bà Tổ), A Phò (Đức Bà, Đức Mẫu),… Người ta cho rằng, Bà sinh vào thời Tống Kiến Long năm thứ nhất (960), là con gái thứ sáu của Lâm Nguyện - Đô tuần kiểm huyện Bồ Điền, phủ Hưng Hóa, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Tương truyền khi Bà mới sinh ra đã có những luồng ánh sáng và mùi hương thơm kỳ lạ xuất hiện, khi lớn lên bà rất hoạt bát và thông minh, đặc biệt Bà có thể cưỡi chiếu lướt trên biển cả, cưỡi mây ngao du khắp thiên hạ nên người ta gán cho Bà danh hiệu “Long Nữ”. Đến tuổi cập kê, rất nhiều người đến cầu hôn nhưng Bà lại không muốn lấy chồng. Đến thời Tống Ung Hy năm thứ 4 (987), khi sắp qua sinh nhật lần thứ 28, Bà nhờ mẹ giúp mình trang điểm thật lộng lẫy, sau đó ngồi trang nghiêm trên ghế và nhẹ nhàng nhắm đôi mắt lại. Mẹ Bà ngửi thấy mùi phấn hương kỳ dị tỏa ra lan rộng ngoài mấy dặm và một đoàn tiên nữ từ trên trời bước xuống dìu Bà bước lên đuôi rồng và mất hút giữa bầu trời.

Cho đến nay, có khá nhiều truyền thuyết xoay quanh sự cứu rỗi của Bà. Việc thờ cúng Bà bắt đầu nảy sinh vào cuối thế kỷ XI, về sau, đền miếu thờ Bà được người Hoa xây dựng ở khắp nơi. Vào năm Tuyên Hòa Tống Huy Tông năm thứ 4 (1122), một viên quan triều đình là Cấp sự trung Lộ Doãn Địch phụng mệnh đi sứ sang Triều Tiên, khi thuyền của ông gần đến My Châu thì sóng thần kéo tới, bỗng dưng Bà xuất hiện và dẫn con thuyền đi yên ổn, từ đó danh tiếng của Bà càng lan xa. Năm sau khi ông trở về, hoàng đế nhà Tống đã ban tặng cho ngôi đền thờ Bà tên “Thuận Tế Miếu”. Năm 1155, không rõ vì lý do gì bà được phong là Linh Huệ Phu Nhân. Công đức của Bà còn được nhắc đến khi cứu trận hạn hán năm 1187 và 1190 ở Trung Quốc. Năm Tống Quang Hy thứ 3 (1192), vì có công trừng trị bọn cướp biển mà Bà được thăng bậc từ tước Phu Nhân đổi thành tước Phi và vài năm sau Bà được phong Thánh Phi. Đến đầu thế kỷ XIII, Bà được cư dân vùng duyên hải Nam Trung Hoa thờ tự nhiều. Trên tấm bia đá được dựng năm 1228 tại đền thờ Bà ở Hàng Châu kể lại như sau: có một luồng sáng siêu nhiên bất chợt hiện trong đêm bên bờ biển My Châu, tất cả những người dân ở nơi đó đều mơ thấy một cô gái nói với họ: “Ta là nữ thần My Châu, phải để ta ở đây”. Sau sự kiện này, người dân lập một ngôi đền thờ Bà trên bãi biển. Đến năm 1278, hoàng đế Mông Cổ là Hốt Tất Liệt phong Bà chức Thiên Hậu. Đến thời Minh Thành Tổ Châu Đệ, Bà được phong là Thiên Phi. Đến thời Khang Hy nhà Thanh lại phong là Thiên Hậu nên danh hiệu Thiên Hậu Thánh Mẫu còn lưu lại đến ngày nay… Hơn mười thế kỷ trôi qua, từ đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh và trải dài cho đến tận ngày nay, người Hoa đã thêu dệt lên rất nhiều câu chuyện về sự linh ứng của Bà và xây dựng nhiều đền miếu để thờ tự Bà. Bà đã trở thành vị thần Biển, vị Hải thần luôn theo cùng con người trên các chuyến hải trình đầy gian nan, nguy hiểm.

Ở Đà Nẵng, việc thờ cúng Thiên Hậu được duy trì từ trước đến nay tại Hội quán Trung Hoa (còn gọi là Thiên Hậu cung, số 407 Phan Chu Trinh, quận Hải Châu). Tại đây, khám thờ Bà được đặt trang trọng ở giữa gian chính điện, bên trong là tượng Bà trong tư thế ngồi với gương mặt hiền từ, đầu đội mũ cửu long, ngoài khoác tấm áo choàng màu đỏ thêu kim tuyến lộng lẫy, cổ đeo tràng hạt,... Phía trước khám thờ là bàn hương án, hai bên đặt Lão Bộ cùng hai chiếc lọng màu đỏ đính kim tuyến lấp lánh. Đặc biệt, bên phải hương án người ta còn đặt một chiếc thuyền gỗ nhỏ còn gọi là thuyền Thuận phong, đây là biểu tượng phương tiện đường biển của người Hoa di cư và cũng tượng trưng cho công lao của Thiên Hậu đã phò trì người Hoa khi thiên di sang Việt Nam.

Tại Thiên Hậu cung, người Hoa đi lễ hầu hết các ngày trong tháng. Nhưng ngày vía Bà (23.3 âm lịch) được xem là ngày hội lớn của cộng đồng người Hoa ở Đà Nẵng. Vào những ngày này, mọi người trong và ngoài Bang Hội đem lễ vật và nhang đèn đến cầu cúng rất đông. Đây được xem là dịp để cộng đồng người Hoa có dịp gặp gỡ nhau, cùng nhau ôn lại những chuyện đã qua, đồng thời nhắc cho lớp trẻ nhớ đến nguồn gốc của quê hương dân tộc, cùng nhau bàn bạc phương hướng giúp đỡ những người trong Bang Hội đang gặp cảnh khốn cùng.

Có thể nói, Thiên Hậu Thánh Mẫu là vị Hải thần trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa được thờ tự ở rất nhiều nơi trên thế giới. Ở Đà Nẵng, tín ngưỡng thờ Thiên Hậu của cộng đồng người Hoa cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Trải theo thời gian, tín ngưỡng Thiên Hậu của người Hoa đã có những nét mới, Bà không chỉ là vị thần trong tín ngưỡng của riêng người Hoa mà người Việt ở Đà Nẵng cũng cung thờ Bà, họ cầu lộc, cầu may, cầu tự, cầu xin sự phù hộ, độ trì của Bà… tất cả đã tạo nên sự phong phú đa dạng của quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa giữa hai tộc người cùng sinh sống trên mảnh đất Đà Nẵng trong những thế kỷ qua.

 

V.H.A